Wednesday, April 22, 2020

Tháng tư đen và danh dự người lính

   

Chỉ trong vòng 2 tháng 3 và 4/1975, CS lợi dụng QLVNCH tháo lui, đã xua hàng chục sư đoàn quân chủ lực tiến chiếm miền Nam, Saigon sụp đổ, miền Nam thua trận…Từ đó, quân dân miền Nam phải trãi qua những năm dài trong ngục tù, tăm tối…đời sống dù ở đâu trên dãi đất miền Nam từ Bến Hải cho đến Cà Mau cũng đều là những ngày u ám có lúc khắc khoải đến nghẹt thở…

Gia đình tôi gồm cha, mẹ kế và 5 anh em trai mà trong đó đã có đến 4 người là lính, lính của QVNCH. Anh 3 tôi, khóa 1/72 Thủ Đức, lúc đó là sĩ quan biệt phái đang làm việc tại Ngân Hàng QGVN (anh biệt phái từ Phòng Tổng Quản Trị Bộ TTM), anh thứ 5 là lính Không Quân thuộc SĐ 4 KQ (ngành kỹ thuật ), anh thứ 6 là lính Hải Quân tùng sự tại căn cứ HQ Bình Thuỷ Cần Thơ và tôi- em trai út,khóa 3/73 Thủ Đức, lúc đó là một sĩ quan cấp nhỏ nhất trong quân đội:chuẩn uý, sĩ quan không trợ của tiểu đoàn 469ĐP thuộc TK Vĩnh Long. Vậy là cả 4 anh em chúng tôi đều là quân nhân.
   Là quân nhân, nghĩa là làm một nghề cao cả, nhất là quân nhân trong thời chiến. Mạnh Tử nói: “Đời trai, nếu chưa có cho mình một số quân là chưa có gì cả” (1). Đi lính, nhận cho mình một số quân, tức là tự nhận cho mình những chuyến đi xa - có khi là không trở về - đi để “chống đỡ quê hương”*(2). Chúng tôi cũng vậy, dù thuộc quân binh chủng nào cũng đều là quân nhân của QLVNCH - một quân đội với hơn 1 triệu lính đã chiến đấu tự vệ để chống đỡ miền Nam khỏi cuộc xâm lăng của CS trong suốt một thời kỳ lịch sử kéo dài 21 năm kể từ năm 1954 cho đến tận ngày… 30/4/1975 thì…thua cuộc, sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh,một tổng thống không do dân bầu.

 30 tháng 4 năm 1975, như bao người lính khác, chúng tôi đã ngơ ngác buông súng mà hầu hết đều không hiểu tại sao? Tôi lúc đó 22 tuổi, gần 3 năm lính…xa nhà vì chỉ biết miệt mài theo đơn vị và không hề có một chút tiên liệu nào về diễn biến của thời cuộc, hay cảm nhận được gì về khúc quanh của cuộc chiến sắp diễn ra bởi sự sắp xếp tính toán nào đó của những vị lãnh đạo đất nước, hay bởi sự bỏ rơi sắp tới của đồng minh hay bởi sự phản bội của hậu phương…Chúng tôi còn quá trẻ, chỉ là lính hay sĩ quan cấp bậc quá nhỏ.

 Dù vậy khi buông súng, chúng tôi biết là đã mất tất cả rồi! Không còn gì nữa, kể cả Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm…là 3 tín niệm mà mỗi người lính của QLVNCH đã mang trên đầu như 3 điều thiêng liêng phải gìn giữ bằng mọi giá mà cái gía thông thường là bằng chính mạng sống của mình.

 30 tháng 4 năm 1975, CS thắng trận, cả đất nước bị nhuộm đỏ, Saigon bị đổi tên, Việt Nam Cộng Hoà không còn, Tổ Quốc đã mất; chúng tôi - những người lính của QLVNCH thất trận - bị gọi là ngụy là một danh từ & tỉnh từ mà tôi cho là xấu nhất trong tự điển của lòai người. CS đã dùng từ ngữ này gán cho chúng tôi để hạ nhục, miệt thị và xúc phạm chúng tôi; ngụy nghĩa là gỉa trá, không chính nghĩa…là theo giặc, là phản quốc. Gọi QLVNCH là ngụy, CS có ý nói rằng chúng tôi là giặc nên không có danh dự, cái mà chúng tôi gọi là danh dự chỉ là một nỗi nhục mà thôi (?)….Danh dự bị phủ nhận! Còn Trách Nhiệm? Vâng, không bảo vệ được miền Nam, để rơi vào tay CS, là quân nhân, chúng tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình!

