Nếu không có sự kiện di cư 1954, miền Nam và nền văn hóa miền Nam tự do sẽ không thể có những tên tuổi Phạm Duy, Chu Tử, Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Nguyễn Hiến Lê, Nhật Tiến, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Mặc Đỗ, Mai Thảo…
Nói cách khác, nếu những nhân vật này không di cư vào Nam, cuộc đời và số phận họ sẽ chìm trong bóng tối địa ngục cộng sản và văn hóa Việt Nam nói chung sẽ chịu những tổn thất không thể đo đếm được bằng bất kỳ gì…
Màn đêm bên kia vĩ tuyến
Sự khác biệt giữa văn hóa cộng sản của miền Bắc và văn hóa tự do sáng tạo của miền Nam là một trời một vực. Trong quyển “Những phản ảnh xã hội và chính trị trong tiểu thuyết miền Bắc 1950-1967” (NXB Phong Trào Văn Hóa, Sài Gòn 1969), Tiến Sĩ Sử Học Hoàng Ngọc Thành thuật:
“Tại miền Bắc, ‘Con Đường Hạnh Phúc’ theo sự trình bày của tác giả Đinh Chương, phải là ‘hạnh phúc tập thể.’ ‘Con Đường Hạnh Phúc’ viết về một cậu học sinh trung học thích ăn chơi tên là Tâm phải làm việc trong một toán đổ bê tông tại một công trường và thích nghi với lối sống tập thể. Buổi sáng Tâm phải dậy sớm tập thể dục theo tiếng gọi của đài phát thanh. Ngoài công việc đổ bê tông hàng ngày, Tâm phải trồng rau tại khu vườn của ngôi nhà công cộng mà cậu trú ngụ. Hai lần một tuần vào tối Thứ Hai và Thứ Năm cậu phải dạy văn hóa cho công nhân của công trường. Ít nhất một lần mỗi tuần Tâm phải dự phiên họp phê bình và kiểm thảo. Cậu phải tự chỉ trích một cách nghiêm khắc hay ngồi đấy nghe kẻ khác phê bình những khuyết điểm của cậu. Cậu đã bị chỉ trích là không tập thể dục thường xuyên, quên tưới rau hay dọn cầu tiêu, quấy rầy láng giềng những đêm đi chơi về khuya,…”
Thật khó có thể tưởng tượng đó là… tiểu thuyết. Và trong khi miền Nam “nhập cảng” đủ nền văn hóa thế giới thì miền Bắc chỉ biết Marx-Lenin và Mao Trạch Đông. Cần nhắc lại, từ Tháng Bảy, 1926, Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Ban Chấp Hành Trung Ương của Đội Thiếu Niên Tiền Phong Liên Xô, van nài họ nhận thiếu niên Bắc Việt sang sống và học tập tại Liên Xô. Ý tưởng “đúc khuôn” tư tưởng thế hệ trẻ trung thành với cộng sản đã hình thành ngay từ khi chế độ cộng sản thành lập nhà nước. Chỉ hai năm sau cột mốc 1954 chia đôi đất nước, Đại hội giáo dục 1956 đã tập trung vào việc “xây dựng công tác giáo dục toàn diện tuân thủ đường lối của VNDCCH và Đảng Lao Động,” và trường học phải là công cụ để “xây dựng CNXH.”
Trong “Making Two Vietnams” (Studies of the Weatherhead East Asian Institute, Columbia University, 2018), tác giả Olga Dror cho biết, Tháng Sáu, 1962, Lê Duẩn đã nói với sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội rằng: “Tôi không hiểu nhiều về chuyên môn của các bạn nhưng theo tôi thì để làm giáo viên cũng giống như làm thợ chính trị.” Sự chính trị hóa, với việc tạo ra những “thợ chính trị,” đã dẫn đến việc bóp méo tất cả giá trị văn hóa. Hậu quả thật kinh khủng.
