Tuesday, March 12, 2019

Người Vợ Tù Cải Tạo

Một cảnh thăm nuôi tù ở các trại tù miền Bắc vào các năm cuối thập niên 1970. (theo: Google)
Con người ta khi đã có một quảng đời dằng dặc khổ đau, một quảng đời dằng dặc ưu phiền… Đáng lẽ không nên ngoái đầu nhìn lại. Bởi vui vẻ thì hiếm hoi, còn chuỗi ngày cơ khổ thì dài vô tận. Cũng như muốn nói về nó, cũng không thể nói hết một lần, chỉ còn cách kể lại những biến cố chính bằng chút chữ nghĩa với tất cả xúc động cùng tâm tình, ý tưởng…
* * *
Bị Đuổi Ra Khỏi Ngôi Nhà Của Mình……
Khi hay tin Việt Cộng bắt hết anh em cùng chồng tôi tại ty Cảnh sát, cảm giác của tôi lúc đó thấy mình y hệt như trái banh bị ném quật một cách mạnh bạo phũ phàng. Sau giây phút chới với, tôi bắt đầu hốt hoảng, nhưng biết cầu cứu với ai, vì chung quanh tôi trống không – những người thân giờ kẻ còn người mất, người ra đi mất hút nơi nào không ai biết… Cuối cùng tôi chỉ biết khóc lặng thinh trong tuyệt vọng và thấp thỏm chờ đợi những bất hạnh chắc chắn sẽ theo nhau kéo tới…
Biến động Ngày 30, Tháng Tư, Năm 1975 chưa hết bàng hoàng. Không khí ghê rợn cuộc xử bắn Tỉnh Trưởng Hồ Ngọc Cẩn còn nặng nề u ám. Đột nhiên rộ lên tin đồn sẽ xử bắn thêm vài người nữa trong nay mai khiến mọi người trong tỉnh càng hoang mang sợ hãi. Một buổi sáng thức dậy nhìn qua bên đường thấy một khán đài dựng lên sừng sững hồi nào, Tôi vừa ngờ ngợ, đột nhiên có tiếng gọi ngoài cổng rồi vài người cầm súng xông vào nhà tôi với nét mặt hằn học ra lịnh cho Tôi phải ở yên trong nhà không được đi ra ngoài. Thấy thái độ hung hăng của họ, hai đầu gối Tôi run lên vì biết tai họa tới rồi. Khán đài dựng ngoài kia và họ canh giữ Tôi đây là ngày xử án chồng tôi rồi! Nghĩ đến đó tôi cảm thấy mặt đất dưới chân tôi như đổ ụp xuống khiến thân hình tôi lảo đảo phải ngồi bệt xuống ghế tìm điểm tựa. Sau phút điếng hồn, chợt nhớ ra sự thật, chợt nhớ chồng tôi sắp chết, đột nhiên hết sợ, tôi đứng lên, bế đứa con bươn bả đi ra cửa về phía đám đông đang tụ họp, mặc kệ họ hầm hì kè súng chạy theo.
    Tôi chen vào phía khán đài chong mắt tìm chồng nhưng chỉ thấy mấy tên cán bộ mặt mày lạnh tanh đầy sát khí lớp đứng lớp ngồi lố nhố. Không tìm thấy anh nhưng tôi thật bình tĩnh kiên nhẫn quan sát chung quanh. Giờ phút này tôi nhứt định không khóc, nhất định không để mắt tôi nhoè nhoẹt, phải ngẩng đầu nhìn cho rõ mặt kẻ thù dã tâm giết chết chồng mình.
