Tóm lược: "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" là một bài hát do nhạc sĩ Lam Phương viết vào năm 1955 sau khi hiệp định Geneva chia đôi đất nước năm 1954 tại vĩ tuyến 17 bên sông Bến Hải. Bài hát là lời một cô gái đang mong chờ người yêu trên con đò bên bờ sông để đưa chàng qua vĩ tuyến về miền Nam thanh bình trù phú. Qua lời cô gái, tác giả biểu lộ bản chất nhân bản, hiền hòa, yêu thương đồng bào và đất nước của người miền Nam. Với cách diễn tả đặc sắc qua cách phối hợp tả cảnh và tả tình, nhạc sĩ Lam Phương cho thấy tài năng xuất chúng của ông ngay từ lúc còn trẻ tuổi.
Nhạc sĩ Lam Phương viết bài "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" vào năm 1955,
một năm sau khi Hiệp Định Geneva ký chia đôi đất nước. Tôi có
dịp nói chuyện với ông trực tiếp tại nhà riêng vào ngày 6
tháng 12 năm 2014 và được ông chia sẻ những mẩu chuyện lý thú
về các bản nhạc. Ông cho biết lúc ấy ông đọc tin tức trên báo
về việc đất nước chia đôi, buồn về chuyện đó, và có cảm xúc
để viết bài "Chuyến Đò Vĩ Tuyến," một tuyệt tác phẩm mà gần
sáu mươi năm sau vẫn còn làm rung động hàng triệu trái tim
người Việt trên khắp địa cầu.
Sau đây là vắn tắt tiểu sử nhạc sĩ Lam Phương.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại
Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1958 ông nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng
hòa. Trở về dân sự một thời gian, Lam Phương lại được lệnh tái ngũ. Ông
gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An, khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban
văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho
đến ngày mất miền Nam (Wikipedia 2014a). Ông rời Việt Nam cùng biết
bao nhiêu người tị nạn cộng sản vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ông sống ở Pháp và sống ở Hoa Kỳ cho tới ngày nay.
Nhạc sĩ Lam Phương viết khoảng hai trăm bản nhạc. Nhiều bài nổi
tiếng và rất được ưa chuộng như Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ
Tuyến, Tình Anh Lính Chiến, Thành Phố Buồn, Khúc Ca Ngày Mùa,
và Chiều Tây Đô.
Nguyên văn lời bài hát "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" như sau (Nhạc Việt trước 75).
Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng
Ơ ... ơi ... hò ...
Giòng sông mơ màng và đẹp lắm
Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ
Hò ... hơ .... hò .... hơ ...
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng
Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi
Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy
Ai gieo chi khúc hát lâm ly
Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng
Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng
Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm
Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà
Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau
Ơ ... ơi ... hò ... hò... ơi … ơi … hò
Ơ ... ơi ... hò ... hò... ơi … ơi … hò
Như đa số các bài hát khác, lời nhạc thường bị sửa đổi, vô
tình hay cố ý, và nhiều khi làm giảm hoặc mất hẳn ý nghĩa
bài hát. Thí dụ như "anh" (trong "Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm")
bị sửa thành "em" làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của bài
hát. Tác giả Lam Phương xác nhận với tôi câu đó phải dùng "anh"
mới đúng, như được ghi trong bản gốc bài nhạc.
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình
thức của "Chuyến Đò Vĩ Tuyến." Ngoài ra, như trong các bài
viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận về các
khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ
người nghe, người đọc, và người xem.
A. Bối cảnh lịch sử:
Để có thể hiểu rõ ý tưởng trong bài nhạc, ta nên có một chút
khái niệm về bối cảnh lịch sử của câu chuyện kể trong bài,
và cũng là hoàn cảnh lịch sử đất nước lúc Lam Phương viết
bài hát.
Năm 1954, cuộc chiến tranh Đông Dương chấm dứt sau trận Điện Biên
Phủ. Hiệp định Geneva được ký kết giữa chính phủ Bắc Việt và
Pháp, chia đôi đất nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Sông Bến
Hải, chảy theo vĩ tuyến này và thường được dùng là ranh giới
phân chia hai miền Nam Bắc. (Wikipedia 2014b)
Hội nghị Geneva (26 tháng 4, 1954 - 20 tháng 7, 1954) là hội nghị
xảy ra tại Geneva, Thụy Sĩ, có mục tiêu tìm cách giải quyết
các vấn đề về Đại Hàn và thảo luận sự khả thi đem lại hòa
bình cho Đông Dương. Về Đông Dương, hội nghị cho ra một bộ tài
liệu gọi lả Hiệp Định Geneva (Geneva Accords). Các thỏa thuận
này tạm thời chia Việt Nam thành hai vùng, vùng Bắc cai quản
bởi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo chế độ cộng sản, và vùng Nam
cai quản bởi Quốc Gia Việt Nam (the State of Vietnam), lúc ấy
được lãnh đạo bởi cựu hoàng Bảo Đại (sđd.)
Một bản Tuyên Bố Cuối Cùng của Hội Nghị đề nghị một cuộc
tổng tuyển cử vào tháng 7 năm 1956 để tạo ra một quốc gia Việt
Nam thống nhất. Bản Tuyên Bố Cuối Cùng này chỉ công nhận sự thỏa
thuận và không được chính thức ký kết hoặc bỏ phiếu. Đặc biệt,
các đại diện của Quốc Gia Việt Nam và Hoa Kỳ không chấp nhận
bản Tuyên bố này (sđd.)
Hiệp Định Geneva, ra vào ngày 21 tháng 7 năm 1954, thiết lập
những điều kiện liên quan tới Việt Nam. Trong các điều kiện
này, có phần cho phép dân chúng tự do di chuyển giữa các vùng
trong vòng ba trăm ngày. Kết quả là gần một triệu dân miền Bắc di
cư vào Nam và chỉ có một trăm ngàn người Nam di cư ra Bắc năm
1954-1955 (Lind 1999, 149).
