Tác Giả: Vũ Thụy Hoàng
Ban Mê Thuột vào chập tối hôm 9 tháng 3, 1975 vẫn là địa đàng đối với cuộc sống cặp kè cạnh tử thần của Thiếu Úy Thám Báo Nguyễn Công Phúc. Ở đây Phúc có người tình say đắm ngóng chờ. Ở đây Phúc được thưởng thức hương vị thơm nóng của ly cà phê, ngồi phà nhẹ làn khói thuốc, ru lòng nghe tiếng hát ngọt ngào của những ca sĩ qua loa âm thanh nổi. Đó là những thứ Phúc thèm nhớ nhất trong những ngày lẩn lủi ở rừng sâu giữa lòng địch.
Trẻ tuổi, quả cảm, ưa thích văn nghệ, Phúc vừa trở lại Ban Mê Thuột lúc chiều. Mười ngày qua Phúc cùng đại đội thám báo được phái đến Bandon, một địa điểm heo hút cách Ban Mê Thuột chừng 40 cây số về phía tây bắc gần sát biên giới Kampuchia. Bandon trước kia là một căn cứ của Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu được Biệt Kích Mỹ huấn luyện, rồi sau đấy chuyển sang thành Biệt Động Quân Biên Phòng. Căn cứ nằm trấn ngang hành lang đường mòn Hồ Chí Minh của quân Bắc Việt xâm nhập vào nam.
Thám báo được coi là những binh sĩ thuộc loại ưu tú nhất, thiện chiến nhất và gan dạ nhất. Thiếu Úy Phúc là trung đội trưởõng thuộc đại đội thám báo của Trung Đoàn 45, Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Hậu cứ của sư đoàn đặt tại Ban Mê Thuột.
Trong những đêm rải quân ra ngoài nằm giữa núi rừng vắng lặng, Phúc và đồng đội nghe thấy tiếng xe di chuyển, hoặc tiếng đốn cây sửa đường của Cộng quân. Không phải chỉ gần đây Cộng quân mới ồ ạt và gần như công khai di chuyển người và vũ khí trên đường mòn Hồ Chí Minh. Từ hơn một năm trước, Phúc và những toán thám báo đã khám phá nhịp độ gia tăng và xâm nhập rầm rộ của Cộng quân.
“Mình báo cáo hoài mà chẳng thấy cấp trên làm gì cả. Có lần thượng cấp còn bảo ‘báo cáo nhiều quá rồi, khỏi cần báo cáo nữa,’” Thiếu Úy Phúc kể lại những ngày lặn lội nguy hiểm ở hậu cứ địch để trinh sát. “Thế mà họ vẫn thảy mình vào chỗ chết như chơi. Nhảy vào sau tuyến địch. Ở giữa vùng địch, nếu bị lộ, khó chạy thoát. Chỉ có chết hoặc bị bắt. Chết thì còn đỡ. Bị bắt mới khổ. Nó tra tấn hành hạ. Mình là tai, là mắt của quân đội, nó có thể móc mắt, xẻo tai để trả thù. Trước kia đi công tác xong, có trực thăng đến đón về. Sau này trực thăng ít, có lần phải lội bộ mà về. Chỉ mới hơn tháng trước ngày Tết, tụi này mất sáu toán trinh sát ở gần Thuần Mẫn, một quận lỵ nằm trên đường 14 nối liền Ban Mê Thuột với Pleiku.
“Không có những vụ đi nhảy vào hậu cứ địch, thì lại đi tăng phái. Cứ chỗ nào gay cấn, khó khăn, đánh nhau dữ, thì họ lại đưa mình tới để tăng phái cho đơn vị khác. Tăng phái là đi làm rể với họ, mở đường cho họ đi hành quân. Mình đi đầu lãnh đủ.”
Đang ở Bandon, Phúc và đồng đội được lệnh đi tăng phái cho Đức Lập, một quận nằm về phía tây nam Ban Mê Thuột. Chưa kịp đến thì nghe tin Đức Lập mất, Phúc và đại đội được lệnh về Ban Mê Thuột. Nhưng đường bộ đi Ban Mê Thuột cũng đã bị cắt đứt, xe không đến được để chở đại đội. Một trực thăng Chinook được phái tới và phải bay hai chuyến mới chở hết đại đội có 70 người.
Đến Ban Mê Thuột, đại đội được cử tăng phái cho Trung Đoàn 53 đóng gần phi trường Phụng Dực. Vì đến bất ngờ, và vì doanh trại của trung đoàn không đủ chỗ, đại đội thám báo được chỉ định ra đóng quân ở địa điểm sát phi trường.
Đi rừng nhiều ngày về, lại không được thông báo về tình hình, binh sĩ thám báo như chim được xổ lồng, bay nhảy ra ngoài. Một số binh sĩ muốn về thăm thân nhân. Đại đội trưởng cùng Phúc và mấy sĩ quan khác lên xe Jeep vào thành phố. Chỉ còn đại đội phó và một số lính khác ở lại địa điểm đóng quân.
Phúc muốn ghé lại thăm người tình ở thành phố. Biết ý, đại đội trưởng bảo: “Mày cứ ở đây, Có gì tao cho xe lại bốc.” Phúc cũng không muốn để các bạn lẻ loi lâu, nên hẹn sẽ gặp các bạn ở quán cà phê đường Hai Bà Trưng.
