Monday, March 4, 2024

Tháng Ba Nhớ Lại -Những ngày cuối cùng của Huế và Đà Nẵng

Một số hình ảnh người dân di tản tháng 3/1975
 
 Dân Đà Nẵng, Huế và nhiều thành phố khác ở miền Trung trong cảnh tháo chạy; ảnh chụp ngày 4 Tháng Tư 1975, Getty Images
 


Di tản tháng 3, 1975 từ Trị Thiên vào Đà Nẵng qua đèo Hải Vân 

                                      ***

Những ngày cuối cùng của Huế và Đà Nẵng

Phóng sự hồi ký của Lê Hùng
2015.03.04


3308023019_a7e1853730-600.jpg Một tàu đổ bộ của Hải quân Việt Nam chất đầy người tị nạn từ Huế, ghé Đà Nẵng hôm 24/3/1975.
Courtesy of Bettmann/CORBIS

Ngay sau khi CS cướp được Huế và Đà Nẵng ngày 29 tháng 3 năm 1975. Ngày 5 tháng 4 năm 1975 họ đã tập trung tất cả số sĩ quan QLVNCH còn kẹt lại tại Đà Nẵng và đưa đi gọi là “tập trung cải tạo” bắt đầu cho những năm tháng đọa đày triền miên sau này.

Vào những ngày đầu tiên gặp nhau trong chốn tù ấy, tôi đã có dịp ghi lại những lời kể của các sĩ quan từ Huế, trên đường chạy vào Đà Nẵng và một số hình ảnh do chính tôi chứng kiến và nghe được.

Những sự kiện đã xảy ra, qua lời kể của những người bạn đồng tù và cũng là những nhân chứng sống này, tuy có đau lòng, đáng buồn, nếu không muốn nói là không nên kể lại, nhưng đây là những hình ảnh sống thực mang tính chất lịch sử của một thời.

Trên đường bỏ Huế

Ngày 23 tháng 3 năm 1975 Trung Đoàn 51BB còn đóng ở cây số 17 và các Trung đoàn khác vẫn còn tại các căn cứ đóng quân của mình, nhưng qua ngày 24-3 thì… mạnh ai nấy chạy! Chuẩn Tướng Điềm, Tư Lệnh SĐ1BB lên trực thăng bay vô Đà Nẵng nhưng chỉ đến Thừa Lưu, cách Dạ Lê, nơi BTL/SĐ1BB đóng khoảng 50Km thì trực thăng bị nạn cháy. Chuẩn Tướng Điềm thoát nạn và sau đó vào được ĐN ngày 25 tháng 3. Sự ra đi của Ch/T Điềm lúc đó đã làm cho các Trung đoàn trực thuộc SĐ1BB càng thêm giao động để rồi sau đó thì…mỗi người mỗi ngã!

Có Trung Đoàn khi về đến hậu cứ thì thấy vắng hoe, chứng tỏ rằng tuy chưa có lệnh nhưng các binh sĩ cũng đã tự động rời đơn vị trước.

Ngày 24-3-75 VC đánh Truồi, Đá Bạc, khiến cho số người (vừa lính vừa dân) chạy đến đây thêm rối loạn. Cũng ngày 24-3 Thiếu Tướng Lạc, TL phó QĐ1 dùng trực thăng bay ra Huế để quan sát tình hình. Khi đến Thừa Lưu, thấy binh lính bên dưới chạy hỗn loạn liền cho trực thăng đáp xuống và hỏi thuộc cấp là lệnh của ai cho rời đơn vị thì không ai trả lời được.

Số binh sĩ tại Huế và Thừa Thiên đã tìm mọi cách để chạy vào Đà Nẵng theo hai ngã: Thuận An và Vinh Lộc đã tìm cách thuê ghe, đò, gọ để vào Đà Nẵng. Trên đoạn đường này có một số chạy bộ dọc theo QL1 đến được đèo Phước Tượng và đèo Hải Vân. Dân chúng và quân lính chen nhau tìm đường thoát nạn không còn hàng ngũ, không còn trật tự. Thậm chí còn bắn nhau để dành đường.

