Wednesday, March 19, 2025

Tôi tiếc nuối một nước VNCH, đã có một nền giáo dục nhân bản và hoàn hảo nhất

      NGÀY Đó Tôi Đi Học🌷

Ngày đó, là những năm tháng được sống dưới chế độ Việt- Nam Cộng-Hòa, tôi chỉ là một nhóc tì bé nhỏ và ngây ngô. Đến năm tròn sáu tuổi, là tuổi đi học, lần đầu tiên được mẹ mặc vào người bộ đồ đồng phục quần sọt xanh áo sơ mi trắng bỏ vào trong, trông nó thật là thùng thình và ngộ nghĩnh. Tôi nắm chặt tay mẹ đi trên con đường dẫn tới ngôi trường tiểu học Trần Hưng Đạo mà lòng đầy hồi hộp và lo lắng. Đoạn đường này, tôi đã qua lại nhiều lần nhưng sao hôm nay tôi cảm thấy nó thật xa lạ và dài như bất tận.
 
   Mẹ đưa tôi đến tận lớp học, trao tận tay cô giáo, nói đôi điều gì đó, và rồi xoa đầu tôi nhẹ nhàng nói: “ nhớ nghe lời cô dạy, gắng ngoan, chăm học để sau này trở thành người hữu ích con nhé.” Với tâm hồn trẻ thơ như những tờ giấy trắng tinh tươm. Những lời mẹ dặn, lời thầy cô dạy bảo như những dấu son đầu đời khó phai mờ.
Rồi sau đó, tôi đã mê mẩn với những bài đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư.
Truyện rằng: Có một người đã đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, ngày trở về nước được hỏi rằng trên thế giới nơi nào đẹp nhất? Người ấy nói “ khắp thế giới có nhiều nơi đẹp nhưng không đâu bằng quê hương mình.”
  Cũng một truyện khác kể lại rằng: “Có một người xa xứ lâu năm, ngày trở về lại nước, người ấy đã hai tay ôm lấy nắm đất quê hương dưới chân mình, đưa sát lên mặt mà hôn hít, mà nước mắt dàn dụa…”.
Qua những bài đọc trên, với tâm hồn trẻ thơ, tôi thấy quê hương mình thật đáng yêu và thật may mắn khi được là người con dân nước Việt.
Quê hương
Là con đường làng quanh co
Là hàng dâm bụt trước sân nhà
Là cánh diều lộng gió buổi chiều tà
Là lời ru của mẹ đưa ta vào đời.
 
   Cũng trong năm học lớp Năm ấy ( lớp 1), tôi đã được học những bài “Học Thuộc Lòng”, những truyện ngụ ngôn: “Ăn Khế Trả Vàng”, “Rùa Và Thỏ”, “Ve Sầu Và Kiến”, “Quạ Và Cáo”…
 
Những bài học luân lý đầu đời đó đã dạy cho tôi biết :
- Tình yêu thương đất nước, dân tộc.
- Lễ phép, kính trên nhường dưới.
- Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà.
- lịch thiệp và nhã nhặn với mọi người.
– Ý thức nơi công cộng, ý thức bảo vệ của công
- Không tham lam, không ít kỷ.
- Phải biết siêng năng học hỏi và cầu tiến...
 
 Tất cả những điều kể trên đều là căn bản của nền giáo dục thời Việt-Nam Cộng-Hòa: Nhân Bản-Dân Tộc-Khai Phóng.
 
   Phần nhiều các bạn trẻ ngày nay, chỉ nghe nói mơ hồ về một nền giáo dục đã hiện hữu cách đây trên 50 năm ở miền Nam với tên gọi là nước Việt-Nam Cộng-Hoà.
 
Vậy, nền giáo dục đó là như thế nào?
 
Tui xin mạn phép, mạo muội giải thích một cách hết sức ngắn gọn, đơn giản cho các em, các cháu biết rằng:
 
  Triết lý của nền giáo dục thời Việt- Nam Cộng-Hòa là: Nhân bản, dân tộc, và khai phóng.
Nhân bản (humanistic)
Là dạy làm người, gồm năm yếu tố: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Dạy yêu thương đồng loại, yêu thiên nhiên, yêu động vật . Dạy ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh và tài sản nơi công cộng.
Dân tộc (nationalistic)
Dạy người dân biết tự hào và ý thức về dân tộc. Bảo về những giá trị về truyền thống văn hóa, con người, và đất nước.
Dạy về lòng yêu nước, thương dân, không phân biệt giai cấp và vùng miền.
Khai phóng (liberal education)
Là tự do học hỏi những gì mình thích, tự do sáng tác.
Trau dồi những kiến thức tổng quát và những kỹ năng chuyên môn để áp dụng vào cuộc sống hiện tại và hướng đến tương lai. Hòa mình vào thế giới văn minh.
 
  Ngẫm lại, nền giáo dục thời VNCH là thuần túy giáo dục. Các thế hệ học sinh ngày đó thuộc lòng câu: “tiên học lễ, hậu học văn”. Những học sinh giỏi được phát rất nhiều phần thưởng. Riêng cấp tiểu học được chích ngừa định kỳ và được phát sữa, bánh vào giờ ra chơi. Giáo dục Không kinh doanh, không vụ lợi.
 Học sinh theo học tại các trường công lập, từ lớp Năm (lớp 1) cho tới hết đại học không phải đóng học phí và bất kỳ loại phí nào. 
 Sách giáo khoa được cho mượn học đến hết năm. Ngoài hệ thống thư viện quốc gia, mỗi trường đều có thư viện riêng.
 Các thầy cô đều có kiến thức cao, giảng dạy tận tâm, hiếm có trường hợp phải học thêm. Quan hệ giữa thầy và trò thân mật, gần gũi và lễ nghĩa.
 
   Bằng cấp thời VNCH cũng rất có giá trị, được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận. Các sinh viên giỏi du học ở các nước tân tiến, sau khi tốt nghiệp đa số đều trở về để cống hiến cho đất nước mình.
 
Thật là tiếc nuối và đau buồn khi phải từ biệt với một nền giáo dục nhân bản, dân tộc, và khai phóng của chế độ VNCH.
 
THẬT LÀ TIẾC NUỐI..💜
 
( Facebook lhd sưu tầm 🌷)
 

 
 
Tháng 4 năm 1975. Trong hoàn cảnh chiến sự căng thẳng, nhiều trường học ở miền Nam và Sài Gòn phải kết thúc sớm niên học 1974-1975.
Trong ảnh là Lễ Phát thưởng của Trường Tiểu Học Cộng Đồng Nguyễn Du, được tổ chức ngày 24 tháng 4 năm 1975...!…
 
 
 

No comments:

Post a Comment