Trong khi mọi người lao xao bàn tán, hồi hộp đợi chờ. Bỗng một tốp người chạy dạt ra hai bên rồi tiếng la hét lao xao khi chiếc xe bít bùng chở tử tù xuất hiện chậm chậm tiến vào. Tôi xốc nách đứa con len lỏi vào dòng người mặc kệ tiếng thằng du kích gọi giựt giọng sau lưng “đứng lại! đứng lại!…” để áp sát nhìn vào khung cửa sổ hai bên xe. Qua lớp kính màu xám đục tôi nhận ra ông trung tá Trưởng Ty Cảnh sát Võ Văn Đường, bên kia là chú Thiên làm sở Mỹ có tiệm café Con Chồn gần đó. Lấp ló bên vai ông Đường là khuôn mặt Đại úy thám sát Lê Văn Bé. Vừa lúc đó có tiếng khóc sát bên tôi, quay lại thấy vợ và bầy con ông Bé rũ rượi khóc kêu chồng kêu cha bò lê bò càng dưới đất thật thảm thiết. Dù đã tự chủ là không khóc, nhưng nhìn thấy cảnh thê lương bất nhẫn, tôi chịu không nỗi, nước mắt chảy ràn rụa trên mặt cho tới khi một tốp lính ôm súng hung hản chạy rầm rập bao quanh chiếc xe… Một người bước tới mở cửa… Tôi lau mắt nín thở, cổ họng nghẹt cứng… Tiếng ồn ào, tiếng khóc rộ lên từng hồi khi từng người bị lôi ra, ông Đường xuống trước, kế tới ông Bé, kế tới chú Thiên… Ai nữa ? Tim tôi như ngừng đập… Tôi thấy cửa xe toang hoát không còn người nào… tưởng hoa mắt… Tôi nhóng cổ… chồng tôi đâu ? Lúc cửa xe đóng lại… Tôi còn mơ hồ, khi biết chắc không có anh, tôi mừng đến ngẩn ngơ, hai bàn chân không nhấc nổi đứng im sững nhìn đám đông rồng rắn ùa theo sau những tử tù. Tôi đứng như thế không biết bao lâu cho tới có tiếng ồm ồm của công tố viên trên loa phóng thanh, tôi mới lủi nhủi nôn nao bế con đi về nhà rồi lập cập khoá cửa lại, vội vã đi pha cho con bình sữa rồi đặt con lên giường vừa ôm con vừa dỗ cho con ngủ mà đầu óc còn mông lung không tin đây là sự thật !?
Tôi bị treo tim thêm vài phiên xử bắn nữa, nhưng cuối cùng tạ ơn Trời chồng tôi vẫn thoát chết. Tuy nhiên, sau đó không lâu, tôi nhận được lịnh của Ủy ban Quân quản cho biết nhà tôi bị tịch thu. Trước khi từ giã mái ấm được xây cất do đồng tiền chắt chiu của hai vợ chồng – Tôi không biết mình đứng chết lặng như cái xác không hồn trong bao lâu, rồi dắt díu đứa con trai bốn tuổi cùng với một mầm sống trong bụng và chút tư trang khiêm nhường để bắt đầu bước vào đời sống vô vọng mịt mù…
Trong cơn Quốc phá Gia vong khiến bà con của tôi tán lạc kẻ còn người mất. Không còn cách chọn lựa, tôi đành phải đưa con đến tá túc nhà mẹ ruột đang sống cùng ông dượng ghẻ tại Cần Thơ. Thời gian đầu, ông dượng ghẻ cư xử với tôi thật tử tế, nhưng càng ngày ông dượng ghẻ tôi càng lộ ra sự khó chịu, ông bắt đầu đay nghiến chưởi chó mắng mèo và thẳng tay đánh đập con tôi mặc dù cháu bé không hề gây ra lỗi gì quá đáng. Mẹ tôi không biết vì bất lực hay a tòng cũng nín thinh. Người hàng xóm đoán được ý ông dượng ghẻ muốn gì nên mách nước … Thế là tôi móc hết tiền bạc, bông tai nhẫn cưới… vội vàng giao nạp!
Sinh con chưa được hai tuần tôi phải trở ra buôn bán Thuốc Lá nơi đầu đường để phụ thêm tiền chợ cho mẹ vui. Tưởng yên thân, nhưng ông dượng ghẻ không để tôi yên vì ông nghĩ vợ chồng tôi có rất nhiều tiền và đang cất giấu đâu đó. Thật ra, nếu chồng tôi không thanh liêm, với chức vụ của anh, chắc chắn anh có hàng trăm cơ hội làm giàu. Thấy tôi không “xùy” Tiền, ông dượng ghẻ càng làm dữ. Tôi chịu đựng hết nỗi nên quyết định thu xếp ít quần áo, ba mẹ con tôi bồng chống ra đi !
