Người di cư từ miền Bắc chờ lên tàu để di cư vào Nam, bắt đầu hành trình tìm tự do ở Sài Gòn, năm 1954. (Hình: US Navy Archive)
Nhà văn Nguyễn Viện là một trong những trí thức thuộc gia đình từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Ông sống và sáng tác, cắm rễ vào đất miền Nam, và hòa mình vào nền văn hóa nghệ thuật tự do như nhiều văn nghệ sĩ cập bến Sài Gòn 1954. Kỷ niệm 70 năm hành trình người Bắc di cư vào Nam, ông có cuộc trò chuyện để nhắc về giới trí thức tinh hoa đã góp sức xây dựng nên một di sản văn hóa độc đáo, cũng như ảnh hưởng của nó hôm qua, và mai sau.
Tuấn Khanh: Thưa nhà văn Nguyễn Viện, nhìn lại cột mốc xây dựng và phát triển văn hóa của miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975, sự có mặt của giới trí thức miền Bắc di cư vào Nam là vô cùng ấn tượng. Với cái nhìn tổng quát của riêng mình, ông có thể phác thảo sơ những đặc điểm quan trọng của giới trí thức miền Bắc di cư, từ văn chương, âm nhạc, hội họa… đã tạo nên một khung trời văn hóa nghệ thuật như thế nào, mà đã có ảnh hưởng đến tận hôm nay.
Nhà văn Nguyễn Viện: Trước 1954, dù chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn minh Pháp, và đã có những trí thức lừng lẫy như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Hồ Hữu Tường… với những đóng góp to lớn cho văn hóa của nước nhà, nhưng miền Nam vẫn được coi như một vùng đất còn đang được khai hoang, trên mọi bình diện. Tình trạng cát cứ của các địa chủ cũng như các thế lực tôn giáo, chính trị… đã tạo thành một miền Nam tưởng như hiền hòa nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Hiệp Định Geneve, chia cắt đất nước tại vĩ tuyến 17, định hình lại quốc gia Việt Nam thành hai miền riêng biệt với hai chế độ chính trị khác nhau, mang tính đối kháng tiêu biểu của thời đại.
Hệ quả của nó đã dẫn tới khoảng một triệu người Bắc di cư vào Nam với chủ đích “đi tìm tự do.”
Trong số khoảng một triệu người di cư, tất nhiên đa phần là nông dân, may mắn thay, cũng đã có một lực lượng trí thức tinh hoa. Chính những trí thức này, họ đã góp phần cùng những trí thức phía Nam xây dựng một chính thể mới lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, chính thể Cộng Hòa tự do.
Trong bối cảnh ấy, những trí thức miền Bắc ngoài chính trị, họ còn có những đóng góp nổi bật trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật và giáo dục.
Một tuyên ngôn mới do nhóm tạp chí Sáng Tạo (1956-1960) với những tên tuổi như Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Cung Tiến, Tô Thùy Yên (một người miền Nam)… khởi xướng, đoạn tuyệt cái cũ để bước vào những sáng tạo mới, mang khuôn mặt thời đại. Từ nghệ thuật sử dụng ngôn từ đến cấu tứ, hình tượng, thẩm mỹ và quan điểm sáng tác.
Có thể nói ảnh hưởng của Sáng Tạo đã bao phủ bầu trời văn học nghệ thuật của miền Nam, không chỉ trong thời gian tạp chí này có mặt, mà còn kéo dài cho đến tận khi miền Nam sụp đổ.
Cùng với Sáng Tạo và những tạp chí văn học như Hiện Đại của Nguyên Sa, Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong và Dương Nghiễm Mậu, Bách Khoa với sự góp mặt của một số nhà văn người miền Trung… và được tiếp nối với các tạp chí Nghệ Thuật, Vấn Đề, Khởi Hành, Văn, Trình Bày… còn có những tạp chí nghiên cứu uy tín như Tư Tưởng (1967-1975) của Đại Học Vạn Hạnh, Sử Địa (1966-1975) của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học (1958-1964) của Đại Học Huế… và vô số các nhà xuất bản tư nhân với những ấn phẩm đủ loại từ văn học đến triết học.
Với những nhà văn, nhà thơ đã nhắc trên cùng những tạp chí do họ chủ xướng, các tên tuổi gốc Bắc như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Mạnh Côn, Kim Định, Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Hoàng Sĩ Quí, Thiện Cẩm, Nguyễn Văn Trung, Lê Xuân Khoa… và không thể kể hết những Chu Tử, Trần Dạ Từ, Quách Thoại, Du Tử Lê, Nguyễn Đình Toàn, Đỗ Quí Toàn, Thế Phong, Thế Nguyên, Thảo Trường, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Viên Linh, Văn Quang, Uyên Thao, Trùng Dương, Thế Uyên, Y Uyên, Nguyễn Xuân Thiệp, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Quốc Thái, Hà Thúc Sinh, Phạm Thiên Thư, Cao Thoại Châu, Nguyễn Đạt, Nguyễn Tôn Nhan… Tất cả họ đã góp phần tạo nên một nền học thuật, văn chương và tư tưởng phong phú chưa từng có trước đây.
