Từ năm 1975, có rất nhiều các nghệ sĩ của Sài Gòn cũ bị
cấm hát tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nhiều nghệ sĩ vì quá yêu ánh đèn sân
khấu, quá nhớ khán giả cũ và cũng vì cuộc sống khó
Tôn Thất HùngTừ năm 1975, có rất nhiều các nghệ sĩ của Sài Gòn cũ bị cấm hát tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nhiều nghệ sĩ vì quá yêu ánh đèn sân khấu, quá nhớ khán giả cũ và cũng vì cuộc sống khó khăn, họ đành phải cắn răng, đau khổ đổi tên để làm một người mới, bước ra sân khấu hát một cách lén lút kiếm sống. Có khi họ trôi dạt về các tỉnh lỵ nhỏ, hát chợ, hát đình để đổi lấy một số tiền thù lao tượng trưng. Những mức thù lao ấy hoàn toàn không xứng đáng với tên tuổi lẫy lừng của họ trước kia, bởi vì đó chỉ là tiền trả cho một danh xưng mới không liên quan gì đến cả một cuộc đời nghệ thuật và tên tuổi lớn của họ.
Tôi từng được nghe các cô chú trong làng văn nghệ kể lại: vào thời điểm sau 1975, rất đông những nghệ sĩ cũ bị cấm hát, nhưng các ông bầu vẫn có cách tìm đến các nghệ sĩ này mời hát, đồng thời tìm cách lách luật và đút lót tiền cho các địa phương để thỉnh thoảng vẫn tổ chức được những đêm văn nghệ… Những đêm văn nghệ ấy thỉnh thoảng được lén lút tổ chức, nếu ở Sài Gòn bị bắt dẹp thì họ chạy về các tỉnh miền Đông, miền Tây hoặc thậm chí về tận cùng mũi Cà Mau. Giới nghệ sĩ gọi các buổi hát như vậy là đi “hát chui”, một cách gọi rất cay đắng, chua chát và tủi buồn cho đời người làm nghệ thuật. Những nghệ sĩ bị cấm trình diễn thời ấy có thể là những nữ nghệ sĩ có chồng là sĩ quan chế độ cũ đang đi tù cải tạo, những ai đã từng hát cho các chương trình chiêu hồi, tâm lý chiến, các chương trình phát thanh quân đội… Họ từng là những người rất nổi tiếng nhưng giờ đây họ đã phải hát như một kẻ vô danh…
Tuổi thơ của tôi lớn lên từ một khu cư xá ở Sài Gòn. Năm 1976, chính quyền phường khóm nơi ấy đã cho đốn hết các cây hoa, cây cổ thụ trong cư xá ấy để làm sân khấu lộ thiên. Rồi các chương trình ca nhạc, cải lương về đây hát thường xuyên, những chương trình ấy đương nhiên phải có nghệ sĩ của Sài Gòn cũ mới có thể bán vé được. Tôi còn nhớ các tên tuổi như Hùng Cường, Lệ Thu, Chế Linh, Thanh Lan… đôi khi được viết trên các băng-rôn quảng cáo, nhưng có khi không biết vì lý do gì, các tên tuổi nổi tiếng này phải bị lấy xuống. Nếu trong trường hợp có danh ca, danh hài, các nghệ sĩ lớn bị gạch tên trên quảng cáo như vậy, thì ông bầu Duy Ngọc, cũng là hoạt náo viên tại các đêm văn nghệ, luôn lên sân khấu thông báo và trấn an khán giả trước một đêm, rằng vẫn không có gì thay đổi, vẫn có những danh tài ấy. Ông xin khán giả cứ yên tâm, mời họ vẫn cứ đến mua vé. Tuy vậy, dường như cũng có những nhân vật mà ông bầu không dám xướng tên trên sân khấu vì một lý do nào đó, ví dụ như lý lịch của họ quá “đen”, vì họ bị xếp vào trong danh sách “phản động” … Những điều này sau này lớn lên, có cơ hội tiếp xúc với nhiều cô chú nghệ sĩ, nghe kể lại tôi mới biết.