Ra khỏi nhà. Tay ôm con, tay mang bọc hành lý, đứa con lớn lẽo đẽo sau lưng. Tôi bơ vơ, đi như người thất thần – Tôi đi tới, đi lui, lầm lủi đi, đi mãi mà không biết đi đâu? Ghé đâu? Sống đâu? Tôi cứ đi như thế và đầu óc bắt đầu nghĩ tới con đường chết!
Ý tưởng chết manh nha trong trí càng lúc càng thôi thúc khiến tôi quay ngoắt lại, quày quả đi ra hướng bến phà Cần Thơ.
Chiếc phà từ từ trôi ra giữa sông. Tay ôm đứa con sơ sinh, tay nắm cứng đứa con lớn, Tôi mon men ra phía chỗ không có những hàng lan can chắn giữ rồi lầm lì đứng im miên man nhìn xuống làn nước chảy xiết bên dưới. Tôi dự định sẽ ôm chặt hai con và phóng xuống thật nhanh. Gió lạnh làm con tôi rùng mình co ro. Tôi cúi ôm con và nói: “Mẹ con mình chết với nhau nghe con!” Thằng bé 4 tuổi không biết có hiểu chết là gì không bỗng nhiên khóc rống, lắc đầu quầy quậy “Con không chịu ! Con không chịu ! …” Tiếng la khóc xé lòng của con như một tia chớp lóe, khiến tôi giật mình, sửng người chợt tỉnh. Tôi còn nhớ, mãi mãi, cái cảm giác của tôi lúc đó là một nhói buốt kinh hoàng ở ngực. Tôi sợ hãi, ôm các con lùi vội vô phía trong rồi hôn con như điên như dại với nước mắt giàn giụa và lòng chưa hết nỗi bàng hoàng.
Ba mẹ con Tôi vừa thoát qua được cái chết trong giây phút ngu muội, oan uổng, vì thế tôi cảm thấy mình cần phải sống. Đối với tôi từ giờ phút này – Hai con chính là lẽ sống duy nhất của tôi trên đời này!
Tôi đến kiếm người bạn tên Duyên xin tá túc. Gia đình Duyên không khá giả, nhưng sẳn lòng chia cho mẹ con tôi một chỗ ở… Sợ bạn vì lòng tốt sẽ bị phiền hà với công an khu vực vì dám chứa “Vợ Ngụy” nên tôi xin dọn ra ở trong căn chòi đựng củi phía sau nhà.
Đêm đầu tiên ngủ trên vạt giường đóng vội bằng những cây tràm cong queo nên tôi phải lôi hết khăn khíu, quần áo để lót cho con tôi nằm đỡ cấn… Nửa đêm trời bỗng đổ mưa, mưa vật vã dập những dòng nước cuồng bạo vào các vách nhà và gió lăn lộn thổi thốc khiến mái lá dựng đứng đưa những giọt nước xối xuống làm mùng chiếu ướt đẫm và ngọn đèn dầu tù mù một hồi rồi tắt ngấm. Tôi mò mẫm trong bóng tối ôm kín hai con đang giật mình khóc tấm tức rồi vơ vội cái mền lết tìm chỗ nào đỡ dột nhất ngồi thu lu phủ trùm cái mền cho con ấm rồi nhẹ nhàng đung đưa dỗ cho con ngủ tiếp. Tội nghiệp hai đứa con gầy gò như hai cọng cây non rút sát trong ngực tôi thiếp trong giấc ngủ chập chờn.
Lát sau gió lui xa, nhưng mưa còn chập chùng. Tôi ngồi trong ngôi chòi quây kín bằng lớp lá dừa chằm mỏng manh nặng mùi ẩm mốc mà tôi tưởng như đang ngồi trong chiếc thuyền vật vờ lênh đênh trong giông bão ngoài biển khơi mịt mùng. Trong hoàn cảnh này, tôi không còn nước mắt đâu để khóc, cũng không còn cảm xúc để kêu trời hay gọi đất, chỉ mong mưa tạnh, trời mau sáng – Như chị Dậu, một nhân vật của Ngô Tất Tố – Tôi cô đơn tê tái nhìn chung quanh khuất chìm sau màn đen dầy kịt.