Thành phố Ban Mê Thuột tối chủ nhật 9/3/1975 vẫn sinh hoạt như thường lệ. Tiệm ăn, quán nước, phòng trà, rạp chiếu bóng vẫn mở cửa.
Ban Mê Thuột là thành phố lớn của vùng cao nguyên với dân số chừng 150,000 người, trong đó có nhiều người Thượng. Thành phố đất đỏ này còn nổi tiếng về cà phê, và là nơi trước kia quốc trưởng Bảo Đại thường đến nghỉ ngơi và săn bắn. Với vị thế chính trị và kinh tế đó, Ban Mê Thuột còn là bản doanh của Sư Đoàn 23.
Trong kỳ tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, Cộng quân đã tấn công vào thành phố,và giao tranh ác liệt đã xảy ra trong ba ngày.
Từ đầu năm 1975 Ban Mê Thuột đã mấy lần được báo động là Cộng quân có thể tấn công. “Tin nói Việt Cộng sẽ tấn công đã xảy ra nhiều lần,” Nguyễn Ngọc Vỵ, phó tỉnh trưởng Darlac mà tỉnh lỵ là Ban Mê Thuột, nhớ lại tình hình hồi đó. “Trước Tết đã có tin nói Việt Cộng sẽ đánh Ban Mê Thuột, nên quân dân đều chuẩn bị. Một số người đã tản cư đi, không ăn Tết. Sau không thấy gì, họ trở về. Đến khi lại có tin Việt Cộng sẽ tấn công, tâm lý mọi người là nửa tin, nửa nghi. Ngày 8 tháng 3, đại tá tỉnh trưởng họp, cho biết tình hình nghiêm trọng, Cộng sản sẽ tấn công nhưng không biết ngày nào.”
Ban Mê Thuột vào tối ngày 9/3 như con nai còn thản nhiên nhấm búp non trên cành cây. Nghe tiếng động sột soạt ở gần, nai không biết có cọp dữ núp sau lùm cây sắp sửa nhảy ra vồ.
Từ một địa điểm trong rừng sâu cách Ban Mê Thuột mấy chục cây số, Văn Tiến Dũng và bộ tham mưu đang nóng lòng ngồi chờ “giờ giao thừa,”(1) giờ nổ súng tiến đánh Ban Mê Thuột. Dũng là tổng tham mưu quân đội Bắc Việt được cử vào miền nam trước đó hơn một tháng để trực tiếp chỉ huy trận đánh Ban Mê Thuột, mở màn cuộc tấn công vùng cao nguyên trung phần.
Cuộc tấn công đã được quyết định dứt khoát vào ngày 9/1/1975 tại Hà Nội. Ý kiến đánh Ban Mê Thuột do Tướng Trần Văn Trà đề xướng, thúc đẩy và vận động, trong khi Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt dè dặt chưa muốn.(2) Trà là tư lệnh chiến trường B2 bao gồm Nam Bộ và một phần của vùng II. Trước đó Bộ Chính Trị Bắc Việt trong một phiên họp 20 ngày từ 18/12/1974 tới 8/1/1975 đã chấp thuận kế hoạch chiến lược trong hai năm 1975-76, theo đó năm 1975 Cộng quân mở cuộc tấân công lớn và rộng khắp miền nam để tạo điều kiện mở cuộc tổng công kích vào năm 1976.(3) Sau khi phiên họp Bộ Chính Trị bế mạc, ban Thường Trực Quân Ủy Trung Ương họp bàn việc thi hành quyết nghị. Trà được sự tán đồng của Lê Đức Thọ, nhân vật quyền thế thứ hai sau Lê Duẩn. Khi Quân Ủy đang họp, Thọ tới dự, bảo “Phải đặt vấn đề dứt khoát là giải phóng Ban Mê Thuột. Ta có gần năm sư đoàn ở Tây Nguyên mà không đánh được là thế nào?”(4)
Hà Nội chọn Tây Nguyên làm chiến trường chủ yếu, và Ban Mê Thuột làm điểm tấn công vì cho rằng chiếm được Ban Mê Thuột sẽ “tạo ra một thế trận hiểm và cơ động có thể làm thay đổi nhanh cục diện chiến trường” và “dẫn đến việc giải phóng miền Nam.”(5)
Ban Mê Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế và có vị trí chiến lược xung yếu ở vùng cao nguyên. Võ Nguyên Giáp, một chiến lược gia của Hà Nội đã từng nói chiếm được cao nguyên là kiểm soát được Đông Dương. Giáp ranh với Miên, Lào ở phía tây, vùng cao nguyên nối liền với duyên hải bằng quốc lộ 19 từ Pleiku đi Qui Nhơn, và quốc lộ 21 từ Ban Mê Thuột đi Ninh Hòa. Quốc lộ 14 bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam chạy xuyên cao nguyên qua những tỉnh Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột xuống tới An Lộc và Tây Ninh. Vì vậy kiểm soát được Ban Mê Thuột là kiểm soát được những con đường ở phía tây đi xuống vùng Sài Gòn. Đã hai lần vào năm 1965 và năm 1972 Cộng quân đã tấn công mạnh ở cao nguyên, mưu toan tiến xuống duyên hải cắt Nam Việt Nam làm đôi.
