Đình Nguyễn Hữu Cảnh, Châu Đốc
Sau năm 1954, đời sống của người nông dân dần dần ổn định lại, ruộng vườn khai mở lại, việc trồng tỉa, lúa thóc khá rồi, người dân ở thôn quê bắt đầu sửa sang lại, cất lại những ngôi nhà khang trang hơn bằng cây gỗ chắc chắn hơn, sơn phết đẹp đẽ hơn, càng làm cho làng mạc miền Nam tươi mát hơn. Nói như thế không có nghĩa không còn những ngôi nhà nghèo ọp ẹp, lụp xụp bằng lá, bằng tre. Nhưng, dù nhà gỗ hay nhà tre đều được chủ nhân gìn giữ vén gọn như câu tục ngữ trong dân gian với nghĩa đen: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
Việc quét dọn nhà cửa, ngoài sân trước và sân sau nhà, ngoài đường đi, ngoài vườn đủ để nói lên phong cách của người nông dân, dù quê mùa, dù ít học, dù vất vả việc ruộng đồng, dù bề bộn đủ thứ nhưng vẫn chuộng sự sạch sẽ, trong sáng, đẹp đẽ, văn minh
Thêm vào đó, có cái gì riêng tư của làng mạc miền Nam là làng nào cũng có một ngôi Đình để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ngôi Đình thường được xây khoảng giữa làng để dân chúng có thể đi lại cúng kiến tế lễ dễ dàng với lối kiến trúc vừa giản dị, vừa trang nghiêm, mang sắc thái riêng biệt của miền Nam. Và bên cạnh ngôi Đình là trụ sở làng xã, ban tế tự, trường học.
Thông thường, mỗi làng đều có một hoặc hai ngôi Chùa Phật giáo vì đa số dân Việt Nam nói chung và ở làng quê miền Nam nói riêng, theo đạo Phật. Những ngôi Chùa này do dân chúng, những người có lòng, có hằng tâm hằng sản xây cất rồi cung thỉnh một vị chân tu về trụ trì, tu tỉnh để mỗi dịp rằm nguơn bà con có nơi chốn lễ Phật. Thành ra, tiếng chuông chùa làng công phu vào buổi sớm, buổi chiều là một trong những nét đặc trưng của phong cách làng mạc miền Nam. Tiếng chuông chùa công phu với những hồi Đại hồng chung, những hồi trống như một cái gì vừa thiêng liêng, vừa thân thiết, gần gũi. Nếu đi đâu xa nhà vài ngày, vắng tiếng trống, tiếng chuông chùa làng mình là thấy nhớ quay quắt, muốn quay về.
Tại những ngôi Đình, Chùa, Miếu người dân trong làng thường trồng những loại cây dương, cây da, cây sộp, cây sao. Có nhiều cây được trồng lâu năm trở thành những cây cổ thụ ba, bốn người ôm không giáp. Nếu ai đi xa, khi có dịp trở về làng cũ, nhưng chưa tới nhà, chỉ mới thấy xa xa đọt sao, đọt dương của Đình, Chùa làng mình là lòng rộn rã, hồi hộp, mừng run rồi. Thế mới biết, Đình, Chùa, Miếu cùng với cây cối cổ thụ trong làng mạc của mình dù vô tri nhưng có điều gì thiêng liêng, gần gũi, gắn bó biết dường nào.
Ngoài ra, từ hồi có đạo Công giáo truyền vào, những ngôi nhà thờ, Thánh đường được xây dựng cho tín đồ có nơi hành lễ. Những xóm đạo với nhà thờ lớn phải kể Cù lao Giêng với nhà thờ, cô nhi viện lớn nhứt vùng cù lao sông Tiền, nhà thờ Năng Gù ở xã Bình Mỹ thuộc tỉnh An Giang.
