Từ Cần Thơ xuống Rạch Giá, Cà Mau. Xa xa phía dưới là cánh rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ, cánh đồng ruộng bạt ngàn của vùng Thới Lai, Cờ Đỏ hay dòng sông Cái Lớn, sông Cái Bé, sông Ông Đốc của vùng Cà Mau, hoặc kinh xáng Xà No từ Cái Răng, Phong Điền chạy dọc về Vị Thanh, Chương Thiện đổ ra ngã ba Nước Trong chỗ giáp nước kinh số Không, kinh Một của vùng gần Gò Quao, Vĩnh Thuận. Từ Cần Thơ đổ ngược lên Long Xuyên, Châu Đốc hoặc bay qua Cao Lãnh, Kiến Tường dòng sông Cửu Long chia hai nhánh lớn rạch ròi với những phụ lưu là những con rạch nhỏ phủ đầy cây cối um tùm như rạch Ô Môn, rạch Thốt Nốt, rạch Cái Sắn, rạch Tầm Bót, rạch Long Xuyên, rạch Cần Say, rạch Chắc Cà Đao, rạch Mặc Cần Dưng, kinh Ông Quít, rạch Năng Gù, kinh xáng Cây Dương, kinh xáng Vịnh Tre, rạch Cái Dầu thuộc địa phận sông Hậu Giang. Còn phía bên kia là nhánh Tiền Giang với kinh rạch cũng chằng chịt với Thường Phước, Hồng Ngự, Phong Mỹ, Cái Bè, Cai Lậy cùng những con kinh Trời sanh, kinh đào xẻ dọc xẻ ngang chia bình nguyên ra làm nhiều ô, nhiều vùng không kể xiết.
Chưa kể những rừng dừa bạt ngàn dưới kia của xứ sở Bến Tre, hay những cồn, cù lao giữa hai dòng sông Cái chạy dọc từ Châu Đốc xuống tới chín cửa đổ ra biển, là một thế giới đầy mật ngọt của vùng sông rạch Miền Nam. Người nông dân miền Nam thường quen gọi hai nhánh sông Tiền giang, Hậu giang của con sông Cửu Long là sông Cái.
Sau năm 1975, có dịp tôi đi trên những con kinh, con rạch mà tôi đã được nhìn thấy từ trên phi cơ dạo trước, tôi theo mấy người bạn nông dân chở lúa gạo về Sài Gòn bán qua ngã sông Tiền đến Cao Lãnh rồi chợ Phong Mỹ. Từ đây bắt đầu vào kinh Tháp Mười dẫn về Mộc Hoá đi miết ngày đêm qua các thị trấn Thủ Thừa, Bến Lức để về Sài Gòn sau khi qua khỏi cầu Bình Điền. Hoặc một đôi lần đi bằng xuồng vào miệt Phú Hòa, Định Mỹ, Núi Sập để mua hột vịt. Hoặc có lần đi xe đạp qua vùng Chợ Mới, Chợ Thủ, cù lao Giêng. Hoặc xuống vùng Cái Răng, Phong Điền trên kinh xáng Xà No dẫn về Vị Thanh, Chương Thiện, xuống Long Mỹ, Hỏa Lựu, Cầu Đúc Cái Xình, Gò Quao, Vĩnh Thuận v.v. Và còn nhiều nữa. Với những chuyến đi ấy đã cho tôi có những nhận xét về làng mạc miền Nam thực tế hơn, chân xác hơn, cùng những phong cách riêng của miền quê như những nét đặc thù, độc đáo của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xin nhắc một chút về sự hình thành của miền châu thổ này. Theo Thực Lục, Tiền biên, VII, tr 25b và theo giáo sư Cao Thế Dung, nguyên Phó Khoa Trưởng Đại Học Bách Khoa Nông Nghiệp (Viện Đại Học Hòa Hảo):
“Kể từ năm 1701, Quốc Vương Miên là Nặc Ong Yêm bị em là Nặc Thâu phản nghịch với mưu đồ nhờ quân Xiêm (Thái Lan) đưa về cướp ngôi báu. Nặc Ong Yêm yếu thế, buộc lòng phải chạy qua Gia Định cầu cứu với Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sai Vân Trường Hầu Nguyễn Phúc Vân làm chánh thống lĩnh, đốc suất quân thủy bộ đánh tan quân Xiêm ở Rạch Gầm, đưa Nặc Ong Yêm về làm vua như cũ. Vân Trường Hầu được Miên Vương dâng đất, bèn khai khẩn ruộng đất ở xứ Vũng Cù, Bảo Định Giang tức Định Tường, kể từ đó đến lấy Long Xuyên vào năm 1757, Miền Nam coi như đã ổn định”. Và theo tài liệu Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí: “Mạc Cửu được Chúa Nguyễn cho thống lĩnh Phương Thành, mở mang đến tận Rạch Giá Cà Mau. Năm 1701, Mạc Cửu đã ra tận Phú Xuân, dâng đất Phương Thành lên Chúa Nguyễn, được đổi thành Hà Tiên và Mạc Cửu được phong Tổng Binh, Tổng Trấn Hà Tiên, trở thành thần dân của Đại Việt. Sắc phong Mạc Cửu, Chúa Nguyễn Phúc Chu nhân danh Hoàng Đế Đại Việt Lê Hy Tông (1675- 1705 )”.