Tại Phú Lương (gần Phú Bài) một Thiếu Úy thủ qũy đã bị 2 binh sĩ TQLC bắn chết ngay trên đường để lấy 2 triệu đồng. Trên đèo thì xe và người chen nhau chạy nên đã có một số người bị xe cán chết và lúc đó thì cũng không còn ai cứu cho ai nữa. Những tài xế xe đò lợi dụng tình hình để vét tiền của đồng bào. Một chuyến xe đò thuê bao từ Huế vào Đà Nẵng (110KM) đã từ 60 ngàn lên đến 200 ngàn!

Thuận An nổi sóng (Lời kể của một Tr/Úy thuộc TĐ1 PB/PK):

Chiều 24-3-75 TĐ 1 Pháo Binh Phòng Không đóng tại Phú Bài được lệnh rút bằng đường bộ để xuống cửa biển Thuận An vì lúc đó cầu Truồi đã bị sập, con đường từ Huế vào ĐN bị gián đoạn tại đó.

Đêm 24-3 hàng ngàn người ngược xuôi, gồng gánh, bế bồng trên đoạn đường cửa biển này. Trong đêm đó, không một ai đi được ngoại trừ một số người dùng súng đe doạ mấy chủ ghe để buộc họ chở ra tàu. Trước đó, những chủ ghe này cũng đã lợi dụng tình hình để đòi những giá cắt cổ để chở một người hay một toán ra tàu mặc dù đoạn đường (biển) rất ngắn.

Có những chiếc ghe mà ngày thường dân chài dùng để vừa đánh cá vừa để ở cho cả gia đình bị các toán lính buộc phải chở hàng mấy chục người nên ghe chỉ còn cách mặt nước chừng gang tay. Khi ra đến tàu thì mạnh ai nấy lên nên ghe nghiêng rồi lật chìm. Tất cả những người còn trên ghe đều chết trước những đợt sóng lớn của biển khơi. Có những người lội được nhưng khi bám vào mạn tàu thì lại bị mấy người trên tàu đạp xuống vì lúc đó tàu cũng đã quá tải rồi. Và cứ thế, thây người nổi đầy trên mặt biển đầy máu tại vùng Tân Mỹ, Thuận An.

Biển và Máu (Lời kể của Tr/Úy L. ĐĐ Tiếp Liệu, TĐ1 TV):

Ngày 24-3 được lệnh di tản, tôi cùng 5, 6 sĩ quan khác và nhân viên chạy trên một chiếc xe jeep về hướng Thuận An, nhưng giữa đường xe bị hư nên phải bỏ lại và đi bộ. Thế là bao nhiêu hành trang, thực phẩm mang theo đành bỏ lại hết. Đến gần cửa Thuận An trời đã chiều. Bỗng có một người mặc quân phục ra chận đường và chào rất lịch sự. Tôi tự hỏi sao giờ này lại còn có người lính nào đàng hoàng đến thế? Tôi chưa kịp chào lại vì còn đang phân vân thì người lính nọ đã nói với tôi: “Xin Tr/úy cho em cái đồng hồ!” Một thoáng ý nghĩ qua trong đầu tôi nên tôi liền lột đồng hồ đưa cho hắn. Xong hắn lại nói: “Tr/Úy có đôi giày đẹp qúa, xin Tr/Úy cho luôn”. Tôi cũng cởi đôi giày ra và trao cho hắn (có đồng bọn ngồi gần đó) hết những gì của chúng tôi mà hắn ưa thích.

Khi đến Thuận An và qua được bên kia cồn cát thì trời đã tối sẫm. Sáng ngày 25-3 chúng tôi thấy một chiếc tàu đậu ngoài khơi nhưng không có phương tiện bơi ra.

Chung quanh, trên bờ và cả dưới nước, hàng vạn người vừa dân vừa lính, đa số là TQLC, BĐQ, TG và SĐ1BB. Sau đó chúng tôi hùn tiền lại và thuê một chiếc ghe để ra tàu với giá một trăm ngàn đồng. Nhưng ghe đưa chúng tôi ra được nữa đường thì bị sóng xô lật úp. Tôi suýt chết, may nhờ các bạn vớt lên ghe và bơi ngược vào bờ. Thế là 100 ngàn mất toi mà không đi được đến đâu. Thất vọng và vì quá mệt nên tôi lên hẵn trên bờ ngồi nghỉ. Đến 3 giờ chiều thì có một chiếc tàu loại nhỏ (LST) cập bến.