Kiếm Sống
Cứ sáng sáng là ba mẹ con tôi có mặt ngoài chợ Cần Thơ. Tấm ny-lon trải dưới đất nơi góc chợ với mớ quần áo cũ là nghề kiếm sống mà tôi có thể nuôi con và tiếp tế cho Chồng. Một hôm đang ngồi tháo chỉ quần áo thì gặp Vợ Anh La Phú Xương đi ngang qua. Bạn thân lâu ngày gặp mừng lắm, đến chừng quay lại thấy hai con tôi nằm chèo queo ngủ thiêm thiếp bụi đời dưới bóng nắng hắt trên chiếc xe ba bánh thì chị không dằn được nên bật khóc. Rồi chị khuyên tôi nên dọn tới nhà chị ở. Trong khi tôi mua bán ngoài chợ, các con tôi ở nhà với các con chị, khỏi phải dầm mưa dãi nắng.
Nghe chị Xương đề nghị hợp lý, phần Duyên cũng đốc thúc nên tôi ngậm ngùi chia tay với căn chòi tình nghĩa, nơi, đã cưu mang mẹ con tôi trong những ngày cùng khổ nhất.
Chị Xương đùm bọc mẹ con tôi giống như lá rách đùm lá nát vì hoàn cảnh chị có hơn gì tôi đâu? Anh Xương đi TÙ CẢI TẠO, ở nhà bốn mẹ con chị phải cạy từng lớp gạch bông, từng lớp gạch bếp ra đổi gạo. Sau khi không còn gì để bán thì thằng con trai út phải ra ngoài chạy xe đạp ôm. Chị Xương tập tành đi buôn – Chị bó từng cục thịt trong người đi buôn lậu từ chỗ này tới chỗ kia.
Trong mỗi mảnh đời của những người đàn bà có chồng bị TÙ CẢI TẠO không có mảnh đời nào sướng hơn mảnh đời nào, không có mảnh đời nào “Nhục” hơn mảnh đời nào. Bởi vì cuộc đời những người đàn bà như chúng tôi bây giờ nếu không là mưa nắng thì là gió táp vập vùi. Cho nên người đàn bà dang thân ra đứng bán chợ trời thì gặp trăm ngàn cay đắng do bạn hàng o ép có khác gì người đàn bà dãi dầu đi buôn từng bịch gạo, ký thịt cũng đắng cay bởi những tên lơ xe, tài xế, đứng bến tiểu nhân đắc ý quyền hành.
Thời gian này chiến tranh cơm gạo mới tồi tàn làm sao. Đó chính là sự đổi thay rộng lớn của cuộc đời và con người. Đó chính là sự đổi thay tàn nhẫn, ghê gớm đến cái độ tan biến, đảo lộn hoàn toàn nề nếp cũ khiến người đàn bà khác hẳn – sẵn sàng xù lông giương móng dành nhau từng ký bo bo, từng ký mì sợi, từng lít nước muối pha màu để giữ chặt phần ăn cho con mình.
Tôi sống như thế cho đến một ngày, cuộc trùng phùng với vợ chồng người nhân viên cũ như một cơn mơ làm thay đổi cuộc đời của tôi. Xin được kể lại một chút về sự liên hệ ân tình này:
… Năm đó chú Sáng là tài xế lái xe cho chồng tôi. Như thường lệ, mỗi sáng chú lái chiếc Scout đậu trước nhà chờ. Xe lúc nào cũng nổ máy, nhưng hôm đó chú loay hoay lau xe nên không thấy một đứa bé trai ba tuổi, con của Thiếu tá Nguyễn Thanh Tòng trưởng ty Cảnh sát đang lon ton theo người nhà đi mua điểm tâm. Đang đi như vậy, bỗng thằng bé chun vô ngồi trong gầm xe hồi nào không ai hay. Chồng tôi từ nhà bước ra, vô ý, mở cửa leo lên, xe vọt tới, có người la hoảng, nhưng đã trễ! Xe cứu cấp tới thì thằng bé đã chết. Chú Sáng bị câu lưu rồi được thả để chuẩn bị ra toà. Mặc dầu ông bà Trưởng ty hứa sẽ bãi nại, nhưng chú không yên tâm. Một buổi chiều chú ghé thăm, mặt mày có vẻ nôn nóng muốn bỏ trốn. Tôi thông cảm, lén chồng dắm dúi đưa chú ít tiền làm vốn để về quê nuôi vợ con. Từ đó chúng tôi bặt tin.
