Có thể nói, tất cả làng mạc miền Nam nằm dọc theo hai bên dòng kinh,
dòng rạch, bên con đường làng, con đường liên tỉnh với nét đặc thù của
nó.
Nghĩa là làng mạc miền Nam phải nằm trên trục giao thông đường thủy,
đường bộ. Khác với miền Trung mà tôi có dịp đi vào những làng quê ở Diên
Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa (Nha Trang), ở Tuy Phong, Phan Lý Chàm (Phan
Thiết), làng quê ở rải rác theo chân núi hay trên những thửa ruộng nhỏ
với những lối mòn theo con đê nhỏ dẫn ra quốc lộ 1. Lại càng không giống
với buôn làng miền cao nguyên như Ban Mê Thuộc, Lâm Đồng, Pleiku,
Kontum.
Tắc ráng chạy trên sông Sa Đéc - Hình do BH chụp
Theo ước lệ, nói tới làng quê, trong văn chương người ta
hay nói đến lũy tre làng, cây đa, bến đò v.v... Riêng ở miền Nam, làng
quê cũng có trồng tre nhưng không có lũy tre. Vì địa giới mỗi làng rộng
bao la, làm sao có đủ tre để trồng thành rào, thành lũy. Tre được bà con
trồng một vài bụi để dành cho việc cần thiết của nhà nông như làm gọng
cày, gọng bừa, làm cộ bò, cộ trâu hoặc đan rổ, đan thúng, đan nia, đan
rế, hoặc dùng làm rui, mè, cột, kèo để cất nhà, cất trại v.v...
Nhưng
bến đò thì có thật, vì miền Nam sông ngòi như mạng nhện, việc đi lại từ
nơi này đến nơi khác có khi phải đi qua nhiều bến đò, bến bắc mới tới
nơi được. Chẳng hạn muốn đi từ Sa Đéc lên Tân Châu phải đi qua hai bến
đò của con sông Cửu Long là đò Vàm Cống (Long Xuyên) và đò Châu Giang
(Châu Đốc). Hoặc từ Mỹ Tho muốn về Bến Tre phải đi qua bến đò Rạch Miễu.
Nếu từ Cần Thơ muốn qua Trà Ôn phải đi đò dọc từ bến Ninh Kiều chạy
thẳng qua Trà Ôn hoặc đi đò dọc xuống chợ Cái Côn rồi từ đây đi đò ngang
qua Trà Ôn với khúc sông rộng của sông Hậu Giang với sóng to, sóng lưỡi
búa thường trực, rất nguy hiểm. Riêng từ làng này đến làng bên cạnh
việc qua đò ngang, đò dọc dường như là một trong những điều không thể
thiếu, lúc nào cũng phải ngồi chờ đò, phải xuống đò, phải sang sông dù
sông lớn hoặc sông nhỏ. Do đó, hình ảnh ông lái đò, chiếc đò nhỏ, với
bến nước có khi đầy lúc nước rong hoặc cạn sát khi nước kém là hình ảnh
quen thuộc, thân yêu trong các làng mạc miền Nam, ở đâu cũng có, chỗ nào
cũng gặp, không thể tách rời được trong đời sống thường của người nông
dân, của cư dân trong làng, của khách phương xa qua lại.
Nhà cửa và bến sông. Hình do BH chụp
Và
cũng chính vì sông rạch chằng chịt, chúng ta đi vào làng mạc miền Nam,
nơi nào cũng thấy cầu khỉ với những chiếc nọc tre, những khúc gáo, khúc
gòn, khúc sao nối liền bờ bên này với bờ bên kia con sông, con mương,
con rạch. Hình ảnh chiếc cầu khỉ với làng mạc miền Nam như hình với bóng
không thể tách rời ra được, nó làm cho bức tranh quê thêm hữu sắc, hữu
tình.