Chỉ có nền giáo dục cộng sản mới dạy rằng William Shakespeare đã… gióng lên tiếng nói tố cáo không chỉ giáo hội mà còn cả hệ tôn ti của phong kiến, rằng Shakespeare căm ghét bọn phong kiến muốn chia rẽ đất nước ông, và Shakespeare đã nhìn thấy bản chất phi nhân của trào lưu tư bản mới le lói ở Châu Âu và cực lực lên án điều đó…
Chỉ có nền giáo dục cộng sản mới nói rằng, nội dung chính của Truyện Kiều là xoáy vào những băng hoại của xã hội phong kiến, khiến nàng Kiều cùng cả nhà rơi vào cảnh bi đát khốn cùng, rằng “cả nhà Kiều nếm mùi bất công”, rằng quy luật của đời sống vẫn không ngừng bảo rằng ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh…
Chỉ có nền giáo dục cộng sản mới chỉ ra rằng, cốt lõi và “tinh thần” của cổ tích Tấm Cám nằm ở chỗ, người mẹ ghẻ tượng trưng cho giai cấp phú hào và cô Tấm tượng trưng cho giai cấp lao động. Do đó, bọn chủ nô bóc lột sẽ chịu hình phạt và giai cấp công nhân phải được hưởng hạnh phúc như một quy luật bất biến. Chưa hết, Tấm Cấm cần phải được hiểu ở ý nghĩa rộng hơn rằng, cuộc đấu tranh giữa Tấm và mẹ ghẻ cũng… tương tự cuộc “đấu tranh chính nghĩa” của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, có nghĩa, dù phải chịu bao nhiêu gian khổ, nhất định sẽ có ngày kết thúc chiến thắng.
Trong “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” (1959), ông Hoàng Văn Chí – bản thân là một người Bắc di cư 1954, trước đó từng theo Việt Minh kháng Pháp – đã kể vô số bi kịch và cuộc đời trầm luân của những văn nghệ sĩ bị “kẹt lại” ở miền Bắc. Nhắc đến họ là một thiên trường sử. Họ sống không bằng chết. Họ bị trù dập, bị triệt kế sinh nhai, bị đày đọa đi “lao động cải tạo”, bị đập tan nát trên văn đàn. Nếu được vào Nam, số phận Nguyễn Công Hoan hẳn đã không hẩm hiu bi đát. Từng giữ chức Giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ; gia đình có hai người em trai từng giữ chức vụ cao trong hệ thống chính quyền cộng sản (Nguyễn Công Miều là ủy viên Bộ Chính Trị, Nguyễn Công Bồng từng ngồi ghế phó giám đốc Nha Công An của Việt Minh) nhưng Nguyễn Công Hoan vẫn bị “đánh” tơi bời khi tung ra tiểu thuyết “Đống Rác Cũ.”
Năm 1964 (thời điểm làng báo chí và văn học miền Nam bừng sáng, với đóng góp của nhiều bạn văn từng sinh hoạt chung trên văn đàn trước 1954 ở Hà Nội), Nguyễn Công Hoan đã bị đưa lên giàn thiêu. Với tác phẩm “Đống Rác Cũ,” ông bị buộc tội là “tư sản phong kiến, tiến bộ thụt lùi, có thái độ “phản vô sản,” khinh khi đồng loại, chạy theo một thứ chủ nghĩa duy lý phản động và “gieo rắc nọc độc của chủ nghĩa hư vô trong các thanh niên trong sạch và lành mạnh ngày nay.”