Sau năm 1975 vợ chồng chú Sáng xúc động khi nghe người ta kể lại những biến cố trong gia đình tôi nên vợ chồng chú quyết tâm tìm cho ra tung tích vợ con người chỉ huy cũ để giúp đở. Gặp nhau giữa chợ. Chúng tôi nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Sau đó vợ chồng chú ân cần đề nghị đón mẹ con tôi về sinh sống nơi quê vườn của chú. Trong lúc này, thôn dã là nơi trú ẩn an toàn hiền hoà nhất cho một người Vợ nuôi con đợi Chồng. Vả lại, cảnh dang thân dầm mình giữa chợ và cuộc sống không một tờ giấy tùy thân đã khiến tôi thấm mệt. Con tôi lại sắp đến tuổi đi học và tờ Hộ khẩu là tờ giấy bức thiết để con tôi vào trường. Lời đề nghị của vợ chồng chú Sáng ngay lúc này như cái phao trong tầm tay. Tôi muốn từ đây chấm dứt cuộc sống lưu lạc như mèo mẹ bơ vơ tha con mình đi cùng khắp.
Nghe tôi nhận lời, vợ chồng chú hối hả về quê dựng liền mái nhà rồi tức tốc trở xuống Cần Thơ đón mẹ con tôi. Ngày chia tay lại là một ngày toàn nước mắt. Gia đình Duyên, gia đình chị Xương và gia đình tôi bịn rịn không rời.
Chúng tôi về Vàm Cống, ở trong ngôi nhà tranh kín đáo, cất giữa đồng. Trong nhà chúng tôi có giường cây, bàn cây, ghế cây, tuy chỉ những loại gỗ tạp rẻ tiền nhưng tôi cảm thấy mình thật giàu có và bắt đầu học bài học biết ơn mọi thứ. 
     Tôi như sống trong một gia đình, tôi có người bao bọc, giúp đỡ mọi mặt. Những ngày tháng tù đầy phơi rốn cứ thế êm đềm qua. Tôi là người sống động, nên cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải nếm qua bao khốn khó tủi nhục gì, dù đang ở một nơi thiếu tiện nghi nhất – như vùng quê này, không điện, không nước máy, không TV, nhưng tôi lúc nào cũng tìm một cái gì vui để quên khốn khó, vẫn thêu dệt nhiều mộng đẹp, thí dụ mái chòi tranh tôi đang ở thi vị hoá là “lều thơ” và biến nó thành một nơi ở thơ mộng, là một nơi an toàn cho các con tôi có chỗ chạy nhảy nô đùa. Ở chung với ba mẹ con tôi còn có cháu Thủy con gái của vợ chồng chú Sáng. Cứ sáng sớm tôi lên chợ Long Xuyên bán buôn thì mấy chị em ở nhà với nhau. Chiều chiều tôi xách gạo, thức ăn về nấu, cả nhà xúm lại ăn với nhau thật vui rồi tụm lại nghe tôi đọc truyện trước khi đi ngủ. Thằng con trai lớn của tôi lúc đó biết mê Thủy Hử. Những cuốn truyện xưa còn sót lại thằng bé đọc đến thuộc lòng. Biết con thiếu cha là một thiệt thòi rất lớn, nên tôi phải làm tất cả, hết sức mình để bù đắp. Hôm nào có gánh hát, tôi và Thủy đạp hai xe chở hai con đi coi hát, sau những cơn vui nho nhỏ, đêm tối thức giấc vò võ nghe ếch nhái rền rã ồm ọp kêu than thãm thiết mới thấy nỗi hiu quạnh. Cái âm điệu đó ám ảnh tôi cho tới tận hôm nay, khi Tôi đã sống đoàn viên trên nước Mỹ – nhiều đêm ngủ tôi còn nghe văng vẳng đâu đây, giật mình hoảng hốt choàng dậy, lắng nghe… may quá, chỉ là tiếng gió! Tôi trồng một số cây ăn trái chung quanh nhà đang sơn sởn thì trận lụt kinh hồn năm 1978 nhận chìm nghĩm. May nhờ có hàng xóm trước đó đến làm cho mẹ con tôi cái sàn để kê đồ đạc cho khỏi ướt và làm chỗ cho mẹ con tôi và cháu Thủy ở. Cái sàn tuy áp sát mái nhà nhưng an toàn. Để đề phòng đêm khuya nguy hiểm, vợ chồng chú Sáng còn treo cái kẻng có gì thì tôi khua lên cho hàng xóm chạy tới. Mấy tháng nước nổi nhưng các con tôi không hề thiếu ăn, thiếm Sáng ngoài tiếp tế bánh trái, thiếm còn cho canh cho cá… Có lần thiếm cho ăn món canh chua Xiêm La, ngon tuyệt, nhớ suốt đời!
