Sunday, March 27, 2016

Kỷ niệm ngày giỗ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang: những bài hát cho quê hương Việt Nam








Cách đây 5 năm, vào ngày 27/03 năm 2011, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của phong trào Du Ca Việt Nam, đã đi về cõi vĩnh hằng. Nhưng những ca khúc của ông thì vẫn còn vang vọng mãi trong cộng đồng người Việt cả trong nước lẫn hải ngoại.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang cùng một số thân hữu đã sáng lập ra phong trào Du Ca tại Việt Nam vào năm 1966. Mặc dù ông cũng có những bài nhạc tình rất nổi tiếng (Bên Kia SÔng, Vì Tôi Là Linh Mục…), nhưng những bài du ca mới là dấu ấn để đời của Nguyễn Đức Quang.

 Nhạc du ca rực lửa vì lòng yêu nước dạt dào. Nhạc du ca đầy hào khí, vì kêu gọi người thanh niên không đầu hàng trước số phận của quốc gia, dân tộc, mà hãy đứng lên góp một bàn tay để xây dựng một đất nước tan thương vì chiến tranh. Nhạc du ca ngợi ca quê hương Việt Nam.

   Có nhiều ca khúc du ca Nguyễn Đức Quang ghi nhận lại hình ảnh của một Việt Nam trong chiến tranh. Có những nét đẹp buồn vì khói lửa chinh chiến. Có khi đau thương mà vẫn kiêu hùng. Được nghe chính Nguyễn Đức Quang hát, người nghe sẽ thấy hồn quê hương của những bài hát này bộc lộ rõ nét. Nguyễn Đức Quang có cách tự trình bày những ca khúc của mình khá giống nhạc sĩ Phạm Duy. Đơn giản, mộc mạc, nhưng lột tả được điều mình cần nói.

   Ca khúc Chiều Qua Tuy Hòa hình như là ca khúc duy nhất của nền tân nhạc Việt Nam viết cho thành phố nghèo, nhỏ bé, nằm giữa đoạn đường đi từ Nha Trang ra Qui Nhơn này. Ai đã từng đi ngang qua Tuy Hòa vào một buổi chiều mới thấy Nguyễn Đức Quang đã tả cảnh hay như thế nào. Chỉ khi đi trên Quốc Lộ 1 từ Tuy Hòa về Nha Trang, những hôm nào trời quang mây tạnh, thì người đi mới thấy được xa xa Hòn Vọng Phu, nằm cheo leo trên sườn núi Đèo Cả:

Ngày xưa tôi đã đi qua Tuy Hòa

Trời xanh le lói bao mộng mơ

Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió

và đâu đây tiếng sông bồi phù sa

Ôi, những chiều mây vắt ngang lưng đèo


Vọng Phu đưa mắt cũng buồn theo…

Có lẽ vào một buổi chiều, Nguyễn Đức Quang đã dừng bên Quốc Lộ 1, đứng ở bên cầu sông Đà Rằng, nhìn về hòn Vọng Phu trong ánh hoàng hôn, trong lúc những đàn chim tìm về tổ, nên đã viết nên một giai điệu đơn sơ, man mác buồn và đẹp đến thế! Cũng chính giai điệu đó, Nguyễn Đức Quang đã miêu tả nét đẹp buồn đặc trưng của những tỉnh Miền Trung:

…Đường đi đưa tới phía Nam nhưng lòng

triền miên ray rứt theo miền Trung

Cầu xưa xơ xác sau cơn bão tố


(còn) người dân tan tác bên đường ngẩn ngơ…

Ôi, Miền Trung của thiên tai. Miền Trung của chiến tranh. Người dân Miền Trung tan tác, ngẩn ngơ là vậy…
Một ca khúc nữa cũng được Nguyễn Đức Quang viết trên những nẻo đường đất nước đó là bài Đường Việt Nam. Một người bạn kể rằng trong một chuyến rong duổi từ Đà Lạt về Sài Gòn, Nguyễn Đức Quang đã cảm hứng sáng tác ca khúc này:
Đường Việt Nam ôi vô cùng, vô tận,

Đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn.

Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng,

Mỗi xóm làng một dở dang…

…Đường mồ hôi tràn đến lưng đồi,

Lúa yêu người hẹn cùng bước rong chơi


Mỗi con đường, mỗi xóm làng Việt Nam đều dở dang vì in hằng dấu vết chiến tranh. Nhưng không phải vì vậy mà lúa không đơm bông. Người Việt Nam, đường Việt Nam lúc nào cũng nuôi hy vọng, cho dù biết là vẫn còn đầy gian khó:

…Đường của ta đưa ta về thanh bình

Đường an lành, đường thảnh thơi những ngày vui.

Đường Việt Nam mời những bước chân rời.


Sát nhau lại vì đường vẫn còn dài… 

Cho đến giờ này, sau nửa thế kỷ, lời kêu gọi sát cánh bên nhau của Nguyễn Đức Quang vẫn còn nguyên giá trị, vì đường đi vẫn chưa tới với những người Việt Nam yêu nước thương nòi.

(nghe Đường VIệt Nam trên youtube:
https://www.youtube.com/watch?v=FISsMAr2Al4)

Ca khúc viết cho quê hương bi hùng nhất của Nguyễn Đức Quang, và cũng là ca khúc được nhiều người Việt cả trong lẫn ngoài nước hát nhiều nhất, đó chính là bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.
 Hầu như dân “đấu tranh” ở hải ngoại nào cũng thuộc bài này. Hiện nay, những người biểu tình phản kháng trong nước cũng đã hát , để kêu gọi chí khí quật cường của dân tộc, hiện đã bị ru ngủ quá lâu dưới ách cai trị của chế độ CSVN:

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn

Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm

Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người

Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi

Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi

Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại

Xương da thịt này cha ông ta miệt mài

Từng ngày qua cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi

Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang

Trên bàn chông hát cười đùa vang vang

Còn Việt Nam  Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng


Hãy hát thay cho Nguyễn Đức Quang, để những con đường Việt Nam sẽ có được một ngày vui, và người Việt Nam tìm lại được khí phách ngạo nghễ của cha ông thuở nào…

Cung Mi / SBTN

No comments:

Post a Comment