Nhân nói về “các thanh niên trong sạch và lành mạnh ngày nay” ở miền Bắc, quyển “Making Two Vietnams” đã nhắc lại vài số liệu. Nguồn trên cho biết, vào năm 1964, có 2,434 trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 13 đến 17 phạm tội; 5,150 vụ phạm pháp. Năm 1965, có tổng cộng 2,863 trẻ vị thành niên phạm tội; 8,855 vụ trộm cắp, chiếm 51% tổng số vụ phạm pháp của trẻ vị thành niên. Chỉ trong ba tháng đầu năm 1966, các vụ phạm tội của trẻ vị thành niên chiếm 70% số vụ tương tự trong cả năm 1965…
Cụ thể, “các thanh niên trong sạch và lành mạnh ngày nay” tập hợp thành nhóm, trèo tường, leo lên mái, đột nhập vào nhà để trộm cắp. Họ còn hiếp phụ nữ và thậm chí giết người, ngay tại Hà Nội. Một số đánh cắp trâu bò và gia súc đưa sang Trung Quốc bán rồi mua hàng lậu về bán lại ở Quảng Ninh… Thậm chí một số thanh thiếu niên đột nhập vào các tòa đại sứ Liên Xô, Trung Quốc, Bulgaria, Lào…, ăn cắp tiền, quần áo, đồ đạc…
Trong một nền giáo dục mà cha mẹ không được tôn trọng và không được nhắc đến bằng “bác” và “đảng” thì khó có thể đòi hỏi thế hệ trẻ biết sống đạo đức. Trong một nền giáo dục mà từ Tháng Mười Một 1946 đến Tháng Mười 1975 chỉ có một bộ trưởng Giáo Dục tại vị – so với hơn 25 tổng trưởng tiếp nối nhau đảm trách Bộ Giáo Dục ở miền Nam trong cùng thời gian, cùng với chính sách giáo dục khai phóng – thì khó có thể có một môi trường xã hội lành mạnh. Ở miền Nam, đạo đức thanh thiếu niên dù có nghiêng ngả thế nào thì cũng vẫn còn cái neo đủ lớn để giữ được giềng mối.
Miền Nam với văn hóa sáng tạo tự do và nền giáo dục khai phóng
Xã hội miền Nam đa dạng hơn nhiều so với miền Bắc về thành phần giai cấp, chính trị và cả tôn giáo.
Do đó, trong khi thanh thiếu niên miền Bắc chỉ biết Mao và Hồ, thanh thiếu niên miền Nam say mê những Krishnamurti, Jean Paul Sartre, Albert Camus… Trong khi miền Bắc đọc “Mao tuyển” và “Lenin toàn tập,” miền Nam đọc “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện. Trong khi miền Bắc chỉ có thể đọc Tố Hữu thì miền Nam đọc Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa… Trong khi miền Bắc được nhồi sọ bằng những sản phẩm được in từ NXB Sự Thật thì dân miền Nam chứng kiến sự bùng nổ đa dạng của ấn loát báo chí và văn học. Trong khi miền Bắc nghe “Như Có Bác Hồ” của Phạm Tuyên thì làn sóng phát thanh Sài Gòn phát “Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai câu nói bên vành nôi” của Phạm Duy…
Thử xem lại những gì được miêu tả trong quyển “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của ông Nguyễn Tiến Hưng, tiến sĩ kinh tế, cựu tổng trưởng Kế Hoạch của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa kiêm cố vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
“Năm 1973, tỷ lệ biết đọc, biết viết là 70% rất cao so với các nước Á Châu láng giềng hồi đó. Trước năm 1954, miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà Nội. Tới 1973, Đại Học Sài Gòn đã đứng vào hàng quốc tế. Vài thí dụ: Bác sĩ xuất thân từ Đại Học Y Khoa đủ sức phục vụ cho đoàn quân 1, 2 triệu mà không cần đến bác sĩ nước ngoài. Sau này họ di tản sang Mỹ, chỉ cần một hai năm đào tạo lại và học thêm tiếng Anh là hành nghề được ngay. Luật gia tốt nghiệp từ khuôn viên “cây dài bóng mát, con đường Duy Tân” đã làm việc cho các hãng Mỹ ngay ở Sài Gòn, và được thán phục.