Vùng cao nguyên này đất rộng, người thưa, nhiều rừng núi và Cộng quân đã dùng làm hành lang xâm nhập người và chiến cụ từ bắc vào nam. Để ngăn chặn những xâm nhập của Cộng quân, Mỹ Việt đã cho thiết lập nhiều căn cứ dọc theo biên giới. Những đoàn Dân Sự Chiến Đấu, trong đó hầu hết là người Thượng, đã được CIA và Biệt Kích Mỹ huấn luyện từ năm 1961. Vùng cao nguyên từng là nơi xảy ra nhiều cuộc giao tranh khốc liệt giữa Cộng quân và các lực lượng Việt Mỹ như trận đánh ở Ia Drang năm 1965 giữa bộ đội Bắc Việt và sư đoàn 1 Không Kỵ của Mỹ mới tới Việt Nam. Trong trận này Mỹ bị 305 người chết, cùng với hàng ngàn Cộng quân.(6) Trận đánh dữ dội khác ở Dak To năm 1967 cũng gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên: 287 người Mỹ chết, 985 bị thương, cùng với 347 binh sĩ Nam Việt Nam thiệt mạng; phía Cộng quân 1.200 chết.(7)
Vùng cao nguyên vẫn thường được dự đoán là nơi Cộng quân nhắm vào mỗi khi mở cuộc tấn công lớn, nhưng đoán biết được điểm mà địch sẽ tấn công là điều không dễ.
Để thực hiện kế hoạch tấn công Ban Mê Thuột, bộ tham mưu Hà Nội chọn phương châm “mạnh bạo, bí mật, bất ngờ và nghi binh rất nhiều.”(8)
Trong việc chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột, Cộng quân huy động tới năm sư đoàn và 15 trung đoàn thiết giáp, pháo binh, phòng không và công binh, với tổng số binh sĩ từ 75.000 đến 80.000.(9) Một phần lực lượng này được bố trí để bao vây, chia cắt và cô lập Ban Mê Thuột với các tỉnh lân cận và đồng bằng thuộc Quân Khu II, đồng thời chặn đánh quân tiếp viện đến giải tỏa cho Ban Mê Thuột. Quốc lộ 19 và quốc lộ 21 vì vậy bị Cộng quân cắt đứùt từ mấy ngày trước khi Ban Mê Thuột bị đánh.
Lực lượng quốc gia phòng thủ ở Ban Mê Thuột chỉ có Trung đoàn 53 thuộc sư đoàn 23, một liên đoàn Biệt Động Quân cùng những đơn vị cơ hữu của hậu cứ, và Địa Phương Quân, Nghĩa Quân.(10) Hai trung đoàn 44, 45 của sư đoàn được đưa đi tăng cường ở vùng Pleiku. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, do Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, chỉ huy cũng đã di chuyển lên đóng ở Hàm Rồng gần Pleiku. Tại Ban Mê Thuột chỉ còn bộ chỉ huy nhẹ của sư đoàn và do Đại Tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn, điều hành.
Cộng quân như vậy chiếm ưu thế cả về bộ binh, thiết giáp và trọng pháo trong trận đánh Ban Mê Thuột. Theo Văn Tiến Dũng, bộ binh Cộng quân gấp năm lần rưỡi, xe tăng và xe bọc thép gấp 1,2, pháo lớn gấp 2,1(11)
Để bảo toàn bí mật, để trận đánh khởi tiến bất ngờ, Cộng quân tìm cách dấu kín lực lượng, bố trí kín đáo các đơn vị và tạo thế nghi binh, làm quân lực Việt Nam Cộng Hòa ước tính sai lầm hướng tấn công của đối phương. Làm như nhắm đánh vào Kontum và Pleiku, Văn Tiến Dũng cho gia tăng những cuộc quấy rối, pháo kích vào hai vùng đó, đánh chiếm đoạn đường trên quốc lộ 19 đi Qui Nhơn, và huy động dân đi làm đường, sửa đường ở vùng họ chiếm đóng. Dũng ra lệnh “đánh một la mười.”(12)
Trong lúc khoa trương khí thế ở phía bắc, Cộng quân âm thầm di chuyển quân xuống phía nam. Tình báo Mỹ cũng bị Cộng quân đánh lừa. Sư đoàn 320 của Bắc Việt kéo quân xuống vùng Ban Mê Thuột, nhưng vẫn để bộ tư lệnh giả ở vùng Đức Cơ gần Kontum và tiếp tục gửi các tín hiệu vô tuyến đi, làm ban kiểm báo của Mỹ và Việt đều tin là sư đoàn đó vẫn ở mạn bắc.(13)
Dũng có ý tập trung ba sư đoàn ở phía nam để bất ngờ đánh như “sét giáng”(14)vào Ban Mê Thuột..
