SÀI GÒN (NV) - Năm nay, 2016, là đúng 45 năm ngày mất của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương (1971-2016), Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðại Úy Ðương hy sinh tại chiến trường Hạ Lào vào đầu năm 1971, và được mọi người biết đến như một huyền thoại qua tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, “Anh Không Chết Ðâu Anh.” Phóng viên Việt Hùng của Người Việt đến thăm bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai, tại tư gia ở Quận 11, Sài Gòn và được bà dành cho cuộc phỏng vấn dưới đây.
Bà Trần Thị Mai bên di ảnh chồng. (Hình: Việt Hùng/Người Việt) |
Việt Hùng (NV): Xin bà cho biết ký ức về thời gian Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương hy sinh ở mặt trận Hạ Lào?
Bà Trần Thị Mai (TTM): Tôi còn nhớ những ngày đó, nó rơi vào những ngày cuối Tháng Hai Dương Lịch, 1971. Lúc đó tôi lên phòng hậu cứ để lãnh lương của anh Ðương, thì được một người lính nhảy dù, buồn bã nói với tôi là “một tuần nữa chắc chị có khăn mới đeo.” Lúc đó tôi không biết khái niệm “khăn mới” là gì hết.
Một tuần sau, tôi nhận được giấy báo mất tích của anh Ðương tại đồi 31, căn cứ Hạ Lào (tức vào sâu trong vùng biên giới nước Lào khoảng 25km). Lúc đó tôi vẫn còn hy vọng. Tôi cầu nguyện và xin lá xâm trên chùa, thì được thầy cho biết là “người này đang gặp đại nạn.” Tuy vậy, tôi vẫn còn rất tin tưởng là chồng mình còn sống.
Thế nhưng anh Ðương, ảnh rất là “linh.” Sau đó khoảng 3 ngày thì tôi nằm ngủ mơ, trong giấc mơ, tôi thấy anh Ðương về nhà trong tình trạng bị thương ở chân, vẫn còn mặc bộ đồ lính và nói với tôi là “lần này anh đi không trở lại được, em ở nhà ráng nuôi các con khôn lớn. Anh vẫn luôn che chở cho mẹ con em.” Tôi òa khóc! Giật mình tỉnh dậy thì không thấy ai bên mình hết. Lúc đó thì tôi tin là anh Ðương đã mất.
Sau đó đúng 3 ngày thì tôi nhận được giấy báo tử của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đề ngày mất là 24 Tháng Hai, 1971, nhằm 29 Tháng Giêng, năm Tân Hợi. Bởi vậy gia đình tôi vẫn luôn cúng giỗ cho anh Ðương vào ngày 29 tháng Giêng âm lịch. Năm nay là nhằm ngày 7 Tháng Ba Dương Lịch.
Với bà Mai, “anh Ðương vẫn mãi sống trong tim mình.” (Hình: Việt Hùng/Người Việt) |
NV: Về thông tin những giây phút cuối đời của Ðại Úy Ðương, bà có nắm được gì không?
TTM: Lần cuối anh Ðương ở nhà là vào Mồng Một Tết Tân Hợi 1971. Qua ngày Mồng Hai anh được lệnh phải vào gấp trong trại, và anh gọi điện về là sẽ đi chiến dịch quan trọng, nên mẹ con ở nhà ăn tết vui vẻ. Sang Mồng Ba thì toàn bộ Sư Ðoàn Nhảy Dù đã âm thầm di chuyển bằng không vận từ các căn cứ gần Sài Gòn ra Ðông Hà, Quảng Trị.
Lần lượt các đơn vị Dù đã được không tải đến những địa điểm ấn định từ trước, phối hợp với các đơn vị khác, thực hiện cuộc hành quân mang tên là “Hành Quân Lam Sơn 719” nhằm tiến quân đánh thẳng vào các căn cứ tiếp vận quan trọng của Cộng Sản ở đường mòn Hồ Chí Minh, vùng Hạ Lào (tức là vượt biên 25 km qua lãnh thổ Lào). Con số 719 là gồm 71 là năm 1971 và số 9 là Quốc Lộ 9, con đường huyết mạch để chuyển quân trong chiến dịch này. Vì vậy có tên gọi “Hành Quân Lam Sơn 719.”
Sau này khi tôi nghe các anh lính cũng là lính Nhảy Dù trong chiến dịch hành quân Lam Sơn 719 kể lại thì lúc giáp chiến với quân đôi Bắc Việt là vào 19 giờ tối ngày 24 Tháng Hai, 1971. Cả pháo đội 3 của anh Ðương đều bị trúng đạn, đường tiếp viện bị cắt, biết không thể thoát, anh Ðương ra lệnh cho các anh em tuyến dưới ai tháo chạy được thì cứ chạy. Còn anh Ðương vẫn ở lại với một chân bị thương rất nặng, sau đó anh tuẫn tiết bằng khẩu súng tự bắn vào đầu mình.