Cau trong vườn trổ bông
Tóm lại, từ xa xưa cho tới trước năm 1975, ở các làng mạc miền Nam việc tế lễ, tín ngưỡng được phát triển rộng khắp. Hàng năm, Ban Tế Tự các đình đều có tổ chức cúng Kỳ Yên để cầu quốc thái dân an, có múa lân, hát bội thường vào Tháng ba, Tháng tư âm lịch; cúng hạ điền vào mùa xuống giống, sạ tỉa; cúng thượng điền khi mùa màng đã được cắt gặt xong xuôi như để tạ ơn Đất Trời mưa thuận gió hòa. Chùa chiền, các ngày rằm lớn, đặc biệt ngày rằm Tháng Bảy thường hay làm chay, cúng lớn, phát chẩn, thí vàng. Những dịp này để dân chúng hội họp, cúng lễ và những dịp Kỳ Yên, hát bội, làm chay cũng là dịp trai gái trong xóm, trong làng có cơ hội gặp gỡ, vui chơi, làm quen, hẹn hò và từ đó những mối tình mộc mạc, quê mùa, chân thật nhưng không kém phần lãng mạn, thơ mộng dễ thương nảy nở, đâm chồi chẳng khác nào câu thơ của Nguyễn Bính trong bài Chân Quê “ Hoa chanh nở giữa vườn chanh.”
Nói tới làng mạc miền Nam mà không nhắc đến những vườn cây ăn trái của từng nơi, từng vùng là một thiếu sót lớn. Tùy theo điều kiện thuận lợi của đất đai, mà khắp các vùng đồng bằng thuộc châu thổ sông Cửu Long và các vùng phụ cận có những loại vườn cây ăn trái riêng của mỗi vùng. Với Bến Tre có vườn dừa bạt ngàn. Vùng Vĩnh Châu (Bạc Liêu ), xã Long Sơn ( Quận Tân Châu) và xã Mỹ Đức ( Châu Đốc) là những vườn nhãn ngon nhất miền. Từ bắc Mỹ Thuận, An Hữu, Cái Bè, Cai Lậy, Trung Lương là những vườn xoài cát, mận, ổi xá lỵ không nơi nào sánh kịp. Du khách mỗi lần có dịp đi ngang qua vùng này, người nào cũng mua vài ba giỏ ổi, giỏ mận, chục xoài về làm quà. Chôm chôm, sầu riêng có lẽ ngon nhất và đặc biệt là vùng cồn, cù lao từ Cần Thơ chạy dài trên sông Hậu Giang tới ngang Đại Ngãi, Sóc Trăng.
Sau năm 1975, có dịp về vùng này làm mướn không công, tôi mới thấy hết được cây lành trái ngọt trên vùng sông nước này với chôm chôm tróc như miệt Xuân Lộc, Long Khánh chín đỏ cây, đỏ nhánh, với sầu riêng vỏ đầy gai căng phồng gần như để lộ những múi sầu riêng thơm lừng bốc mùi thơm ngào ngạt khắp vườn.
Từ xã Bình Phước Xuân thuộc quận Chợ Mới (An Giang) qua đò về hướng Cao Lãnh là một vùng đầy những cây lồng mứt, sa-bô-chê với trái oằn cây, oằn nhánh. Miệt Gò Công là loại vườn cherry như một đặc sản với những trái chín đỏ mọng. Qua những làng Mỹ Hòa Hưng ngang Long Xuyên, Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây ngang Thốt Nốt là những vườn mận trắng, mận da người ngọt ơi là ngọt. Những mảnh vườn cam sành, cam Tàu, quít đường, quít ta, quít hồng thuộc làng Lai Vung (Sa Đéc) với loại cam, loại quít ngọt ngon không thua cam, quít vùng Cái Răng, Phong Điền, Cầu Nhím, Ô Môn của Cần Thơ.
Tất cả cam quít của những vùng này là nguồn cung cấp cam quít cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Sau này phong trào trồng cam quít phát triển, những nơi này cũng cung cấp cây giống bằng những cành cam, cành quít chiết trong bầu, trong bội, trong giỏ được đem bán khắp mọi miền.
LTT
No comments:
Post a Comment