Nói đến thập niên 70 tại Sài Gòn, là phải nhắc đến Lê Uyên-Phương.
Cả về khía cạnh ca khúc, nhạc sĩ và ca sĩ. Có thể khẳng định đó là đôi tình nhân, cặp song ca đặc trưng nhất của nền âm nhạc Việt Nam, đã tạo nên dấu ấn của mình vào đầu thập niên 70. Không thể ghi lại hết cảm xúc về dòng nhạc Lê Uyên trong một bài báo. Chỉ có thể nói rằng Lê Uyên-Phương đã hát thay cho tâm trạng của rất nhiều người trẻ tuổi của Sài Gòn trong giai đoạn đó. Một bằng chứng cụ thể, những bài hát như Vũng Lầy Của Chúng Ta, Tình Khúc Cho Em, Cho Lần Cuối của Lê Uyên Phương được nhiều người đã từng là sinh viên, học sinh Việt Nam biết đến và hát nhiều nhất.
Đã sang đến bên này, những bài hát ấy vẫn vang lên ở phòng trà, những chương trình ca nhạc, những buổi họp mặt bạn bè, và cả ở những đêm lửa trại của các đoàn thể. Vì sao vậy? Lê Uyên Phương sống và hát với tâm trạng của một cặp tình nhân mà “…ngày mai ta không còn thấy nhau…”. Tâm trạng đó không phải là tâm trạng chung của tuổi trẻ Việt Nam trong thập niên 70 hay sao? Những cặp tình nhân yêu nhau trong thời chinh chiến. Những người vợ mới cưới của những người lính Cộng Hòa. Những chàng thanh niên rời bỏ mái trường, bạn bè, người yêu để đi ra chiến trường. Trong một tâm trạng như vậy, hỏi sao mà tuổi trẻ đã hát say sưa: “…cho tôi yêu em nồng nàn, dù biết yêu tình yêu muộn màng…”
Nhạc của Lê Uyên Phương là nhạc của sân trường. Bởi vì đôi song ca này đã thành danh từ những sân khấu sân trường đại học, từ Đà Lạt đến Sài Gòn. Nhớ lại buổi trình diễn đầu tiên của Lê Uyên Phương tại Viện Đại Học Đà Lạt. Khi chương trình sắp bắt đầu, thì dàn âm thanh bị trục trặc, không biết đến lúc nào thì mới sửa chữa xong. Sinh viên đã đến đầy khán phòng. Lê Uyên Phương lúc đó đã quyết định hát không cần micro, dàn âm thanh. Chỉ với một cây đàn guitar và một đôi tình nhân. Hát bằng con tim, hát bằng hơi thở. Khoảng 18 bài hát đã được trình diễn như vậy, với sự hưởng ứng của khán giả cũng bằng con tim, bằng hơi thở. Huyền thoại Lê Uyên Phương đã bắt đầu như vậy. Để rồi sau đó, tour lưu diễn đầu tiên ở Sài Gòn liên tiếp trong 19 ngày, cũng tại các sân trường đại học, cũng với một cách trình diễn như vậy, đã chinh phục trái tim của hàng trăm ngàn khán giả trẻ đang yêu, đang khắc khoải vì sự mong manh của tình yêu.
Nhạc của Lê Uyên Phương cũng là nhạc của quán cà phê. Chị Lê Uyên kể lại, sau những ngày tháng thành công, nhưng quá bận rộn ở Sài Gòn, anh Phương muốn tìm trở lại lên Đà Lạt, để có những giây phút thơ mộng của riêng mình. Quán Cà Phê Lục Huyền Cầm nằm trên đường Võ Tánh của thành phố Đà Lạt đã ra đời trong khoảng năm 1972. Nó trở thành một trong những quán cà phê văn nghệ, có nhạc sống đầu tiên vào thời kỳ đó của miền Nam Việt Nam. Cũng là một nét văn hóa độc đáo của giới văn nghệ sĩ Miền Nam. Chị Lê Uyên kể lại hồi đó hát ở Sài Gòn, hát ở đâu cũng bị khán giả yêu cầu hát một số bài cũ như Vũng Lầy Của Chúng Ta, Cho Lần Cuối, Tình Khúc Cho Em... Chỉ trở về với Lục Huyền Cầm, chị & anh Phương mới có dịp hát những sáng tác mới của mình. Lục Huyền Cầm trở thành chỗ hẹn hò của giới văn nghệ sĩ từ khắp nơi tìm về. Để tận hưởng không khí thơ mộng, lãng mạn của Đà Lạt. Để gặp nhau hàn huyên, để hát cho nhau nghe, đọc thơ cho nhau nghe. Thân mật mà tràn đầy văn hóa.