Qua hôm sau là ngày 25 Tháng Hai, 1971, cả căn cứ 31 thuộc vùng Hạ Lào đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của quân đội Bắc Việt. Rất nhiều người lính VNCH đã bỏ mạng nơi đây... (khóc)
NV: Rồi sau năm 1975 cuộc sống gia đình bà ra sao?
TTM: Từ năm 1971 đến 1975 thì tôi vẫn còn lương của chính quyền VNCH, nên tuy một mình, tôi vẫn đủ nuôi 4 đứa con (3 trai 1 gái). Tuy nhiên sau năm 1975 thì cuộc sống gia đình tôi bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn. Ðầu tiên là từ phía chính quyền CSVN, thời gian đầu họ “kiểm tra hộ khẩu” nhà tôi liên tục. Có nhiều đêm tôi không dám ở nhà vì sợ cảm giác “gõ cửa lúc nửa đêm.”
Vì hoàn cảnh quá khó khăn, tôi làm đủ thứ nghề mà vẫn không khá được. Các con tôi đều không được học hành đàng hoàng. Lớn lên một tí thì hai đứa con trai lớn vì không chịu nổi hoàn cảnh và đã đến tuổi đi “bộ đội” (trên 18 tuổi, luật của CSVN là bắt đi nghĩa vụ quân sự), nên đã bỏ trốn qua Campuchia làm nghề cạo mủ cao su. Rồi cả hai đều mất vì những căn bệnh hiểm nghèo. Có lẽ hít phải mùi cao su quá nhiều và ăn uống kham khổ nên đổ bệnh.
Nguyễn Viết Xa, con trai cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, bên bàn thờ thân phụ. (Hình: Việt Hùng/Người Việt) |
Ðứa con trai út đang sống với tôi là Nguyễn Viết Xa, năm nay đã 47 tuổi, lúc bố mất, nó mới có 2 tuổi à. Hiện nay nó đang làm nghề chạy xe ôm. Còn đứa con gái thì lấy chồng ở bên phía nhà chồng.
Bản thân tôi năm nay đã bước sang tuổi 76, bệnh tật đầy mình, một con mắt đã mù hẳn vì nhà sập trong quá khứ. Hiện nay căn nhà tôi đang ở là của bố mẹ chồng (tức bố mẹ anh Ðương).
NV: Với tư cách là vợ người anh hùng đã hy sinh vì sự bình yên của miền Nam, bà có mong muốn điều gì?
TTM: Với tôi thì tuổi đã già, tôi không mong muốn gì hơn là có thể được sang vùng Hạ Lào năm xưa, để hỏi thăm về tin tức anh Ðương. Tôi biết là rất khó có thể tìm được xương cốt của ảnh, nhưng ít ra tôi có thể chứng kiến được vùng đất nơi anh ấy đã bỏ mạng. Từ ngày anh ấy mất cho đến giờ, tôi chưa một lần được sang vùng đất đó, vì nhiều lý do, trong đó vì không có kinh phí và người dẫn đường, cùng với những bộn bề của cuộc sống làm tôi vẫn chưa thực hiện được mong muốn của mình.
NV: Với những thăng trầm của cuộc sống, điều gì khiến bà cảm thấy hối tiếc nhất, và tự hào nhất?
TTM: Ðiều tôi hối tiếc là chưa nuôi dạy con được tốt. Bốn đứa con không đứa nào được học hành đàng hoàng. Hai đứa đầu thì đã mất, đứa con gái lấy chồng thì cũng tạm ổn, nhưng thằng con trai út thì vẫn phải hành nghề xe ôm kiếm sống qua ngày. Tôi có lỗi với anh Ðương về điều này (khóc).
Còn điều tôi tự hào nhất thì chắc chắn là về anh Ðương. Tôi tự hào khi có được người chồng anh dũng như vậy. Bản thân tôi không “đi bước nữa” cũng vì lý do này. Với tôi anh Ðương vẫn luôn là người anh hùng trong tim tôi!
Cho đến bây giờ, lâu lâu tôi vẫn mở bản nhạc “Anh Không Chết Ðâu Anh” để nghe. Tôi thuộc làu từng lời bài hát đó, nhưng vẫn cứ thích nghe đi nghe lại và ngồi hát một mình vu vơ (cười).
NV: Cảm ơn bà đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này. Xin chúc bà được nhiều sức khỏe và mong bà sớm thực hiện được ước muốn của mình là được sang vùng Hạ Lào để nhìn thấy nơi Ðại Úy Ðương đã anh dũng hy sinh. Biết đâu điều kỳ diệu sẽ đến, khi bà tìm được xương cốt của cố đại úy.
