Saturday, November 14, 2015

Nhạc sĩ Anh Bằng, biểu tượng miền Nam tự do và giấc mơ chưa thành


ORANGE, California (NV) - “Anh Tuấn Nguyễn thân mến, bác Anh Bằng đang bị bệnh khá nặng, tuy nhiên sẽ cố gắng với anh để góp đôi lời với độc giả ngày Xuân.”
Ðó là những dòng chữ cuối cùng mà tôi nhận được từ email của nhạc sĩ Anh Bằng gửi đến, ngày 28 Tháng Chín. Và từ ngày ấy đến hôm nay, tôi không còn nhận được bất cứ tin tức gì của ông nữa, cho đến gần đây, bạn bè và anh chị em nghệ sĩ báo tin cho nhau về chuyện sức khỏe của ông. Yếu lắm rồi!


Nhạc sĩ Anh Bằng. (Hình: Trung Tâm Asia cung cấp)

“Ngày mai mình đi sớm đến thăm bác Anh Bằng nha anh. Bác coi bộ không xong rồi anh ơi!” Ca sĩ Lâm Thúy Vân nói với tôi trong nước mắt, và bài viết này tôi viết với những kỷ niệm khi được hân hạnh làm việc với bác, trong thời gian gần đây.
Dù rằng thân nhân của nhạc sĩ Anh Bằng muốn để ông được nghỉ ngơi bên con cháu và người thân yêu tại tư thất ở Orange Hill, nhưng nhiều người, đặc biệt anh chị em nghệ sĩ, quý mến ông vẫn muốn đến thăm để chờ có đôi lúc ông nở nụ cười với người thân yêu và con cháu, và các người thân thuộc quây quần.




  Ðược biết tình trạng sức khỏe của nhạc sĩ Anh Bằng được quan tâm từ vài năm sau này, nhất là sau chuyến đi trình diễn thành công tại Úc, rồi đến Texas, và những chuyến đi dự trù kế tiếp tại San Jose và Seattle đã phải hoãn lại.
Dù vậy một số chủ đề mang tên của nhạc sĩ Anh Bằng vẫn được chọn là chương trình chủ đề và luôn đạt đến sự thành công trên nhiều phương diện.
Nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1925 hoặc 1926, lớn lên ở Thanh Hóa, từng là chủng sinh Tiểu Chủng Viện Ba Làng, gần trước những năm đất nước chia đôi.

    Ông từng bị kết án nặng nề sau khi bị giam giữ ở trại tù số 5 Lý Bá Sơ, Thanh Hóa, sau khi người anh là chỉ huy trưởng tự vệ, Ðại Úy Trần An Lạc, bị Việt Minh hạ sát ở Phát Diệm.
Số lượng tác phẩm của ông rất đồ sộ, với nhiều ca khúc, chưa kể các vở kịch từng đoạt giải thưởng, nhạc chính huấn, nhạc đáp ứng chương trình phát thanh thương mại.
   
     Những năm cuối đời ông tập trung dĩa nhạc thánh ca Công Giáo, nhưng không thể hoàn tất, vì tình trạng sức khỏe không cho phép, ngoại trừ khoảng 10 ca khúc trữ tình thắm thiết trong số này được giao phó cho Lâm Nhật Tiến, Y Phương, Nga My, nhưng tất cả vẫn chưa có cơ hội đến với khán thính giả yêu mến dòng nhạc của ông.
       Những tác phẩm của ông gồm: “Nỗi Lòng Người Ði,” “Ðêm Nguyện Cầu,” “Nửa Ðêm Biên Giới,” “Huynh Ðệ Chi Binh,” “Tiếc Thầm”... đã biểu lộ tấm lòng sắt son với miền Nam tự do, người chiến sĩ trong quân đội, sang đến chiến sĩ Chiến Tranh Tâm Lý như “Huynh Ðệ Chi Binh,” “Tiếc Thầm” trên các làn sóng phát thanh và truyền hình của miền Nam Việt Nam.
    Ca khúc “Anh Còn Yêu Em” là liều thuốc giúp giữ vững tinh thần chiến đấu không suy sụp, khích lệ các chiến sĩ vững tâm nơi biên giới, không lúc nào ngơi nghỉ, từ chiến trường miền Trung Việt Nam.

  Càng về những năm cuối đời, nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng có khuynh hướng triết lý nhân sinh, lãng mạn nhìn lại đời mình nhẹ nhàng bay bổng.
    Ông Trần Khải, người cháu đã sống bên cạnh ông ở Sài Gòn, Việt Nam, trước ngày 30 tháng Tư, 1975, cũng như khi ông định cư cùng các người con tại Enumclaw, Washington, vài năm sau năm 1975, tâm tình: “Nhạc của chú như 'con tằm đến thác hãy còn vương tơ' qua một số ca khúc mới, chưa từng được ai biết đến như 'Chia Tay Hư Ảo,' 'Trong Cõi Tình Ta,' 'Lời Khẩn Cầu Vụng Dại,'... rất chân thành và trái tim thơ dại.”
Nhạc sĩ Anh Bằng từng được báo chí và cả Thống Ðốc Christine Gregroire, tiểu bang Washington, vinh danh và tặng cho ông một tấm “plaque” và một bằng tưởng lục năm 2009.
“Tiếng Hò Sông Chu” là ca khúc đầu đời của nhạc sĩ Anh Bằng, khi ông vừa rời Tiểu Chủng Viện Ba Làng, trước khi lãnh án tù ở Lý Bá Sơ.
Nhạc sĩ Anh Bằng là người sáng lập trung tâm Asia, uy tín và được yêu mến, đồng thời giúp tạo lập hai trung tâm Dạ Lan và Mây Productions với những đóng góp vô số cho nền âm nhạc và cộng đồng hải ngoại.
   Nhật báo Người Việt sẽ có những tin tức cập nhật về sức khỏe từ trung tâm Asia và gia đình của nhạc sĩ Anh Bằng.
Mong những người thân, những khán thính giả, từng luyến tiếc và yêu chuộng dòng nhạc biểu tượng của lòng son sắt với quê hương, chan hòa tiếng nói của trái tim cùng cầu nguyện cho sự bình an của ông trong giờ phút này.

Ðức Tuấn/Người Việt

No comments:

Post a Comment