Trong khi hầu hết mọi người miền Bắc di cư xuống Nam là thường
dân, người trong Nam đi ra Bắc toàn là quân du kích cộng sản và
gia đình họ (Huyen 1971, 249; Asselin 2013, 18-19). Số người miền Bắc
di cư vào Nam còn nhiều hơn nếu cộng sản không cố gắng cản trở việc
ra đi của họ (Asselin 2013, 20; Duiker 2000, 487; Huyen 1971, 248-249;
Nixon 1985, 35). Lúc bấy giờ, chương trình cải cách ruộng đất
đẫm máu đang diễn ra trên khắp vùng đồng quê miền Bắc. Giới
lãnh đạo Bắc Việt biết sự cải cách ruộng đất tác hại sẽ
biến các địa chủ và gia đình họ chống lại chính quyền cộng
sản. Họ "sợ là nếu Sài gòn mở cuộc tấn công, các địa chủ ở
miền Bắc sẽ là đội quân thứ năm hỗ trợ phe địch" (Zhai 2000,
75). Tuy nhiên, họ không muốn hao tổn dân số, một yếu tố quan
trọng trong việc bầu cử sau này, và không muốn bị mất mặt. Vì
vậy, họ cố cản trở dân đi vào Nam. Chính quyển cộng sản Bắc
Việt ngăn cản dân chúng di cư vào Nam bằng nhiều thủ đoạn. Một
thí dụ cho thấy sự ngăn cản này là vụ nổi dậy Quỳnh Lưu. Nông
dân phản đối "việc từ chối không cho quyền đi vào Nam . . ., và
sự trừng phạt nặng nề những người đã cố đi" (Nutt 1970, 3).
"[D]ân làng chống đối là họ đã bị các viên chức chính phủ
ngăn cản không cho di cư vào Nam" (Duiker 2000, 486-487).
Trong cuộc di cư từ Bắc vào Nam, nhiều gia đình phải phân tán
vì nhiều người không muốn rời bỏ quê nhà hoặc ruộng vườn, tài
sản. Ngoài ra, có nhiều trường hợp người đi trước và người
thân đi sau, nhưng bị cản trở và đành phải bị ở lại khi thời
hạn di cư chấm dứt. Bài hát "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" nói lên
trường hợp đó cho một cặp tình nhân.
B. Bài hát diễn tả bản chất nhân bản yêu thương đồng bào của dân miền Nam qua những biến thể tâm tư cô gái.
Bài hát nói về cảnh chia ly của hai người yêu vào thời đất
nước bị chia đôi theo Hiệp Định Geneva năm 1954. Hai người dự
tính di cư vào Nam trong khoảng thời gian 1954-1955 qui định bởi
Hiệp Định Geneva. Cô gái vào Nam trước và chàng sẽ đi sau vì
chàng phải mắc bận thu xếp việc ở quê nhà. Theo dự tính, cô
gái sẽ ra chỗ hẹn bên bờ sông Bến Hải để đón chàng qua vĩ
tuyến vào Nam.
Như trong đa số các tác phẩm nghệ thuật, tác giả mượn lời cô
gái và giàn dựng câu chuyện để diễn tả ý tưởng của chính
mình. Khán giả dần dần hiểu rõ câu chuyện và những ước mơ
của cô qua những lời cô kể lể tâm sự trong lúc chờ người yêu
trong con đò bên sông. Bằng ngôn từ giản dị, đơn sơ, nhưng đầy
tình cảm, cô gái diễn tả tâm trạng mình. Tác giả không cho
biết cô gái có phải là cô lái đò hay không, nhưng chuyện đó
không quan trọng. Tuy nhiên, qua tình tiết kể lể trong bài, ta có
thể hiểu cô gái chỉ dùng con đò là phương tiện để đưa hai
người qua vĩ tuyến vào Nam.
Theo nội dung, bài hát có thể được chia làm ba phần chính: dẫn nhập, cực đỉnh, và kết.
1. Trong phần dẫn nhập, cô gái cho biết hậu cảnh và lý do của chuyến đò:
Vì không biết chắc lúc nào chàng sẽ thu xếp xong mọi việc, cô
gái phải hằng đêm ra nơi hẹn, ở đầu làng bên bờ sông Bến Hải.
Nàng đã ra nhiều đêm rồi nhưng vẫn không gặp chàng. Đêm ấy, như
mọi đêm, nàng ra nơi hẹn để đón chàng qua vĩ tuyến. Nàng nhìn
trăng sáng trên trời trong lúc đợi chờ người yêu trên chuyến đò.
Giòng sông Bến Hải ngăn chia đất nước lóng lánh ánh trăng bạc
màu trong đêm khuya. Màu bạc giòng sông như thể có hai màu của
hai miền Nam Bắc, khiến nàng buồn bã than thở về sự cách ly
của hai người ("Đêm nay trăng sáng quá anh ơi/ Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu.")
Con đò nhỏ lênh đênh trên những đợt sóng vỗ nhẹ nhàng trên mặt
nước sông. Với chiếc đò con, giòng sông nhỏ trở nên mông mênh bao
la. Đã bao đêm rồi, nàng chờ mong gặp chàng trong đêm lạnh lẽo
nhưng hình bóng chàng vẫn biệt tăm. Ta không rõ nàng hằng đêm ra
sông chờ chàng bao nhiêu đêm, nhưng ta có thể suy đoán qua lời
lẽ nhớ nhung, than vã, buồn bã, lo lắng của nàng, chắc nàng
đã phải trải nhiều đêm chèo đò ra sông ("Lênh đênh trên sóng nước mông mênh/ Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng.")
Nàng biết chàng ở xa xôi nơi quê nhà. Trong lúc trông chờ, nàng
tưởng tượng hình ảnh chàng rời quê nhà, lặn lội tới nơi hẹn
để gặp nàng. Muốn đến nơi hẹn đầu làng bên bờ sông, chàng
phải đi băng rừng, qua núi, vượt qua biết bao nhiêu hiểm trở.
Không biết bao giờ chàng sẽ đến, nhưng nàng sẽ đợi chàng trong
chuyến đò suốt đêm, đêm này qua đêm khác, để đưa chàng qua vĩ
tuyến ("Vượt rừng vượt núi đến đầu làng/ Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến.")
Hình ảnh chàng vượt rừng vượt núi là một hình ảnh sôi động,
chỉ sự cực khổ rời quê nhà để đến nơi hẹn bên sông Bến Hải.
Câu "vượt rừng vượt núi" cho thấy sự vội vã và quãng đường xa
xôi. Nhưng quan trọng hơn, và tinh tế hơn, nó cũng cho thấy sự
bí mật, lén lút, nhất là câu đó được nối tiếp bởi "đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến."