Khi họ đi du học thì thấy luật pháp Mỹ quá rõ ràng, học lại còn dễ nữa. Ngoài Đại Học Sài Gòn còn sáu đại học khác: Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Hòa Hảo, Cao Đài, Cần Thơ… Năm 1973, tổng số sinh viên đại học lên tới 98,832 so với chỉ vỏn vẹn có 2,900 vào năm 1955. Số học sinh trung học trong cùng năm ấy là trên một triệu so với 43,000 và học sinh tiểu học, trên ba triệu so với 401,000. Ngoài ra còn các trường cộng đồng, trường huấn nghiệp, các chương trình công nghệ mọc lên như nấm…”
Ý chí và nhiệt tâm kiến thiết quốc gia của người Nam Việt Nam thập niên 1960 luôn hừng hực. Năm 1955, xuất phát điểm của miền Nam cũng gần tương tự miền Bắc. Sau khi Pháp rút, Việt Nam nói chung là một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn, công nghiệp gần như bằng không, cùng với nhiều cái “không” khác, từ hệ thống giáo dục, chăm sóc y tế đến quản trị hành chính. Miền Nam đã xây dựng tất cả từ bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen.
Chỉ trong năm năm, từ 1955-1960, miền Nam đã lột xác với công cuộc kiến thiết toàn diện, bằng các chính sách dinh điền, xây dựng thủy nông, lập khu kỹ nghệ, phát triển điện lực, thiết lập hệ thống giao thông, khai thác tài nguyên khoáng sản, xây dựng hệ thống ngân hàng… Đó là “năm năm vàng son” như cách nói của giáo sư Nguyễn Tiến Hưng trong quyển “Khi đồng minh nhảy vào” (cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh 2016). “Năm năm vàng son” đã tạo nền tảng cho sự phát triển miền Nam trong 15 năm sau đó.
Trong khi “Kế hoạch Ngũ niên I” (1957-1961) tập trung việc xây dựng canh nông (lập khu dinh điền; thu xếp nơi sinh sống cho đồng bào di cư miền Bắc…), ngư nghiệp, công kỹ nghệ, công chánh, điện lực, khoáng sản…, “Kế hoạch Ngũ niên II” (1962-1966) nhấn mạnh việc gia tăng mức sống người dân và đặc biệt chú trọng đến giáo dục, y tế, xã hội và lao động. Khu kỹ nghệ Biên Hòa được xây trong thời gian này (theo sắc lệnh ký ngày 21 Tháng Năm 1963); tiếp đó là khu kỹ nghệ Phong Dinh (1967). Ngày 1 Tháng Tư, 1961, công trình thủy điện Đa Nhim được khởi công; nửa tháng sau, nhà máy xi măng Hà Tiên ra đời… Trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp dệt, đồ hộp, thủy tinh, nhựa dẻo, lắp ráp cơ khí… phát triển rất mạnh. Đến năm 1968, miền Nam đã có 85 hãng dược, sản xuất 2,203 dược phẩm, chiếm 70% thị phần, với nguyên vật liệu chủ yếu trong nước.
Trong “Hiện-tình kinh-tế Việt-Nam” (quyển hai; NXB Lửa Thiêng 1972), tác giả Nguyễn Huy (giảng viên Đại học Văn Khoa, Đà Lạt, Vạn Hạnh) cho biết:
“Năm 1937, phi trường Tân-Sơn-Nhất chỉ có một đường bay duy nhất bằng đá đỏ, dài 1.500m chiều Bắc Nam, rồi đến Đệ Nhị Thế Chiến mới có thêm đường bay Đông Tây dài 1.300 m… Đến năm 1954, Nha Căn Cứ Hàng Không của chính phủ Việt-Nam phụ trách phần kiến tạo và kiện toàn hệ thống phi trường quốc gia để phục vụ cho hàng không dân sự… Việt-Nam Cộng-Hòa đã kiến tạo được một hệ thống phi trường quá đầy đủ đứng đầu Đông-Nam-Á với tổng số lối 500 phi trường lớn nhỏ; (trong đó có) 8 phi trường quốc tế có đường bay dài trên 2.500 m tiếp nhận được các loại phi cơ DC 28 trở lên” (nđd, trang 72-74).
