Tuesday, January 6, 2015

NỀN GIÁO DỤC MIỀN NAM 1954-1975


1Tôi là một “sản phẩm” của nền giáo dục miền Nam thời trước 1975 (VNCH). Nhưng dữ liệu về nền giáo dục đó rất khó tìm. Hôm nay đọc được một bài về giáo dục miền Nam của tác giả Trần Văn Chánh. Bài viết có vài số liệu, nên tôi muốn cóp về trang blog để tham khảo. Bài rất dài, nên tôi xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn quan tâm. Tôi trích dưới đây vài dữ liệu trong bài viết của tác giả TVC.

Bây giờ nhìn lại và nói cho công bằng, những bậc tiền nhân VNCH đã tạo được “nền móng” tốt cho nền giáo dục thời VNCH. 
   Trường học phát triển khắp nơi. Thời đó đã có những trường cao đẳng cộng đồng (kiểu Mĩ) ở nhiều tỉnh vùng. Mỗi tỉnh có một trường kĩ thuật (như Nông Lâm Súc – đại học Nông Lâm ngày nay). Sinh viên được tuyển chọn thích hợp và khắt khe, nên đến năm 1975 cũng chỉ có 150 ngàn người. Sinh viên sư phạm được tuyển chọn rất nghiêm ngặt, và khi tốt nghiệp họ được xã hội kính trọng, đúng với tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Các giáo sư (rất ít) được tiến phong đàng hoàng. Đặc biệt là giáo dục đại học đã được tự chủ (khái niệm mà bây giờ VN đang bàn cãi!) Đặc biệt quan trọng là nền giáo dục đó có tự do học thuật khá tốt, chứ không bị chính trị hoá như hiện nay. Đọc đoạn cuối (tôi trích trong note) chúng ta thấy ngay cả ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng phải chào thua quyết định của hiệu trưởng Đại học Đà Lạt. Thời đó dĩ nhiên không có chuyện “cử tuyển” hay “nâng cấp”. Chúng ta còn nhớ Gs Phạm Biểu Tâm không nhận con gái của ông Ngô Đình Nhu vào học trường y vì cô ấy thiếu điểm.
Nhìn lại mà thấy luyến tiếc. Nếu nền giáo dục đó còn tồn tại, biết đâu ngày nay VN đã thành “rồng” hay “cọp” theo cách nói của báo chí phương Tây.

Nguyễn Văn Tuấn
P/S: Tôi nhớ hoài thời tôi vào học đại học thời đó. Ngày đầu tiên vào lớp học tôi thấy một tay ăn mặc rất ngon lành, áo vô quần, hắn ngồi chễm chệ trên bàn chỗ thầy ngồi, và phía sau lưng là tấm bảng đen. Tôi là một sinh viên nói theo cách nói thời nay là gốc Hai Lúa, mới lên thành chẳng bao lâu, tôi thấy hắn sang quá và tưởng hắn là thầy nên cung kính chào. Hắn nhìn tôi cười cười và chẳng nói gì. Đến khi thầy thật vào tôi mới biết hắn là học trò như mình. Tôi vừa tức anh ách, vừa giận mình sao mình quê mùa đến thế. Thế mà sau này tôi và hắn trở thành bạn thân. .
====
“Về bậc Tiểu học, trong niên khóa 1960-1961, sĩ số học sinh ghi danh học bậc Tiểu học là 1.277.802 em, đến niên khóa 1969-1970, con số này lên tới 2.422.701 em, đã tăng thêm được 1.144.899 học sinh tiểu học. Số giáo viên tiểu học cũng đã tăng từ 24.335 vị lên 46.554 vị. Trường ốc tiểu học từ 6.111 tăng lên 7.452 trường.
Về bậc Trung học, sĩ số học sinh cũng đã tăng từ 203.760 em lên đến 6.36.921 em đồng thời với số giáo viên tăng từ 16.607 lên 17.249 vị. Số trường trung học đã từ 418 trường vào năm 1961 tăng lên 804 trường vào cuối năm 1970.
Về Trung học Kỹ thuật và Chuyên nghiệp, niên khóa 1960-1961 là 3.634 em, đến niên khóa 1969-1970 đã tăng lên 10.315 em. Giáo sư từ 231 vị trong niên khóa 1960-1961 tăng lên 1.200 vị vào cuối năm 1970. Số trường ốc tăng từ 11 lên đến 44 trường trong thập niên vừa qua.

