Xương người bị Việt Cộng chôn sống ở Huế năm 68
Lịch sử luôn có hai mặt: một bên là những câu chuyện được tô vẽ bởi kẻ chiến thắng, một bên là sự thật trần trụi của những con người chịu tổn thương.
Tôi, sinh ra ở Miền Bắc XHCN hàng chục năm khi tiếng súng đã vắng bóng, lớn lên với những bài học lịch sử ca ngợi cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 như một chiến thắng vang dội, một “bước ngoặt” mang tính quyết định. Nhưng tôi tự hỏi đó là chiến thắng kiểu gì khi xé bỏ thoả thuận ngừng bắn để đột kích người dân trong dịp Tết cổ truyền.
Sách giáo khoa nói rằng cuộc tấn công vào Huế là một thành công, nhưng họ không kể về những hố chôn tập thể, những gia đình bị xé nát, những người dân vô tội bị xử tử chỉ vì có liên hệ với chính quyền miền Nam VNCH. Họ không nói rằng giữa lúc giao thừa, thay vì pháo hoa và lời chúc năm mới, thành phố Huế chìm trong khói lửa, tiếng súng và tiếng khóc than. Họ gọi đó là “trận đánh vinh quang,” nhưng với bao nhiêu gia đình, đó là ngày họ mất đi cha mẹ, vợ chồng, con cái – những mất mát không thể nào bù đắp.
Điều khiến tôi đau lòng hơn là khi so sánh với một sự kiện khác trong lịch sử thế giới – lệnh ngừng bắn Giáng sinh năm 1914 giữa quân đội Đức và phe Đồng minh trong Thế chiến thứ Nhất. Khi đó, dù là kẻ thù trên chiến trường, những người lính hai bên vẫn đồng lòng tạm ngừng chiến trong đêm Giáng sinh. Họ bước ra khỏi chiến hào, bắt tay nhau, cùng hát thánh ca, thậm chí còn chơi bóng đá giữa chiến trường. Chỉ trong một khoảnh khắc, con người đã vượt lên trên lòng hận thù, nhận ra rằng dù họ đứng ở hai phía khác nhau, họ vẫn cùng chia sẻ một nhân tính.
Nhưng biến cố Mậu Thân năm 1968, ngay trong những giờ khắc linh thiêng nhất của Tết cổ truyền, khi người Việt Nam lẽ ra phải sum vầy, chúc nhau bình an, thì súng đạn lại vang lên, không phải từ kẻ ngoại xâm mà từ chính người Việt giết hại người Việt. Trong khi lính Đức và phe Đồng minh còn có thể đặt súng xuống để tôn trọng một ngày lễ thiêng liêng, thì tại Huế, hàng nghìn người đã bị tước đoạt mạng sống bởi “sự lãnh đạo tài tình” của ĐCSVN.
Sự tương phản ấy làm tôi rùng mình. Nó khiến tôi nhận ra rằng cuộc chiến này không chỉ là một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ hay ý thức hệ, mà còn là một cuộc chiến đã làm suy đồi lòng nhân đạo.
Khi nhân danh một lý tưởng mà con người có thể giết hại chính đồng bào mình trong đêm thiêng liêng nhất của dân tộc, thì đó không còn là một cuộc chiến tranh chính nghĩa nữa – đó là một tham vọng chiến thắng bất chấp luân thường đạo lý.
Nhận ra sự thật này không phải để khơi dậy hận thù, mà là để không tiếp tục sống trong sự dối trá. Nếu những sự kiện như Tết Mậu Thân vẫn bị vinh danh một cách phiến diện, thì lịch sử sẽ chỉ là một vòng lặp đau thương.
Tôi không muốn thế hệ sau của chúng tôi cũng phải trải qua cảm giác cay đắng khi nhận ra rằng họ đã bị lừa dối suốt bao năm, như tôi hôm nay.
Lan Phạm st .
No comments:
Post a Comment