Thanh Dũng
Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà,
tuy chỉ góp mặt trong khoảng 20 năm ngắn ngủi, đã kịp ghi lại nhiều đóng góp khả quan, hữu ích trong dòng lịch sử Việt. Các chánh phủ VNCH gầy dựng được một nền chánh trị dân chủ căn bản, theo nguyên tắc tam quyền phân lập, với các cuộc bầu cử tự do được tổ chức thường xuyên. Trong các bài trước, chúng tôi đã thử điểm qua hệ thống giáo dục cầu tiến và các chương trình kinh tế độc đáo của Miền Nam.Còn không ít vẻ đẹp đáng nêu khác về văn hoá, nghệ thuật, thể thao... khiến không khí VNCH chừng như vẫn phảng phất, dù chiến cuộc đã tàn 37 năm rồi. Với không ít người Việt, ở hải ngoại cũng như tại quốc nội, xã hội Miền Nam là "lý tưởng", là thời điểm vàng son... Nỗi lưu luyến nhẹ nhàng này có thể góp phần khơi gợi tìm hiểu, khám phá lại các giá trị đẹp, những sự thật lịch sử về Miền Nam và VNCH.
Về văn hoá, buổi ban đầu có không ít va chạm giữa lớp người Tây học cũ và giới trí thức chịu ảnh hưởng của người Mỹ sau này. Chánh phủ Đệ Nhất Cộng Hoà, trong bối cảnh giao thời, đã thỏa hiệp cộng tác trao đổi văn hoá 10 năm với Pháp. Song ảnh hưởng của người Pháp mờ nhạt dần bước sang đầu thập niên 1960, lúc Miền Nam bắt đầu gởi nhân sự đi huấn luyện ở Hoa Kỳ, Úc Châu "Australia", New Zealand, và nhiều quốc gia đồng minh khác.
Về ẩm thực, nhiều người Sài Gòn từng trải qua thời gian trước 1975 có lẽ chưa quên các tên tuổi nhà hàng Thanh Bạch có những món ăn Pháp; nhà hàng Maxim với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên bến Bạch Đằng; cơm gà Siu Siu; cơm bà Cả Đọi khu thương xá Tax; bò 7 món Ánh Hồng, Duyên Mai; nghêu đường Nguyễn Tri Phương; thạch chè Hiển Khánh; chè đậu đỏ bánh lọt khu chùa Xá Lợi...
Sau 1975, đa phần giới thức giả Sài Gòn lần lượt rủ áo ra đi, mang theo họ cái thú thưởng thức ẩm thực độc đáo ngày nào. Ra ngoại quốc, thiếu thốn nguyên liệu, thêm hoàn cảnh thay đổi, khiến phẩm chất món ăn Miền Nam cũng vơi đi ít nhiều.
Còn tại quốc nội, đời sống cơ cực bần hàn kéo dài hằng thập niên có thể cũng làm thay đổi thói quen ẩm thực. Vào thời xương bò hiếm hơn... sổ gạo, người ta "linh động" dùng bột ngọt để thêm chút đậm đà cho nước phở. Tình trạng xã hội kém dinh dưỡng cũng có thể vô tình khuyến khích khẩu vị chuộng thức ăn nhiều dầu mỡ và đường, mãi rồi nên quen. Điều này giải thích vì sao nhiều người Việt xa quê lâu năm, chưa từng sống qua thời "thiên đường XHCN", sau này về thăm cố hương, đôi khi cảm thấy thức ăn thường được nêm nếm hơi... bị ngọt.
Miền Nam thời đó cũng lừng danh nhiều mỹ nhân mà tên tuổi còn được nhắc đến tận ngày nay. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, nhan sắc và sự sắc sảo của phu nhân Ngô Đình Nhu vang xa tầm thế giới. Vô số thiếu nữ Miền Nam ngưỡng mộ bà, bắt chước kiểu chiếc áo dài cổ thuyền. Bà Nhu còn góp công lớn trong việc xoá bỏ dần các định kiến xã hội xem nhẹ vai trò phụ nữ trong đời sống--vốn đã bén rễ hằng ngàn năm.
Sau này, có người đẹp Bình Dương, Thẩm Thúy Hằng. Bà đoạt giải Ảnh-Hậu tại Liên Hoan Phim Á Đông. "Quành cháng" như phim ảnh Nam Hàn ngày nay, vào những năm 1960-70, họ chưa có tài tử nam nữ nào vang danh châu lục như dàn ngôi sao của nền nghệ thuật thứ bảy tại Miền Nam -- dẫn đầu với Thẩm Thuý Hằng. Trong các tác phẩm điện ảnh vang bóng một thời có "Loan Mắt Nhung" hay "Chiều Kỷ Niệm"...
Thẩm Thúy Hằng
Kỹ nghệ phim ảnh còn có Kiều Chinh từng đoạt giải Liên Hoan Điện Ảnh Á Đông (1973), và là một trong những gương mặt Á Đông đầu tiên thành danh trên màn bạc Hollywood. Trong thời phát thịnh của phong trào nhạc trẻ, nữ danh ca Thanh Lan nổi bật, lừng danh với các ca khúc Pháp chuyển lời Việt, và cũng từng thử tài trên màn bạc.