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân Khu 2, vẫn tin rằng mặt trận Kontum, Pleiku là mục tiêu chính của Cộng quân. Khi Cộng quân tấn công và pháo kích vùng Pleiku mấy ngày trước khi tấn công Ban Mê Thuột, Phú còn điều động trung đoàn 45 lên tăng viện cho Pleiku. Tướng Phú định xuống Ban Mê Thuột để xem xét tình hình hôm 8/3, nhưng sau lại hoãn chuyến đi. Cùng ngày đó, Cộng quân cô lập hẳn Ban Mê Thuột bằng cách cắt đứt nốt đường 14, đánh chiếm Thuần Mẫn ở phía bắc, Đức Lập và Dak Song ở phía nam. Chiều ngày 9/3 Tướng Phú mới đáp trực thăng xuống Ban Mê Thuột để họp bàn tình hình. Lúc ông rời đấy, thành phố đang là con mồi làm đích cho những đoàn Cộng quân sắp sửa xuất phát,
Khoảng 10 giờ tối Phúc cùng mấy sĩ quan còn ngồi ở quán cà phê nghe nhạc. Ngoài đường xe Quân Cảnh chạy qua khu thị tứ của Ban Mê Thuột để tìm kiếm quân nhân còn lai vãng ngoài doanh trại. Thấy mấy sĩ quan còn ở quán, quân cảnh đến chào và thông báo Ban Mê Thuột đã có lệnh báo động đỏ, các binh sĩ phải trở về ngay đơn vị, và Cộng quân có thể nổ súng bất cứ lúc nào. Phúc cùng đồng bạn vội nhảy lên xe Jeep, phóng ngay về Phụng Dực.
Phúc và đồng đội nhận lệnh bố phòng và phân chia vị trí phòng thủ. Phúc đốc thúc binh sĩ đào hố cá nhân. Đất cứng, trời lại tối, việc đào hố thật vất vả, lại phải làm gấp rút.
Đi kiểm soát và thanh sát ngoại vi phòng thủ, Phúc bắt gặp đường giây điện thoại dã chiến giăng mắc ở vài nơi. “Cộng quân như vậy đã ở xung quanh mình, có lẽ chỉ cách vài trăm thước. Chúng có thể thấy mình mà không nổ súng vì chưa có lệnh. Lúc ấy vào khoảng nửa đêm,” Phúc kể lại.
Đúng hai giờ sáng ngày 10/3 Cộng quân khai hỏa. Cuộc tấn công Ban Mê Thuột khởi đầu bằng những cuộc pháo kích “bão lửa,” đồng thời xe tăng, đại bác, cao xạ, bộ binh xuất quân, trong lúc những đội đặc công xâm nhập thành phố. Chiến xa địch ở cách Ban Mê Thuột 40 cây số lên đường, dùng phà vượt sông, tiến về Ban Mê Thuột.(15) Mấy mục tiêu chính lúc đầu là sân bay quân sự L19 ở trong thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, tiểu khu Darlac, tòa hành chánh tỉnh, bộ tư lệnh sư doàn 23, và hậu cứ của trung đoàn 53 sát phi trường Phụng Dực.
Tại phi trường L19 một trực thăng bay lên bị bắn rớt. Các máy bay khác bị tiêu hủy. Tại kho đạn đại úy chỉ huy bị nội công bắn chết khi vừa ở trong phòng bước ra.
Lúc Việt Cộng bắt đầu pháo kích, Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Ngọc Vỵ đang ở tòa hành chánh tỉnh. Tòa tỉnh sau cũng bị pháo,Vỵ liền đưa gia đình, gồm vợ và sáu con nhỏ từ 2 đến 11 tuổi, ra khỏi tòa hành chánh, đến ở nhà một người dân ngoài phố, rồi quay trở lại tòa tỉnh. Sau đợt pháo, từ bốn giờ trở đi, Vỵ nghe có tiếng súng nhỏ ở mấy nơi xa xa. Vỵ ra thăm lại gia đình. Dọc đường Vỵ gặp mấy người Thượng chạy vào cho biết Việt Cộng đã kéo về đầy buôn của họ. Vỵ dặn gia đình nếu có bề gì thì trà trộn lẫn vào trong đám đông đồng bào.
Khoảng gần 7 giờ Vỵ chạy sang tiểu khu. Một trái đạn pháo của địch nổ cách Vỵ có mấy thước. Chiếc xe bị lật. Vỵ bị tung khỏi xe, lăn xuống đường. Lính đưa Vỵ vào trong tiểu khu và Vỵ liên lạc được với Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng.
Đến khoảng 9 giờ, tiểu khu cháy gần hết vì bị pháo, trừ khu truyền tin. Đại Tá Luật cùng Vỵ chạy sang bản doanh sư đoàn. Vừa ló ra khỏi tiểu khu, “thấy Việt Cộng đông như vịt,” Vỵ phải chạy trở lại tiểu khu và tòa hành chánh. Vỵ và một thiếu tá dùng súng bắn nhau với Việt Cộng. Mấy phút sau, một trái đạn pháo kích nổ cách chỗ hai người chừng năm sáu thước, Hai người thấy tình hình nguy hiểm, tìm lối rời bộ chỉ huy tiểu khu. Tiểu khu lúc ấy không còn mấy ai. Hai người đến được bộ tư lệnh sư đoàn, lính canh không chịu mở cổng. Đại Tá Luật cũng tới nơi, phải xưng danh, sau đấy Đại Tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn phải ra nhận diện rồi cho lệnh, lính mới mở cửa.” Vỵ vào được bộ tư lệnh khoảng 11 giờ rưỡi.