Mọi người có mặt tại đó đều ào ào bơi ra, mặc dù tàu còn cách bờ một khoảng xa. Tất cả đã giành nhau, xô nhau, níu kéo nhau để lên cho được tàu, cố bám lấy vị cứu tinh vừa xuất hiện. Tôi cũng lên được nhưng sau đó, những người lính TQLC lại đuổi xuống. Họ nói chiếc tàu này là do họ độc quyền xin vào để chở TQLC mà thôi. Những người lính này đã dùng M16 để đuổi những người không phải là TQLC xuống. Nếu ai không xuống là bị bắn ngay tại chỗ. Một Trung tá BB đứng cạnh tôi bị một người lính tiến đến hỏi một cách xấc xược:

- Trung Tá thuộc binh chủng nào?

- Tôi thuộc Sư Đoàn 1 bộ binh.

- Yêu cầu trung tá xuống. Tàu này của chúng tôi!

Vị Trung tá bèn năn nỉ:

- Anh cho tôi đi kẻo tội.

- Tôi bảo xuống!

- Tội nghiệp tôi, anh. Cho tôi đi với. Vị trung tá năn nỉ một lần nữa.

Nhưng người cầm sung vẫn cương quyết:

- Tôi nói xuống, ông có xuống không?

Vị trung tá lắp bắp: “T.. ộ..i ngh..i.. ệ..p..” và chưa nói hết lời thì một phát đạn bắn ngay ngực và người Tr/tá rơi xuống biển, máu lênh láng, bềnh bồng…

Cứ thế, những người nào mà không phải binh chủng TQLC thì bị cho đếm 3 tiếng để nhảy xuống biển và sau 3 tiếng mà không nhảy thì bị bắn.

Tôi khiếp sợ trước cảnh đó nên không chờ đến khi người lính TQLC quay qua tôi, tôi liền nhảy nhào xuống biển.

Trên bờ, một Tr/tá BĐQ nhìn thấy cảnh một Tr/Tá BB bị bắn chết một cách thảm thương liền hô to một câu: “Biệt Động Quân”! Tức thì tất cả các quân nhân BĐQ có mặt lúc đó liền hô “SÁT” và nhảy lên mấy chiếc xe bọc thép M113 bắn xối xả vào tàu. Một quả M72 rồi 2, 3 quả khác được thụt trúng tàu. Chiếc tàu bốc cháy rồi chìm dần. Không một ai trên tàu còn sống. Trong chốc lát, mặt biển đầy xác người với máu và lửa…

Khi tôi tỉnh lại và nhìn quanh thì thật ghê sợ: Một thây người mất nửa cái đầu đang nằm bên tôi. Tôi sực nhớ ra lúc nãy khi còn bơi ra tàu, chính anh này đã bị cánh cửa tàu kẹp nghiến nát nửa cái đầu và có lẽ sóng đã tấp anh và tôi cùng vào một lúc. Cũng có anh bị cả 2 cái chân đứt hẳn ngay tại miệng tàu và chết chìm tại chỗ.

Không biết bao nhiêu cảnh ghê sợ hơn đã xảy ra tương tự như thế trên đường “di tản” trong những ngày đất nước sắp rơi vào tay bọn CS!

Đà Nẵng hỗn loạn

Trước cảnh hỗn loạn ngoài đường phố Đà Nẵng vì hàng trăm ngàn người đang hớt hải tìm đường lánh nạn thì trong thành phố cũng có khá nhiều đám đông, cả thường dân lẫn binh sĩ ào vào các cửa tiệm tại chợ Cồn, chợ Vườn Hoa, chợ Hàn trong những ngày 26, 27 và 28 tháng 3 năm 1975 để hôi của.

Xác chết của một số người nằm rải rác trên một vài con đường. Thành phố như chỗ không người, không luật pháp. Ai muốn làm gì thì làm. Lúc đầu còn có một vài chiếc Commando Car của Quân Trấn đi giữ an ninh nhưng rồi cũng không làm được gì trước sự hỗn loạn đó nên đành rút lui.

Tại bến tàu, những người tìm đường ra đi đã nóng vội bơi nhào ra sông khi tàu chưa kịp cập bến nên chết đuối khá nhiều.