Đáng nói nhất của một thời “sáng dội miền Nam” (lấy theo tên một tạp chí nổi tiếng trước 1975) là chính sách giáo dục. Về đầu tư cơ sở giáo dục, năm 1957, Viện Đại học Sài Gòn được thành lập, với tám phân khoa (văn khoa, luật khoa, y khoa, dược khoa, nha khoa, khoa học, sư phạm và kiến trúc). Viện Đại học Sài Gòn có hai ký túc xá (đại học xá Minh Mạng cho nam sinh viên và đại học xá Trần Quý Cáp cho nữ). Các vị khoa trưởng không do Bộ Giáo Dục bổ nhiệm mà được bầu từ các giáo sư hội đồng khoa. Các giáo sư Viện Đại Học Sài Gòn đều là những tên tuổi lớn: Cao Văn Chiểu, Trần Quang Đệ, Lê Xuân Khoa, Vũ Văn Mẫu… Ngoài ra còn có Viện Đại Học Huế (1957), nơi in bóng Linh Mục Cao Văn Luận; hoặc Viện Đại Học Vạn Hạnh (1964), nơi tập trung những nhà triết học trí tuệ vô song (Thích Minh Châu, Phạm Công Thiện, Trí Hải, Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ…).
Việc “dựng người” được chú trọng từ cấp tiểu học. Trẻ được dạy cách khiêm tốn, trung thực, lễ phép và tôn kính (thậm chí cúi chào một anh học trò học “cao” hơn chỉ một lớp). Chủ trương giáo dục hoàn thiện nhân cách bên cạnh việc dạy chữ có thể thấy rõ ở chính sách giáo dục cộng đồng. Nghị định 2463-GD/PC/NĐ ngày 25 Tháng Giêng 1969 của Bộ Giáo dục đã yêu cầu “tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc” (VNCH), kể từ niên khóa 1969-1970, phải áp dụng chương trình cộng đồng hóa.
Trong quyển “Giáo Dục Cộng Đồng” (Bộ Giáo Dục và Trung Tâm Học Liệu xuất bản 1971), nhóm soạn thảo viết:
“Trường Cộng-đồng vừa giáo-dục học-sinh vừa hướng-dẫn dân-chúng công-cuộc giáo-dục của học-đường chỉ có thể đạt được kết-quả tốt đẹp nếu học-sinh, khi bước chân ra khỏi trường không thấy những điều trái ngược với lời Thầy giảng-dạy. Cho nên việc giáo-dục ở nhà trường phải đi đôi với việc cải-tạo hoàn-cảnh ở bên ngoài… Trường Cộng-đồng hướng-dẫn học-sinh tự tìm tòi, học-hỏi đồng-thời phát-triển tinh-thần học tập-thể và dân-chủ: để tránh lối học từ-chương nhồi sọ, học-sinh trường Cộng-đồng luôn luôn được hướng-dẫn quan-sát địa-phương để tự tìm hiểu những vấn-đề liên-quan đến chủ-điểm giáo-dục” (nđd, trang 25).
Ban soạn thảo cũng nhấn mạnh đây là phương pháp giáo dục “đặt trên căn bản ba nguyên tắc chính: dân tộc, nhân bản và khai phóng”.
Khi Tự Do làm nở nụ cười
Sự mở rộng và tiếp nhận văn hóa của miền Nam là sự tiếp nhận tư tưởng và cái đẹp của văn hóa nhân loại, một cách tự do và độc lập. Nó không phải là sự tiếp nhận do bị bắt buộc. Nó không phải là sự tiếp nhận bởi định kiến và những ràng buộc áp đặt. Không ai, thời đó, có thể ép người khác phải đọc sách này và cấm đọc sách khác. Nền giáo dục tốt trên tinh thần tự do không chỉ đưa đến sự chọn lựa tự do trong tiếp nhận mà còn, cuối cùng, tạo ra được một bộ lọc tốt. Nó mang lại cho xã hội cơ chế tự lọc, giúp phân biệt được tư tưởng các bậc học sĩ Trung Hoa khác với “tư tưởng Mao Trạch Đông” như thế nào.
