Nhận định trên được một người làm việc ở Sài Gòn trước 1975 nói với BBC trong dịp đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, từng là phụ tá Tổng trưởng Tài chính thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, trao đổi với BBC từ California, Hoa Kỳ. Ông cho rằng chính sách viện trợ của Hoa Kỳ không những không giải quyết được các vấn đề của miền Nam thời bấy giờ, mà còn gây thêm nhiều khó khăn.
BBC:Ông đánh giá thế nào về tính tự do, mở cửa của nền kinh tế miền Nam thời bấy giờ, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Có lẽ nên đặt trong hoàn cảnh của thập niên 60 của thế giới lúc đó và cái thứ nhì là hoàn cảnh riêng của Việt Nam.
Lần đầu tiên sau năm 1883 đến 1955 mới có một nước Việt Nam độc lập và bắt đầu bước qua chuyện thế nào là dân chủ, thế nào là kinh tế thị trường.
Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ miền Nam, nhất là nền Đệ nhất Cộng hòa, đã có những thành quả lớn, so với thời thực dân Pháp cai trị đất nước ta với nền kinh tế chỉ huy của họ.
Nền kinh tế với dân số 15 triệu đã phải tiếp nhận gần 2 triệu người dân di cư từ miền Bắc vào, phải xây dựng lại một hệ thống kinh tế và hành chính khác hẳn những gì nước Pháp để lại.
Trong giai đoạn đó, mức độ tự do kinh tế so với miền Bắc, chứ tôi chưa nói là các nước khác, thì những cải cách như đạo luật cải cách ruộng đất ban hành năm 1956 đã là một bước tiến đáng kể.
Bước sang nền Đệ nhị Cộng hòa thì một nửa đất nước lâm vào cảnh chiến tranh toàn diện, do những người cộng sản tổ chức ngay trong ruột của miền Nam.
Tình trạng chiến tranh ngày càng rộng mở từ năm 1965 trở đi thì miền Nam càng mất khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế của mình, từ chuyện ruộng đất, canh tác để nuôi sống khoảng 18 triệu người.
Nhưng trong giai đoạn đó thì chính quyền của nền Đệ nhị Cộng hòa vẫn cố gắng làm được chuyện rất lạ, là xây dựng nền kinh tế thị trường, và thúc đẩy điều lớn lao hơn nền Đệ nhất Cộng hòa là đạo luật cải cách ruộng đất ngày 26/3 năm 1970, với tên gọi "Người cày có ruộng".
Đạo luật này đã giải quyết được vấn đề công ăn việc làm và hữu sản hóa cho 1 triệu rưỡi người nông dân miền Nam lúc đó.
Trong hoàn cảnh đó, nhất là sự ngu xuẩn trong chính sách viện trợ của Mỹ, mà miền Nam vẫn làm được những điều đó.
Nếu nền Đệ nhất cộng hòa gặp áp lực từ người Bắc di dân vào thì Đệ nhị Cộng hòa cũng phải đón nhận hoàn cảnh tương tự.
Năm 1972, quân đội miền Bắc đánh vào phía nam của vĩ tuyến 17, khiến bao người trôi dạt vào phía trong nam mà miền nam vẫn phải trợ cấp, tạo công ăn việc làm cho họ, trong bối cảnh Mỹ đã tháo chạy.
Trong hoàn cảnh đó mà vẫn còn giữ được mấy năm nữa thì tôi nghĩ thuần về kinh tế mà nói là cả nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa đã giải được những bài toán kinh tế mà tôi cho là nhiều quốc gia như Nam Hàn, Thái Lan, Philippines nếu rơi vào trong hoàn cảnh tương tư chưa chắc đã giải quyết được.
Người ta cứ nói là do viện trợ Mỹ nhưng không phải. Chính viện trợ Mỹ là yếu tố khiến miền Nam không đương cự nổi với tình thế chiến tranh.
BBC:Theo ông thì những chính sách tiến bộ nào của miền Nam thời đó có thể so sánh được với Nam Hàn hay Nhật Bản trong thời kỳ các nước này mới trỗi dậy?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Một cái khá cụ thể là nói đến mức sống của người dân thực sự thời đó khá tương đối, nếu so sánh với trường hợp của Nam Hàn, Philippines hay Đài Loan.
Miền Nam lúc đó cũng đã có một số công ty quốc doanh bị buộc phải giải tư, hệ thống kinh tế do chính quyền kiểm soát phải bước sang nền kinh tế cho tư nhân.
Trong lĩnh vực của tôi khi tiếp xúc làm việc với đối tác Đài Loan, Nam Hàn thì họ theo dõi các chính sách của miền Nam có sự tôn kính, khâm phục. Hai bên đều xem nhau là đang trước áp lực của cộng sản mà phải giải quyết các vấn đề kinh tế.
Tuy nhiên chiến sự tại nam Việt nam ngày càng bùng phát dữ dội, không như hai nơi cũng bị áp lực của chiến tranh là hai Nam Hàn, Đài Loan.
Điều đó không chỉ bắt đầu từ việc chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, mà còn do tướng tá bắt đầu làm loạn từ năm 1963, khiến nền kinh tế không thể sinh hoạt bình thường như Nam Hàn hay Đài Loan, khiến miền Nam dựa vào hệ thống viện trợ của Hoa Kỳ.
Chúng ta thấy như ở Iraq hay Afghanistan là viện trợ không giúp cho quốc gia cầu viện giải quyết những vấn đề của mình, vì nó tùy thuộc vào chính sách quốc gia cấp viện khi đó. Viện trợ để giải quyết vấn đề của nước Mỹ, chứ không giải quyết vấn đề của nước nhận viện trợ.
BBC:Ông có tin rằng nếu có cơ hội tồn tại, Việt Nam Cộng hòa có thể sánh ngang với các cường quốc châu Á ngày nay?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ điều đó là vấn đề giả định về lịch sử mà không xảy ra được. Thực tế ra lúc đó các quốc gia đều nghĩ rằng miền Nam là trù phú. Miền Nam có những tài nguyên, điều kiện khá hơn các nước khác như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Philippines.
Nếu chiến sự lắng đọng trong 6 tháng thì miền Nam đã có thể tự túc về lúa gạo và lắng đọng 1 năm thì có thể trở về vị trí xuất cảng về gạo.
Ý thức về tự do và kinh tế thị trường đã ăn sâu vào xã hội ở miền nam.
Không khí, tinh thần kinh doanh, làm việc ở miền nam là điều còn kế thừa được sau một giai đoạn ngắn ngủi, đầy tai ương, chết chóc.
Bây giờ cũng vậy, những người ưu tú nhất của miền bắc cũng đi vào trong nam và tìm đến không khí tự do, cởi mở, thông thoáng, rộng rãi. Đó là di sản mà người ta cứ tưởng đã mất, nhưng vẫn còn đó.
Đó là đóng góp của miền Nam, vùng đất nhiều vấn đề, tai ương, nhưng cũng là nơi cho nhiều cơ sở để có thể bùng lên sau thời kỳ Đổi Mới.
No comments:
Post a Comment