Cuộc hẹn vào ban đêm cho thấy chuyến đi đó là một chuyến đi
bí mật, tránh né tai mắt của người cầm quyền miền Bắc. Tại
sao?
Như đã trình bày trong phần "Bối cảnh lịch sử" ở trên, chính
quyền cộng sản Bắc Việt cố tìm cách ngăn trở dân miền Bắc di
cư vào Nam, và nhiều khi còn trừng phạt những người đã cố đi.
Dựa vào lời cô gái và bối cảnh lịch sử này, ta có thể hiểu
chàng trai là thành phần bị chính quyền cộng sản cố cản trở
đi vào Nam. Do đó, họ phải hẹn gặp nhau ban đêm, và chàng phải
lặn lội đường xá xa xôi trong lúc tránh né chính quyền.
Nàng sẽ đưa chàng qua vĩ tuyến và cả hai sẽ ở miền Nam. Nàng
đã sống trong miền Nam và biết cuộc sống thanh bình, với đồng
ruộng phì nhiêu, tình người nồng ấm bên hương thơm lúa vàng
ngào ngạt dâng khắp nơi ("Phương Nam ta sống trong thanh bình/ Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.")
2. Trong phần cực đỉnh, cô gái dùng câu hò và ngân dài để duy trì một hình ảnh huy hoàng trong óc khán giả:
Trước khi đưa đến cực đỉnh, Lam Phương dùng một cách chuyển tiếp tuyệt diệu. Đó là câu hò ngắn gọn "ơi . . . ơi . . . hò" theo
thể cách tiếng hò miền Nam. Tiếng hò Miền Nam là cách diễn
tà tâm tình đặc thù của dân miền Nam. Dân miền Trung và miền
Bắc cũng có các lối diễn tả tương tự, nhưng lối hò miển Nam
có nhiều sắc thái chú trọng vào tâm tình riêng tư mà không
nhất thiết phải là cuộc đối đáp giữa trai gái hoặc lời thúc
giục chèo thuyền, cày cấy, làm ruộng. Lam Phương dùng "ơi ơi
hò" để chuyển hình ảnh ruộng đồng phì nhiêu thanh bình sang
giòng sông mơ màng và lời than tiếc cho ai nỡ chia đôi hai bờ
sông. Bằng cách dùng câu hò ngắn gọn, ngay sau câu mô tả cảnh
thanh bình, tình người nồng thắm, và ruộng lúa phì nhiêu ở
miền Nam, tác giả tô thêm một nét chấm phá làm nổi bật bức
tranh miền Nam hiền hòa đẹp đẽ.
Dưới ánh trăng thanh, con đò lắc lư theo làn sóng êm ả, giòng
sông bao la tỏa ra nét đẹp mơ màng. Nàng khắc khoải tâm tư, buồn
thương sao số phận nước non bị ai chia cắt khiến hai người phải
xa nhau, mong chờ hội ngộ qua bao nhiêu tháng ngày ("Giòng sông mơ màng và đẹp lắm/ Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ.") Ta nhận ra lời nhẹ nhàng "ai nỡ chia đôi bờ"
trách móc những người đã tạo ra cảnh đất nước chia ly. Lam
Phương, như hầu hết các nhạc sĩ miền Nam trước 1975, ít khi bày
tỏ lời nặng nề về cuộc chiến. Tác giả biểu lộ tính chất
hiền hòa, ưa chuộng thanh bình của dân miền Nam, với lời than
tiếc "ai nỡ" là cái nhận xét khách quan về tình trạng lúc ấy. Tâm tình cô gái còn được biểu lộ một cách chân thành qua "để tình ta ngày tháng phải mong chờ." Người
nghe có thể hơi thất vọng cho lòng ích kỷ của cô gái, chỉ
buồn bã vì tình yêu mình phải bị chờ mong. Nhưng ngay sau đó,
Lam Phương tiếp tục dùng chiếc đũa thần của câu hò miền Nam để
đưa đến lời ước vọng thầm kín của cô.
Cô gái biến tình trạng buồn của sự chia cách mong chờ thành
một điểm tích cực, lạc quan. Tuy xa cách khoảng cách, mối tình
hai người vẫn thắt chặt gần gũi, và mối tình đó là một
nhịp cầu nối liền hai miền. Trong phần tột đỉnh của bài hát,
tác giả cho thấy niềm lạc quan và ước vọng thầm kín của nàng
đi xa hơn mối tình giữa hai người. Nàng mơ đến ngày quân miền
Nam trở về kinh đô miền Bắc để đem thanh bình cho toàn dân ("Hò
... hơ .... hò .... hơ ... Em và cùng anh xây một nhịp cầu/ Để mai đây
quân Nam về Thăng Long/ Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng.") Lam
Phương chuẩn bị cho cái tột đỉnh này một cách kỳ diệu. Ông đi
từ lời than tiếc cho cảnh chia đôi, nói lên lòng thương tiếc cho
mối tình cá biệt, rồi chuyển tiếp qua câu hò "hò . . . hơ. . . hò .... hơ ... " đưa đến lời xác nhận hai người xây nhịp cầu và đạt cực đỉnh với lời mong ước "quân Nam về Thăng Long" để đem thanh bình cho đất nước.
Như sẽ được trình bày sau, cách dùng một khía cạnh đặc thù
(tình yêu vị́ kỷ) để đưa đến một hình ảnh bao quát (đất nước
thanh bình) là một kỹ thuật tuyệt vời. Điểm chính yếu của
đoạn này là cách dùng câu hò và phần kéo dài giọng. Ngoài
câu hò nhẹ nhàng êm ái ngắn gọn, tác giả còn tạo tác dụng
mạnh mẽ trên người nghe qua phần kéo dài thể hiện bằng ba dấu
lưu trên ba nốt tương ứng với ba chữ "đây," "ấm," và "lòng" trong
câu "để mai đây quân Nam về Thăng Long/ Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng."
Ta biết dấu lưu cho ca sĩ tự do kéo dài chữ và ngân theo hơi
sức hoặc ý muốn diễn tả của mình. Bằng cách dùng phần kéo
dài, Lam Phương muốn hình ảnh quân Nam về Thăng Long tồn tại lâu
trên óc khán giả.
Tại sao ông muốn hình ảnh đó tồn tại lâu dài trong óc khán giả?