Bộ tư lệnh sư đoàn đến lúc này vẫn chưa bị tấn công và vẫn tiếp tục liên lạc với sư đoàn, quân đoàn và không đoàn ở Nha Trang. Qua máy truyền tin, Thiếu Tá Hy, trưởng phòng 3, còn báo cáo đã diệt được 12, 13 xe tăng của địch. Bộ tư lệnh cho rằng sớm muộn Cộng quân sẽ cho xe tăng đến tấn công, nên đã bố trí sẵn bốn khẩu súng bắn chiến xa 57 ly ở cổng chính và đặt chiến xa ở vòng ngoài. Ban Mê Thuột cũng xin Không Quân đến oanh kích những địa điểm tập trung của Cộng quân, và yểm trợ bộ binh để đánh lui các cuộc tấn công của địch.
Đêm đó, tình hình lắng đọng, “một thứ yên lặng ghê sợ,” theo lời Phó Tỉnh Vỵ. Mọi người đều hồi hộp chờ đợi cuộc tấn công nữa của Cộng quân. Lúc này Vỵ thấy đói. Lương thực cũng như đạn dược lại nằm ở ngoài vòng đai của Bộ Tư Lệnh.
Sáng ngày 11, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 phấn khởi khi được tin có những phi vụ bạn đến oanh kích Cộng quân. Máy bay tới liền bị súng phòng không địch bắn lên dữ dội. Phi cơ bay tít trên cao và thông báo không thấy rõ mục tiêu oanh kích. Ban Mê Thuột được biết nửa giờ sau sẽ có phi vụ khác.
“Lúc 7 giờ 5 phút, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 bị trúng ngay trái bom của phi cơ thả xuống. Máy truyền tin bị tê liệt, không liên lạc được với bên ngoài. Mọi người hoang mang, mất tinh thần, lo chạy ra khỏi hầm. Vừa lúc đó, một trái bom khác nổ, làm sập cửa hầm, bít kín mất lối ra. Ai nấy sợ hãi, tuyệt vọng, mò mẫm trong đường hầm tối thui để tìm lối thoát. Có người dẫm cả vào thương binh. Moi móc gạch vụn mất 15 phút sau mới tìm thấy lỗ để chui ra. Mới ngoi lên khỏi hầm thì thấy xe tăng Cộng quân ở phía xa. Dãy nhà tôn ở gần đấy đã bay mất mái có lẽ vì sức ép của hai trái bom. Lính cũng chạy ra theo Đại Tá Luật. Đại Tá Quang đứng ở trên, một tay cầm khẩu Colt, tay kia chống nạng sườn, hỏi ‘Đại Tá Luật đâu? PC (bộ chỉ huy) sập, phải tái lập.’”(16)
Đại Tá Quang chỉ lối chạy sang khu thiết giáp nằm khuất sau bệnh viện. Một số lính chạy theo. Khu thiết giáp còn hơn chục chiếc thiết vận xa M113 và một số lính. Thấy không thể ra lối trước vì sẽ đụng đầu với xe tăng của địch, Đại Tá Quang ra lệnh cho thiết giáp cán lên hàng rào kẽm gai ở phía sau mà đi.
Toán quân có chừng 200 người thoát xuống được thung lũng, đến suối Đốc Học là chỗ khuất và hơi kín. Suối lúc này cạn vì là mùa khô. Tưởng là thoát nguy, nhưng rồi thấy Việt Cộng ở cách đó không xa. Lính được dàn ra, bố trí, mai phục sẵn. Đại Tá Quang định tử thủ tại đấy, nhưng Đại Tá Luật cho chỗ đó trống trải quá. Hai người bàn cách đến trung tâm huấn luyện binh sĩ của sư đoàn để từ đấy bắt liên lạc lại với các đơn vị. Trung tâm này lại nằm phía bên kia thị xã Ban Mê Thuột. Muốn đến đó, phải theo đường đi qua thị xã, hoặc băng rừng vòng quanh thị xã. Đại Tá Quang, từng ở Nhảy Dù, muốn liều dẫn quân xâm nhập qua thành phố vào lúc đêm tối để tới trung tâm. Ông cho rằng Cộng quân có thể chưa kịp nắm vững tình thế ở thị xã đêm đó. Đại Tá Luật thấy lối đó táo bạo và nguy hiểm, muốn đi đường vòng qua rừng để đến trung tâm. Bàn luận một hồi, hai ông quyết định phân tán, cho lính muốn theo ai thì chọn. Có chừng 50 người theo Đại Tá Luật. Số còn lại theo Đại Tá Quang. Hai toán chia tay nhau vào khoảng 11 giờ.
Vỵ là phó tỉnh nên theo Đại Tá Luật, tỉnh trưởng. Toán này lội bộ đến Buôn Ky gần đồn điền cà phê của cựu Trung Tướng Thái Quang Hoàng. Đi một lúc, Đại Tá Luật bảo mình đi lạc xa mục tiêu cả bảy cây số. Vừa vượt qua một ngọn đồi trọc, toán quân thấy xe tăng của Cộng quân. Cộng quân cũng nhìn thấy họ.
