Saturday, April 29, 2017

Những người săn đạn


  Ngày 28 Tháng Tư 1975. Ngược dòng với đoàn người thất thần trốn chạy cộng sản đổ về Sài Gòn, chiếc xe La Dalat chở Michel Laurent thuộc hãng thông tấn ảnh Pháp Gamma và Christian Hoche của tờ Le Figaro trực chỉ Quốc Lộ. Họ thuộc trong số vài ký giả phương Tây còn nán lại để tường trình về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Chiếc xe dân sự lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng tại Hố Nai và một loạt súng liên thanh dữ dội đã làm người phóng viên chiến trường tài ba và gan lì, từng đạt giải Pulitzer khi còn làm với AP, trở thành người ký giả phương Tây cuối cùng bị tử nạn tại Việt Nam. Không kể hàng triệu sinh mạng của các bên tham chiến cùng những thường dân vô tội, cuộc chiến Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ký giả được xem là những tinh hoa, tài giỏi nhất mà các hãng thông tấn phương Tây gởi sang Việt Nam. Họ không được biết hay nhắc tới nhiều. Dù sự hy sinh của họ cũng xứng đáng một sự trân trọng để tưởng niệm. Đọc hồi ký "Mẹ Việt Nam ơi! Dân ta có tội tình gì" của ký giả Pierre Darcourt do cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa dịch, ông điểm lại khá nhiều ký giả tài ba đã từng thiệt mạng trên mảnh đất Việt Nam theo sau:"Ngày 24 tháng 5, lúc 7 giờ sáng, 80 người ngoại quốc rời Miền Nam Việt Nam trên một chiếc phi cơ 4 máy, Illouchine 18 sơn xanh trắng của Liên Xô. Đó là những phóng viên nhiếp ảnh, những ký giả từ khắp nơi trên thế giới đã đến Sài Gòn và bị kẹt lại sau khi thủ đô bị Bắc Việt chiếm cứ. Trong số nầy có gần 50 ký giả Pháp và một tướng lãnh Pháp đã về hưu bị trục xuất khỏi Việt Nam vì lý do “hai bàn tay của ông đã dính đầy máu của nhân dân Việt Nam”(!).

Trước khi được đi, các ký giả nầy đã bị quá nhiều phiền nhiễu về hành chánh mới được tờ chiếu khán xuất cảnh, sau đó phải nằm chờ đợi được ghi tên vào một chuyến bay kéo dài ngày này qua ngày khác… Trước khi lên phi cơ, tất cả đều phải qua một cuộc khám xét, một cuộc khám xét thật tỉ mỉ, thật lâu và rất là lạnh lùng. Các tay bộ đội nhờ một nữ tiếp viên hàng không làm thông dịch viên, đã bóc hết hành lý của họ. Có nhiều xấp thơ và phim ảnh bị tịch thu. Sau đó họ được đưa đến Vạn Tượng (Lào) và phải trả 120 đô la bằng tiền Mỹ hẳn hòi (gấp đôi giá bình thường) và được một chú “bộ đội” đội nón cối và các phi công Việt Nam đeo súng lục hộ tống.

Xuyên qua cửa kính, các ký giả nhìn Tân Sơn Nhứt lần cuối. Hình ảnh sau cùng mà họ cố mang theo từ Việt Nam là cảnh tượng của một phi trường bị tàn phá: nhà kho sập, phi cơ nằm phơi bụng, chiến xa bị cháy đen… Trong số những anh gan lì và đầy tình huynh đệ đi về Pháp chuyến nầy, vắng mặt một anh bạn rất thân: đó là anh Michel Laurent, bị một tràng liên thanh bắn hạ trong trận chiến ở Hố Nai.