    Về ngành Đại học phổ thông, sĩ số ghi tên theo học đã tăng từ 13.035 sinh viên trong niên khóa 1960-1961 lên đến 46.054 sinh viên trong niên khóa 1969-1970. Giáo sư đại học tăng từ 465 vị lên đến 1.247 vị. Số viện đại học trong nước từ 3 viện tăng lên đến 5 viện trong niên khóa 1969-1970.
Đến năm 1975, tổng số sinh viên trong các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người, không tính các sinh viên theo học ở Học viện Quốc gia Hành chánh và ở các trường đại học cộng đồng (Nguyễn Văn Canh, Vietnam Under Communism 1975-1982, tr. 156, dẫn lại theo “Giáo dục Việt Nam Cộng hòa”, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).”
Nhận xét của tác giả:
” Mức lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư Trung học Đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư Trung học Đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470. Với mức lương căn bản này, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ nhất Cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể thuê được người giúp việc trong nhà. Tình hình tốt đẹp này có thể nói chỉ bắt đầu sa sút với đời sống chật vật tăng dần từ khi chiến tranh leo thang ác liệt đi cùng với những cuộc xào xáo chính trị nội bộ diễn ra liên tục từ sau cuộc đảo lộn chính trị năm 1963. Tuy vậy, một cách chung, giới nhà giáo miền Nam căn bản vẫn giữ được lòng tự trọng và cung cách mô phạm, từ cách ăn mặc cho đến nói năng, giao thiệp với mọi người trong xã hội.”
“Nền giáo dục miền Nam vận hành trên cơ sở chế độ dân chủ tự do. Do Hiến pháp công nhận, các viện đại học cả công lẫn tư được quyền hoạt động độc lập và tự chủ, gọi là tự trị đại học (tương đương với khái niệm “tự chủ đại học” bây giờ), đặc biệt về học vụ không có sự can thiệp từ ngoài, không có bộ nào chủ quản, kể cả Bộ Quốc gia Giáo dục. Hội đồng Khoa (đứng đầu là Khoa trưởng) của mỗi trường đại học gồm những giáo sư, học giả uyên bác có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược và chương trình đào tạo của trường mình.
Nhà trường hoạt động theo cơ chế tập thể lãnh đạo (Hội đồng Khoa) và cá nhân phụ trách (Khoa trưởng). Viện trưởng chịu trách nhiệm lãnh đạo chung toàn viện về học vụ, hành chánh, tài chánh, ngoại giao và kỷ luật, cũng như về đường hướng/ kế hoạch phát triển tổng quát.

    Trong khuôn khổ tự trị đại học, sinh viên được sống trong môi trường học tập và sinh hoạt khác hẳn so với thời trung học. Ở hầu hết các trường/ phân khoa đại học, sinh viên không bị ràng buộc vào khuôn khổ, không bị điểm danh (nghĩa là không bắt buộc phải dự lớp nghe giảng), mà chỉ cần sự tự giác với kết quả học tập được đánh giá qua các kỳ thi quy định. Sinh viên được xem là trí thức trẻ, nên với truyền thống dân chủ học đường, nhà trường tạo mọi điều kiện cho họ được tự do hoạt động trong khuôn khổ nội quy của trường và không can thiệp vào việc nội bộ của họ. Bên trong nhà trường đại học, người sinh viên được quyền tự do nói lên tiếng nói của mình về mọi vấn đề của đất nước và của xã hội đương thời, miễn không trái quy định của luật pháp là được.
Với tinh thần tự trị đại học, ít nhất về phương diện học vụ, các trường đại học đều được tự do thiết lập chương trình giảng dạy và học tập/ nghiên cứu riêng, không bị lệ thuộc bởi bất kỳ một kiểu “ban tuyên giáo” nào. Điều này có nghĩa cả ở các môn khoa học xã hội (Văn chương, Sử học, Triết học …), giáo sư được quyền tự biên soạn giáo trình tùy theo lĩnh vực tâm đắc của mình, muốn dạy gì dạy nhưng phải được sự chấp thuận của Khoa trưởng, và đương nhiên, do sự đối đầu giữa hai hệ thống ý thức hệ Nam-Bắc lúc bấy giờ, miễn không lợi dụng giảng đường để tuyên truyền trực tiếp cho “cộng sản” là được! Nhờ vậy, ngành Đại học phát triển khá tự do, tạo điều kiện cho mọi giáo sư, sinh viên được quyền nghiên cứu, sáng tạo, phát biểu tư tưởng và thậm chí… lập thuyết! Sinh viên nào làm bài thi trái ý thầy trong các bộ giáo trình, có khi còn được điểm cao hơn.
    
     Đương nhiên, tính độc lập của một viện trưởng viện đại học đối với nhà cầm quyền còn phải cao hơn. Trong một tập hồi ký (chưa xuất bản) của mình, Dương Văn Ba, cựu dân biểu Hạ viện phái đối lập thời Việt Nam Cộng Hòa, kể chuyện khoảng tháng 9.1968, Viện Đại học Đà Lạt tổ chức lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên (1964-1968) của trường Đại học Chính trị Kinh doanh (thuộc Viện Đại học Đà Lạt). Trong buổi lễ, Viện mời tác giả với tư cách cựu sinh viên về họp mặt và phát biểu cảm tưởng, đồng thời cũng có mời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến tham dự. Khi biết có kẻ “đối lập” sắp phát biểu trước mặt mình, ông Thiệu lễ phép tỏ ý không hài lòng với linh mục Viện trưởng Nguyễn Văn Lập, nhưng linh mục vẫn lịch sự thưa lại rằng chương trình đã lỡ sắp đặt: “Với tư cách Viện trưởng Đại học, tôi không thể hủy bỏ việc đó [tức việc phát biểu cảm tưởng của Dương Văn Ba] vì phải tôn trọng danh dự cựu sinh viên, cũng là bảo vệ danh dự của Viện trưởng Đại học Đà Lạt. Xin Tổng thống tha lỗi”.
 Rồi tác giả tập hồi ký kết luận cho câu chuyện mình vừa kể: “Thái độ của cha Lập đối với người đứng đầu chính quyền Sài Gòn lúc đó rất thẳng thắn, nói lên quan điểm về tự trị đại học, truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới. Đại học đào tạo nên những con người cho tương lai, chứ không phải đào tạo nên con người thời vụ…” (Dương Văn Ba, Những ngã rẽ, tr. 123-125). “

GS NGUYỄN VĂN TUẤN

(baotoquoc)

No comments:

Post a Comment