Nhà tôi ở ngay bên trong khu vực tổ chức văn nghệ ấy, nếu muốn xem là chạy ra trước cửa xem, không phải mua vé. Thời đó tôi bé tí teo, chiều nào cũng phải hứa với các anh chị trong gia đình rằng đã học xong bài vở rồi thì mới được phép lon ton ra bên ngoài, lót dép dưới đất, chống cằm ngồi xem các tuồng cải lương, tuồng kịch và những ca sĩ tân nhạc trình diễn… Tôi thường xuyên bị người ta chen lấn tới rách cả áo, tóc tai bờm xờm, có lần bị văng mất luôn một chiếc dép không thể tìm lại được… Cũng vì thấy mỗi lần tôi ra ngoài xem văn nghệ xong, trở vào nhà là… hình hài tơi tả như một miếng giẻ rách. Chị tôi thì bảo nhìn tôi nhếch nhác, te tua như cái khăn lau bàn. Bởi vậy nên gia đình không muốn cho tôi ra ngoài xem nữa, tôi chỉ được phép xem từ trong nhà, tức là leo lên balcony ngồi xem. Tuy vậy tôi vẫn thích được ngồi gần sân khấu, hễ có dịp là lại lén chạy ra ngoài lót dép ngồi, vừa được xem các ca sĩ trình diễn thật gần sát sân khấu, vừa được nghe người lớn xung quanh bàn chuyện, ví dụ ca sĩ Thanh Lan vừa lên sân khấu thì bên dưới có người đã nói ngay:
– “Tui ở tù vượt biên chung với cổ nè, ở tù mà cũng còn điệu dữ lắm nghen”.
Hoặc nếu trên băng-rôn quảng cáo có tên Hùng Cường mà không thấy nam danh ca đến thì thiên hạ lại kháo nhau:
– “Hùng Cường chắc đi vượt biên rồi, dễ gì mà chịu ở lại chứ, nghe nói ổng ra vô nhà tù như cơm bữa.”
Rồi đủ thứ các câu chuyện văn nghệ nhưng thật ra là có liên quan trực tiếp đến thời sự nóng hổi, ví dụ như họ kể cho nhau nghe chương trình đài VOA họ bắt sóng được:
– “Tối hôm qua có Thanh Thúy hát, cả nhà vặn radio nhỏ nhỏ sợ tụi công an khu vực, nhưng má tui nghe hát lại nhớ ông anh hai, bả lại khóc to quá chừng.”
Người khác lại xen vào:
– “Bài hát Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên bị cấm rồi, từ khi Khánh Ly hát trên đài đó, liệu hồn đừng có hát nghêu ngao mà ở tù à.”
– “Ê, nghe gì chưa? Băng Châu vượt biên bị hải tặc bắt cóc rồi”….
Và những câu trao đổi, những tin đồn qua lại của người dân Sài Gòn ngày ấy luôn hướng ra hải ngoại như một niềm hy vọng, hoặc vương vấn và nhớ về kỷ niệm Sài Gòn xưa cũ như một niềm tự hào. Nếu họ nghe một ca sĩ Sài Gòn đang hát nhạc “cách mạng” trên sân khấu, nhưng bài hát được diễn tả rất có hồn, rất tình cảm, bài hát có “đỏ” cách mấy, nhưng qua bàn tay hòa âm của nhạc sĩ và sự trình bày của ca sĩ miền Nam cũng biến ra hơi hướm “vàng, vàng” dễ nghe hơn, không giống kiểu hát của các ca sĩ miền Bắc vào; thế nào cũng có những câu chắc nịch như vầy: “Hay chứ, còn phải hỏi, ca sĩ “ngụy” mà, đâu có giỡn chơi được!”…
Một đêm nọ, trong khoảng thời gian chuyển cảnh của vở cải lương, một ca sĩ tân nhạc được người hoạt náo chương trình giới thiệu tiếp theo. Ông ta giới thiệu một cái “tên lạ hoắc”, rồi một phụ nữ bước ra sân khấu với chiếc áo đầm màu cam thật rực rỡ. Khán giả ngồi bên dưới làm thinh làm thỉnh, có vẻ dửng dưng, chỉ có một vài tiếng nói lao xao, bàn tán… “Ủa, ai dzậy???”… “Ý trời ơi, hình như là…”… và họ nói gì nữa mà tôi nghe không rõ… Tiếng nhạc xập xình đã trỗi lên, rồi cô cất tiếng hát, có nhiều tiếng đàn ông con trai reo to mừng rỡ: “Túy Phượng!!! Túy Phượng!!!”…. Khi ấy vì là sân khấu dành cho trình diễn cải lương nên tất cả nhạc công đều đứng ở bên dưới – ngay phía trước sân khấu, còn trên sân khấu rộng lớn chỉ có một mình cô ca sĩ. Cô đã cho thấy cô không hề bị lạc lõng trên ấy, sân khấu cũng không vì chỉ có mình cô mà bị trống trải. Ngược lại, người ca sĩ đã chứng tỏ cho khán giả thấy nơi cô có một bản lãnh sân khấu thật tuyệt vời, rất tự tin, cô vừa hát vừa nhún nhẩy theo điệu nhạc, di chuyển đều khắp sân khấu… Giữa nhạc công và ca sĩ như được tái ngộ cùng nhau, họ như cá gặp lại nước, như những người bạn xưa gặp lại, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống rất ăn khớp, vô cùng nhịp nhàng và hòa quyện lẫn nhau. Khi ấy tôi còn rất bé, nhưng cũng cảm thấy giống như họ từng đã quen phong cách của nhau từ rất lâu lắm rồi thì phải.
