Saturday, April 29, 2017

NHỮNG TRẬN ĐÁNH CUỐI -

Những ngày càng về cuối của tháng Tư 1975, người dân Saigon càng tỏ ra mất bình tĩnh hơn, cái lo của người dân đã lên cao, không còn che đậy được, hốt hoảng luôn trên nét mặt mọi người, trong sinh hoạt họ như tất bật, vội vả hơn, và cái nháo nhào này ta thấy ở khắp nơi.

Ngày còn ngoài Nha Trang đã có lần tôi tự hỏi, bước chân cộng quân đâu đó còn mãi tận Dục Mỹ, Lam Sơn, mà sao Nha Trang đã mang lấy nét buông xuôi cam phận, thì hôm nay ở Saigon, nơi mặt trận vòng đai phía bắc người lính Quốc Gia vẫn còn đang ghì chặt tay súng, thì Saigon như đã vỡ tung. 
Hôm nay ngày 19 tháng Tư, 42 năm về trước cả dân lẫn quân miền Nam như bị đột quỵ, trước tin người bạn đồng minh sau mười năm chiến đấu bên nhau, nay đã dứt khoát quay lưng: Khoảng tiền quân viện khẩn cấp 722 triệu, đã bị phía thượng viện Hoa Kỳ từ chối vào ngày 18/04/75.
Đòn khóa tay người lính VNCH xảy ra đúng lúc Sư đoàn 18 đã phải rút quân ra khỏi mặt trận Long Khánh. Về phía người dân trong lúc tiếng súng đang mỗi ngày một gần, thì bị bồi một cú đòn nhắm vào tinh thần, không biết vô tình hay cố ý, mà kế hoạch di tản những người làm việc cho Hoa Kỳ, được tiết lộ làm người dân cuống cuồng hơn.
Sự sụp đổ của VNCH 1975 và sự ra đi của người Mỹ, sau này ta vẫn thường được nghe hai bên hành pháp, và lập pháp nước Mỹ tránh né trách nhiệm, nếu không muốn nói là họ đổ lỗi lẫn nhau, thậm chí có cả người Mỹ đổ lỗi cho QL.VNCH thiếu sức chiến đấu (?!). 
Đó là chuyện người đồng minh thiếu thủy chung, đã gieo tiếng dữ để muối mặt quay lưng, sự thật khi Mỹ can thiệp vào VN là vì quyền lợi của nước Mỹ, đến khi họ rút, đó là lúc người Mỹ không còn cần nữa thế thôi. Không một ai mà không biết việc người Mỹ đưa quân vào VN, là để ngăn chận nguy cơ cộng sản quốc tế đang bành trướng thế lực, nhất là tại Á châu, và thuyết Domino được sự đồng thuận của cả lập pháp, hành pháp, và có cả sự ủng hộ của người dân Mỹ.
-Năm 1965 Vì quyền lợi của chính Hoa Kỳ, họ ồ ạt đổ quân vào VN sau khi giết chết vị tổng thống dân cử đầu tiên của VNCH.
-Năm 1972 Trong thế chiến lược mới, Hoa Kỳ liên kết được với Trung Cộng, đưa đến chuyện xóa sổ VNCH, và đặt đất nước này vào tay cộng sản quốc tế đệ tam.
-Năm 1973 Hoa Kỳ bán đứng đồng Minh VNCH cho cộng sản, qua hiệp định ngưng bắn cũng do chính họ đạo diễn.
Từ sau Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ dứt khoát như lời R-Nixon “No more Vietnam”, trận chiến xâm lăng của Tầu cộng tại Hoàng Sa 19/01/1974, đệ thất hạm đội của Mỹ khoanh tay đứng nhìn – Và ngay những ngày đầu 1975, dùng vũ lực đơn phương xé bỏ hiệp định của Hà Nội, trong khả năng của Hoa Kỳ dễ dàng bắt chúng phải rút về phía bên kia vỹ tuyến 17, hầu lật ngược thế cờ nhưng Hoa Kỳ đã không làm thế. Chuyện của 42 năm cũ bây giờ nhìn lại, mọi thứ đã rõ như ban ngày, mĩa mai cho hai chữ “đồng minh”, và buồn cho thân phận một nước nhược tiểu
NHỮNG TRẬN ĐÁNH CUỐI 
