Một buổi tuần hành bài trừ “văn hoá đồi truỵ Mỹ Nguỵ”
Hôm nay tôi đọc hết một bài dài về nền văn học miền Nam sau 1975.
Bài viết có vài thông tin có thể xem là có ích. Nói là “sau 1975″ nhưng
bài viết cũng cung cấp vài con số hay hay về nền văn học miền Nam trước
1975. Sau đây là vài con số mà tôi thu thập được từ bài viết.
Theo thống kê của ông Trần Trọng Đăng Đàn thì miền Nam thời đó có
2721 tác giả có tác phẩm được xuất bản. Con số này kể cả nhà văn, nhà
báo, biên khảo, giáo sư, trí thức, v.v. Nhưng con số đó không kể những
người viết báo nghiệp dư hay có thơ thỉnh thoảng đăng trên báo mà không
xuất bản thành sách.
Tính trung bình, số đầu sách được xuất bản hàng năm là khoảng
10,000 cuốn (số liệu của Bộ Thông tin VNCH). Mỗi cuốn được in tối thiểu
là 3000 bản, nhưng có cuốn được in đến 10 ngàn bản.
Trong số sách xuất
bản, nếu tính từ 1962 đến 1975, có 208 bộ sách chưởng, gồm 850 quyển.
Nhưng số phát hành sách chưởng lên đến 5 triệu bản (tương đương với số
sách giáo khoa trong cùng thời gian).
Tác phẩm văn học xuất bản ở miền Nam từng là những đối tượng phê
bình nặng nề của giới phê bình văn học miền Bắc (trước 1975). Điều tuyệt
vời là họ làm thống kê về những phê bình đó. Theo Phan Cự Đệ và Hà Minh
Đức, trong thời gian đó, miền Bắc đã sản xuất được 286 bài phê bình văn
học miền Nam. Những bài này đăng trên tạp chí Học Tập, Văn học và Văn
nghệ.
Những người tham dự chiến dịch phê bình văn học miền Nam thì có
nhiều, và toàn những người “tên tuổi”. Có thể kể đến một vài cái tên nổi
bậc như Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Thái Kế Toại. Lê Đình
Kỵ, Vũ Hạnh, Lữ Phương. Ngay cả những người như Bảo Ninh (tác giả “Nỗi
buồn chiến tranh”) cũng hăng hái tham gia vào chiến dịch miệt thị các
văn nghệ sĩ miền Nam như Chu Tử, Xuân Vũ và Phan Nhật Nam, cho rằng tác
phẩm của mấy người này không đáng dùng làm giấy đi cầu!
Nhưng theo tác giả (Nguyễn Văn Lục) thì trong những người phê bình,
không ai viết thâm độc bằng Lữ Phương vì ông là người trong cuộc. Điều
thú vị là hình như sau này ông Lữ Phương nhìn ra việc làm không hay của
mình nên ông âm thầm loại bỏ cuốn “Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng
của Đế quốc Mĩ tại miền Nam Việt Nam” ra khỏi lí lịch. Ngoài Lữ Phương
ra, một vài tác giả (như Đỗ Đức Hiếu, Lê Đình Kỵ) từng miệt thị văn nghệ
sĩ miền Nam cũng âm thầm loại bỏ những “tác phẩm” phê bình văn học miền
Nam khỏi danh sách các công trình của họ.
Trong những năm sau 1975, đảng CSVN ra chỉ thị “Phải nhổ tận gốc rễ
những nọc độc về tư tưởng văn hóa thực dân mới mà đế quốc Mỹ đã gieo
trồng ở miền Nam Việt Nam. Đó là thứ văn hóa, nô dịch, lai căng, đồi
trụy cực kỳ phản động cùng các hủ tục, mê tín, dị đoan lan tràn“. Do đó,
xảy ra cuộc săn lùng, tịch thu, và đốt sách. Kết quả của chính sách
tiêu diệt nền văn học miền Nam là (ước tính) có khoảng 180 triệu cuốn
sách (copies) bị tịch thu và tiêu huỷ. Có gia đình ở Sài Gòn phải đốt
đến 5000 cuốn sách!
Thật ra, chính sách đốt sách thời đó chỉ là một sự lặp lại chính
sách đốt sách ngoài Bắc sau 1954. Thời đó, ngoài Bắc người ta cũng có
lệnh đốt những sách báo xuất bản trước 1954 dưới thời Pháp thuộc.
Như người ta nói “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng
sông”, Văn học miền Nam thời trước 1975 có một thời thịnh hành, một thời
tàn lụi, và nay thì lại được trân trọng. Hôm trước, khi có dịp lang
thang trong nhà sách, tôi phát hiện những tác phẩm kinh điển thời đó của
những tác giả như Dương Nghiễm Mậu, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Bùi Giáng,
Phạm Công Thiện, Nguyễn Vỹ, Thế Phong, Phạm Thiên Thư, Hoài Khanh, Tuệ
Sỹ, Hoàng Trúc Ly, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Đình Điểu, Võ Phiến,
và những nhà khảo cứu như Giản Chi, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục,
Nhất Hạnh – Nguyễn Lang, Toan Ánh, Vương Hồng Sển, Lý Chánh Trung,
Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Thanh Lãng, v.v. đã
được tái bản. Ngoài ra, chúng ta còn biết những ca khúc nổi tiếng của
các nhạc sĩ như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên,
Trần Thiện Thanh, Lam Phương, v.v. cũng đã đến bạn đọc và người thưởng
ngoạn. Có thể xem đó là một tín hiệu tích cực.
Nhưng sau trận đốt sách như vừa kể thì di sản của nền văn học đó
còn lại chẳng bao nhiêu. Nghĩ về cái thời mông muội (hay ngu muội?) đó
mà buồn và giận, vì những kẻ chủ trương đã làm một việc rất Tần Thuỷ
Hoàng, và hết sức thiển cận. Sự thiển cận của họ làm thiệt thòi cho cho
thế hệ mai sau và làm chậm quá trình hội nhập quốc tế.
Ngày nay, có khá
nhiều tác phẩm kinh điển của phương Tây được dịch trong khi những tác
phẩm đó đã được dịch và xuất bản trước đây cả 50 năm (và đã bị tiêu huỷ
sau 1975).
Thật là một phí phạm ghê gớm, và sự phí phạm chỉ xuất phát từ
sự dốt nát và cuồng tín.
No comments:
Post a Comment