Wednesday, June 1, 2022

Tiếng Việt hay thật!

                                          Một bài thơ kỳ lạ!

Tiếng Việt của chúng ta thật tuyệt vời !
 
Phải nói là bái phục bài thơ lạ kỳ này. Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học Đinh Trọng Hiếu ở Paris đăng trên “Khuôn Mặt Văn Nghệ”.
Không biết tác giả là ai, nhưng khi đọc bài thơ này ta vô cùng khâm phục tác giả của bài thơ, càng thêm yêu quý và càng phải giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt. Vậy mà có kẻ bày ra thứ trò cải tiến nhảm nhí và muốn phá hoại chữ nghĩa của bao thế hệ tổ tiên để lại.
Bây giờ ta hãy chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của bài thơ này :
 
1. Bài thơ gốc:
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.
 
2. Đọc ngược bài gốc từ dưới lên:
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
 
3. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
(Sẽ có một bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
 
4. Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta sẽ được bài (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng) :
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
 
5. Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc:
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.
 
6. Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta đọc ngược từ dưới lên:
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
 
7. Bỏ 4 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc:
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
 
8. Bỏ 4 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, ngược từ dưới lên:
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta ./.
 
(Khuyết danh)
                                                  **
                                 ĐÀN ÔNG ĂN GÌ?

Cuộc đời một người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ "Ăn".
1.
 Khi còn bé, thì "ăn học", "ăn vóc học hay", xin tiền bố mẹ mua quà không được thì "ăn vạ".
2.
 Lớn thêm chút nữa thì "ăn chơi", "ăn diện" để tán gái, nhưng "ăn nói bậy bạ" thì có khi bị "ăn bạt tai".
3. 
Lúc có bạn gái thì chăm chăm tìm cách "ăn".
4. 
“Ăn” xong thì phải "ăn hỏi" rồi "ăn cưới" (ở nước mình hay thật ấy, không ở đâu có lễ “hỏi ăn” mà chỉ có lễ “ăn hỏi” - hoá ra là chúng nó “ăn” rồi mới bắt bố mẹ đi “hỏi”). Cưới về phải tiến hành "ăn nằm". Sau một thời gian "ăn nằm" mới vỡ lẽ ra là từ nay phải "ăn đời ở kiếp" với người này. Thế là "ăn năn đã muộn". Cuộc đời kể như "ăn cám" hay "ăn khế trả vàng" hay đúng là số "ăn mày".
5.
 Khi vợ đến kỳ…, đành phải "ăn chay", hoặc "ăn vụng".
6. 
Sau khi vợ sinh con thì phải "ăn kiêng", về già rụng răng phải "ăn cháo", xa thêm tí nữa thì theo các cụ mà "ăn xôi".
7.
 Khi "ăn nên làm ra" thì "ăn sung mặc sướng", rồi sanh tật "ăn gian", nói dối vợ là đi "ăn cơm khách", nhưng thực sự là đi "ăn vụng”, hay gọi là "ăn phở" hay "ăn bánh trả tiền". Trót lọt thì không sao, rủi đổ bể thì có mà "ăn cám" hoặc "bỏ ăn".
8.
 Khi thất nghiệp thì sẽ có lắm điều tệ hại xảy ra:
- hơi tệ: "ăn không ngồi rồi, "ăn theo", "ăn bám", "ăn hại" vợ.
- khá tệ: "ăn quỵt, "ăn mày".
- quá tệ: "ăn trộm, "ăn cắp", "ăn cướp".
9.
 Khi cờ bạc, đang thắng lớn bỗng đứng dậy ra về, gọi là "ăn non". Thế nhưng, "ăn non" mà còn vênh váo, cười ngạo nghễ thì có khi bị "ăn đấm", "ăn đá", hoặc "ăn đòn".
 
  Chắc để tránh từ “ăn” nên cái ông Nguyễn Du mới có câu tả Mã Giám Sinh “sơi” (ăn) Kiều trong truyện Kiều bằng một từ khác làm biết bao nhà phê bình văn học bị “ngọng”:
“Đào tiên đã bén tay phàm,
thì vin cành quýt cho cam sự đời”(câu 833 và 834)!
 
Tiếng Việt hay thật!
 
Sưu tầm
 

No comments:

Post a Comment