Đó là vì hình ảnh đó là hình ảnh huy hoàng và là cực điểm
của bài hát. Có ba khía cạnh huy hoàng của nhóm chữ "quân Nam về Thăng Long."
Trước hết, Lam Phương dùng Thăng Long thay vì Hà Nội. Ông cho tôi biết đó là để có vần điệu (có thể đi với "muôn lòng")
và cũng gợi ý lịch sử. Theo tôi nghĩ, lý do gợi ý lịch sử
mạnh hơn. Nếu vì vần điệu mà thôi, ông vẫn có thể sửa lại
giai điệu để cho một nốt trầm hợp với Hà Nội, hoặc dùng Hà
Thành cho giữ vần bằng. Nhưng Hà Nội hoặc Hà Thành không cho
thấy hình ảnh lịch sử mạnh mẽ bằng Thăng Long.
Thứ nhì, với "quân Nam," Lam Phương tái xác nhận khía cạnh lịch
sử và các chiến thắng vinh quang trong quá khứ. Ta biết từ
lúc Việt Nam mở mang bờ cõi xuống miền Nam từ thời chúa
Nguyễn, đã có hai lần "quân Nam" vinh quang tiến ra Thăng Long,
đánh dẹp quân Bắc. Năm 1786, Nguyễn Huệ, sau khi lấy Phú Xuân
của nhà Nguyễn đang bị quân chúa Trịnh chiếm đóng, tiến quân ra
Thăng Long dưới chiêu bài "Phù Lê Diệt Trịnh" và tiêu diệt chúa
Trịnh, phục hồi nhà Lê. Năm 1802, quân Nam của Gia Long Nguyễn
Ánh, truy đuổi quân Tây Sơn và ra Thăng Long chiếm lại Bắc Hà,
thống nhất đất nước.
Thứ ba là khía cạnh quan trọng nhất. "Thăng Long" và "quân Nam"
vẽ ra hình ảnh lịch sử huy hoàng và gợi ý một chiến thắng
vẻ vang. Nhưng Lam Phương còn có một phép lạ huy hoàng gấp trăm
lần hơn thế nữa. Đó là chữ "về." Chỉ một chữ đó thôi, ông đã
lột trần tính chất nhân bản của dân Việt và tình yêu thương
đồng bào. Tại sao? Để hiểu lý do, ta hãy hỏi: Tại sao "quân
Nam" ở trong miền Nam lại có thể trở "về" "Thăng Long" ở miền
Bắc? Ở trong Nam chỉ có đi "ra" Bắc, chứ làm sao "về" được?
Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Bắc Hà thường được gọi là
Đàng Ngoài và Nam Hà thường được gọi là Đàng Trong, có sự
phân chia rõ ràng. Vậy tại sao "về"? Chuyện đó chỉ có ý nghĩa
nếu quân Nam thực ra cũng là quân Bắc, hoặc nói rõ hơn, không
có Nam Bắc phân chia mà cả hai miền đều thuộc về một nước. Vì
vậy, tuy quân Nam "ra" Thăng Long, thực ra là "về" lấy lại đất
nước của toàn dân, và do đó mới có thể "đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng."
Còn gì kỳ diệu hơn?
Có thể sẽ có người nói Lam Phương bắt buộc phải dùng chữ
"về" vì đó là thanh huyền phù hợp với giai điệu, trong khi "ra"
là thanh không dấu. Tuy nhiên, ông vẫn có thể sửa lại giai điệu
và dùng nốt thích hợp. Ông cho tôi biết ông không viết nốt
nhạc, sắp xếp giai điệu trước rồi mới đặt lời, mà hai việc
đó xảy ra song song. Nếu không kiếm được lời thích hợp, ông sẽ
phải sửa lại nốt nhạc hoặc sửa lại giai điệu, và ngược lại.
Do đó, nếu ông muốn nói "quân Nam ra Thăng Long," ông chỉ cần sửa
lại giai điệu, vả có thể sắp xếp nốt nhạc để câu đó được
viết lả "quân Nam tiến ra Hà Nội," "quân Nam Bắc tiến," "quân Nam
đến Hà Nội," v.v... Ngoài ra, ông vẫn có thể dùng những chữ
thanh huyền khác như "vào."
Cũng sẽ có người cho rằng Lam Phương không suy nghĩ tỉ mỉ như
tôi phân tách và viết lời nhạc chỉ vì nghe xuôi tai. Câu đó chỉ
đúng một phần. Tôi không nghĩ Lam Phương suy nghĩ nhiều ngày cho
câu đó, mà chắc chỉ viết ra trong giây phút tự phát. Nhưng như
tôi đã trình bày trong các bài trước, chính cái tự phát, không
suy nghĩ đắn đo, là sự biểu lộ chân thật nhất, và cái biểu
lộ đầy ý nghĩa thần thoại đó mới thực sự cho thấy cái thiên
tài của Lam Phương.
Hầu hết những hành động hoặc ý tưởng thiên tài hoặc cao cả
tạo tác dụng vĩ đại không do công trình luyện tập dầy công cho
cái tác dụng đặc thù đó, mà do những ý tưởng được hun đúc
cho một bình diện bao quát hơn, và thường có sẵn hoặc tiềm
tàng trước đó. Một người mẹ sẵn sàng hy sinh tính mạnh mình
che phủ thân hình đứa con trong cơn bom đạn không phải vì bà
được huấn luyện cho việc đó mà là vì lòng thương con đã có
sẵn. Một người anh hùng liều mạng chạy vào căn nhà cháy để
cứu những nạn nhân xa lạ không phải là vỉ người đó được huấn
luyện cho việc cứu người trong hỏa hoạn, mà vì lòng nhân đạo
và can đảm đã đúc kết từ lâu. Tương tự, bản tính chân thật,
lòng nhân bản, tình yêu thương đồng bào và đất nước của Lam
Phương không phải chỉ được hình thành qua một câu trong lúc ông
viết bài nhạc, mà đã được hun đúc tiểm tàng trong tâm trí ông
và là phần của con người ông, để trong một giây phút tự phát,
ông diễn tả cái tình người đó qua một câu bất hủ để đời: "để mai đây quân Nam về Thăng Long, đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng."