Nhạc của thập niên 70 cũng là nhạc của Phạm Duy. Không phải vì Phạm Duy chỉ thành công trong giai đoạn này. Nhạc của Phạm Duy trải dài qua mọi thời kỳ của vận nước.
Nhưng mà dấu ấn của Phạm Duy trong thời kỳ đó cũng đặc sắc không thua bất cứ thời kỳ sáng tác nào khác của người nhạc sĩ thiên tài. Đó là thời của Bình Ca, đánh dấu niềm hy vọng cho một đất nước thanh bình sau Hiệp Định Paris 1972. Đó là thời kỳ Phạm Duy viết cho những cặp tình nhân trong sân trường. Con Đường Tình Ta Đi, Tuổi Biết Buồn, Trả Lại Em yêu. Những người tình học trò nào chắc không thể nào quên những lời ca đó. Đó là thời Phạm Duy viết cho những cuộc tình chia xa thời chinh chiến. Kỷ Vật Cho Em, Tưởng Như Còn Người Yêu… Đó cũng là thời Phạm Duy trẻ lại, hòa mình vào trong dòng nhạc trẻ đương thời. Phạm Duy đã chứng tỏ mình là nhạc sĩ của mọi lứa tuổi, của mọi thể loại âm nhạc, khi ông viết những ca khúc Nữ Ca: Tuổi Mộng Mơ, Tuổi Ngọc, Tuồi Hồng, Tuổi Thần Thiên… rồi Bé Ca: Bé Bắt Dế, Đưa Bé Đến Trường, Ông Trăng Xuống Chơi… Phạm Duy của thập niên 70 trẻ trung, tràn đầy nhựa sống.
Nhạc của thập niên 70 cũng mang dấu ấn của Trịnh Công Sơn. Những tình khúc của họ Trịnh có lời đẹp tựa những bài thơ, giai điệu giản dị nhưng có bản sắc rất riêng của mình. Những bài ca phản chiến của Trịnh Công Sơn khắc khoải thân phận làm người Việt Nam.
Nhạc của thập niên 70 không thể không nhắc đến Trần Thiện Thanh, với những bản tình ca đặc trưng của người lính Cộng Hòa, tuy chinh chiến gian khổ nhưng vẫn giữ được nét nhân bản, trong sáng đáng trân trọng. còn có Lê Hựu Hà, cùng ban nhạc Phượng Hoàng, đã phát họa trào lưu hiện sinh thế giới vào nền âm nhạc Việt Nam. Càng nghe, càng ngẫm nghĩ, càng quí báu kho tàng văn hóa đồ sộ mà nền âm nhạc của Miền Nam đã để lại cho dân tộc.
Ngoại giọng ca vẫn còn đứng vững trước thời gian của Lê Uyên, khán giả có dịp gặp lại một giọng ca quen thuộc của nền âm nhạc Sài Gòn trong thập niên 70, nhưng lâu nay vắng bóng tại hải ngoại: Uyên Phương. Phạm Hà, Thương Linh là những giọng ca của thể nhạc thính phòng. Cùng với Hoàng Công Luận cũng là một nhạc sĩ của thính phòng. Và hội trường Việt Báo, trong thời gian gần đây đã giới thiệu một sân khấu thính phòng ấm cúng, ít mang tính chất thương mại mà đậm đà tinh thần văn hóa, tri kỷ.
Chiều Nhạc Sài Gòn: Cà phê, Sân Trường thời 1970s sẽ không phải là chỉ một buổi trình diễn âm nhạc. Nó sẽ đưa những người đã từng có một thời hoa mộng trong thập niên 70, hoài niệm trở về với quán cà phê, góc sân trường của một Sài Gòn không thể bị xóa nhòa trong tâm tưởng…
Đoàn Hưng / SBTN
No comments:
Post a Comment