Anh là một nhà báo cuối cùng chết ở Đông Dương. Chúng tôi vẫn còn hy vọng đến giây phút cuối cùng là anh sẽ còn sống để trở về. Nhưng bây giờ thì hết mong rồi. Chúng tôi không còn thấy bóng dáng mảnh khảnh, trẻ trung mãi của anh nữa, cũng như gương mặt thiên thần với mớ tóc lòa xòa và một điếu xì gà cắn chặt ở môi. Anh công tử có vẻ uể oải nhưng không lo lắng gì cả nầy thuộc nòi nhà nghề sáng giá. Có cả thảy 52 nhà báo đã chết ở Việt Nam từ năm 1945. 26 anh khác đã coi như mất tích ở Cam Bốt. Phần đông là các nhiếp ảnh viên, những tinh hoa trong nghề… Họ không tường thuật về chiến tranh, mà họ chuyển chiến trận thành hình ảnh, gay cấn, tàn bạo và lâm ly thống thiết. Những hình ảnh nầy các nhiếp ảnh viên thường thu nhặt trong tư thế đứng chụp những người sắp chết và họ thường chứng kiến được cử chỉ và cái nhìn lần cuối cùng của họ. Cho tới khi Thần Chết tức giận vì bị người ta thu hình quá gần, nên đã bắt họ chết luôn vì đã đến lượt của họ rồi… Và đùng một cái những người còn sống sót mới khám phá ra là luôn luôn những anh bị tử thương y như rằng là những người rất giỏi trong nghề. Người đầu tiên mà tôi thấy chết vào ngày 28 tháng chạp năm 1946 là một anh người Bỉ ốm yếu mà tôi quá xấu hổ vì không nhớ được tên, làm việc cho một Thông tấn xã Hoa Kỳ. Anh đến từ Nam Dương, một quốc gia chán chê vì chiến trận, nhưng những trận đánh trong đường phố tuy lẻ tẻ nhưng hung dữ đến dã man trong thành phố Hà Nội đã kích thích anh, như một cuộc đi săn kích thích con chó săn khỏe mạnh vậy. Anh đội một nón sắt quá rộng, đeo choàng chiếc máy ảnh Rolleiflex và một cây súng lục Webley to tướng ở ngang lưng. Anh ta rất là can đảm, can đảm hết nói! Anh ta chạy trên các mái nhà để đi tìm những anh chàng bắn sẻ. Một tay Việt Minh bắn tỉa phục kích đâu đó đã cho anh một phát vào giữa mặt và anh té lộn nhào rớt xuống đất từ trên cao 10 thước.

Còn nhiều người khác, rất nhiều người khác nữa như các anh Burrows, Huet, Shimimoto, Flynn, Arpin…, và cuối cùng là anh Michel Laurent, mình trúng đầy đạn tại một làng Công giáo di cư không đầy hai ngày trước khi Sài Gòn bị thất thủ. Từ anh ký giả nhỏ con người Bỉ đội nón sắt quá rộng bị bắn chết ở thủ đô Hà Nội đến anh Michel Laurent bị giết vì quá gan dạ tại gần một nhà thờ có treo cờ của Tòa Thánh Vatican, nơi mà các nhân dân tự vệ kháng cự đến viên đạn cuối cùng, coi như cuộc chiến ở Đông Dương đã qua rồi.

Các ký giả bị kẹt lại gần ba tuần lễ ở Sài Gòn, cựu thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, sau khi về đến Pháp đã viết lại và phổ biến tất cả những gì mà họ đã thấy và đã nghe. Bộ máy của chế độ Hà Nội đã được áp đặt thế nào. Cảnh khốn cùng của dân chúng Sài Gòn ra sao. Có những cô gái đã đề nghị trao hết gia tài sự nghiệp để chỉ được cưới và cùng đi ra ngoại quốc vối họ. Trẻ em thì được van xin cho làm con nuôi, dù là giả mạo. Lại còn dịch tự tử nữa. Rồi những tin đồn là có nhiều sự nổi dậy ở các tỉnh, hay thành lập “chiến khu” ở Miền Nam…

Khi tất cả các ký giả đã bị đưa đi hết rồi thì một cái lồng sắt chụp ngay xuống Miền Nam Việt Nam. Muốn có được tin tức, người ta không còn có cách nào khác hơn là phải nghe những bản tin chánh thức được loan đi sau khi bị kiểm duyệt cẩn thận. Phải đợi cho có người đi du lịch trong thời gian sắp tới. Rồi phối kiểm lại tin tức. Rồi phỏng vấn liên tục những người ngoại quốc, những linh mục hay một vài công chức Pháp khi họ hồi hương. Hay những người Hoa Kiều theo đường dây buôn lậu hay theo các tàu đánh cá đến được Thái Lan (họ phải trả trên 30 lượng vàng để được đưa đi). Từ từ, các tin tức đó giúp hé mở được bức màn tre đang bao chặt nước Việt Nam và nhờ vào những chứng cớ cùng những chi tiết sống, người ta mới có thể thiết lập lại được cả một mảng biến cố đã xảy ra trên đất nước này…”. (Hết trích)

Đoạn hồi ký của Pierre Darcourt không chỉ nhắc về Michel Laurent cùng những ký giả phương Tây đã nằm xuống vĩnh viễn khi đang làm nhiệm vụ tại Việt Nam, mà còn cho thấy thoáng qua, vai trò của truyền thông đã bị người cộng sản ngăn cản và bưng bít ra sao sau chiến tranh, một khi trục xuất hết các ký giả nước ngoài.