“Xe tăng quạt mấy loạt liên thanh. Đoàn người chạy trở lại phía sau đồi. Chạy mới được 10 thước, Đại Tá Luật té đánh bịch. Mọi người lo chạy cho lẹ. Cố theo nhau mà chạy. Lúc chạy trốn, mình không sợ chết, mà chỉ sợ lạc. Chạy được ba bốn cây số, sang tới một đồi khác, toán của Vỵ chỉ còn một thiếu tá, một đại úy và một trung úy. Ai nấy quần áo tơi tả, rách bươm. Có người chỉ còn may ô, quần đùi,” Vỵ kể lại.
Áo của Vỵ rách nát vì vướng cành cây, bụi rậm. Lẩn vào khu trồng cà phê, Vỵ tựa người vào gốc cây. Vừa đói, vừa mệt, Vỵ ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Vỵ chỉ giật mình thức dậy khi nghe nói “Chúng mày ngụy!” Vỵ mở mắt, thấy mấy mũi súng đang chĩa vào mình. Mấy thanh niên mặt trẻ măng nhìn chằm chặp vào Vỵ. Rồi chúng xông vào trói Vỵ, giải đi.
Ba ngày sau được đến chỗ mới, Vỵ gặp lại Đại Tá Luật bị giam cùng một chổ. Đại Tá Quang bị Việt Cộng bắt ở một địa điểm khác.
Được tin Ban Mê Thuột bị tấn công, Quân Đoàn II điều động lực lượng của sư đoàn 23 ở Pleiku về tiếp cứu. Bộ Tư Lệnh lúc đó đang ở Hàm Rồng. Binh sĩ sư đoàn rất nóng lòng về cứu Ban Mê Thuột vì nhiềâu người có gia đình tại thành phố hậu cứ của sư đoàn. Cả lính kèn cũng tình nguyện về, theo lời Trung Úùy Trần Hùng thuộc phòng 3 của sư đoàn. Vì phải đợi có trực thăng, quân tiếp viện mãi hai ngày sau mới được đưa về Phước An, cách Ban Mê Thuột chừng 30 cây số về phía đông. Trên đường vào giải vây cho Ban Mê Thuột, quân tiếp viện mới đi chừng 10 cây số thì bị chặn đánh, tiến không nổi vì địch có chiến xa. Theo Philip B. Davidson, binh sĩ khi về đến Phước An lo đi tìm kiếm vợ con, và khi gặp vợ con thì bỏ hàng ngũ đưa gia đình đi.(16)
Những cơ sở đầu não ở Ban Mê Thuột bị đánh chiếm trong hai ngày đầu Việt Cộng tấn công vào thành phố. Mấy ngày sau Sài Gòn chưa nhìn nhận Ban Mê Thuột thất thủ vì chiến trận còn tiếp diễn ở khu gần phi trường nằm phía ngoài thị xã. Góp phần đáng kể vào việc kéo dài trận chiến là một đại đội chừng 70 binh sĩ tinh nhuệ, gan lì, được huấn luyện đặc biệt và quyết tâm hăng say chiến đấu đến cùng. Tham gia trận chiến Ban Mê Thuột ngay từ ngày đầu, và là đơn vị sau chót rút khỏi đấy là đại đội thám báo mà Thiếu Uý Nguyển Công Phúc là một trung đội trưởng.
Đại đội đã chiến đấu trong hoàn cảnh cô đơn, cam go, căng thẳng và thiếu thốn súng đạn, lương thực. Họ đã gây tổn thương nặng cho một tiểu đoàn địch, giúp Trung Đoàn 53 của bạn chống trả lại những đợt tấn công mãnh liệt của đối phương, đồng thời chấm tọa độ hướng dẫn pháo binh bạn bắn vào những vị trí địch.
Một trong những yếu tố để đại đội đạt được thành tích trên và tồn tại mà chiến đấu bền bỉ nhất ở Ban Mê Thuột là Cộng quân không biết vị trí đóng quân kín đáo và bất ngờ của đại đội. Cộng quân khi tấn công Trung Đoàn 53 đã bị thúc mạnh vào cạnh sườn vì không biết có đại đội thám báo nằm quanh những ụ đất dùng để che chở cho máy bay ở phi trường và gần rừng cao su phía ngoài căn cứ của trung đoàn. Đại đội mới nhận vị trí đóng quân ở đấy vào buổi chiều. Chỗ đóng quân lại không phải là doanh trại. Quanh phi trường lại có những bãi trống, địch tiến quân dễ bị phát hiện.
Trong những giờ đầu của cuộc tấn công, Phúc theo dõi tình hình mặt trận qua máy truyền tin. Được trang bị hệ thống truyền tin tối tân hơn những đơn vị bộ binh thông thường khác, đại đội thám báo có thể liên lạc với những đợn vị bạn theo hàng dọc, mà cả với mấy đơn vị theo hàng ngang như quân đoàn, sư đoàn và không đoàn ở Nha Trang. Nhờ vậy Phúc biết thêm một số diễn tiến ở trận chiến. Trong đêm tối, giữa những tiếng gầm thét và những tia chớp lóe sáng của đạn pháo kích, Phúc nghe qua âm thanh hỗn loạn của máy truyền tin tiếng những đơn vị bạn gọi nhau ơi ới, báo cáo tình hình, yêu cầu bắn yểm trợ hoặc điều quân tiếp cứu.