 Lúc đó, tôi đã nghĩ cùng với cơn đột tử của QLVNCH, chúng tôi đã mất hết Tổ Quốc, Danh Dự (?). Chúng tôi có thể làm gì hơn ngoài việc chấp nhận sự trừng phạt, trả thù của CS? Chúng tôi chờ đợi những điều tồi tệ nhất.

 Và những điều tồi tệ nhất đã xảy ra cho quân, dân miền Nam trong những năm dài tiếp theo mà mọi người đã biết.
 Nhưng…có những người lính đã sống và chết-với trọn vẹn danh dự của họ.
 Nghĩa là mặc dù quân đội đã không còn, nhưng danh dự của người lính ở họ đã không hề mất đi dễ dàng chỉ bằng những vu khống, chà đạp hay miệt thị.


Thua trận, để mất nước, không làm tròn trách nhiệm, đó là thất bại,nhưng cũng không có nghĩa là danh dự của quân đội, của cá nhân những người lính đã bị tiêu ma không còn một chút nào.

Nếu không phải như thế thì tại sao trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 đó,đã có những người lính đã tuẩn tiết, chọn cái chết để bảo tòan danh dự của họ- danh dự của những người lính? Đó là các anh hùng: thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam- tư lệnh QĐ4, chuẩn tướng Lê Văn Hưng,tư lệnh phó QĐ4, chuẩn tướng Trần Văn Hai, tư lệnh SĐ7BB, chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh SĐ5BB,thiếu tướng Phạm Văn Phú, nguyên tư lệnh QĐ2, thiếu tá Đặng Sĩ Vinh và cả gia đình gồm vợ và 7 người con của ông, trung tá CSQG Nguyễn Văn Long, thiếu úy Nhảy Dù Huỳnh Văn Thái và những người lính trong trung đội của anh, trung sĩ I Quân Cảnh Trần Minh ….và còn biết bao những sĩ quan cấp thấp, những HSQ và binh sĩ khác của QLVNCH đã tự sát chết theo quê hương trong những ngày cuối cùng đó (3). Họ chọn cái chết không phải vì lo sợ bị trả thù, đày ải…mà chỉ vì họ đã chọn Danh Dự và cũng bởi vì họ đau lòng quá, không muốn chứng kiến một quân đội, một Tổ Quốc đang bị bức tử bởi vì quân đội đó, Tổ Quốc đó là những gì quý giá thiêng liêng quá mà họ, khi còn đang phục vụ dưới cờ, đã hết sức yêu mến. Vâng, họ đã yêu quý Tổ Quốc hơn cả gia đình họ, vợ con họ, mái nhà của họ và dĩ nhiên, hơn cả chính bản thân họ. Tổ Quốc đã mất, Trách Nhiệm không làm tròn, họ chỉ còn lại Danh Dự là cái mà họ đã giữ được- bằng cái chết của chính mình.

 Danh dự của một công dân, một quân nhân như thế không chỉ là chuyện cá nhân của một người mà nó còn là hình ảnh, là cái thanh danh của một tập thể to lớn mà người đó là một thành viên, và rộng hơn nữa, của một đất nước mà người đó là một công dân. Đó cũng là Danh Dự- Tổ Quốc đã gắn trên mũ cát-két của các SVSQ Trường Bộ Binh mà chúng tôi đã từng đội trên đầu.

 Tôi nhớ lại 3 câu chuyện tôi đã trãi qua, đã được biết trong đời mình.

 Khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm 1973, lúc đó tôi còn ở trong Trường Bộ Binh, theo học khóa 3/73 SVSQ/TB.Chúng tôi thuộc đại đội 11,tiểu đoàn 1 SV- tiểu đoàn mang khăn đỏ, là tiểu đoàn gương mẫu, rất kỷ luật…Đã qua thời kỳ huấn nhục và đã được gắn alpha từ lâu rồi mà SVSQ chúng tôi vẫn phải di chuyển trong phạm vi nhà trường với nón sắt 2 lớp trĩu nặng trên đầu, và đầu thì vẫn cứ trọc lóc “phía trước 0 phân, phía sau 3 phân”.Phòng ốc lúc nào cũng phải giữ gìn sạch sẽ không một hạt bụi, quân phục nghiêm chỉnh. Còn học hành (học phòng hay học bãi) và sinh hoạt thì lúc nào cũng rập ràng theo tiếng chuông đổ từng hồi (chuông lệnh) hay khẩu lệnh của SVSQ tuần sự đại đội.
 Có một hôm, lúc tập họp sinh hoạt đại đội vào ban đêm ( Sau giờ cơm chiều, khoảng từ 7 giờ tối cho đến 10 giờ đêm), chúng tôi được sĩ quan cán bộ trực đại đội thông báo có một chuyện không đẹp đã xảy ra trong đại đội: một anh SVSQ lên văn phòng đại đội khiếu nại đã bị mất một chiếc đồng hồ đeo tay ( trong trường, chúng tôi không được phép đeo đồng hồ cũng như bất kỳ một món trang sức nào khác, và đồng hồ loại tốt thì thời điểm đó cũng khá đắt, khoảng 1/2 tháng lương của SVSQ )

Vị sĩ quan cán bộ, trung uý Võ Hồng Tâm (nhất Mỹ - nhì Tâm -tam Thanh- tứ Đệ - là 4 sĩ quan cán bộ nổi tiếng là “hắc ám”và kỷ luật nhất trường- cả 4 đều tốt nghiệp từ Fort Benning ) đã báo cho chúng tôi hay là đêm nay đại đội sẽ không được đi ngủ nếu không giải quyết được vụ “mất đồng hồ” ; nghĩa là nếu không tìm ra được thủ phạm thì cả đại đội sẽ phải đứng nghiêm suốt đêm !!!
 Điều cần nhớ là trong các trường đào tạo sĩ quan của QLVNCH, chuyện mất cắp đồ đạc cá nhân của SVSQ hầu như không bao giờ xảy ra.
 Đầu tiên, anh SVSQ khiếu nại được gọi ra trước hàng quân để vị cán bộ hỏi mấy câu (mất lúc nào? để ở đâu? có tình nghi ai là thủ phạm không ? ).
 Anh SVSQ này đã nêu lên được một cái tên của người bị tình nghi là thủ phạm- là một người bạn cùng trung đội với anh (cùng trung đội thì ở chung một phòng ngủ)
 Đến lượt người SVSQ bị tình nghi được gọi ra đứng trước hàng quân để vị cán bộ “thẩm vấn” (có thấy đồng hồ không? có lấy cắp hay không?)
 Anh SVSQ bị tình nghi chỉ trả lời vắn tắt: “không hề thấy đồng hồ, không hề lấy đồng hồ của ai cả …”
 Vị cán bộ đã không ra lệnh cả đại đội phải đổ xô đi tìm cái đồng hồ bị mất (bị đánh cắp hay thất lạc? ); ông cũng không ra lệnh tiến hành cuộc khám xét nào cả, mặc dù trong trường, cán bộ hoặc huynh trưởng có thừa quyền hành để ban ra những lệnh phạt tập thể rất cắc cớ buộc cả đại đội phải thi hành.
 Mặc dù không có chứng cớ, nhưng vị cán bộ đã hỏi người SVSQ bị tình nghi: “Anh lấy gì để bảo đảm là anh không lấy đồng hồ của bạn?”.
 Người SVSQ im lặng.
 Vị cán bộ hỏi thêm:”Anh có dám lấy danh dự của một sinh viên sĩ quan thề là không lấy cắp hay không?”
 Đến lúc đó, người SVSQ bị tình nghi không còn nhịn được nữa- vì đã đụng chạm đến danh dự- đây là vấn đề danh dự! Anh bèn giơ tay chào (nãy giờ vẫn ở tư thế nghiêm) và dõng dạc hô to: “Lấy danh dự của một sinh viên sĩ quan, tôi thề không bao giờ ăn cắp!”
 Liền sau đó, vị sĩ quan cán bộ hô to: đại đội !nghiêm !!! (Nãy giờ vẫn đang đứng ở tư thế nghỉ trong giờ sinh hoạt )
 Chúng tôi đứng nghiêm.
 Tiếp theo,vị cán bộ hô to: Tan hàng!
Chúng tôi hô to đáp lại theo truyền thống: Cố gắng!