Cần nhấn mạnh nữa: Trong giai đoạn hoàng kim của văn hóa miền Nam, lịch sử dân tộc là điều mà chưa bao giờ bị thờ ơ. Tuổi thơ trẻ em lớn lên với hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, với Thoát Hoan chui nhục vào lỗ ống đồng. Tuổi thơ trẻ em lớn lên với “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ, với “Mơ thành người Quang Trung” của Duyên Anh…
Tháng Giêng, 1955, Sài Gòn có tám tờ nhật báo Việt ngữ với 30 tạp chí và chuyên san. Chỉ một năm sau, có 16 nhật báo và 32 tạp chí. Đến năm 1968, chỉ riêng Sài Gòn, có 41 nhật báo, trong đó 29 ấn bản bằng Việt ngữ, ba bằng Anh ngữ, hai bằng Pháp ngữ và bảy bằng Hoa ngữ. Năm 1969, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa cho biết có 146 cơ sở xuất bản ở Sài Gòn. Trong khi ở miền Bắc, Kim Đồng là nhà xuất bản độc quyền in sách-truyện thiếu nhi thì ở miền Nam, có Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Tuổi Ngọc…
Trong “Văn Học Miền Nam Tổng Quan,” tác giả Võ Phiến viết: “Tự do làm nở nụ cười; và cũng chỉ ở miền Nam mới có cái tự do làm nảy sinh ra kỳ hoa dị thảo. Cái tầm thường thì có thể được chấp nhận dễ dàng, còn cái kỳ dị thường gặp phản ứng mạnh, phải chờ sự phán xét của thời gian. Nhưng dù chưa khẳng định được giá trị của nó vẫn phải nhận rằng thi ca của những Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, triết học của Kim Định, các thị kiến về tôn giáo, chính trị, văn hóa… của Hồ Hữu Tường… là những đóng góp độc đáo, phong phú.”
Tất cả thành tựu đó đạt được trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên. Miền Nam trong suốt 1955-1975 chưa bao giờ bình yên. Làng quê lẫn đô thị liên tục xảy ra những vụ khủng bố của cộng sản (như được ông Đoàn Thêm thuật lại trong quyển “Việc từng ngày-1965”):
“Một xe Lambretta ba bánh bị trúng mìn trên hương lộ 10, Long An: 13 hành khách chết, 2 bị thương” (11-3-1965); hoặc “lựu đạn giấu trong ổ bánh mì, nổ tại đường Ngô Quyền, Sài Gòn: 2 quân-nhân Mỹ và 6 người Việt bị thương” (19-3-1965)…
Nhưng khói lửa chiến tranh và những giọt nước mắt “khóc người tiền phương” vẫn không làm mất đi sự tươi đẹp của làng quê, sự lạc quan của dân chúng và sự an bình trong xã hội lẫn gia đình.
Không chỉ thịnh vượng vật chất, con người cũng giàu lòng nhân ái và dạt dào tình yêu quê hương. Nhìn lại những điều này, nhớ lại những điều này, nghe lại những điều này… không chỉ là hoài niệm.
Đó là những giá trị luôn cần được trân trọng và gìn giữ.
Trong khi những gì xảy ra ở miền Bắc đáng chôn vùi vào quá khứ như nỗi ô nhục lịch sử không thể gột rửa của dân tộc, những gì miền Nam có được hiển nhiên là một niềm tự hào. 70 năm sau sự kiện 1954 và 50 năm sau sự kiện 1975, những giá trị văn hóa dân tộc mà miền Nam đạt được đã là một di sản vĩnh viễn trường tồn, bất tử cùng với hai chữ
“Việt Nam
Việt Nam tên gọi là người, Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời…”
Mạnh Kim
( nguoi-viet )
No comments:
Post a Comment