Một điểm nổi bật của câu này hỗ trợ mạnh mẽ cho tính chất
nhân bản vị tha của dân miền Nam là nhóm chữ "đem thanh bình
sưởi ấm muôn lòng." Khác hẳn với tính chất hiếu thắng, tàn
bạo của cộng sản Bắc Việt núp dưới bóng ngoại bang Tàu cộng
và Liên Xô, quân Nam không về Thăng Long để tiêu diệt những kẻ
thống trị tàn ác hoặc tà quyền, ngụy quân, mà chỉ đem lại
thanh bình ấm no cho toàn dân.
3. Trong phần kết, cô gái bày tỏ nỗi lo âu nhưng vẫn giữ niềm tin và lạc quan:
Trở về câu chuyện, sau khi mơ ước quân Nam về Thăng Long, cô gái
khắc khoải ngóng trông chàng khi màn đêm dần tàn, để mặc những
giọt sương đêm rơi đọng trên mi mắt. Nỗi cô đơn thiếu bóng chàng
khiến tim nàng lạnh lẽo như buổi chiều mùa đông nơi biên ải xa
xôi ("Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi/ Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy.")
Trong đêm khuya thanh vắng, có tiếng ai hát bài ca buồn thảm,
khiến nàng chạnh nhớ ngày hai ngưởi chia tay nhau trước khi nàng
vào Nam ("Ai gieo chi khúc hát lâm ly/ Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng.")
Thế rổi, như mọi đêm trước, vẫn không thấy bóng dáng chàng
trong đêm tối chập chùng, núi non trùng điệp, nàng bùi ngùi
thương xót lo lắng cho người yêu chắc đang gặp khốn khó nơi quê
nhà ("Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng/ Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm.")
Tại sao nàng có ý nghĩ người yêu đang bị điêu linh nơi quê nhà?
Vào khoảng thời gian đó, chiến tranh hai miển chưa bùng nổ, vì
hiệp định Geneva mới được ký và Ủy Ban Quốc Tế đang giám sát
cuộc ngừng bắn. Do đó, "điêu linh" đây không thể ám chỉ tai họa
chiến tranh. Nhưng ta hiểu cuộc sống người dân dưới chế độ
cộng sản rất khổ cực cả về tinh thần lẫn vật chất. Cuộc
sống con người như bị "chìm đắm" trong ngục tù bùn lầy. Cuộc
cải cách ruộng đất đẫm máu đang xảy ra khấp nơi trên các vùng
đồng quê miền Bắc lúc ấy, dẫn đến cuộc thảm sát 172.008
người. Ngoài ra, như trình bày ở trên, chính quyền cộng sản cố
ngăn cản dân miền Bắc di cư vào Nam và trừng phạt những người
cố gắng ra đi. Do đó, khi không thấy người yêu đến nơi hẹn qua
suốt bao nhiêu đêm, cô gái lo âu và nghĩ chàng đang bị khốn khó
khi đang tìm đường ra đi.
Đêm này cũng như bao đêm khác, chàng vẫn không ̣đến, khiến nàng
buồn bã thổn thức dưới ánh trăng trắng ngà. Nhưng nàng vẫn
không nản chí, và thả hồn mơ đến ngày hội ngộ với người yêu
để sống bên nhau trong tình ấm ("Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà/ Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau.")
Tại đây, ta thấy lại lần nữa tình yêu thương đồng bào, không
phân biệt Nam Bắc khi tác giả dùng chữ "về" trong "chờ đón ngày
anh về sưởi lòng nhau." Câu này xác nhận chữ "về" trong "quân Nam
về Thăng Long" không phải là chữ chọn lựa chỉ để nghe xuôi tai
hoặc thuận vần điệu. Đối với tác giả, nơi nào trên đất nước
cũng là quê nhà, và do đó cho dù anh ở Bắc vượt vĩ tuyến để
vào Nam, anh cũng "về" quê nhà sưởi ấm lòng nhau.
Qua lời cô gái kể lể tâm sự, khán giả thương cô gái, nỗi cô
đơn, ước vọng, và mối tình cách chia của cô. Mối tình đó lồng
trong một mối tình cao cả hơn là tình yêu quê hương và đồng
bào. Khán giả cảm nhận nỗi cô đơn lắng đọng trong màn đêm, đi
theo những biến thể của tâm trạng cô gái, qua cực đỉnh hy vọng
cho một vinh quang thanh bình cho toàn dân, và sau cùng ước mơ cho
ngày xum họp với người yêu. Giai điệu và tiết tấu làm nổi
bật ý tưởng thêm. Trong phần dẫn nhập và kết, giai điệu êm ái,
điều hòa, nhịp nhàng, tiết tấu trung bình, thích hợp cho kể
lể tâm tình. Trong phần cực đỉnh, giai điệu thay đổi, tiết tấu
chậm, cộng thêm với câu hò, tạo tác dụng mạnh trên khán giả.
C. Câu chuyện được diễn tả qua kỹ thuật phối hợp tả cảnh và tả tình thật đặc sắc:
Bài hát "Chuyện Đò Vĩ Tuyến" là lời kể lể tâm trạng của cô
gái mong chờ người yêu đến để cùng nhau đi trên chuyến đò qua
vĩ tuyến vào Nam. Câu chuyện được diễn tả linh động, đầy tình
cảm, và hiệu quả qua các kỹ thuật diễn tả độc đáo.
1. Tác gỉả phối hợp tả cảnh và tả tình với kỹ thuật táo bạo nhưng thật hữu hiệu:
Lam Phương kể câu chuyện qua lời cô gái với những sắc thái nổi bật của tả cảnh và tả tình.
Trong tả cảnh, ông phối hợp màu sắc, không gian, thời gian, và
các giác quan một cách chặt chẽ. Ông dùng màu sắc linh động
vẽ ra hình ảnh cảnh đêm khuya (màu bạc của nước sông lóng lánh
dưới ánh trăng sáng, màu ngà của trăng đêm), cảnh đồng ruộng
phì nhiêu (màu vàng của lúa chín). Những yếu tố không gian (mông mênh, vượt rừng vượt núi, đầu làng, phương Nam, biên thùy, ngàn trùng, quê nhà) được liên kết chặt chẽ với thời gian (đêm nay, đêm thâu, chiều đông, bao đêm).
Chỉ trong một đêm, ông đưa khán giả qua toàn thể đất nước
Việt Nam, khởi đầu với trăng sáng trên trời, xuống con đò nhỏ
lênh đênh trên giòng sông Bến Hải, chuyển đột ngột sang quê nhà
chàng đi qua rừng núi tới nơi hẹn ở đầu làng, lân la qua khắp
miền Nam đầy lúa vàng, trở về thủ đô Thăng Long, rồi lan rộng
ra nơi biên thùy xa xôi, cuối cùng trở về con đò dưới trăng ngà.