THĂM NUÔI
   Đời sống trôi qua một cách vật vã. Những ngày tháng tất tả chạy ngược chạy xuôi, thăm nuôi cha, thăm nuôi chồng, nuôi con và nuôi mình, khiến tôi tàn tạ không ngờ. Người vợ “Thục nữ yểu điệu” ngày nào giờ bơ phờ cằn cỗi. Nhà tôi cách phà Vàm Cống đúng hai cây số. Mỗi chuyến thăm nuôi chồng, tôi phải dậy lúc nửa đêm, hai mẹ con khiêng vác những bao bị giỏ xách khệ nệ đi bộ ra tới bến phà, đập cửa nhà ông thuyền câu, nhờ ông chở qua sông trước ba giờ sáng để kịp đón xe tài nhất từ Long Xuyên chạy xuống Cần Thơ.
Chúng tôi qua con sông bắc Vàm Cống bằng chiếc thuyền câu chèo tay mỏng manh. Bây giờ ngồi nhớ lại, không hiểu sao tôi có can đảm đưa con ngồi trên chiếc thuyền băng ngang dòng nước chảy xiết trên khoảng sông rộng mênh mông dập dềnh những con sóng cơ hồ nhiều lần nhận chiếc thuyền xuống nước trong đêm tối chập chờn như thế?
    Có lần tôi kể cảnh tám năm thăm nuôi trong bài Khóc Lặng Thinh là tám năm tôi và đứa con trai đầu lòng vừa bốn tuổi có rất nhiều kỷ niệm tủi cực trong những chuyến thăm nuôi chồng tôi ở trong TÙ CẢI TẠO… Trong những lần đó, mẹ con chúng tôi nhiều đêm phải ngủ ngoài lề đường, hoặc là ngồi bó gối suốt đêm ngoài bến xe, ngủ lăn lóc ngoài bến tàu, ngủ bờ, ngủ bụi… thậm chí tôi cũng thường xuyên tòn ten đeo cửa xe đò trên quảng đường đầy ổ gà dài vài chục cây số. Có một lần xe đò bể bánh, lật nhào, lăn nhiều vòng, tôi ôm chặt lấy con tôi mà tưởng hai mẹ con cùng chết. Khi chiếc xe nặng nề nằm im thôi không lăn nữa và biết mình còn sống, hai mẹ con lóp ngóp run rẩy chen chúc bò ra, tôi vội vàng rờ rẫm khắp cùng mình mẩy Con để chắc coi con mình có bị gì không, miệng năn nỉ hỏi coi con đau chỗ nào. Biết con không sao, tôi yên tâm rồi thảng thốt đi như người mộng du bươi tìm trong đống ngổn ngang lôi ra bao thức ăn thăm nuôi bẹp rúm rồi kéo lê kéo lết lên bờ đường. Tai nạn tuy không có người chết nhưng chung quanh tôi mọi người kêu réo lao xao. Lúc này tôi mới cảm thấy thân thể tôi rã rời, vừa ôm dỗ đứa con bé bỏng xanh xao nằm thiêm thiếp mệt nhọc trên ngực mà tôi tê tái, buồn đến quặn thắt đau xót ruột gan. Tôi lặng lẽ ôm con mà khóc.