 Câu chuyện đồng hồ không còn nghe nhắc lại nữa kể từ đó cho đến ngày chúng tôi ra trường.
 Vị sĩ quan cán bộ đã mang thanh danh của nhà trường ra để “uy hiếp” tinh thần của SVSQ và cách xử trí khéo léo này đã có hiệu quả, nhờ thế đã giải quyết được một khúc mắc tưởng là nhỏ- nhưng lại là vấn đề lớn vì đã đụng chạm đến danh dự một con người ( ở Nhựt người ta giáo dục công dân lòng tự trọng, nghĩa là tôn trọng danh dự của cá nhân mình ngay từ tuổi mẫu giáo, và dĩ nhiên danh dự của tổ quốc phải được người công dân xem trọng hơn cả. Thật dễ hiểu tại sao lúc thua trận phải đầu hàng quân đồng minh năm 1945, đã có biết bao quân nhân Nhật- từ tướng lãnh đến binh sĩ đã mổ bụng tự sát)

 Câu chuyện về các bạn đồng khóa của tôi trong quân trường cho thấy: không ai được quyền xúc phạm đến danh dự của một SVSQ ( hay một quân nhân) và người quân nhân cũng không tự mình đánh mất danh dự của chính mình, của tâp thể, hay rộng hơn nữa- danh dự của Tổ Quốc- bằng những việc làm bất xứng, một khi người quân nhân đó biết gìn giữ phẩm cách của mình trong khi phục vụ cho một lý tưởng mà anh tin là chính nghĩa.

Câu chuyện thứ hai là chuyện của tôi.
 Có một ngày vào khoảng năm 1978 nghĩa là 3 năm sau ngày “giải phóng”.Saigon lúc đó đã như một thành phố chết. Ban đêm, thành phố vắng lặng và đi ngủ sớm.Từ khoảng hơn 8 giờ tối là nhà nhà, quán xá đều đóng cửa, ngoài đường chỉ lác đác vài ba chiếc xe đạp...Lúc đó tôi không có việc làm, phải đi lang thang tìm cách lẫn tránh sự dò xét của công an CS và mặc dù đã được trả “quyền công dân” nhưng tôi vẫn sống với niềm lo âu và căng thẳng thường trực vì những toan tính vượt biên của mình ( anh cả vẫn còn trong trại “cải tạo”, cả gia đình còn lại phải hồi hương “lập nghiệp”, riêng tôi cố nấn ná ở lại thành phố để tìm đường ra đi )
 Hôm đó, tôi về đến nhà và nhận được một giấy gọi lên công an phường để “làm việc”. Đó là công an P4 Q4. Đúng giờ hẹn trong giấy, khoảng 8 giờ tối, tôi đến phường trong tâm trạng lo âu và hoang mang không hiểu bọn chúng sẽ làm gì mình đây? Hay là chúng đã theo dõi và biết được những “toan tính” của mình ?