Cô hát loại nhạc trẻ của Pháp, của Ý, của Tây Ban Nha bằng lời Việt, nhưng cứ giới thiệu là “ca khúc quốc tế” để không mang “mùi tư bản”, vốn bị cấm vào thời gian ấy. Cứ sau một bài hát là khán giả vỗ tay vang dội. Dường như hơn 2000 khán giả bên dưới đã nhận ra được ai đang đứng trên sân khấu, qua phong cách trình diễn hút hồn, qua những âm điệu quen thuộc một thời và nhất là tiếng hát mộc mạc nhưng vô cùng tự tin trên khuôn mặt đẹp của cô… Sự hưởng ứng của khán giả thật là khác và đối lập với sự im lặng, thờ ơ khi nãy, lúc mà cô vừa bước ra với cái “tên lạ hoắc”… Cô hát liên tục đâu ba hay bốn bài, trước khi đi vào, cô lại dùng cái “tên lạ hoắc” kia để chào từ giã, nhưng khán giả bên dưới bấy giờ đã la ó rất to như phản đối cái tên mới này, có nhiều tiếng gào: “Túy Phượng!!! Túy Phượng!!!”…..
Đó là những năm tháng rất đen tối và ngột ngạt cho văn nghệ và xã hội miền Nam sau tháng 4 năm 1975 tại Sài Gòn.
Thời ấy tôi còn quá bé nên không dám quả quyết điều gì, nhưng nhìn vào phản ứng và nhận xét của hơn 2000 khán giả Sài Gòn đang ngồi bên dưới, ở xung quanh, tôi nghĩ chắc phải đúng, nhất là nếu đó là một ca sĩ có “tên lạ hoắc”, vô danh tiểu tốt thì đã không được ông bầu Duy Ngọc, một ông bầu kiêm hoạt náo viên mà tôi nghe nói rất nổi tiếng của Sài Gòn cũ, mời hát liên tục ba đến bốn bài hát, và nếu đó không phải là một danh ca từng dạn dĩ trên sân khấu thì cô đã không thể nào trình diễn vô cùng tự tin, có khả năng kích động được đám đông khán giả bên dưới chỉ sau vài câu hát….
Và cũng từ buổi tối hôm ấy, thằng bé tôi bắt đầu để ý xem Túy Phượng là ai mà khán giả họ quý mến cô như vậy. Tôi cố chú ý dò tìm tên cô trên các trang báo văn nghệ, trên các tấm bích chương của các đoàn hát… tuyệt đối không hề có. Nhưng khi tôi hỏi thăm Ba, Mẹ, các cô chú đến nhà chơi, ai cũng nói: “Cô Túy Phượng nổi tiếng lắm đó con, tại con còn nhỏ nên không biết đó thôi. Khi nào lớn lên, con sẽ hiểu tại sao cô ấy không được xuất hiện nữa”.
Rồi thời gian trôi qua, tôi lớn lên chút nữa, vượt biên xa rời quê hương ở tuổi niên thiếu một thân, một mình. Cuộc sống mới cứ làm tôi phải bơi theo với bài vở, với những kỳ thi cử và cơm áo. Trong thời gian định cư ở Canada, tôi đọc báo, biết rằng có nhiều nghệ sĩ lẫy lừng của Sài Gòn ngày xưa đã đến bến bờ tự do, đến trước tôi hoặc sau tôi, hầu hết họ đều đi hát trở lại. Tôi cứ ngồi đếm nhẩm xem những tên tuổi nào tôi đã từng được xem lúc còn bé thơ sau năm 1975, trong giai đoạn họ đi “hát chui” ấy… Bỗng nhiên tôi nhớ đến buổi hát mình được xem năm xưa, đến cô ca sĩ đã làm cho cả đám đông hơn 2000 khán giả dậy sóng vỗ tay và la hét vang trời, nhớ đến những tiếng la gào mừng rỡ của khán giả Sài Gòn với cô, tôi lại đi dò hỏi, tìm hiểu xem danh ca – kịch sĩ Túy Phượng bây giờ ra sao…
Sau này, người ta cho tôi biết Túy Phượng chết rồi, cô chết tại Sài Gòn, chết trong âm thầm, lặng lẽ và nghèo khó. Có người kể, họ từng gặp cô đẩy xe bán bánh mì ở chợ Bà Chiểu cùng với mẹ là nữ kịch sĩ và tài tử màn bạc nổi tiếng Túy Hoa. Cũng có người nói sau này cô hành nghề uốn tóc tại gia… Trước khi hai mẹ con cô nhắm mắt, tên tuổi của người nghệ sĩ vẫn không hề được trả lại một cách công bằng, đúng chỗ!!!
Tôn Thất Hùng
http://thoibao.com/co-ca-si-co-ten-la-hoac/
TVQ chuyển
No comments:
Post a Comment