Lam Phương tinh tế đưa người nghe chìm vào cảnh tượng qua những
giác quan: xúc giác (lạnh lẽo, sưởi ấm, thấm ướt, sưởi lòng), thị giác (trăng sáng, bạc hai màu, nhìn... ngàn trùng), thính giác (khúc hát, thổn thức), và khứu giác (ngát hương, ngào ngạt).
Trong tả tình, ông biểu lộ tâm trạng cô gái qua những giai đoạn trong lúc chờ người yêu: than thở ("sao ta lìa cách"), mong mỏi ("chờ mong gặp bóng chàng"), sôi nổi ("vượt rừng vượt núi"), vui tươi ("sống trong thanh bình"), trách móc ("ai nỡ chia đôi"), hy vọng ("xây một nhịp cầu," "quân Nam về Thăng Long," "đem thanh bình"), cô đơn ("tim em lạnh lẽo"), nhớ nhung ("khơi niềm nhớ"), buồn bã ("não nùng," "bùi ngùi," "thổn thức"), lo âu ("anh điêu linh"), mơ mộng ("đắm say").
Chỉ trong một đêm mà tác giả diễn tả đủ mọi tâm trạng của cô
gái với những cường độ tình cảm khác nhau. Khán giả được đưa
qua những biến thể của tâm trạng này, không ý thức rõ rệt mà
chỉ cảm thấy một nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi qua những bức
chụp (snapshots) của cảnh tượng cô gái chờ người yêu trên con đò
vào đêm khuya. Khán giả không bị ngộp thở bởi những hình ảnh
cụ thể liên tiếp và cũng không bị nhàm chán qua những lời kể
lể tâm tình. Lam Phương đạt được tác dụng này qua cách phối
hợp hoàn hảo giữa "cho thấy" và "kể" như được trình bày sau
đây.
Trong các bài trước, tôi nhấn mạnh kỹ thuật "cho thấy, ̣đừng
kể" và "kể, đừng cho thấy" trong việc diễn tả cảnh tượng.
"Kể" và "cho thấy" phải được dùng một cách cân bằng, và tùy
vào hậu quả của tác dụng. Có những cảnh được diễn tả linh
động và lôi cuốn qua "cho thấy" và có những cảnh được diễn tả
hữu hiệu qua "kể." Với câu chuyện cô gái chờ người yêu trên con
đò bên bờ sông vào đêm khuya trong bối cảnh đất nước chia đôi,
cách diễn tả nào hay hơn? Lam Phương cho ta câu trả lời: cả hai.
Nhưng cả hai bằng cách nào? Lam Phương dùng một kỹ thuật táo
bạo: luân phiên. Đó là kỹ thuật sắp xếp "cho thấy" và "kể"
luân phiên nhau một cách mạch lạc, có thứ tự, đi từ cảnh tượng
này sang cảnh khác một cách nhịp nhàng. Tại sao táo bạo? Kỹ
thuật này có điểm nguy hiểm là cách diễn tả tổng quát có vẻ
giả tạo, mưu mẹo, và người nghe có cảm tưởng bị lôi kéo dưới
mánh khoé của tác giả và dễ có ác cảm. Nhưng Lam Phương tài
tình tránh né cái nguy hiểm đó bằng cách dàn xếp các cảnh
theo một thứ tự tự nhiên, từ tốn, đưa lên cực điểm, rồi đi
xuống nhẹ nhàng.
Hình 1 minh họa các câu trong ca khúc với "cho thấy" và "kể"
luân phiên nhau. Màu vàng là "cho thấy" và màu xanh dương là
"kể."
Ta nhận ra kiểu luân phiên không theo một mẫu cố định mà có những biến thể. Thí dụ "Em và cùng anh xây một nhịp cầu" và "Để mai đây quân Nam về Thăng Long" là hai câu "cho thấy" liên tiếp; "Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến" và "Phương Nam ta sống trong thanh bình"
là hai câu "kể" liên tiếp. Bằng cách thay đổi nhịp luân phiên
này, Lam Phương tránh cơ chế máy móc và tạo thêm phần sống
động.
Mỗi câu không hoàn toàn là "cho thấy" hoặc "kể." Vài câu "cho
thấy" có chút "kể" và vài câu "kể" có chút "cho thấy." Thí
dụ câu "Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu" là câu kể (lìa cách) nhưng có chút "cho thấy" qua ẩn dụ "hai màu"; câu "Giòng sông mơ màng và đẹp lắm"
là câu "cho thấy" (mơ màng) nhưng có chút "kể" (đẹp). Bằng
cách pha lẫn chút "cho thấy" trong câu "kể" và ngược lại, Lam
Phương làm tăng sự tự nhiên trong cách diễn tả, và giúp người
nghe hòa nhập vào tâm tư cô gái một cách dễ dàng vì có sự
chuyển tiếp.
Ta thấy các câu luân phiên này gia tăng cường độ cho đến cực
đỉnh (khung đỏ trong Hình 1). Sau đó, cường độ giảm xuống và
nhẹ nhàng trôi đi và lên cao một chút lúc hết. Các cường độ
tình cảm này như sau:
Than thở → Mong mỏi → Sôi nổi → Vui tươi→ Trách móc → Hy vọng (cực điểm) → Cô đơn → Nhớ nhung → Buồn bã → Lo âu → Mơ Mộng
Cách xếp đặt những biến thể của tâm tư cô gái rất tinh tế và
khán giả không nhận ra rõ rệt, nhưng cảm nhận được một cách
nhẹ nhàng nhờ sự chuyển tiếp chậm chạp. Ngay cả khi được dẫn
lên đến cực đỉnh, khán giả không thấy cái kích thích mạnh mà
chỉ biết lâng lâng trong một nỗi niềm đê mê. Chỉ đến khi sang
đoạn kết, với câu "Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi" trở lại
phiên khúc kể lể tâm tình, khán giả mới hoàn hồn, đắm chìm
theo lời cô gái, để cơn đê mê đó vương vấn theo sau.
Lam Phương còn dùng một kỹ thuật đặc sắc rất khó thực hiện.