 Hôm nay 19/04 đã là hai ngày rồi, dân Sài gòn đã biết tin Thượng viện Hoa Kỳ từ chối khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 722 triệu mỹ kim, mà chính phủ Gerald Ford đề nghị - Bên ly cà fé sáng, chuyện từ chối khoản tiền quân viên này vẫn còn là đề tài mọi người tiếp tục trao đổi. 
Như vậy là đã đúng một tuần tôi trở lại công việc cũ, đối với tôi thì tuần qua quả là một tuần dài nhất, trong một tâm trạng tôi không biết phải dùng từ nào, để mà diễn đạt ngoài hai chữ xót sa và tuyệt vọng. Có thể nói sự suy sụp tinh thần nó đến từ khi nhìn cuộc chiến đấu của những anh em miền Nam chúng tôi đuối dần đi, trước một đối phương quyết tâm xả láng trong canh bài chót, không tiếc xương máu chúng tung lực lượng ồ ạt, vào các mặt trận ngoài vòng đai với chiến thuật biển người.
Rồi sự dứt khoát của Mỹ, với thái độ quay lưng của họ trong trách nhiệm đồng minh, mà sau mười năm họ trực tiếp tham chiến – Có nhiều anh em trong chúng tôi không quan tâm, đến chuyện người “bạn” đồng minh này đi hay ở, đó là chuyện của họ, còn chúng ta chiến đấu là cho chúng ta. Nhưng cũng có người ưu tư, cho cuộc chiến đấu vừa đơn thân độc mã, vừa bị chính ngay đồng minh cô lập mình như hiện nay, bởi những mưu đồ chính trị giữa họ cùng Tầu cộng, và liệu sẽ kéo dài được bao lâu. Tuy vậy cũng có người suy nghĩ, rằng viện trợ Mỹ với số tiền chỉ còn 1/3 so với trước, khó mà có thể xoay chuyển tình thế, nhưng ít ra nó duy trì tình trạng chiến đấu của miền Nam, và hy vọng rằng ngân khoản đó có thể giúp VNCH lấy lại được vị thế về quân sự của mình.
Tình hình mặt trận Long Khánh tuần qua luôn sôi động, có thể nói trận chiến thật ác liệt, trong khi đó hai tỉnh Phan Rang và Phan Thiết đã liên tiếp rơi vào tay cộng quân trong hai ngày 17 và 19/04. Tại mặt trận ngã ba Dầu Giây, từ chiều 14/4/1975 đến sáng ngày 15/4/1975, Cộng quân đồng loạt tấn công biển người có tăng và pháo yểm trợ, vào vị trí phòng thủ của Chiến đoàn 52 Bộ binh – Bộ Tư lệnh chiến trường Xuân Lộc đã điều động lực lượng tăng viện lên cho mặt trận, và trận chiến đã xảy ra quyết liệt giữa quân ta cùng cộng quân ngay trong chiều 15/04. 
Thế trận và tương quan lực lượng tại Dầu Giây quá chênh lệch, bên ta lực lượng trú phòng gồm một tiểu đoàn Địa phương quân TK Long Khánh, cùng binh sĩ còn sót lại của Trung đoàn 52 - Cộng quân thì đông gấp 10 lần, gồm QĐ 4 CSBV có cả SĐ 341 vừa xâm nhập, do Trần Văn Trà vừa thay thế Hoàng Cầm chỉ huy đã dùng biển người - Kết quả với tương quan lực lượng 1/10 như thế, phòng tuyến ngã ba Dầu Giây đã tan vỡ sau sáu ngày đêm chiến đấu.
Mặt trận Xuân Lộc bị gia tăng áp lực sau khi ngã ba Dầu Giây bị rơi vào tay giặc – Trong ngày 17 tháng 4/1975, các đơn vị thuộc QĐ 4 cộng quân tiếp tục mở các đợt tấn kích vào phòng tuyến phía nam thị xã Xuân Lộc do 2 tiểu đoàn thuộc Lữ Ðoàn 1 Dù án ngữ. 
Trong khi đó tại mặt trận Long Khánh, sau khi chiếm được Dầu Giây cộng quân cũng chuyển mục tiêu tấn công sang khu vực Ðịnh Quán do một Tiểu đoàn thuộc Trung Ðoàn 43 Bộ binh trấn giữ. Đồng thời chúng gia tăng áp lực vào phòng tuyến của lực lượng ta tại núi Chứa Chan, Gia Rai - Quân trú phòng đã tử chiến đánh trả nhiều đợt xung phong của địch quân, nhưng cũng do chênh lệch tương quan lực lượng đôi bên, mà Ðịnh Quán cũng đã thất thủ trong ngày 19/4/1975.