TTM: Cảm ơn Người Việt rất nhiều. Xin chúc độc giả quý báo một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Anh Không Chết Ðâu Anh
Tác giả: Trần Thiện Thanh
Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Ðương
Tôi vẫn thấy đêm đêm, một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào, từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi
Tôi vẫn thấy đêm đêm, một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào, từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi
Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang, trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh
Anh vẫn sống thênh thang, trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh
Ôi đất mát trên đồi xanh, tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Ðâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia, lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh
Ðâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia, lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh
Không, anh không, anh không chết đâu em, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh...
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh...
**
Con trai ‘người anh hùng tên Ðương’
chạy xe ôm ở Sài Gòn
SÀI GÒN (NV) - Ở Sài Gòn, nếu có dịp đi ngang qua ngã tư Dương Tử Giang-Nguyễn Chí Thanh, phường 4 quận 11, có thể chúng ta sẽ bắt gặp một người đàn ông có nét da ngăm đen, cao to và hiền lành, hành nghề lái xe ôm. Ít ai biết người đàn ông có cái tên Nguyễn Viết Xa ấy lại là con trai út của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, “Người anh hùng Mũ Ðỏ,” nhân vật chính trong ca khúc “Anh không chết đâu anh” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Anh Nguyễn Viết Xa bắt đầu một cuốc xe chở khách trên chiếc xe đã quá cũ của mình. (Hình: Việt Hùng/Người Việt) |
Mười hai giờ trưa ngày 15 tháng 3 năm 2016, chúng tôi ngồi ở một quán cà phê cóc ven đường Nguyễn Chí Thanh, quan sát bác tài xế xe ôm “đặc biệt” này. Khi không có khách, anh dựng chân chống đứng xe lên, rồi ngồi lên yên xe quan sát từng người đi đường qua lại. Thấy một người trẻ đi bộ ngang qua, anh đứng xuống đất, giơ tay vẫy: “Xe ôm nhé! Về đâu anh chở, giá phải chăng thôi?” - “Cảm ơn. Em có bạn đến đón rồi,” - người bạn trẻ trả lời. Anh đành ngồi lên lại yên xe, chờ cơ hội khác.
Tôi đưa ly cà phê đến, ngồi bắt chuyện với anh. Có người trò chuyện, anh dốc bầu tâm sự: “Bây giờ taxi nhiều, giá cũng khá bình dân, khách đi “mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu,’ nên cánh xe ôm tụi anh ế lắm. May thì kiếm được dăm, ba chục nghìn đồng mỗi ngày. Nhưng có không ít hôm ‘lỗ’ cả tiền xăng.”
“Nói thật với em, không nghề ngỗng gì, mới chạy xe ôm chứ đứng phơi mặt ra đường hết ngày này qua ngày khác, hết năm nọ sang năm kia, nắng mưa không cần biết, khá sao được?” Ðang chuyện vui, thấy có khách đến hỏi, anh Xa chào tôi rồi cùng khách, rú ga cho xe chuyển bánh.
Chiếc xe Dream “Made in China” cũ nát từ từ lăn bánh. Khách hàng là một người đàn ông đứng tuổi, dáng vẻ khắc khổ, hỏi ra mới biết là người dân ở quê lên Sài Gòn khám bệnh. Anh Xa chở khách tới bệnh viện Chợ Rẫy, xuống xe anh lấy 10,000 đồng (gần 50 xu Mỹ) rồi nở nụ cười, “chúc anh mau lành bệnh nhé!”
Quay xe về chỗ cũ, lần này tôi có dịp được quan sát “cần câu cơm” của anh một cách tỉ mỉ hơn. Phải nói là chiếc xe quá cũ, đèn xi nhan phía trước đã bị bể. Anh Xa cho biết: “Anh mua xe này cũng được 10 năm rồi. Hồi đó có người ở Úc gửi cho mẹ anh 200 đô la, anh mới bán chiếc Honda cup 50cc đời cũ, để chuyển sang xe này. Tuy là của Trung Quốc, nhưng phân khối cũng được 100cc.”
Với 20 năm trong nghề chạy xe ôm, anh Xa cho hay: “Nếu là khách lạ bảo chở đi xa, nếu thấy khách có vẻ hiền lành thì mới nhận lời. Nếu mặt mũi bặm trợn là phải từ chối khéo. Còn nếu là khách quen, đi xa như về Ðồng Nai, Vĩnh Long hay Bình Dương... thì luôn sẵn lòng.”
Trong những ngày chạy xe, anh Xa cũng đã gặp không ít những chuyện khó lường. Anh kể: “Ba năm trước, tôi chở một đàn ông khoảng 50 tuổi, nhìn vẻ bề ngoài thấy mặt mũi hiền lành, đi Tây Ninh. Ðến đoạn bãi tha ma vắng vẻ, anh này bảo chở vào tận bên trong rồi mới trả tiền. Thấy vậy, tôi vờ dừng xe mua nước rồi hỏi người dân xung quanh thì họ bảo đừng vào, vì nhiều vụ xe ôm bị cướp đã xảy ra ở đó. Nghe vậy, tôi thấy rợn cả người, quay ra đòi tiền khách, nhưng anh ta không trả mà đi thẳng. Tôi đành ngậm ngùi về.”