Đó là liên kết tả cảnh và tả tình đồng bộ (synchronously) với
"cho thấy" và "kể." Khi tả cảnh, ông "cho thấy," và khi tả
tình, ông "kể." Thí dụ, câu "Đêm nay trăng sáng quá anh ơi" tả cảnh,và ông cho thấy "trăng sáng"; câu "Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu" tả tình và ông kể "lìa cách"; câu "Lênh đênh trên sóng nước mông mênh" tả cảnh, và ông cho thấy "lênh đênh," "mông mênh"; câu "Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng" tả tình, và ông kể "bao đêm," "chờ mong."
2. Kỹ thuật chuyển tiếp từ đặc thù sang bao quát và tương phản tạo tác dụng mạnh trên khán giả:
Một kỹ thuật đặc sắc mà Lam Phương dùng trong việc diễn tả
cảnh tượng, tình cảm, và tâm trạng cô gái là cách chuyển từ
hình ảnh đặc thù sang hình ảnh bao quát, tương phản với hình
ảnh đặc thù. Kỹ thuật này rất hiệu quả để trình bày ý
tưởng một cách chậm chạp và tránh những cảnh hoặc lời đột
ngột mà khán giả không kịp chuẩn bị. Quan trọng hơn, kỹ thuật
này có tác dụng mạnh trên khán giả vì khán giả dễ bị lôi
cuốn vào sự tương phản hơn là sự tương tự. Thí dụ, nếu bạn
nói với một người bạn, "Anh hai tôi giàu kếch xù." Câu đó không
có tác dụng mạnh lắm, và người bạn chắc chỉ gật đầu cho qua
chuyện. Nhưng nếu bạn nói, "Chị ba tôi làm nghề rửa bát ở
nhà hàng với lương $10 USD một giờ trong khi anh tôi giàu kếch
xù," thì người nghe chú ý nhiều hơn, và cái giàu kếch xù của
ông anh hai trở nên quan trọng. Người nghe có được hai qui chiếu
so sánh: mối liên hệ họ hàng giữa anh hai và chị ba, và lợi
tức nghèo khó của chị ba, và do đó có ấn tượng mạnh với sự
giàu có của ông anh hai.
Trong câu "Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ," cô
gái trách việc đất nước chia đôi đã khiến hai người phải mong
chờ. Cái hậu quả đặc thù và trực tiếp của đất nước chia đôi
là hai người bị xa cách. Như đã trình bày ở trên, câu này nghe
có vẻ ích kỷ vì cô gái chỉ tha thiết đến mối tình của mình.
Nhưng ngay sau đó, cô gái biểu lộ ước mơ cao quý hơn, bao quát
hơn. Đó là đem thanh bình cho toàn dân. Ta thấy nếu ngay từ lúc
đầu cô gái nói đến cái ước mơ cao quý này, khán giả sẽ không
có một ấn tượng mạnh vì không có một qui chiếu so sánh. Ngoài
ra, khán giả có cảm tưởng cô gái giả tạo. Bằng cách khởi
đầu từ hình ảnh đặc thù cho hoàn cảnh riêng mình, cô gái
thiết lập một qui chiếu so sánh và bày tỏ lòng thành thật.
Tuy có chút ích kỷ, cô gái tạo được sự đáng tin. Do đó, khi cô
nói đến ước vọng đem thanh bình cho toàn dân, khán giả có
được sự so sánh và tin được đó quả thật là ước vọng chân
thành của cô. Ngoài ra, cái ước vọng "Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng" là ước vọng cao quý cho toàn dân, tương phản với lời than vãn cá biệt "để tình ta ngày tháng phải mong chờ" trước đó. Chính cái tương phản đó tạo nên tác dụng mạnh mẽ trên khán giả.
Tương tự, trong câu "Vượt rừng vượt núi đến đầu làng/ Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến,"
tác giả cho thấy hình ảnh đặc thù của cuộc hành trình đi qua
vĩ tuyến, nhưng không giải thích lý do. Hình ảnh đó thật sôi
nổi, sống động, khó nhọc, vất vả ("Vượt rừng vượt núi") khiến
khán giả tự hỏi tại sao. Câu kế tiếp cũng chỉ nói cô gái sẽ
đưa anh sang vĩ tuyến mà không cho biết lý do. Với những người
không quen thuộc lịch sử Việt Nam và hiệp định Geneva năm 1954,
họ sẽ không biết lý do. Nhưng ngay sau đó, câu kế tiếp cho biết
lý do qua một hình ảnh bao quát, rộng lớn ở miền Nam. Đó là
cuộc sống thanh bình, đầy tình cảm, và trù phú của miền Nam,
tương phản với cảnh khó nhọc chàng phải trải qua trong cuộc
hành trình đến gặp nàng ("Phương Nam ta sống trong thanh bình/ Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.")
Bằng cách khởi đầu với hình ảnh đặc thù, rõ rệt, và hạn
hẹp rồi đưa đến một hình ảnh rộng lớn, bao quát, và có ý
nghĩa cao xa, tương phản với hình ảnh đầu, tác giả tạo tác
dụng mạnh trên khán giả một cách nhẹ nhàng, "lịch sự," và
giúp khán giả quý, coi trọng cái hình ảnh bao quát cao xa đó.
3. Cách dùng chữ bình dị và mỹ từ hiệu quả tô điểm thêm nét sống động và tình cảm của câu chuyện:
Lam Phương là bậc thầy của cách dùng chữ có hiệu quả.
Ông dùng từ ngữ giản dị, đơn sơ, không cầu kỳ bóng bẩy, phù
hợp với bản chất đơn giản, hiền hòa của dân Việt. Nhưng có
cái gì chọn lọc trong việc xếp đặt ngôn từ đơn gỉản đó. Thí
dụ, câu đầu tiên, "Đêm nay trăng sáng quá anh ơi," thật là bình dân. Chữ "quá" và "anh ơi" là những ngôn từ ta dùng hàng ngày. Nhưng tác giả dùng đó là câu mở đầu, và theo sau là lời than vãn, "Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu," khiến khán gỉả giật mình vì cái tương phản ("trăng sáng" hàm ý vui tươi, tương phản với "lìa cách"). "Anh ơi"
không còn là một câu gọi thông thường nữa, mà trở thành một
câu buồn than thống thiết. Ta thấy "anh ơi" lần nữa trong "Anh ơi ai nỡ chia đôi" có tác dụng tương tự.