Poster phim "Loan Mắt Nhung"
Giới ghiền xi-nê, phim ảnh có lẽ còn nhiều kỷ niệm đẹp với những rạp hát thời thượng dạo đó. Rạp Rex xéo Toà Đô Chánh được kể vào hàng sang trọng nhất. Rạp Đại Nam đường Trần Hưng Đạo chuyên trị những phim mới về. Những địa chỉ đáng kể khác có rạp Kinh Đô trên đường Lê Văn Duyệt; rạp Catinat đường Tự Do, sau là phòng trà ca nhạc "Đêm Màu Hồng" nơi ban nhạc Phượng Hoàng ra mắt khán giả; rạp Khải Hoàn góc Võ Tánh và Cống Quỳnh giá vé phải chăng; rạp Long Phụng đường Gia Long chuyên chiếu phim... Ấn Độ; và đặc biệt rạp Aristo đường Lê Lai, nơi nương náu của đoàn cải lương "Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô" di cư từ miền Bắc, với đào chánh Kim Chung.
Rạp Long Vân gần ngã 7 Lý Thái Tổ
Về thói quen di chuyển ở Miền Nam trước 1975, các loại xe gắn máy là phương tiện cá nhân được ưa chuộng.
Thời cuối 1950, hình ảnh những tà áo dài nữ sinh trên chiếc xe đạp gắn máy hiệu Velosolex từng mê hoặc bao lớp thanh niên. Chiếc xe Mobylette của Pháp cũng rất phổ biến thời hậu thuộc địa, vì dễ sử dụng, với tay gas tự động, lỡ khi hết xăng bất tử, người ta vẫn có thể chuyển sang đạp bộ như xe đạp, thông dụng trong giới sinh viên, học sinh...
Lớp người trung niên, đời sống khá giả, có thể thích chạy các xe sang hơn chút như Vespa, Lambretta của Ý. Đến giữa thập niên 1960, bắt đầu xuất hiện 2 chiếc xe Nhật Bổn máy mạnh, chạy nhanh. Xe Honda Dame C50 (phụ nữ) và xe Honda 67 SS50E (nam giới) độc chiếm thị trường nhiều năm sau đó.
Xe Velosolex
Về ngôn ngữ, có thể là một trong những khía cạnh thâm trầm ý nhị nhất của thời VNCH.
Thời gian gần 40 năm trôi qua, có lẽ cũng đủ, để ta nhìn nhận cách sử dụng tiếng Việt của lớp người Miền Nam cũ có phần trong sáng hơn, đơn giản hơn, mà không lộn tùng phèo thành "giản đơn".
Người Việt thời VNCH
định danh rõ ràng phi hành đoàn,
chẳng sỗ sàng "tổ lái";
họ suy luận, suy nghĩ
chứ không chờ đến lúc "động não";
họ thoả hiệp tìm cách đồng ý / đồng lòng,
để khỏi phải qua "nhất trí";
khi gấp rút thì họ nhanh lên,
không cần "khẩn trương";
có khi họ hồi hộp vì bị dồn nén, bực tức
mà vẫn không đến nỗi "bức xúc";
họ khen ngợi điều gì nguy nga / tráng lệ,
không vơ mọi sự ra "hoành tráng";
đôi khi họ cũng thẩm vấn / điều tra,
thay vì mập mờ "làm việc";
họ trân trọng nghệ sĩ,
chẳng cào bằng "nghệ nhân";
họ viết gọn gàng lực sĩ,
tránh loằng ngoằng "vận động viên";
họ có thuỷ quân lục chiến kiêu hùng,
không phải chập chờn loại "lính thuỷ đánh bộ"...
Các nhóm chữ trong ngoặc kép trở nên phổ biến ở Miền Nam từ sau sự bức tử của VNCH. Đa phần có nguồn cơn xuất phát từ kho từ vựng thông dụng giữa nội bộ các đảng viên cộng sản.
Sau 1975, đảng cộng sản VN chuyên quyền, khống chế mọi mặt đời sống, kể cả áp đặt... đảng ngôn của nó. Dần dần, những ngôn từ này--tuy hơi... nhẹ về số lượng, nhưng lại... nặng mùi "đấu tranh giai cấp"--trở thành ngôn ngữ cho cả xã hội. Đây là một trong những lý do chánh yếu khiến tiếng Việt mượt mà, phong phú của Miền Nam cũ bị mai một, đến nay hầu như chỉ còn hiện diện tại hải ngoại.
Việt Nam Cộng Hoà có thể gọi là một thời khó quên --
một loại vũ trụ riêng tư và tha thiết của rất nhiều người. Thời đại đó giúp tạo ra lớp người chánh trực, hết lòng phụng sự quốc gia. Điều này phản chiếu qua thực tế, sau khi đại cuộc sụp đổ, phải di tản ra ngoại quốc, chẳng mấy ai đủ tài chánh để tiếp tục đời sống sung túc thuở trước.
Hầu hết phải bương chải những ngày chân ướt chân ráo đến xứ người. Không ít tướng tá phải làm thợ sơn, có nghị sĩ bán xăng, nhiều giáo sư đi bỏ báo, cựu công chức cắt cỏ để nuôi gia đình... So sánh với tầng lớp tư bản đảng viên đang "lãnh đạo" nước Việt Nam ngày nay, sự tương phản, có lẽ, đã khá rõ ràng.
Tiền giấy VNCH, lịch sử của một thời
No comments:
Post a Comment