 Đến trụ sở công an phường, tôi được tiếp bởi một tên CA mặc thường phục mà tôi chưa bao giờ biết mặt ( dĩ nhiên, vì chủ trương của tôi lúc đó là “ tránh được chúng giờ nào hay giờ đó”)
 Nhưng điều này kể ra cũng thật nguy hiểm: tôi không biết anh ta nhưng còn anh ta thì đã biết tôi quá rõ (lý lịch 3 đời phải khai ra cho công an rất nhiều lần )
 Anh ta nói: “Tôi mời anh lên đây có đề nghị muốn được trao đổi với anh”
Tôi im lặng hoang mang khi anh ta nói tiếp: “Chúng ta hãy qua bên kia nói chuyện sẽ thuận tiện hơn cho anh và tôi”

Anh ta đứng dậy, tôi theo anh ta qua “bên kia”, tức là chỉ bước qua bên kia đường để đi vào một khu đất trống gần bờ sông. Trên khu đất ấy chỉ có vài túp nhà nhỏ làm nhà kho và nổi bật hơn hết là có một cái tháp nước (chateau d’eau) được xây dựng từ thời Pháp.Tôi biết nơi này, vì chỉ cách nhà tôi chừng vài ba trăm mét.Tôi đã từng vào đó một lần duy nhất, tôi nhớ là vào năm Mậu Thân trong cuộc tổng công kích đợt 2 của CS.

 Năm đó-1968- tôi mới 15 tuổi và đã đi theo lũ con trai trong xóm vào chỗ tháp nước đó để nhìn thấy xác một người lính của QLVNCH đã bị chết cháy đen.Xác chết đã vài ba ngày trước nhưng vì bị cháy đen nên không có mùi hôi và hoàn toàn không nhận dạng được. Anh lính ấy đã nằm chết với thân xác bị cháy như than, cong khô…Anh đã chết trong một trận đánh phản công lại quân CS đã xâm nhâp vào một vùng bên kia sông thuộc Tân Quy Đông (bây giờ là quận 7)
 Sau khi bảo tôi ngồi xuống một băng ghế cũ đặt ngay cạnh tháp nước - chỗ người lính đã chết vào năm 1968- tên CA nói:“Anh Thời, tôi biết rõ gia đình anh, vì vậy tôi có đề nghị này…”
 Tôi đợi anh ta nói tiếp. Sau một phút im lặng dò xét, anh ta lên tiếng:“Tôi đề nghị anh hợp tác làm việc cho công an chúng tôi…”
 Nghe thế, tôi càng hoang mang. Tôi chưa kịp buộc mịêng hỏi anh ta về chuyện hợp tác thì như đã đoán trước câu hỏi của tôi, anh ta giải thích, hạ giọng: “ Anh chỉ cần đi nghe ngóng tin tức, rồi báo cáo với chúng tôi…”
 Tôi chưa hết ngạc nhiên thì anh ta tiếp: “Chúng tôi sẽ trang bị cho anh phương tiện tác nghiệp..”
 Nghe đến đó thì tôi đã hiểu ra anh ta định đề nghị tôi làm viêc gì…cho “cách mạng” rồi. Đó là đi làm antena cho công an CS! Thật bất ngờ ! Nhưng tôi đã lấy lại tự chủ và thấy bình tĩnh hơn. Tôi đã đủ bình tỉnh để thấy rằng đó là một đề nghị quá khiếm nhã !
 Tôi còn nhớ rõ lúc đó,tôi đã không tốn nhiều thời gian để suy nghĩ trước khi trả lời anh ta. Tôi nhẹ nhàng nói: “Bây giờ, tôi chỉ muốn có việc làm lương thiện để sống thôi, thú thật, việc làm mà anh đề nghị tôi thấy không …phù hợp với tôi.”
 Tôi đã từ chối hợp tác với CS.
 Anh ta im lặng. Tôi nghĩ anh ta sẽ tìm cách thuyết phục tôi….
 Nhưng, sau một lúc, anh ta nói: “Được, nếu anh nói thế…”
 Đoạn, anh ta đứng lên, bảo tôi ra về…
 Tôi gật đầu chào anh ta, rồi lững thững bước ra khỏi khu đất. Tôi không bao giờ quên ở nơi đó – ngay cái chỗ mà tôi ngồi cùng anh ta - đã từng có một người lính của QLVNCH nằm xuống.
 Ra đến ngoài đường, tôi nghe như có một tiếng nói nào đó vọng đến, nói với tôi: “Chú mày từ chối là phải, trung thần bất sự nhị quân, đừng bao giờ phản bội, vì phản bội là tội lỗi đáng khinh bỉ nhất, phải trung thành ”
 Đó là vong linh của người lính đã chết ngay chỗ ấy.
 Trung thành! Tôi nhớ lại lời thề đầu tiên của các tân sĩ quan tốt nghiệp từ Trường Bộ Binh là “trung thành với Tổ Quốc!”* (4) 
Tôi đã từng thề như thế.

