Wednesday, December 27, 2023

Hoài niệm về một thời nhạc trẻ Sài Gòn – Tưng bừng đại hội nhạc trẻ

Hoài niệm về một thời nhạc trẻ Sài Gòn – Tưng bừng đại hội nhạc trẻ
  Vào khoảng cuối năm 1959, tại phòng trà Hòa Bình – tọa lạc ở khu ga xe lửa Sài Gòn (nay là công viên 23.9) xuất hiện một ban kích động nhạc mang tên Thời Đại (thời kỳ này chưa Mỹ hóa) của hai anh em Dương Quang Minh và Dương Quang Định.

 Sau đó, tại phòng trà Anh Vũ có hai ban chơi “kích động nhạc” lần lượt là Rock Tigers rồi tiếp đến là The Blue Jean boys .

Ban “nhạc kích động” trước 1975

Đến năm 1961, bắt đầu các ban nhạc mang tên nước ngoài ngày càng nhiều như: Les Vampires, The Rocking Stars (với giọng ca trẻ Elvis Phương thường hát những bản nhạc của thần tượng Evis Presley). Hai ban The Rocking Stars và Black Caps thường biểu diễn tại thánh đường Trường Lamartine, cạnh hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chàng trai Đức Huy sau này gia nhập Les Vampires chơi lead guitar và hát.


 Elvis Phương và The Rocking Stars

Cũng trong khoảng thời gian này, The Black Caps xuất hiện với chiếc mũ đen trên đầu và giọng ca được chú ý Thanh Tuấn.

Ban nhạc Black caps

Ca sĩ Elvis Phương và Ban Vampires, thập niên 1960s.

Vào năm 1963, Les Tridents ra đời (sau này đổi tên là Surfing), đây là ban nhạc trẻ tiêu biểu trong thời kỳ đầu tiên của “kích động nhạc” và tan rã vào năm 1966 khi nhạc trẻ VN trên đà lên cao. Giai đoạn 1964 – 1965 thì có Les Faucons Noirs, được xem là một trong những ban nhạc nổi bật nhất trong các buổi trình diễn văn nghệ do các trường trung học lớn tổ chức. Cũng trong năm 1964, ban nhạc Teddy Bears xuất hiện với tay Guitar bass Tiến Chỉnh điêu luyện. Tháng 10.1964, ban nhạc nữ đầu tiên The Blue Stars ra mắt tại Đại nhạc hội Vui Sống bên cạnh các ban nhạc đàn anh như Teddy Bears, The Black Caps…

Ban nhạc nữ đầu tiên Blues Stars năm 1969

Thi thố tài nghệ.

Một trong những lời than vãn của giới trẻ yêu “nhạc kích động” thời bấy giờ là “nhạc trẻ không có được sự ủng hộ, không có nơi biểu diễn để thi thố tài năng” hoàn toàn đúng. Các chàng trai, cô gái phải tự mua đàn, trống, tự luyện tập rồi kết hợp trở thành ban nhạc và chỉ đi biểu diễn trong các hội hè nho nhỏ kiểu gia đình. Không có dịp thi thố tài năng với nhau ở các sân khấu lớn, thế nhưng họ vẫn âm thầm luyện tập để chờ ngày tên tuổi được biết đến.

Thế là vào năm 1963, Hội Ái hữu học sinh Trường J.J Rousseau và Marie Curie (hai trường dạy theo chương trình Pháp) đã tổ chức một liên hoan nhạc trẻ tại vũ trường Đại Kim Đô quy tụ sự có mặt của những ban nhạc trẻ lúc đó. Liên hoan này được xem như là sự khởi đầu cho những đại hội nhạc trẻ sau này. Trong liên hoan lần này, ca sĩ Công Thành và ban nhạc The Fanatiques thành công vang dội. Sau đó, đại hội nhạc trẻ chính thức đầu tiên đã được tổ chức tại thính đường Trường Lasan Taberd vào năm 1964 với những ban nhạc trẻ và những giọng ca được xem là nổi danh thời đó. Cũng vào tháng 10.1964, rạp Văn Hoa tổ chức đại hội kích động nhạc trong vòng 5 đêm.