Tàu lớn của Hải Quân thì lại đậu ngoài khơi nên muốn ra phải thuê ghe, gọ. Một chiếc gọ (ghe có gắn máy) chở một chuyến từ bờ ra tàu phải từ 20 ngàn đến 200 ngàn đồng. Có những chiếc chở ra gần đến tàu lại bị những người lính trên tàu bắn xuống bị thương và chết, lại chở trở vô bờ. Có những gia đình chồng đi được thì vợ bị kẹt lại với mấy đứa con hoặc có gia đình có 5 đứa con mới đưa lên tàu 3 đứa thì tàu chạy, còn mẹ và 2 con ở lại…

Tại phi trường Đà Nẵng, máy bay vừa đáp xuống, mặc dù chưa biết sẽ bay hay không, mọi người đã xô, đạp lên nhau, bắn nhau để tràn lên tàu. Máy bay bay không nổi, những người dân thường lại bị lôi xuống. Trong khi đó máy bay chạy trên phi đạo giữa hàng ngàn người khiến cho hàng chục người khác bị chết.

Có những người giàu mua vé máy bay Hàng Không VN với giá 100 ngàn rồi 200 ngàn hoặc một lạng vàng một vé, đến ngày lên phi trường thì máy bay lại không dám đáp xuống vì cảnh hỗn loạn bên dưới và vì VC đang pháo kích vào phi trường. Rốt cuộc tiền mất mà vẫn không đi được.

7 giờ 30 sáng ngày 28 tháng 3 một Đ/Úy chở gia đình trên một chiếc jeep vào phi trường. Quân Cảnh tại cổng chận lại xét hỏi. Vị Đ/Úy bèn cự nự và hai bên cãi nhau. Cuối cùng vị Đ/Úy kia bèn bắn chết một sĩ quan QC/KQ. Thế là phi trường đóng cửa từ đó và không một chiếc xe nào vào được sân bay.

Chiều ngày 28-3 tình hình tại BTL/QĐ1/QK1 số gia đình binh sĩ và sĩ quan nằm la liệt trong doanh trại Nguyễn Tri Phương để chờ đợi phương tiện đi vào Sài Gòn mà trước đó BTL/QĐ đã cho lập danh sách nhưng chờ đợi đã mấy ngày qua mà vẫn không có.

Cũng chiều  ngày 28-3 tình hình tại BTL/SĐ3BB (đóng tại Hoà Mỹ) vẫn “tỏ ra bình thường” nhưng vào nữa đêm, lúc 12 giờ 30 thì một chiếc trực thăng đáp xuống ngay tư dinh của Th/Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh SĐ, và một lát sau bay vút lên không. Vì tư dinh cửa Th/Tướng Hinh nằm trên đồi cao và tiếng trực thăng lại nghe rất lớn trong đêm khuya nên mọi quân nhân có mặt trong đêm đó đều đoán biết được chuyện gì đang xãy ra nên chỉ một lát sau là hàng đoàn xe đủ loại bật đèn pha chạy ra khỏi căn cứ. Lúc đó không ai bảo ai, không lệnh lạc gì, mạnh ai nấy ra đi (như một cành cây đã có quá nhiều trái trĩu nặng, chỉ cần một cơn gió nhẹ là tất cả đều rơi hàng loạt xuống). Ai có phương tiện gì thi dùng phương tiện đó. Không có thì quá giang. Chỉ trong một lát, cả căn cứ Hoà Khánh bỗng vắng hoe! Cổng chính của Sư Đoàn hàng ngày quân cảnh soát rất kỹ nhưng lúc đó mở toang và không một người đứng gác.

Sáng ngày 29-3, hàng ngàn người đủ mọi thành phần chen nhau qua cầu Trịnh Minh Thế để qua Tiên Sa, Sơn Trà hay Non Nước. Tất cả đều đổ xô ra biển nên mọi nẻo đường đều đông nghẹt, tắc nghẽn.

Tại kho An Hải, hàng trăm người dành nhau lấy đồ hộp, gạo sấy, mùng mền…Đã có nhiều người chết vì bị đồ hộp đè.

Trong khi đó những chiếc xe nhà binh chạy ngược chạy xuôi như bầy kiến lạc đàn và tông cả vào những người đang chạy bộ trên đường. Tại ngã Năm An Hải, 2 chiếc xe jeep tranh đường đã cán một người ngay giữa 2 xe. Trên đoạn đường gần nhà thờ Mân Quang, một chiếc M113 chạy từ hướng Tiên Sa xuống đã tông mạnh vào hông một cụ già đang đi cùng chiều khiến ông lão ngã lăn trên đường và bất động. Chiếc M113 vẫn chạy và mọi người vẫn đi qua ông lão như không có chuyện gì xảy ra.