Ông dùng động từ mạnh (mạnh đây là mạnh về tạo tác dụng,
không phải mạnh về hoạt động vật chất): lìa cách, lênh đênh,
vượt, dâng, xây, về, sưởi, rơi thấm, gieo, khơi,̉ thổn thức, đắm
say; tính từ tượng hình, gây ấn tượng mạnh, linh động: (trăng)
sáng, (sông) bạc, (nước) mông mênh, (đêm) thâu, (đêm/ tim) lạnh
lẽo, (hương) nồng thắm, (lúa vàng) ngào ngạt, (sông) mơ màng,
(đôi mi) ướt, (khúc hát) lâm ly, (lòng) não nùng, (anh) điêu linh,
(quê nhà) chìm đắm, (trăng) ngà.
Ông dùng ẩn dụ một cách chọn lọc, và chính xác. Thí dụ "bạc
hai màu" ám chỉ hai miền Nam Bắc, "nhịp cầu" hàm ý tình yêu
thương tuy xa cách, "sưởi ấm" hàm ý hạnh phúc. Ngoài ra, ông
dùng mỹ từ/ so sánh tinh tế, gợi hình, và có tác dụng mạnh.
Thí dụ, trong câu "em chờ mong gặp bóng chàng," chữ "bóng"
là một mỹ từ tuyệt vời, nói lên tâm trạng tha thiết, gần như
tuyệt vọng của cô gái. Nàng chỉ cần thấy "bóng" chàng thôi là
đủ sung sướng rồi. Trong câu "Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi," ông vẽ ra đôi mi ướt, gợi ý cho nước mắt đọng long lanh.
Với chỉ 21 câu, bài hát là một đoạn phim sống động diễn tả
cảnh cô gái đợi chờ người yêu trên con đò nhỏ giữa lòng sông
bao la trong đêm khuya sáng trăng để cùng ̣vượt qua vĩ tuyến đến
vùng thanh bình trù phú.
D. Kết Luận:
Ca khúc "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" là một tuyệt tác phẩm, xuất sắc
cả nhạc lẫn lời. Với giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu thay đổi
theo ý, cộng với lời nhạc bình dị, đơn sơ và cách diễn tả
điêu luyện, "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" tha thiết nói lên tâm trạng
người dân Việt trong thời đất nước chia đôi. Qua câu chuyện đơn
giản của cô gái chờ đợi ngưởi yêu trên con đò để sang vĩ
tuyến, nhạc sĩ Lam Phương biểu lộ tâm tình hiền hòa, bản chất
nhân bản, yêu thương đồng bào và đất nước của người miền Nam.
Cậu trai 18 tuổi Lam Phương vẽ ra bức tranh sống động như một
chứng nhân lịch sử với ý tưởng sâu sắc, tinh vi và lối diễn
tả độc đáo của một thiên tài âm nhạc. Ca khúc "Chuyến Đò Vĩ
Tuyến" đã làm rung động con tim hàng triệu người dân Việt trong
gần 60 năm qua và sẽ mãi mãi trong các thế hệ sau.
CẢM TẠ
Tôi xin có lời chân thành cảm tạ nhạc sĩ Lam Phương đã đồng ý
cho tôi có cuộc nói chuyện với ông về những tác phẩm của ông
và trả lời cặn kẽ những câu hỏi chi tiết về các bài hát, kể
cả bài "Chuyến Đò Vĩ Tuyến," mặc dù tuổi cao sức yếu. Nhạc
sĩ Lam Phương biểu hiện một tâm hồn nghệ sĩ thiết tha với âm
nhạc. Ông là một thiên tài xuất chúng với bản chất bình dị,
đầy tình cảm, và nhiệt tình trong tình yêu thương đồng bào và
đất nước. Đất nước Việt Nam hãnh diện có nhạc sĩ Lam Phương
đã đóng góp một sự nghiệp vĩ đại trong nền âm nhạc Việt Nam
trong việc phát huy văn hóa dân tộc sáng ngời mãi mãi.
Tôi cũng có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo, nhất là các bạn Nguyễn Văn Khôi, emSAIGON, Sài gòn, daubetangthuong, mythanh, và bức xúc,
đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp
tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn
Nguyễn Văn Khôi.
(PS: Bài viết này được nhạc sĩ Lam Phương đọc và chấp thuận
cho đăng. Khi ông gọi điện thoại cho tôi sau khi đọc xong bài này,
ông rất nhún nhường và nói, "Khi tôi viết bài hát, tôi viết
bằng con tim." Tôi nói, "Vâng, cháu hiểu. Nhưng hầu hết những
thiên tài không biết họ là thiên tài." Tôi hy vọng ông tin lời
tôi.)
_________________________________________
Tài Liệu Tham Khảo:
Asselin, Pierre. 2013. Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965. University of California Press, California, U.S.A.
Duiker, William J. 2000. Ho Chi Minh – A Life, Hyperion, New York, U.S.A.
Huyen, N. Khac. 1971. Vision Accomplished? The Enigma of Ho Chi Minh. The Macmillan Company, New York, U.S.A.
Lind, Michael. 1999. Vietnam: The Necessary War. Simon & Schuster, New York. U.S.A.
Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Chuyến đò vỹ tuyến (Lam Phương).
http://amnhacmiennam.blogspot.com/2014/11/chuyen-o-vy-tuyen-lam-phuong.html#more (truy cập 9-12-14).
Nixon, Richard. 1985. No More Vietnams. Avon Books, New York, U.S.A.
Nutt, Anita Lauve. 1970. On the Question of Communist Reprisals in Vietnam.
http://www.rand.org/content/dam/rand/pubs/papers/2008/P4416.pdf (truy cập 29-9-2014).
Zhai, Qiang. 2000. China and the Vietnam Wars, 1950 – 1975. The University of North Carolina Press, North Carolina, U.S.A.
Wikipedia. 2014a. Lam Phương. Thay đổi chót: 22-10-2014.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Lam_Ph%C6%B0%C6%A1ng (truy cập 6-12-2014).
Wikipedia. 2014b. Geneva Conference (1954). Thay đổi chót: 30-11-2014.
http://en.wikipedia.org/wiki/Geneva_Conference_(1954) (truy cập 8-12-2014).
© 2014 Cao-Đắc Tuấn
No comments:
Post a Comment