Trường Kỳ (phải) trong ban nhạc The Sportlight tại Đại Hội nhạc Trẻ Taberd

Phải công nhận rằng nhạc trẻ VN được sự ủng hộ rất lớn từ Ban Giám đốc Trường La San Taberd. Từ năm 1965, vào dịp cuối năm Trường Taberd đã đứng ra tổ chức một buổi đại hội kích động nhạc với chủ đích là giúp quỹ xã hội, tiếp đến là tạo cơ hội cho các ban nhạc trẻ được dịp thi thố tài nghệ cùng nhau. Đơn cử đại hội nhạc trẻ Taberd được tổ chức vào tháng 11.1965, ngày của lễ thánh Celcile – đấng bổn mạng của âm nhạc. Và trong chương trình đại nhạc hội này có đến 17 ban nhạc góp mặt vào chương trình. 

Đây là một con số kỷ lục vì từ trước đến giờ chưa có một đại hội nào quy tụ nhiều ban nhạc trẻ đến vậy. Ban đầu, có tới 40 ban đăng ký nhưng vì thời gian có hạn nên chỉ chọn ra 17 ban thuộc loại có tiếng như The Black Caps, The Blue Stars, Les Vampire, Hải Âu…

 Giá vé có ba hạng là 200, 100 và 50 đồng, số tiền bán vé này được dùng để gây quỹ xây dựng Trường Mù La San. Sau đó, đại hội nhạc trẻ tiếp theo vào năm 1966, số tiền bán vé được dùng để cứu trợ người dân bị nạn lụt miền Tây có tất cả 23 ban tham dự trình diễn trong 6 giờ đồng hồ.

Trường Kỳ trong một đại hội nhạc Trẻ trước 1975

Các ban nhạc trẻ nổi tiếng có The Spotlights (sau này đổi tên là Strawberry Four) với Billy Shane, Đức Huy, Tuấn Ngọc và Tùng Giang, The Blue Stars với Kim Thoa, Kim Loan…

Ban nhạc The Spotlights

Từ đó, những tên tuổi của phong trào nhạc trẻ là Trường Kỳ, Nam Lộc, Jo Marcel, Tùng Giang đều cố gắng để tổ chức đại hội nhạc trẻ hằng năm. Ngoài ra, để các ban có nơi tụ tập, thi thố tài năng với nhau, Trường Kỳ -người được mệnh danh là vua nhạc trẻ, vua hippy dù ông chẳng chơi được một nhạc cụ nào – đã tổ chức “Teen à-go-go”, rồi sau đó là “hyppyes À-go-go” hằng tuần vào năm 1967 để các ban có đất dụng võ khi không có đại hội nhạc trẻ.

Góp phần thúc đẩy phong trào nhạc trẻ Việt Nam, Alpha Phim đã tung ra phim Saigon By night (1964). Đây là một cuốn phim đen trắng phóng sự về giải trí ban đêm của Sài Gòn với phần phụ diễn ca nhạc do các ban nhạc trẻ biểu diễn. Sự xuất hiện của The Black Caps với Thanh Tuấn trong bộ đồ sa màu đen cùng với sợi dây xích thật to trên cổ, Vincent Taylor lăn lộn gào thét trong những nhạc phẩm của Gene Vincent, rồi Jacky cùng Les Vampieres thật chững chạc trong bộ veston… đã gây được nhiều sự chú ý với công chúng. Rồi sau đó là hàng loạt phim đã đưa hình ảnh các ban nhạc trẻ lên truyền hình, tuy nhiên chỉ như thêm mắm, muối hương vị trẻ vào bộ phim chứ nhạc trẻ chưa có một bộ phim riêng cho mình. Mãi đến cuối năm 1971, nhóm Jo Marcel mới cho tung ra cuốn phim 16 ly dài 1 giờ 30 phút thuần túy về thế giới nhạc trẻ, với những ban nhạc và những ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc trẻ Sài Gòn lúc bấy giờ.

Hầu như, từ những năm 1963 trở đi, hằng năm đều có đại hội nhạc trẻ diễn ra (trừ năm 1968 – 1969). Đến năm 1974, đại hội nhạc trẻ Taberd là đại hội cuối cùng với sự có mặt của Quốc Dũng trong ban Hồn Hoang, Ban Thăng Long, AVT, The Dreamers – với Thanh Lan, Crazy dogs với Ngọc Bích…

Từ trái sang phải – Jo Marcel, Thanh Lan, Elvis Phương, Cathy Huệ tại Dancing Club Majestic, Nouméa (Tân Đảo), Nouvelle-Calédonie thuộc Pháp ngày 24-12-1974.