Ngoài ra, phải kể đến những “người khổng lồ” như Nguyễn Gia Trí – một bậc thầy sơn mài, Tạ Tỵ, một danh họa của dòng lập thể, Thái Tuấn… trong lãnh vực hội họa. Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Trần Quang… trong lãnh vực điện ảnh. Về âm nhạc thì các ông bà “Bắc kỳ” cũng “chiếm lĩnh thị trường,” từ Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Y Vân, Y Vũ, Xuân Tiên, Lê Thương, Hùng Lân, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Đức Quang, Đức Huy, Trường Sa… đến các ca sĩ Thái Thanh, Duy Trác, Anh Ngọc, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan…
Nền văn hóa nghệ thuật ấy đa dạng, rực rỡ và sôi nổi, nhưng đột ngột bị kết liễu sau 1975. Tuy nhiên, nó không hề chết. Dòng chảy của văn nghệ tự do vẫn âm thầm tiếp diễn.
Tuấn Khanh: Hội nhập với phong trào báo chí, phát triển thêm các hình thức tập san lý luận, nghiên cứu, sáng tác… như Bách Khoa, Văn, Sáng Tạo, Văn Học… những trí thức miền Bắc đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trên văn đàn và văn hóa chung của cả nước. Nhìn lại giai đoạn này, thật sự miền Nam đã có một đời sống văn chương nghệ thuật rất sống động, nổi bật với lớp trí thức miền Bắc vào Nam. Theo ông, điều gì đã mang lại không khí và sức sáng tạo đặc biệt như vậy?
Nhà văn Nguyễn Viện: Có lẽ vấn đề nằm ở môi trường. Sự hứng khởi của một bầu khí lập quốc cùng với sự tự do mà các nghệ sĩ đã tìm được đã là tiền đề cho sự sáng tạo. Hoàn toàn không bị ràng buộc trong ý thức chính trị hay đấu tranh, các nghệ sĩ của miền Nam đã được sống như chính mình muốn, và đã sáng tạo như chính mình thích. Chỉ có tự do mới có thể bùng nổ. Và họ đã để lại một gia tài giàu có, nhờ tự do.
Tuấn Khanh: Hành trình di cư từ Bắc vào Nam 1954, thật sự không hề dễ dàng. Có người nói đó là những người dân không chọn sống với cộng sản. Có người nói là cuộc ra đi là để thay đổi cuộc đời… nhưng dù là thế nào, đó vẫn là một sự dứt áo ra đi nhiều kỷ niệm buồn vui. Ông cũng là một trí thức di cư theo gia đình từ năm 1954, nhìn lại sự kiện đó, nó đem lại cảm giác gì trong ông?
Nhà văn Nguyễn Viện: Năm 1954, tôi 5 tuổi. Vừa đủ có trí khôn để lưu giữ một vài hình ảnh về cuộc di cư vĩ đại ấy.
Nhà tôi ở quê làng Đồng Xá, thuộc huyện Kim Thành (Hải Dương) cách cảng Hải Phòng chừng 20 cây số. Tôi không bao giờ quên một đêm, tôi được bỏ vào trong một cái thúng và được người làm trong gia đình gánh băng qua những cánh đồng xuống Hải Phòng. Đấy là một cuộc chạy trốn. Trước khi xuống tàu trung chuyển gọi là “tàu há mồm,” chúng tôi được các nhân viên tị nạn xịt thuốc sát trùng như xịt thú vật. Có lẽ là DDT. Rồi từ “tàu há mồm,” chúng tôi lên tàu lớn của Mỹ. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là cam, nho và thịt hộp. Lử đử lừ đừ vì say sóng, ký ức sau cùng của tôi về chuyến di cư là những chiếc xe cam nhông quân sự đổ cả làng tôi xuống giữa rừng cao su thuộc Rạch Bắp, Bến Cát, Bình Dương. Cơn mưa đêm tầm tã trên mái bạt và hình ảnh ông cha xứ đến hỏi thăm từng gia đình. Suốt thời thơ ấu của tôi là rừng bạt ngàn, vừa hấp dẫn vừa sợ hãi.
Sinh năm 1949, Hiệp Định Geneve 1954 lúc ấy với tôi không có ý nghĩa gì. Lịch sử là phải sống và tự tạo cuộc sống. Nhưng hệ quả của cái hiệp định chết tiệt, buộc gia đình tôi phải di cư một lần nữa. Vào khoảng 1960, những người lính du kích của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng xuất hiện và mang chiến tranh đến làng tôi. Gia đình tôi chạy loạn về Sài Gòn.