Vào lúc này, không còn ai nghĩ đến ai nữa! Trước làn sóng đỏ của CS ai cũng cố tìm cho mình một con đường để thoát thân. Cũng tại An Hải (Quận 3) dân chúng đã ùa vào kho hàng Quân Tiếp Vụ để dành nhau lấy thuốc và thực phẩm. Cả trăm người dành nhau, chen nhau và đè lên nhau. Một người lính đứng bên ngoài không làm sao vào được bèn thụt một qủa M79 ngay vào đám đông khiến đám đông văng ra tan tác. Số người chết và bị thương khá nhiều. Máu, dầu, sữa hoà với nhau lai láng. Thế mà một lát sau đám đông khác lại ùa vào và tiếp tục tranh dành!

Tại khu bến tàu Đà Nẵng, dân chúng ngồi chờ tàu đói khát cũng đã ùa vào kho đồ hộp gần đó rồi dành giựt nhau hỗn loạn. Tại hãng nước ngọt BGI cũng xảy ra cảnh giành bia, nước ngọt. Tại kho gạo an toàn ở ngã 3 Cai Lang, lúc 10 giờ sáng ngày 29-3, một số người đã dùng súng bắn ổ khoá kho. Sau đó từng đoàn người ùa vào bên trong khuân, vác gạo ra và gạo cũng đã đè lên làm cho nhiều người chết.

Những người có súng vào lúc này cứ bắn loạn xạ. Họ bắn bất cứ ai làm cản trở đường họ đi và trái với lệnh của họ.

Trước chùa Thạc Gián (Quận 2) một người chĩa súng vào những người vừa lấy gạo trong kho ra trên đường trở về nhà. Y lấy hết gạo lại và chất đầy một đống trước mặt rồi đứng bán sang tay lấy tiền mà không tốn một giọt mồ hôi!

Còn nhiều cảnh hỗn loạn, bắn nhau, tranh giành nhau thực phẩm tại Trung Tâm bán lẻ QTV Đà Nẵng, tại xưởng bánh kẹo ở Thanh Khê…Tất cả đều nói lên một tình trạng vô chính phủ, vô luật pháp mà có lẽ chẳng bao giờ những người đã chứng kiến quên được.

Rất nhiều người dân, rất nhiều quân nhân trong chiến tranh, trong chiến đấu đã không chết trước súng đạn của quân thù nhưng đến giờ phút này đã chết một cách oan uổng, tức tưởi và phi lý chỉ vì những sai lầm đáng trách của những người có trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ!

   (rfa.org )

                                                                           **

                          Tháng Ba Nhớ Lại

Năm 1975, tôi đang học dở dang niên học lớp 10, chưa kịp đến Hè. Mới giữa Tháng Ba, lễ Hai Bà Trưng và ngày truyền thống của trường với cái tên mới: Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng, được tổ chức ba ngày. Có hội chợ, cắm trại, có đêm văn nghệ lửa trại thật nhiều kỷ niệm. Niềm vui chưa tròn, sân trường chưa kịp dọn dẹp dấu vết mấy ngày hội hè đã tràn ngập những đoàn người từ Quảng Trị và Huế lê thê lếch thếch bồng bế nhau chạy tránh bom đạn. Trường đóng cửa để dành phòng học làm nơi tạm cư cho đồng bào.

Tôi nghe ba má bàn tán tìm cách di tản vào Sài Gòn vì quân đội mình từ Kon Tum, Ban Mê Thuột đang như rắn mất đầu chạy về Nha Trang. Tình hình an ninh đất nước thật hỗn loạn. Tôi vội vàng xuống trường để rút hồ sơ, chẳng còn một bóng dáng thầy cô nào ở đây. Phòng học vụ đã bị dân chúng phá cửa vào, giấy tờ rách nát ngổn ngang, không cách gì tìm kiếm được. Ngoài sân trường, những tờ bích báo mới đem dự thi hôm Lễ Truyền thống nay đã bị đem ra làm vách ngăn cho những hố vệ sinh. Hình ảnh ngôi trường và những dãy phòng học thân yêu, khoảng sân rợp lá bạc hà thấp thoáng những tà áo dài trắng đã không còn nữa, trái tim tôi như tan nát.