**

 

Ban nhạc The Enterprises tại Đại hội nhạc trẻ Tao Đàn

Lê Văn Nghĩa

Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng: Trào lưu Việt hóa nhạc trẻ

Thập niên 1960 - 1970, các ca khúc Pháp, Mỹ, Ý... ồ ạt du nhập vào VN, trong đó nhạc Mỹ, Pháp rất được giới trẻ Sài Gòn ưa thích. Những bài hát này có giai điệu hiện đại, nội dung gần gũi được liên tục phát trên đài phát thanh, truyền hình, đã ảnh hưởng đến cách nghe nhạc của giới trẻ Sài Gòn.

Các ca khúc The house of the rising sun, Reviens la nuit, Tous les garçons et les filles, Capri c'est fini, Bang Bang, Besame mucho, Only you, My prayer, Be bop be lu la, Love story, Yesterday, Michelle… được nghe nhiều nhất thời ấy. Các ca sĩ, nhóm nhạc thập niên 1960 - 1970 của Mỹ như The Platters, Paul Anka, Elvis Presley; của Pháp như Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Christophe, Dalida; của Anh như Cliff Richard, The Shadows, The Beatles, The Rolling Stones.... được giới trẻ Sài Gòn thần tượng, say mê.



Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng (người chuyển ngữ gần 100 ca khúc ngoại sang tiếng Việt) được coi là một trong những “thủ lĩnh” của phong trào chuyển ngữ nhạc ngoại tại Sài Gòn thập niên 1960 - 1970. Ông biết các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý .


 Nhắc tới thời kỳ sôi động của nhạc ngoại ở Sài Gòn, nhạc sĩ cho biết đây cũng là thời điểm hàng loạt ca sĩ, ban nhạc VN mang tên Tây ra đời như: The Enterprise, C.B.C, The Dreamers, The Uptight, The Blue Jets, The Strawberry Four (ban nhạc Việt đầu tiên và duy nhất được lên đài truyền hình Mỹ thời điểm đó), The Apple's Three, Peanuts Company, Vampires… Các ca sĩ nổi tiếng cũng lấy nghệ danh vừa Việt, vừa Mỹ như: Elvis Phương, Prosper Thắng, Julie Quang, Carol Kim, Pauline Ngọc, Cathy Huệ… Họ thường biểu diễn các ca khúc nước ngoài và nhạc Việt ở các quán bar, sân khấu, có thu nhập rất cao.



Lo ngại giới trẻ sẽ chạy theo phong trào nhạc ngoại quá mức, năm 1972 nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, nhạc sĩ Trường Kỳ, nhà văn Mai Thảo đã chủ động mời gọi các nhạc sĩ bạn bè cùng thời để thảo luận vấn đề Việt hóa nhạc trẻ tại tòa soạn tập san Kịch Ảnh. “Chúng tôi còn mời các ca sĩ nổi tiếng như Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Tùng Giang, Thanh Lan, Pauline Ngọc, Kim Anh, Thúy Hà, Anh Tú… đến dự. Chúng tôi nói với họ rằng tại sao chúng ta phải hát lời Mỹ, Tây mà không hát lời Việt được soạn cho ca khúc ngoại? Chúng ta cũng nên lấy tên VN làm nghệ danh cho mình hay ban nhạc…”, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng kể.

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

Sau buổi làm việc ấy, ban nhạc Phượng Hoàng ra đời, chỉ trình diễn những bản nhạc Việt do chính họ sáng tác. Một số nhóm nhạc lấy tên ngoại như The Cats Trio, The Apple Three, The Golden Bells, The Blue Stars... cũng chuyển tên của mình sang tiếng Việt, lần lượt là Ba Con Mèo, Ba Trái Táo, Ba Quả Chuông, Sao Xanh...



Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng

Các ca khúc nước ngoài được nhạc sĩ VN soạn lời Việt được trình diễn rầm rộ khắp nơi và được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng: nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng có Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Chuyện phim buồn (Sad Movies), Xin em gõ 3 tiếng (Knock Three Times), Ngày xưa yêu dấu (Yesterday Once More), Nếu không có em bên đời (Et Si Tu N'existais Pas), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza), Nói sao cho em hiểu (How can I tell her)… Nhạc sĩ Phạm Duy có Khi xưa ta bé (Bang Bang), Em đẹp nhất đêm nay (La Plus Belle Pour Aller Danser), Những nụ tình xanh (Tous Les Garcons Et Toutes Les Filles), Ôi! Giàn thiên lý đã xa (Chèvrefeuille Que Tu Es Loin), Tình yêu mùa đông (J'aime Bien L'Hiver), Chàng (Lui), Nàng (Elle Etait Belle); nhạc sĩ Nguyễn Duy Biên có Thôi ta xa nhau (Adieu, sois heureuse)… Các ca sĩ hát nhạc ngoại lời Việt được yêu thích nhất thời đó có thể kể đến Thanh Lan, Duy Quang, Chánh Tín, Jo Marcel…

Khi được hỏi về chuyện bản quyền ca khúc chuyển ngữ trong giai đoạn bùng nổ tại Sài Gòn trước 1975, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cho biết: “Hồi ấy tôi không phải xin phép tác giả bài hát hay trả tiền bản quyền, vì lúc đó VN chưa áp dụng Công ước Berne về bản quyền. Khi xin phép ra băng đĩa hay tờ nhạc gấp có nhạc chuyển ngữ thì phải qua cơ quan chức năng duyệt. Sau khi nghe qua, xem qua bài hát không có vấn đề gì thì họ sẽ duyệt cho mình mang đi in và phát hành”.

Theo Thanh Niên

***

Một thời nhạc trẻ Sài Gòn: Phượng Hoàng, cánh chim ngược gió

Phải dành cho ban nhạc trẻ Phượng Hoàng một sự trân trọng về tài năng cũng như về sự đóng góp của họ cho phong trào nhạc trẻ Sài Gòn. Sau vài chục năm, nhạc phẩm của các nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang vẫn được yêu thích, và giọng ca chính của Phượng Hoàng vẫn xuất hiện trên sân khấu ca nhạc.

Việt hóa pop rock

Sự xuất hiện của ban nhạc Phượng Hoàng vào tối 15.6.1971 tại Đêm Màu Hồng đã gây một bất ngờ cho giới yêu nhạc trẻ. Các ban nhạc trẻ thường lấy tên Mỹ, hát những bản nhạc nước ngoài, ca sĩ và nhạc công tóc dài, ăn mặc theo kiểu hippy với khoen vòng lúc lắc. Ban nhạc này mang một cái tên rất Việt: Phượng Hoàng và chơi toàn nhạc VN do chính những nhạc sĩ trong ban này sáng tác như Yêu người yêu đời, Phiên khúc mùa đông, Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa và Yêu em trở thành những điển hình về tình ca trong làng nhạc.

Tiền thân của Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu được thành lập năm 1963 với thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Lúc ấy, Lê Hựu Hà đã có những bản Mai Hương, Chiều... nhưng không được chú ý khi dân mê nhạc kích động chỉ thần tượng các bản nhạc ngoại quốc. Sau khi tham dự đại hội kích động nhạc tổ chức năm 1963 tại rạp Văn Hoa, Hải Âu cũng như những ban nhạc kích động ngày ấy thường được biểu diễn ở những bar, club Mỹ. Ở đại hội nhạc trẻ năm 1965, 1967, Hải Âu không còn xuất hiện. Với sự kiên nhẫn mạnh mẽ, Hà tiếp tục sáng tác và tin tưởng rằng đến lúc nào đó sẽ đưa được nhạc trẻ lời Việt đến với công chúng. Lê Hựu Hà đã gặp người bạn đồng hành là Nguyễn Trung Cang, một nhạc sĩ trẻ của ban nhạc Rolling Sound. Năm 1971, Lê Hựu Hà cùng nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang thành lập ban Phượng Hoàng với phong cách Việt hóa pop rock.

Hai người đã sáng tác hàng chục bản nhạc cho Phượng Hoàng và được xem là một cách tân cho nhạc trẻ lúc ấy: không vay mượn nhạc nước ngoài và hát nhạc do chính mình sáng tác. Thành phần ban đầu của ban Phượng Hoàng gồm: Lê Hựu Hà (solo, ca phụ), Nguyễn Trung Cang (organ, bass, ca phụ), Nguyễn Trung Vinh (trống), Như Khiêm (bass), hai ca sĩ là Hoài Khanh và Mai Hoa. Sau một thời gian hết hợp đồng với Đêm Màu Hồng, Phượng Hoàng tung cánh qua Queen Bee và Maxim’s. Vì là giọng ca riêng của Đêm Màu Hồng, khi Phượng Hoàng bay đi thì giọng ca Hoài Khanh không thể bay theo. Đây là dịp để Phượng Hoàng có một giọng ca nam để đời, góp phần làm cho Phượng Hoàng vút lên bầu trời nhạc trẻ VN: Elvis Phương.