 Nghĩ lại, tôi thấy cái cách mà công an CS dùng người, gài người, xử dụng đặc tình…là quá tinh xảo và thật tàn độc. Sử dụng một sĩ quan “ngụy” như tôi – năm đó vẫn còn để tóc hơi dài, vẫn thích lang thang tìm bạn bè ngồi uống cà phê ngoài đường phố để tâm sự…mà lại bí mật đi làm đặc tình cho CS, trà trộn vào đám đông để nghe ngóng nhằm phát hiện những con người, những âm mưu..chống phá cách mạng, âm mưu vượt biên kể cả thu thập thông tin về những tội phạm kinh tế như ai còn giữ tài sản không khai báo hoặc buôn bán hàng quốc cấm như gạo, vàng, xăng dầu…để rồi mật báo cho công an thì đố nạn nhận nào có thể ngờ được. Nếu mà ngày đó tôi chấp nhận làm việc cho CS thì tôi sẽ đựơc gì? Tôi biết đó là 16 kí gạo một tháng và một ít “nhu yếu phẩm” khác như bột ngọt, đường, sữa.Như vậy là ưu đãi so với tuyệt đại đa số những người dân vào thời điểm đó mà mỗi bữa ăn đã chỉ có bo bo và bột mì (thời kỳ đó, dân Saigon ăn độn 100%)

Nhưng nếu đã chấp nhận làm đặc tình cho CS, thì chắc hẳn là tôi đã đưa biết bao người vào chốn lao tù và vào tại tập trung của CS! Và nếu thế, thì tôi không biết mình đã trở thành “con người gì” ??? Tôi đã từ chối không làm những chuyện đó, còn vì lẽ đơn giản là tôi không hề biết cách làm những chuyện đó. Tôi đã không hề được giáo dục hay đào tạo để làm những chuyện như thế.

Từ chối hợp tác với CS, tôi cố giữ lại danh dự của một người lính thất trận sau khi đã mất rất nhiều thứ quý giá.

Câu chuyện thứ ba là về một người bạn đồng khoá với tôi – bạn Cao Trận. Cao Trận là người miền Trung, cùng lứa tuổi với hầu hết anh em chúng tôi, nhập ngũ sau mùa hè đỏ lửa 1972 lúc 19 tuổi và ra trường Thủ Đức cuối năm 1973 lúc 20 tuổi.Cao Trận vóc người tầm thước, nước da trắng, đôi mắt đen láy. Ở Quang Trung, Cao Trận ở cùng đại đội với tôi. Tôi không chơi thân với Cao Trận lắm, tôi vốn ít nói còn Cao Trận thì lúc nào cũng nói nhiều, hơi ồn ào và luôn miệng ca hát nghêu ngao trong doanh trại. Cao Trận là người bạn yêu đời.Tôi vẫn nhớ anh luôn miệng nghêu ngao một bài hát quen thuộc lúc đó: “…người từ trăm năm về ngang trường Luật, ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi…”*(5)

Cuối năm 1973, từ gĩa đồi Tăng Nhơn Phú, chúng tôi chia tay nhau mỗi người mỗi ngả để ra các đơn vị.Từ lúc đó cho đến ngày mất nước, tôi đã không hề gặp lại Cao Trận.