Tiếp tục cuộc Nam tiến, Lê Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam khai khẩn với rất nhiều người Việt thuần túy từ Miền Trung theo Ngài và trạm dừng chân đầu tiên là Bình Dương và Tân An. Rồi vì nhu cầu để sinh tồn, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục mở con đường sinh lộ từ Tân An đến Cai Lậy, Cái Bè, qua Vĩnh Long, Rạch Giá, Châu Đốc. Di dân Việt càng ngày càng đông. Sau khi thành lập xong Long Xuyên đạo thì dân Việt từ miền Trung theo Nguyễn Hữu Cảnh trong cuộc Nam tiến này thực sự làm chủ thể vùng đất mới rộng bao la này.
Về lịch sử cách thành lập làng ở miền Nam:
“Đời Tự Đức, ở Nam Kỳ lục Tỉnh, nhà nước khuyến khích lập làng để thúc đẩy khẩn hoang, thâu thêm thuế đinh và thuế điền. Việc lập làng được hưởng ứng, bất kể người giàu hay dân nghèo.” Đơn xin lập làng làm ra hai bổn, dâng lên quan Bố Chánh. Trong đơn ghi rõ:
a/ Ranh giới tứ cận của làng mới lập.
b/ Tên những người gia trưởng (điền hộ).
c/ Ranh giới các sở đất xin khẩn, tên chủ đất, diện tích, loại đất gì chẳng hạn như sơn điền, thảo điền hay vu đậu.
d/ Nêu rõ tên làng mới (xin đặt tên).
e/ Xin miễn thuế, miễn sưu và miễn lính trong ba năm.
g/ Ghi tên những người dân bộ (bộ đinh) để bảo đảm có số thuế tối thiểu trong tương lai.
Quan Bố chánh nhận đơn, chỉ cần biết rõ ranh giới làng mới và tên tuổi người dân lập làng (gồm dân đã từng đứng bộ trong làng khác và dân lậu rồi phê vào mấy chữ: “Phú hồi sở tại phủ viên khám biện”.
Tiếp theo, là giai đoạn quan Phủ và quan Huyện đến nơi làm tờ phúc bẩm. Khi được quan Tổng đốc đồng ý, quan Phủ trở lại làng làm tờ khám án. Trong tờ “khám án” ghi đã đến nơi, gọi các viên cai tổng, thôn trưởng kế cận đến để xác nhận, rồi kê khai các sở đất, diện tích, loại đất, tên người khẩn như trong tờ phúc bẩm. Bên dưới là chữ ký của thôn trưởng, hương thân, của dân làng tân lập cùng các ông cai tổng sở tại và lân cận. (1)
Thế là hoàn tất tiến trình thành lập một làng mới.
LTTPhụ chú:
1/ Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam của Sơn Nam, do nhà Xuân Thu (Hoa Kỳ) in lại, không thấy ghi năm tái bản, trang 118.
No comments:
Post a Comment