Ban nhạc Phượng Hoàng

Vào khoảng năm 1962, năm mà tên tuổi của Elvis Presley lẫy lừng khắp thế giới và ảnh hưởng đến giới yêu nhạc trẻ thì ở Sài Gòn tên tuổi của Phương cũng được chú ý nhờ có khuôn mặt, mái tóc, dáng người và lối trình bày hao hao Elvis Presley, nên được gán cho biệt danh Elvis Phương. Anh tên thật là Phạm Ngọc Phương, cựu học sinh Jean Jacques Rousseau. Từ ngày bước chân vào sự nghiệp hát ca vào những năm đầu 1960, Phương từng cộng tác với các ban nhạc trẻ danh tiếng như The Rebels, The Rockin’ Stars, The Vampires, The Shotgun và ban Không Tên.

Hướng tới thể hiện “tình ý VN”

Lúc ấy, cũng có dư luận cho rằng Phượng Hoàng hát nhạc nước ngoài dịch ra lời Việt như một số ban thường làm. Phải biết từ 1970, nhạc trẻ Sài Gòn có trào lưu “Việt hóa” các ca khúc Âu - Mỹ. Mở đầu cho trào lưu này có thể nói đến nhạc sĩ và cũng là cây viết báo về nhạc trẻ Vũ Xuân Hùng đã chuyển soạn lời Việt cho các ca khúc Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Gõ cửa 3 tiếng (Knock Three Times), Chuyện phim buồn (Sad Movies), Lãng du (L’Aventura), Anh thì không (Toi Jamais)... Trả lời việc này, Nguyễn Trung Cang cho biết họ chỉ dựa theo những điệu nhạc thịnh hành của nước ngoài như bolero, tango, soul, còn phần nhạc cũng như lời là do chính Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà sáng tác.

Điểm nổi bật của Phượng Hoàng là kỹ thuật hòa âm. Trước đây, giới sáng tác vẫn quan niệm chỉ cần làm những bản nhạc hay rồi khi trình diễn thì giao toàn bộ “vận mạng” vào tay ban nhạc. Gặp ban nhạc ý ẹ thì kể như bản nhạc sẽ “tèo”. Riêng ban nhạc Phượng Hoàng thì khác hẳn. Cả hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là hai cây sáng tác cho ban nhưng khi tập dợt thì đây là sự phối hợp của toàn ban nhạc trong việc hòa âm. Mỗi khi có một đoạn dạo đầu (intro) cho một bản nhạc thì tất cả thành viên trong ban đều tự soạn rồi đem ra thảo luận. Phượng Hoàng quan niệm, họ muốn “phá cách” nhạc trẻ từ trước đến nay (1971) để trong “tương lai loại nhạc trẻ Mỹ, Ăng-lê sẽ nhường chỗ cho nhạc trẻ VN đúng với tình ý VN như yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa và những suy tư về tình người... vẫn là chiều hướng sáng tác từ bấy lâu nay” (Lê Hựu Hà).

Nói đến các tác phẩm mang lại danh tiếng và thành công để đời cho Phượng Hoàng, trước hết phải đề cập tới ca khúc rock viết bằng tiếng Việt của Nguyễn Trung Cang, được nhiều người biết, đó là bản Mặt trời đen, có thể xem là bản nhạc rock Việt đầu tiên khá tiêu biểu của giới rock Sài Gòn. Người nhạc sĩ chết trẻ này (1947 - 1985) có gương mặt hiền như một nhà truyền đạo. Gia tài của Nguyễn Trung Cang là những ca khúc để đời Phiên khúc mùa đông, Thương nhau ngày mưa, Bước tình hồng, Mặt trời đen, Kho tàng của chúng ta và sau này là Bâng khuâng chiều nội trú.

Lê Văn Nghĩa

Tuấn Tú sưu tầm

( sites.google.com)


No comments:

Post a Comment