Theo các bạn đồng khóa kể lại*(6), Cao Trận đã hy sinh vào đúng giờ thứ 25 của cuộc chiến. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong lúc Saigon sắp thất thủ, thủ đô đã bị địch vây hãm tứ bề, một số vị trí chiến lược trong thành phố đã bị địch pháo kích, 6 sư đòan địch cùng với xe tăng đã tiến đến các cửa ngõ của đô thành. Đạn pháo của địch đã rơi trúng vài cơ sở dân sự trong thành phố như cây xăng, ngã tư đường…Cây xăng tại Ngã 5 Bình Hoà bị trúng đạn bốc cháy, một bà gìa còn kẹt lại trong đám lửa. Cao Trận đã lao vào đám cháy ấy để cứu bà gìa kia, và Cao Trận đã hy sinh…Tôi hình dung chuẩn úy Cao Trận nằm chết ở đó, trong bộ quân phục, giống như trung tá Nguyễn Văn Long đã nằm chết giữa trưa nắng gắt ngày 30 tháng 4 năm 1975 ngay dưới chân bức tượng 3 người lính TQLC phía trước Hạ Nghị Viện…

Hai người lính đã nằm đó, một mình…giữa những người dân đang xôn hoảng loạn của một thủ đô đang hấp hối …

Giữa sinh mạng của một đồng bào mà mình có nhiệm vụ bảo vệ và sinh mạng của chính mình, Cao Trận đã chọn lựa.

Cao Trận đã hành xử đúng với khẩu hiệu của nhà trường là nơi mà anh đã xuất thân: Cư An-Tư Nguy *(7).Anh đã chết trong danh dự, mặc dù ở giờ thứ 25 đó của cuộc chiến, đã và sẽ không có bất kỳ lễ nghi quân cách nào, không hể có truy thăng hoặc tuyên dương công trạng gì cả- dành cho anh, cũng như cho trung tá Nguyễn Văn Long, cho thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, cho các chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vĩ, Trần Văn Hai…và cho rất nhiều những người lính khác đã tuẫn tiết hoặc tử trận trong cái ngày cuối cùng đó.

Không phải ngẫu nhiên mà ở miền Nam trước đây, trong các dòng cáo phó báo tin cho thân bằng quyến thuộc về một người lính của QLVNCH tử trận được đăng trên báo chí, người ta thường đọc thấy cụm từ “ đã đền xong nợ nước”. Chính thể VNCH đã từng được xây dựng trên một nền văn hoá đã quan niệm rằng nợ nước là một món nợ quá lớn mà người công dân hay người lính chỉ có thể trả xong sau khi đã nằm xuống.

Kể từ hiệp định Geneve chia cắt đất nước ngày 20 tháng 7 năm 1954 cho đến tận ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong cuôc chiến tự vệ chống lại CSXL, hàng trăm ngàn người dân miền Nam đã nằm xuống, hàng chục ngàn sĩ quan đã chết trận, hàng trăm ngàn binh sĩ đã hy sinh…Bao nhiêu xương máu đã đổ và QLVNCH đã không thể giữ được miền Nam!

30 tháng 4 năm 1975, tôi vẫn còn ở đơn vị, hậu cứ của tiểu đoàn.Trước đó một tháng, hậu cứ này- nằm trên quốc lộ 4 ngay cầu Cái Vồn thuộc quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long đã bị CS tấn công và tổn thất khá nặng- địch mưu toan cắt đứt con đường tiếp vận và là đường rút lui về miền Tây của QLVNCH; nhưng tiểu đoàn chúng tôi và chi khu Bình Minh được sự yểm trợ của SĐ21BB và SĐ4 KQ đã giải tỏa được chỉ sau một trận đánh kéo dài một đêm một ngày…Vào chiều tối ngày 30 tháng 4, tiểu đoàn vẫn còn trú đóng tại hậu cứ này, với lính tráng đầy đủ quân phục và súng đạn…mặc dù Dương Văn Minh đã ra lệnh buông súng từ trước buổi trưa.