Trung Đoàn 53 đêm đầu bị pháo kích mạnh. Đến 5 giờ sáng căn cứ bị địch tấn công từ hai phía đông bắc và đông nam. Địch chiếm được một phần căn cứ. Vào khoảng 8 giờ, quân trú phòng phản công, Cộng quân bị đánh dạt sang một bên. Một cánh quân Việt cộng đã chạy về phía tây nam qua khu đất trống của phi trường. Họ trở thành “những con mồi, những mục tiêu bắn bia,” theo lời Phúc, cho những tay súng thám báo nằm phục sẵn ở bìa rừng cao su gần phi đạo.
Thu dọn chiến trường vào buổi chiều, đại đội thám báo đếm được trên 40 xác Việt Cộng bỏ lại, cùng với hơn 100 nón cối, tịch thu một số vũ khí, đạn được và quân trang, trong đó có năm hỏa tiễn tầm nhiệt SA7. Một số súng đạn này sau được dùng để bắn lại Cộng quân trong mấy ngày sau.
Cuốn nhật ký tịch thu trên người một đại đội trưởng Việt Cộng cho biết anh ta thuộc tiểu đoàn K5 của sư đoàn 316 từ Bắc Việt xâm nhập. Đây là một sư đoàn cơ giới trên đường xâm nhập vào nam đã sử dụng trên 500 chiếc xe lớn để chuyên chở binh lính, trong đó có cả chiến xa, xe bọc thép, đại bác tầm xa, cao xạ và những loại xe vận tải khác.(17) Nhiều xác lính Việt Cộng còn mang theo những khẩu hiệu “Mình Đồng, Vai Sắt.” “Ăn No, Đánh Thắng” “Bí Mật, Bất Ngờ.”
Hăng say với thắng lợi ngày đầu, Phúc và binh sĩ thám báo hôm sau càng thêm mừng rỡ, phấn khởi hơn nữa khi hay tin quân tiếp viện được đưa về giải vây cho Ban Mê Thuột. Trung Đoàn 44 được gửi tới gần Buôn Hồâ ngày 11/3. Ngày hôm sau Trung Đoàn 45, là trung đoàn gốc của đại đội, được trực thăng vận xuống Phước An.
Nhưng niềm phấn khởi đó bị xẹp mau, khi được biết tiểu khu Darlac bị mất, bộ tư lệnh sư đoàn 23 bị chiếm, rồi quân tiếp viện không vô nổi và đã bỏ chạy lúc đụng đầu với xe tăng Việt Cộng.
Binh sĩ thám báo cũng thấy nao núng, mất bình tĩnh khi thấy trực thăng tản thương bị bắn rơi, thương binh không được di tản. Họ cũng tiếc xót nhìn những dù tiếp tế không rơi xuống phần đất của mình, mà nằm vật vờ trên mặt đất trống giữa mình với địch. Bên nào mon men định ra kéo dù vào liền bị bên kia bắn chặn. Những dù đó nằm suốt ngày ngoài nắng, chờ đêm tối mới có người liều lĩnh ra kéo.
Trong những ngày chiến đấu kế tiếp với Việt Cộng, Phúc và đồng đội còn trải qua nhiều nguy hiểm, gian lao, khổ cực. Không có đủ lương thực và súng đạn, họ phải dùng súng đạn và lương thực tịch thu được của Việt Cộng. “Lương khô của chúng được ép thành miếng như bánh đậu xanh. Ăn vào khát nước muốn chết. Anh em phải xuống con suối ở cạnh ngọn đồi cuối phi đạo để lấy nước. Quân mình đã dặn nhau đi lấy nước cũng phải mang súng theo. Thấy tên nào lấy nước mà không có súng, thì đó là địch, được quyền bắn.
“Đánh nhau, quần áo bị rách nát hết. Phải lấy quần áo tịch thu được trong túi đeo lưng của xác Việt Cộng. Mấy anh em mặc đồ Việt Cộng và dùng súng Việt Cộng đi đánh nhau, nên có lúc bị binh sĩ Trung Đoàn 53 tưởng là Việt Cộng, bắn chối chết. Mình phải la lên trong máy, họ mới thôi,” Phúc nhớ lại.
Trong cả tuần lễ liên tiếp giao tranh và bị địch pháo kích, Phúc và đồng đội mệt mỏi vì thiếu ăn thiếu ngủ. Phúc nói: “Đêm không được chợp mắt. Phải lo bố phòng, sợ địch xâm nhập. Sáng ra, chia nhau thành toán nhỏ, đi đánh giải tỏa vòng vây. Đánh theo kiểu những toán trinh sát, nhảy dù, di động luôn để giải tỏa áp lực, rồi tránh né, rút lẹ, chứ không theo kiểu dàn trận của tiểu đoàn bộ binh. Vì vậy địch không biết đơn vị có bao nhiêu người, không biết chiến tuyến chỗ nào. Lúc không đánh nhau thì núp trong hố cá nhân để địch không nhìn thấy. Hố được đào khoét trong những ụ đất có sẵn để bảo vệ máy bay. Cao bốn năm thước, bề dày hai ba thước, những ụ đất này là nơi ẩn nấp tốt cho mình và đồng đội.