Chiến sự đang ngay sát vành đai Sàigòn, đó là những gì người dân được biết, qua báo chí trong nước loan theo thông tấn nước ngoài - Những tin tức như thế này đã góp phần làm dư luận dân chúng bắt đầu xáo trộn - Lại thêm trận pháo phi trường Biên Hòa hôm 15/04 nhằm khống chế không yểm của SĐ3.KQVN cho các mặt trận lại càng làm người dân cảm thấy Sàigòn đang tiếp cận cuộc chiến. 
Hôm 14/04 nội các Nguyễn Bá Cẩn trình diện, thì hôm sau kho bom Biên Hòa bị nổ - Mặt khác tin từ những người làm việc cho Hoa Kỳ, lộ về kế hoạch di tản, đã làm vỡ òa cái lo lắng của người dân, không còn che được vẻ hốt hoảng trên nét mặt họ, đi đâu cũng thấy cái không khí ngột ngạt đang đè nặng mọi người.   
Tôi và ông xếp trưởng khối cả hai đứa vừa đi thuyết trình về, phần tôi nơi phòng thuyết trình của Tư Lịnh không có gì khác hơn, là những tin tức chiến sự tôi mang đến cho buổi họp, riêng ông có buổi họp bên phòng Phối trí viên HK, có lẽ nhiều tin tức đã làm ông suy tư. Trở về phòng sau tan họp mới ba giờ chiều, găp lại nhau ông hỏi:
-Đói không, hai đứa mình đi kiếm cái gì ăn đi?
-Được thôi, Huynh lên trước đi, thu xếp đống giấy tờ đệ sẽ lên ngay.
-Không… mình đi ra phố.
-Bài tổng hợp đệ vẫn chưa viết xong, hay là mình lên CLB cao ốc?
Ông lập lại là ông muốn ra phố, ông muốn có chổ riêng tư để hai anh em dễ chuyện trò, ông vẫn thường thế, còn thường nếu không có gì thì hai đứa, vẫn ngồi cùng nhau trên CLB cao ốc BTL. Chúng tôi vào một quán ăn trong thương xá TAX, vừa ngồi xuống tôi mở đầu câu hỏi:
-Có gì căng lắm không, mà huynh có vẻ lo lắng?
-Ăn đi mày, sợ rồi anh em không còn được những giây phút bên nhau thế này nữa dâu, tao chỉ buồn cho dân mình sau bao năm chiến đấu, để rồi kết thúc như vầy.
-Vậy huynh thấy tình hình ra sao?
-Theo tao thì trận Xuân Lộc-Long Khánh mà mày đang viết tổng hợp, là trận đánh cuối của cuộc chiến VN, và bản nhận định lần này cũng là bản cuối cùng mày viết.
-Huynh họp bên đó có tin gì lạ?
-Gần như không có một ai chú ý đến buổi họp, trước buổi họp thì còn thầm thì thắc mắc phía HK không cung cấp thêm ngòi nổ cho số quả bom CBU còn lại, nhưng tan buổi họp thì lại xoay qua bàn tán, về các chuyến bay C-130 và C-140 đã bắt đầu di tản các cộng tác viên người Việt rời Việt Nam do CIA tổ chức, và Sứ quán Mỹ đã bắt đầu đốt tài liệu mật.
Tôi không nén được tiếng thở dài, và nhìn người qua lại trong Thương xá TAX, nơi vốn trước kia mọi người luôn trong cung cách nhàn nhã mua sắm, hôm nay không như vậy nữa, mọi người rảo bước một cách vội vã! Liệu rồi sẽ gặp lại những cảnh như đã thấy ngoài QKI, QKII, những đoàn người kéo nhau chạy trốn cộng sản, hay lại phải nhìn lửa bốc cao từ nhà dân, và người người lại táo tác chạy như vụ Mậu Thân năm nào?

Việt Nhân (HNPĐ)

No comments:

Post a Comment