Buổi tối 30 tháng 4, tôi và sếp của tôi là đại uý Ninh,tiểu đoàn phó, cùng với trung úy Khánh, chỉ huy hậu cứ, vẫn còn ở lại đơn vị. Chúng tôi theo dõi tin tức qua đài BBC.Tôi còn nhớ rõ trong buổi phát thanh lúc 8 giờ rưỡi tối đêm đó, đài BBC đã tường thuật cảnh Saigon thất thủ…Tôi còn nhớ, sau khi đã tường thuật sơ qua về khung cảnh thủ đô lúc đó, bình luận viên của đài BBC đã có câu kết luận như sau: “Vậy là chiến tranh VN đã kết thúc, với một quân đội có hơn một triệu lính, đã chiến đấu can đảm chống lại kẻ thù trong hơn 20 năm, cuối cùng đã chọn cho mình một cái chết vô ích

Phải nói là dạo đó đài BBC đã khá khách quan trong lời bình luận của họ.Họ có phần đúng khi trách móc QLVNCH (trách móc, vì lúc ấy, trong vị thế khách quan, họ cũng vẫn còn thương hại chúng ta)

Làm sao không trách được khi một vị tổng tư lệnh của quân đội ấy đã ra lệnh rút lui và một vị tổng tư lệnh khác đã ra lệnh đầu hàng!

Và đầu hàng không điều kiện !!!

Tôi trở về nhà vào chiều ngày 1/5/1975.Tôi đã gặp anh 3 tôi đứng thẩn thờ ngoài đầu ngõ, hai mắt đỏ hoe. Anh đã khóc vì vẫn còn quá xúc động sau cú sốc mới hôm qua hay anh khóc vì vui mừng thấy tôi- thằng em út chuẩn uý- đã trở về bình yên?

Ngày 30 tháng 4 năm 1975,Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Đặng Sĩ Vinh,Nguyễn Văn Long, Huỳnh Văn Thái,Trần Minh….  đã chọn cho mình cái chết.

Những cái chết ấy không vô ích!

Họ đã khai hỏa những viên đạn cuối cùng để cất lên tiếng nói của mình – những tiếng nói oai nghiêm dõng dạc đã nêu cao danh dự của họ, danh dự của những người lính, và cả cái uy danh của một quân lực.

Họ đã thực sự đền xong nợ nước một cách xứng đáng nhất.Tấm gương của họ là một bài học về lòng yêu nước, về lòng dũng cảm, về đức hy sinh, về Danh Dự- Trách Nhiệm.

Họ đã chết để cho chúng ta có thể sống đàng hoàng hơn.

Đã bao năm trôi qua…

Lại là tháng tư, để tôi ngồi đây, sờ lên vết thương cũ... để thấy bản thân mình cũng đã góp phần trong việc đã làm mất đi một quê hương.

Lại là tháng tư, để cho CS kỷ niệm chiến thắng của họ, trong nỗi đau đó-không bao giờ dứt.

Nguyễn Hữu Thời 
(banvannghe.com)

  • (1) : trích trong TIỀN PHONG số 22 – 15/7/1967
  • (2) : chữ của Phan Nhật Nam ( Dấu binh lửa )
  • (3) : Xem phụ lục Danh sách các quân nhân của QLVNCH đã tự sát trong những ngày cuối cùng
  • (4) : 3 lời thề của tân sĩ quan tốt nghịêp Trường Bộ Binh là:
1-    Trung thành với Tổ Quốc
2-    Tự thắng để chỉ huy
3-    Đồng tiến
  • (5) : lời ca khúc “Thà như giọt mưa” của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên
  • (6) : Vũ Đình Thiện, một bạn đồng khoá, được cô em gái của Cao Trận là Cao thị Thanh Vân kể lại câu chuyện
  • (7) Châm ngôn của SVSQ Thủ Đức, thêu trên phù hiệu vai áo và trên quân kỳ của nhà trường : Cư An Tư Nguy, được trích ra-thời đại tá Lam Sơn làm chỉ huy trưởng-từ Minh Đạo Gia Huấn ( của Trình Di, đời nhà Tống ), trọn 4 câu là :
Đắc vinh tư nhục
Cư an tư nguy
Đạo cao đức trọng
Bất sĩ tệ y
(Tạm dịch xuôi: lúc vinh quang hãy nghĩ đến lúc tủi nhục, ở nơi bình yên hãy nghĩ đến những nơi nguy biến, người đạo đức cao trọng khi mặc áo rách cũng không xấu hổ) 

No comments:

Post a Comment