Có thể nói đặc tính tổng quát của làng mạc miền Nam là sự
trù mật, là sung túc, là vườn cây ăn trái, là đất thổ cư, là một màu
xanh của chuối, của dừa, của cau, là một màu vàng của trầu, của hoa vạn
thọ trước sân, của bông điên điển ngoài đồng, là hương thơm ngào ngạt
của các loài hoa gần gũi thân thiết với người dân quê, với thôn dã như
hoa huệ, hoa dạ lý hương, bông trang, bông điệp, hoa cau, hoa bưởi, hoa
chanh... Con đường làng như chiếc xương sống đi xuyên từ đầu làng đến
cuối làng với hàng rào xương rồng, hàng rào hoa dâm bụt. Dọc hai bên
đường là nhà cửa của cư dân. Nhà cửa của cư dân thường cất quay mặt về
hướng dòng sông, và cặp mé sông là con đường làng. Và nhà nào cũng có
bến sông, có cầu bắc dài ra tới mé nước, cần thiết cho việc xách nước,
tắm giặt hằng ngày.
Vì là vùng đất thấp, hằng năm mực nước sông Cửu Long dâng cao nên nhà
cửa vùng quê miền Nam cũng được xây cất cho phù hợp với mùa nước lên,
nước lụt. Thường nhà có sàn cao, lót ván, lợp lá, vách lá. Loại lá lợp
nhà được chở lên từ các vùng dưới Chương Thiện, Rạch Giá, Vĩnh Long,
Đại Ngãi, Cà Mau v.v. Nghĩa là từ những nơi đất đai mới bồi, còn hoang
dã, chưa trồng được những giống cây ăn trái ở nước ngọt, cư dân ở đó
trồng loại dừa nước này lấy lá lợp nhà, lấy trái ăn cũng được, vì trái
dừa nước lớn bằng cổ tay, có cơm dừa đặc, màu trắng như cơm dừa xiêm,
dừa lửa. Từ nhà này ngăn cách với nhà láng giềng là mảnh vườn cam, vườn
mận, vườn xoài, vườn chuối, vườn dừa. Đôi khi đất thổ cư nhiều quá, mà
con cháu lại ít hoặc có vợ, có chồng đi tứ tán, nhiều cư dân bỏ hoang
cho cây tạp như gáo, sắn, bứa, bần, ngô đồng mọc đầy. Những loại cây này
chỉ dùng làm củi trong việc nấu nướng. Có nhiều người tiếc đất bỏ
hoang, thường trồng tre, trồng sao, trồng dầu, trồng cây bạch đàn hoặc
trồng tràm vào chỗ đất trống như vậy. Những loại cây này rất chậm lớn
nhưng hữu dụng, nhất là ở nhà quê có biết bao công việc cần dùng đến.
Từ xa xưa, tổ tiên đã biết dùng ngói, gạch, đá xây nhà với những cột
bằng loại căm xe, cà chấc, thao lao, dầu với những ngôi nhà “ba gian hai
chái bắc vần” to rộng trên những nền đúc bằng đá cao ráo. Nhưng trải
qua các thời kỳ loạn ly, giặc giã, những ngôi nhà ngói đồ sộ này cũng
cùng số phận của người dân nông thôn bị tàn phá, đổ nát, tiêu điều.
Sau
năm 1954, đời sống của người nông dân dần dần ổn định lại, ruộng vườn
khai mở lại, việc trồng tỉa, lúa thóc khá rồi, người dân ở thôn quê bắt
đầu sửa sang lại, cất lại những ngôi nhà khang trang hơn bằng cây gỗ
chắc chắn hơn, sơn phết đẹp đẽ hơn, càng làm cho làng mạc miền Nam tươi
mát hơn. Nói như thế không có nghĩa không còn những ngôi nhà nghèo ọp
ẹp, lụp xụp bằng lá, bằng tre.
Nhưng, dù nhà gỗ hay nhà tre đều được chủ
nhân gìn giữ vén gọn như câu tục ngữ trong dân gian với nghĩa đen:
“Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
Việc quét dọn nhà cửa, ngoài sân trước
và sân sau nhà, ngoài đường đi, ngoài vườn đủ để nói lên phong cách của
người nông dân, dù quê mùa, dù ít học, dù vất vả việc ruộng đồng, dù bề
bộn đủ thứ nhưng vẫn chuộng sự sạch sẽ, trong sáng, đẹp đẽ, văn minh.
No comments:
Post a Comment