“Làm xe ôm tuy có vất vả, nguy hiểm, nhưng mỗi ngày có thể kiếm được 100 ngàn đồng (khoảng 5 đô la Mỹ) sau khi đã trừ tiền xăng xe, ăn uống. Còn những hôm trời mưa, không có nhiều khách, kiếm được vài chục ngàn cũng cảm thấy vui,” anh Xa cho biết.
Anh Nguyễn Viết Xa khi đậu xe ở ngã tư Dương Tử Giang-Nguyễn Chí Thanh chờ đón khách. (Hình: Việt Hùng/Người Việt) |
*Tự hào về người cha anh hùng quá cố
Gian nan là thế, nhưng khi nhắc đến người cha của mình, ánh mắt anh sáng hẳn lên, khuôn mặt hởn hở và anh kể: “Lúc cha anh mất, anh chưa đầy 2 tuổi. Cái tuổi chưa hiểu được sự mất mát khi không có cha là gì?”
Lớn lên đi học, thấy bạn bè ai cũng được có ba đến đón khi tan trường. Anh mới bắt đầu thấy “có sự khác biệt.” Lúc đó tôi có hỏi mẹ tôi thì chỉ được mẹ bảo là “cha đi công tác xa chưa về, nên con cố gắng chăm ngoan, học giỏi thì lúc cha về mới có quà.”
Ngày tháng tuổi thơ cứ thế trôi qua. Bốn anh em chúng tôi chở nhau đi học. Mẹ tôi lúc đó bán hàng nhỏ ở chợ chồm hổm hỏm gần nhà. Nhưng sau này khu chợ này cũng bị chính quyền dẹp không cho bán, vì lấn chiếm lòng lề đường.
Lúc tôi lên 15 tuổi, mẹ tôi mới kể sự thật về ba tôi. Lúc đó trong lòng tôi đã bắt đầu cháy lên một niềm tự hào về cha mình. Qua thời gian sau, được nghe những người lính Nhảy Dù kể về cha tôi, tôi mới biết được “cha tôi là một anh hùng.”
Anh Nguyễn Viết Xa thắp hương trên bàn thờ của cố Đại uý Đương trong ngày giỗ cha. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
|
Với khuôn mặt chùng xuống, nét mặt buồn vơi đi như muốn trào ra nước mắt, anh Xa tiếp lời: “Nhưng thời thế nó vậy em à. Là một người lính chết ngoài xa trường, thì âu cũng là chuyện thường. Cái anh đang lo và thương nhất là mẹ anh.”
“Ngày tụi anh còn bé, mẹ anh làm đủ thứ nghề, từ buôn bán nhỏ lẻ ở chợ, rồi sang bưng bê phục vụ quán ăn. Ban ngày đi làm, ban đêm về còn phải lo những công việc như nấu ăn, giặt áo quần và dạy chúng tôi học bài.”
“Anh có mong muốn điều gì ở hiện tại?” Anh Xa cho biết: “Anh đã li dị vợ từ lâu rồi, lại không có con nên chỉ sống với mẹ mà thôi. Bây giờ mẹ cũng đã lớn tuổi, mà anh suốt ngày cứ rong ruổi ngoài đường thì thấy không yên lòng. Bởi vậy nếu có chút vốn thì anh sẽ mở một tiệm tạp hóa bán ở nhà để vừa có thu nhập mà vừa được gần mẹ hơn.”
Trả lời cho câu hỏi: “Có khi nào anh oán trách cha mình?, vì nếu còn có cha, chắc chắn đời anh đã khác?” Anh liền trả lời: “Không bao giờ có chuyện oán trách đâu em. Ðúng là có lúc anh đã nghĩ nếu còn có cha, chắc chắn anh sẽ không khổ như bây giờ. Nhưng mọi chuyện đã qua rồi. Anh tự hào khi cha anh đã có cái chết vì lý tưởng bảo vệ sự bình yên của miền Nam Việt Nam.”
“Nếu cho anh được lựa chọn lại. Anh vẫn sẽ chọn làm người con của ba anh. Cuộc sống của anh có thể nghèo, nhưng khi nói về cha, anh có khối ‘tài sản’ để tự hào mà lấy ra để kể cho bạn bè.” Ðó là cảm nghĩ của anh Xa khi nói về người cha quá cố của mình, Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, mà nhiều người biết đến với tên gọi “Người anh hùng Mũ Ðỏ tên Ðương.”
Việt Hùng/Người Việt
No comments:
Post a Comment