Ngày 26, tin tức trên đài phát thanh loan báo quân đội Bắc Việt đã chiếm thành phố Huế. Ba tôi thất vọng, bỏ ý định di tản vì theo ông, đã mất Ban Mê Thuột và thành phố Huế thì đi đâu cũng vậy thôi. Cả nhà lo âu, mọi người nhìn nhau cùng hoang mang cho một viễn ảnh không mấy khả quan.

Tôi đạp xe vào nhà nhỏ bạn cùng lớp là Kim Liên. Tôi gọi Liên ơi, Liên hỡi, không có ai trả lời. Gia đình nó đã dọn đi mất tiêu, nhà trống hoang. Dòm vào cửa sổ phòng khách nhà bạn đang còn mở, tấm hình của ba má Liên được lồng kiếng thường treo trên tường không còn nữa. Tôi thẫn thờ nhìn lên cây mận trước sân nhà, ngay trước cửa phòng của nó, những chùm trái non mơn mởn vẫn đong đưa trên cành. Nước mắt tôi ứa ra.

Tôi đi ra đường, từ Trần Cao Vân xuống ngã tư Quân Cụ, rẽ phải qua đường Khải Định. Phố phường đông đúc nhưng điêu tàn, xơ xác, như không còn sức sống. Dân chúng từ các nơi đang chạy về lũ lượt, những ánh mắt hớt hải, những khuôn mặt mang nét hoảng loạn, dọc lề đường hàng đống những bộ quân phục, những cái bi đông của lính, nón sắt… vương vãi. Vài đám tranh giành hôi của, đang đánh nhau ở ngã tư chợ Cồn. Kho gạo đường Duy Tân bị dân chúng phá cửa vào, người ta chen nhau giành giật, không kể già trẻ lớn bé. Có người vừa vác bao gạo ra tới cửa đã bị kẻ mạnh hơn cướp chạy.

Xuống đến bờ sông Hàn thì tình hình càng thê thảm. Người ngồi, kẻ nằm dọc theo bờ sông, quang cảnh hỗn loạn. Người ta chen nhau tìm đường xuống ghe để ra biển vì nghe đâu đường bộ đã bị phong tỏa ở Quy Nhơn. Ai cũng hy vọng xuống tàu ra biển vào được Sài Gòn thì mới yên. Sài Gòn… Ôi! Sài Gòn, niềm hy vọng của người dân cả nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng.

Tôi thất thểu trở về, dọc đường lại chứng kiến bao cảnh người di tản nằm la liệt, những cụ già lụm cụm, những em bé ngơ ngác. Người ta đùm túm nhau không biết sẽ đi về đâu. Có nhiều gia đình tài sản mang theo vỏn vẹn cái tượng Đức Mẹ, hoặc Phật Bà Quan Âm. Người ta ôm khư khư như đang bảo vệ mạng sống của mình, dường như tín ngưỡng là nơi bám víu cuối cùng của con người lúc tuyệt vọng. Tôi như kẻ không hồn, ngơ ngác giữa cơn hấp hối của thị xã.

Trong những giờ phút cuối cùng này, ba má tôi lúc nào cũng khư khư cái radio, lắng nghe tin tức từ đài BBC, VOA với chút hy vọng mong manh vào những đổi thay ở giờ cuối. Giấy tờ quan trọng được ba tôi sắp đặt lại một nơi an toàn, má tôi thì thắp nhang khấn vái tứ phía.

Buổi tối, thỉnh thoảng có tiếng đạn pháo kích từ xa vọng lại, tuyệt đối không thấy ánh hỏa châu. Thị xã Đà Nẵng dường như bị bỏ ngõ. Đêm đêm, đài BBC đưa tin có rất nhiều người xuống tàu vào Namtìm đường sống. Nhiều người đã bỏ mình giữa biển vì tàu đắm, nhiều người di tản bằng đường bộ thì bị trúng mìn, bị pháo kích, chết nhiều lắm.

Trưa ngày 29, xôn xao tin đồn quân lính Bắc Việt đã vào đến Nam Ô. Khoảng hai giờ chiều, tôi ra trước sân nhà nhìn ra đường, lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy những người lính của phía bên kia. Trên những chiếc xe mang biển số rất lạ là những khuôn mặt còn non choẹt. Nón cối, dép cao su đen, quân phục thì rộng thùng thình, nước da người nào người nấy tai tái, hình ảnh của họ gieo vào tâm trí tôi nỗi chán chường, thất vọng.