Trong 20 năm Mỹ can dự vào chiến tranh VN, hầu như tất cả những ký giả đến với Việt Nam là do tình nguyện, từ chính sự chọn lựa của mình, để rồi những hãng thông tấn nổi tiếng đã mất đi những ký giả xông xáo, tài ba và sống chết với nghề. Như ký giả Joe Galloway, người phóng viên chiến trường duy nhất theo chân và tường trinh trận đánh Ia Drang khốc liệt từng được dựng thành phim (We were soldiers), trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói rằng, đó là cuộc chiến của thế hệ của họ và họ muốn chứng kiến, tường trình về nó. Họ muốn làm những người săn đạn. Săn những sự khốc liệt của chiến tranh, khói lửa. Như câu chuyện của ký giả Alexander D. Shimkin vậy.

Tốt nghiệp ngành lịch sử học, Alexander là một thanh niên hoạt động cho phong trào dân quyền và trở thành ký giả cho Newsweek, tường thuật về chiến tranh VN thay vì tiếp tục chương trình cao học do đại học Princeton cấp học bổng. Tháng 6 năm 1972, Alexander có mặt tại Trảng Bàng, nơi ký giả Nick Út chụp bức hình Phan Thị Kim Phúc bị bom napalm, thì đầu Tháng 7, Alexander lao vào vùng chiến sự An Lộc, nơi anh đã cứu một người lính VNCH bị thương ra khỏi vùng hỏa lực của Việt Cộng. Chỉ hơn 10 ngày sau, anh lại ra đến Quảng Trị, nơi đang diễn ra chiến sự ác liệt của quân lực VNCH đang chiếm lại cổ thành Quảng Trị. Quả lựu đạn của một tên Việt cộng đã chấm dứt cuộc đời của người ký giả 27 tuổi và thi thể anh tan biến vào cát bụi đâu đó tại vùng đất Quảng Trị xa xăm đối với gia đình anh. Trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị còn cướp mất sinh mạng thêm ba ký giả khác, hai ký giả của đài truyền hình ABC và một ký giả UPI.

Vụ thiệt hại lớn nhất của truyền thông phương Tây phải kể đến vụ bốn ký giả bị tử nạn mất xác trong vùng núi đồi Hạ Lào, khi họ theo chân quân đội VNCH trong chiến dịch Lam Sơn vào năm 1971. Đó là những người mà ký giả Pierre Darcourt nhắc tên trong trích đoạn hồi ký bên trên. Larry Burrows, ký giả người Anh của Life Magazine, một trong những ký giả tường trình về chiến tranh VN lâu đời nhất và được xem là giỏi nhất, bắt đầu sang VN từ những năm 1962. Ông theo chân những người lính đến các trận đánh khét tiếng trong chiến sử, những tấm ảnh của ông chụp không chỉ là những tấm ảnh chiến trường riêng rẽ mà là những loạt ký sự ảnh có nội dung, chủ đề. Chiếc trực thăng chở ông cùng và Huet (AP), Kent Potter (UPI) và Keisaburo Shimamoto (Newsweek) cùng toán bảy sĩ quan, binh sĩ VNCH bị bắn hạ (trong số này cũng có một phóng viên quân đội người Việt mà chúng tôi không tìm ra tên), hơn 25 năm sau chiến tranh, người ta mới tìm ra được nơi máy bay này bị rơi, nhờ vào các mảnh máy bay và các phim 33 ly khai quật được. Di ảnh họ được trưng bày và tưởng niệm tại bảo tàng Newseum tại Washington DC. cùng với hàng ngàn phóng viên chiến trường đã “sinh nghề tử nghiệp” từ trước nay. 

Còn rất nhiều ký giả trẻ đã nằm xuống tại Việt Nam chẳng kể hết. Họ thách thức thần chết, cười ngạo với bom đạn. Để rồi, không phải cái chết của họ còn được nhớ đến muôn đời. Mà chính những tấm ảnh của họ là chứng nhân và được nhắc đến mãi mãi. Về những cuộc chiến thảm khốc của nhân loại.

29/4/2017

No comments:

Post a Comment