“Vừa đói khát, lại không được nghỉ ngơi, anh em mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Đầu óc căng thẳng, hồi hộp khi nhìn thấy đồng đội bị bắn banh xác, người bị thương kêu la rên rỉ, thật như sống trong cảnh địa ngục. Lúc chưa vào cuộc thì sợ, nhưng khi ở trong cuộc rồi, mất sợ hết trơn. Anh em giữ được tinh thần cũng nhờ kỷ luật nghiêm khắc. Tới lúc đó, bất tuân lệnh là có quyền bắn bỏ.”
“Đêm ngày 16/3, Việt Cộng pháo tàn bạo như địa chấn. Thám báo liên lạc với trung đoàn. Gọi trung đoàn mãi, không có trả lời. Chỉ có im lặng. Mình cảm thấy nỗi cô đơn ghê sợ. Cô đơn và tuyệt vọng. Đau đớn và chán chường. Muốn khóc. Muốn nổi khùng. Thế là hết. Thì ra họ đã rút chạy.
“Chỉ còn mấy chục anh em ở lại, lọt giữa lực lượng đông đảo của địch. Mình liên lạc được với quân đoàn, xin cho máy bay đến oanh kích địch sáng hôm sau để anh em mở đường máu chạy thoát. Quân đoàn đồng ý.
“Gần sáng Việt Cộng cho xe tăng tấn công căn cứ Trung Đoàn 53. Bộ binh Cộng quân theo xe tăng vào chiếm căn cứ. Chiếm xong, Cộng quân chuẩn bị tiến sang phía phi trường thanh toán nốt những ổ cuối cùng còn sót lại của đại đội thám báo. Đúng lúc Cộng quân đang tập trung quân, phi cơ được thám báo hướng dẫn đến dội bom xuống đầu địch. Nhờ những trái bom thả đúng lúc, chặn đứng đà tiến của xe tăng và quân địch, đại đội thám báo còn lại hơn năm chục người rút chạy, lẩn vào khu rừng cao su.
“Thoát khỏi trận chiến, đoàn thám báo lúc này tơi tả, hốc hác và kiệt sức mà vẫn phải cố lết đi, tìm đường xuống phía nam nhắm hướng về Đà Lạt. Đến gần chi khu Lạc Thiện, một quận thuộc tỉnh Darlac, đám quân còn chừng 30 người mừng rỡ bắt được liên lạc vô tuyến với chi khu. Họ vui sướng tìm mau chỗ nghỉ chân sau những ngày sống sát thần chết. Chi khu yêu cầu cho biết chỗ đang ở.
“Ít phút sau, đạn pháo rơi ào ào xuống toán thám báo còn đang nằm lăn ra nghỉ. Rồi địch nổ súng tấn công. Lại chạy tứ tán. Người chết, người bị thương.”(18)
Phúc chỉ còn 15 người chạy theo được. Thấy đường đi về phía Đà Lạt không thành, Phúc tìm đường đi về hướng đông, hy vọng tới những tỉnh vùng duyên hải. Qua một hai ngày băng rừng, vặt lá đào cây để ăn, nhóm của Phúc lại lọt vào một ổ phục kích của Cộng quân. Phúc và một y tá thoát ra khỏi ổ phục kích, nhưng rồi rút cục cũng bi bắt lúc đang vục mặt xuống vũng nước để uống. Hôm đó là ngày 22/3.
Sau này vào trại cải tạo, Phúc gặp một sĩ quan ở chi khu Lạc Thiện, liền trách cứ vụ bị pháo kích. Sĩ quan cho biết Cộng quân đã chiếm Lạc Thiện từ mấy ngày trước và vẫn dùng tần số cũ để liên lạc với những toán quân khác của quân đội Cộng Hòa. Lúc ấy Phúc mới biết mình mắc bẫy khi tiết lộ tọa độ đóng quân.
Vũ Thụy Hoàng
www.vietthuc.org
Chú Thích
1. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 79
2. Davidson, Phillip B., Vietnam at War, trang 758-762
3. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 35
4. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 37
5. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 44-45
6. Moore, Harold G. & Galloway, Josepht L., We were Soldiers Once…and Young, trang xvi
7. Tucker, Spencer C., Vietnam, trang 135
8. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 37
9. Davidson, Phillip B., Vietnam at War, trang 768
10. Davidson, Phillip B., Vietnam at War, trang 770
11. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 57
12. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 69
13. Snepp, Frank , Decent Interval, trang 171
14. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 52, 91
15. Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, trang 81
16. Nguyễn Ngọc Vỵ, nói chuyện ngày 5/1/1980 và 1999
17. Davidson, Phillip B., Vietnam at War, trang 773; Hosmer, Stephen & Kellen, Konrad & Jenkins, Brian M., The Fall of Vietnam, trang 85.
18. Nguyễn Công Phúc, nói chuyện năm 1978 và 1999.
Bài trên được trích trong cuốn sách Sài Gòn Tuyết Trắng in lần thứ tư của Vũ Thụy Hoàng. Người viết ở trong ngành báo chí 49 năm, trong đó có 33 năm với Washington Post, và còn là tác giả hai quyển sách Quê Hương Thương Ghét vàMúa Bút.
Sinh Tồn chuyển
No comments:
Post a Comment