Tôi lặng người nhìn những đoàn xe đi qua, và… không biết chuẩn bị từ bao giờ, cũng có nhiều người đứng hai bên lề đường, những cánh tay đeo băng đỏ đưa lên vẫy vẫy, hò reo. Buổi chiều hôm đó, một ngày cuối Tháng Ba trời Đà Nẵng bỗng dưng đổ mưa. Trong cơn giãy chết của thị xã, cơn mưa không lớn, những hạt mưa chưa đủ làm ướt mặt đất chỉ bốc lên cái mùi hơi đất nồng nồng. Tôi nghe cay ở mắt và lòng tôi cũng như đang giãy chết.


Ngoại ô Sài Gòn; ngày 28 Tháng Ba 1975 (ảnh: Jack Cahill/Toronto Star via Getty Images)

Một tháng sau, nghe tin Sài Gòn, vùng đất cuối cùng cũng mất. Lính tráng, dân chúng tìm mọi cách thoát thân, một số tướng lãnh đã tìm đến cái chết để bảo toàn khí tiết. Thế là bao nhiêu hy vọng, mong đợi cuối cùng cũng đã tan vỡ. Và… bao nhiêu mộng ước thời thanh xuân của lứa chúng tôi cũng đã tàn theo vận nước.

Mùa Hè đến sớm với những buổi lao động dọn vệ sinh trường lớp rồi cũng qua mau. Ngôi trường Nữ Trung học thân yêu trở thành nơi ở của cán bộ trước khi trường được đổi thành trường Cao đẳng Sư Phạm. Thời gian sau, nhiều lần đi ngang trường xưa, nhìn những hành lang trên tầng lầu phơi đầy áo quần tôi không khỏi ngậm ngùi, ngơ ngác, tất cả như chỉ là một giấc mơ.

Một giấc mơ không đẹp, không ươm đầy mộng mị, không óng ả hạnh phúc nhưng lại là một giấc mơ khó quên. Tôi không thể nào quên. Hai năm cuối cùng bậc Trung học, tôi được xếp vào học ở trường Trung học Phan Châu Trinh, ngôi trường lớn nhất thành phố từ trước đến nay. Hai năm vật lộn với sắn khoai, bo bo và “chủ nghĩa xã hội”, tôi ra trường và bắt đầu vào đời với nhiều đắng cay của một người có lý lịch phải đứng bên lề của hàng ngũ trí thức. Kể từ ngày trường học đóng cửa và nhà tù mọc lên như nấm khắp nơi từ Nam ra Bắc.

Tôi sống lây lất, dật dờ như thế đến mười chín năm. Mười chín năm quá đủ để tôi thấm hiểu thế nào là cuộc sống của kẻ lâm vào cảnh nước mất, nhà tan. Cứ mỗi năm khi Tháng Ba về, đọc báo, nghe tin tức nói về những tiến bộ mới mẻ ở quê nhà, những đổi thay của Đà Nẵng, tôi không khỏi mường tượng đến hình ảnh một chiều Tháng Ba năm xưa, khi một con bé mới mười bảy tuổi, là tôi, đứng ngơ ngác nhìn cảnh hấp hối của Đà Nẵng, nước mắt nhòe khuôn mặt. Cảm giác đớn đau đó cứ mãi ám ảnh tôi. Tôi cứ luôn nghĩ về những oan khiên của đồng bào đã bỏ mạng oan ức vì bom đạn vốn vô tình. Nghĩ đến những nghiệt ngã của dòng đời kể từ dạo đó khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Con lạc cha, vợ mất chồng, kẻ vùi thân nơi biển cả, người lưu lạc xứ xa, kẻ trở về tàn phế bệnh hoạn.

Tháng Ba của tang tóc và chia lìa, vậy mà Tháng Ba năm nào ở Đà Nẵng, người quê tôi cũng hân hoan chào đón, đốt pháo, treo cờ. Có phải người ta đã thật sự quên, hay tôi đã già cỗi khi nhắc nhớ hoài đến chuyện biển dâu?


Nguyễn Diệu Anh Trinh

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/ky-uc-30-4/thang-ba-nho-lai/

-------------



No comments:

Post a Comment