Tuấn Khanh: Giá trị di sản của văn hóa miền Nam Việt Nam trước 1975, với sự góp mặt đặc biệt của giới trí thức miền Bắc di cư là câu chuyện lịch sử. Nhưng tính về sự tác động đến hiện tại, đã có nhiều người mô tả như với nhà văn Hoàng Hưng, khi ông đi vào Sài Gòn, có viết về văn chương miền Nam, giai đoạn sau 1975: “Sự tiếp xúc với văn học miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho không ít tác giả của nền văn học ‘chính thống’ miền Bắc.” Hoặc như Dương Thu Hương từng mô tả rằng bà nhìn thấy những sách báo miền Nam bày bán trên lề đường, sau khi Việt Nam ngừng tiếng súng, bà đã ngồi xuống đường và bật khóc vì cảm nhận sự đa dạng và lớn lao của văn hóa ở vùng đất này. Bằng cảm nhận của mình, ông có thể giải thích nhận định của nhà văn Hoàng Hưng và thái độ của nhà văn Dương Thu Hương?
Nhà văn Nguyễn Viện: Với trường hợp của nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Dương Thu Hương như anh nói, tôi mường tượng rằng, đó là giây phút của khai ngộ, một sự thật được hiển lộ không thể chối cãi. Sự thật ấy, nó buộc người ta phải nhìn lại mình.
Tuấn Khanh: Hãy nói về ông, một nhà văn bị coi là “ngoài luồng” nhưng kiên định với con đường sáng tác của mình. Kể từ 1975 đến nay, có thể nói ông là một trong số ít nhà văn vẫn không ngừng viết, từ chối kiểm duyệt, và có số đầu sách in tự do nhiều nhất. Điều gì khiến ông không thể “hòa nhập” với dòng chảy của các nhà văn sống yên lành trong hệ thống kiểm duyệt?
Nhà văn Nguyễn Viện: Cũng đơn giản thôi. Tôi không chấp nhận kiểm duyệt hay bị kiểm soát ngoài bởi chính tôi. Tôi là người tự do. Vì thế, những gì tôi viết phải là sản phẩm của tự do. Cũng vì tôi tự do, nhà nước không chấp nhận tôi. Sách của tôi không thể xuất bản hay phổ biến trên mọi phương tiện thông tin trong hệ thống nhà nước. Với tôi, điều này không ảnh hưởng gì đến sáng tạo hay giá trị của tôi.
Tôi không kế thừa những đặc tính truyền thống của văn nghệ sĩ miền Bắc “cứng đầu” về tự do sáng tạo, bởi vì tôi được trưởng thành từ bầu khí của tự do ở miền Nam trước đây. Nói cách khác, tôi vốn thế.
Tôi tự do và mãi mãi tự do.
Về những người bên lề như tôi mà vẫn còn viết, theo tôi biết chỉ còn nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát. Những người khác vẫn triệt để đi theo con đường của mình như Bùi Hoằng Vị, Phan Bá Thọ… thì dường như không viết nữa. Những người trung dung hơn vừa sáng tác tự do vừa hợp tác trong hệ thống để xuất bản thì khá đông.
Tuấn Khanh: Nhiều người nói lịch sử đã xoay chiều, cuộc sống cũng đã đổi thay. Và cũng có nhận định rằng những gì mà giới trí thức miền Bắc di cư góp vào xây dựng nên di sản văn hóa của chế độ Việt Nam Cộng Hòa rồi sẽ bị lãng quên, hoặc không bị cố ý cho lãng quên trong tương lai. Ông nghĩ gì về điều này, và nhận định riêng của ông?
Nhà văn Nguyễn Viện: Sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của miền Nam nói chung, với những đóng góp to lớn của người Bắc di cư bị vùi dập và có thể sẽ chìm trong quên lãng không?
Tôi có thể nói ngay, chắc chắn không.
Những gì tôi biết như một số tác phẩm trước 1975 đã được chính thức cho phép in lại. Rất nhiều tác phẩm khác được tái bản bởi những người làm sách lậu và được rao bán công khai trên mạng xã hội. Bản thân tôi cũng từng được nhờ để xin phép gia đình của các nhà văn quá cố như Thanh Tâm Tuyền, Thế Nguyên… cho in lại tác phẩm của họ. Tôi còn biết rất nhiều người trẻ vẫn tìm đọc Dương Nghiễm Mậu, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện… và cả Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… Tôi cũng biết đang có những công trình nghiên cứu về văn chương miền Nam một cách nghiêm túc và chính thức.
Cho dù không được nhìn nhận như chính nó, nhưng văn học nghệ thuật miền Nam chẳng những không chết mà vẫn tiếp tục tác động vào quá trình sáng tạo của nhà văn hôm nay như nhà thơ Hoàng Hưng đã nhận định.
Đã là lửa thì tự nó phát sáng.
Tuấn Khanh: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
( nguoi-viet )
No comments:
Post a Comment