   Trại Tù Kinh Năm tại xả Hoả Lựu tỉnh Chương Thiện là một tập đoàn ăn hối lộ trắng trợn. Tù muốn đi phép về thăm vợ? Tù muốn đi công tác ngoài tỉnh? Tù muốn vượt biên? Những điều kiện này Tù cứ việc đóng vàng cho cán bộ phụ trách theo quy định giá cả hẳn hòi. Kể cả việc Vợ Tù muốn ngủ đêm với Chồng. Kế bên nhà trại dựng sẳn nhà một cán bộ, vợ Tù cứ mang “Bao Thư” hay “Giỏ Quà” đến đó thì sẽ toại ý muốn ngủ lại với chồng hai ba đêm gì cũng được!
Năm đó, chồng Tôi bị thổ huyết, mỗi lần ho, máu ộc từng ngụm nhiều lần tưởng chết nhưng vẫn phải bắt buộc lao động nặng. Tôi lo lắng, lần đi thăm nuôi, tên Công An quản giáo lân la gợi ý bắt mối cho biết muốn chồng tôi được lao động nhẹ thì nên “lo lót” cho vợ Hai Râu trưởng Trại Tù. Thế là tôi chạy sất bất sang bang, nhà nào tôi cũng gõ cửa, cuối cùng gom được hai lượng vàng. Duyên bạn tôi e ngại vợ trưởng trại chê ít, nên chu đáo cho thêm 200 con cá giống Chép và Trắm Cỏ rồi kêu xe chở tôi cùng hai bịch cá khổng lồ vô nhà vợ ông ta đang sống tại Phụng Hiệp.
    Tôi loay hoay thật lâu bên lề đường trước khi may mắn được mấy người chăn trâu phụ khiêng hai bọc cá khổng lồ đầy nước với Oxy vô nhà vợ Hai Râu. Mặc dù nắng trên đầu như đổ lửa nhưng tôi không thấy mệt chút nào. Tôi mang niềm hy vọng đi lấp xấp quẹo vô ngõ, bỗng đụng mặt một người đàn bà vẻ khinh khỉnh đứng đó. Tôi chưa kịp chào, bà hất mặt “Bưng gì đó?” Tôi khựng lại, cảm thấy nhục, nhưng cố dằn cái bất bình xuống, mềm mỏng “Tôi có ít Cá giống tốt tặng chị, mong chị thơm thảo nhận dùm”. Con mụ vợ trưởng trại tù Kinh 5 nói giọng kiểu tiểu nhân đắc ý “Chèn ơi ! mấy con vợ Tá, vợ Úy của tụi Ngụy tặng tui xe Honda, tủ lạnh lủ khủ tui còn hông thèm, chị cho chi mấy con cá này !” Tôi tức uất lên, nếu không thể chửi mụ vài câu thì cũng bỏ bịch cá đang lội lờ đờ dưới chân đi thẳng… Nhưng nhớ đến thân hình gầy guộc của chồng, nhớ đến cơn bịnh không biết cướp mạng chồng mình lúc nào nên tôi dằn cơn giận xuống, tay như run nhẹ trong túi áo khi móc gói hai lượng vàng ra đưa mụ. Tôi nói “Lần đầu tặng Chị làm quen, mai mốt Chị muốn gì tôi đem vô… thêm” Con vợ thằng trưởng trại lấy gói vàng lật ra chăm chú xem rồi nhét vô túi, miệng cười hệch ra. Nhưng lúc đó mụ cũng vừa liếc thấy chiếc vòng cẩm thạch của tôi đeo dấu trong tay áo bà ba, mụ liền nắm tay tôi kéo vô nhà vừa cười mơn vừa vén tay áo của tôi để săm soi chiếc vòng, miệng nói ngọt sớt “Chèn ơi! chị em không mà, chiếc vòng xanh dữ hén, chắc màu lý. À chồng chị tên gì, cấp bậc gì, trại TÙ CẢI TẠO mấy, nói tui giúp liền…” Câu giúp liền của mụ là tôi biết tỏng mụ rồi, nhưng tôi biết làm gì hơn đành phải bấm bụng kêu mụ lấy nước với cục xà bông, mụ mừng lắm, hối mấy đứa con lè lẹ. Nước xà bông đem tới, mụ sà bên tôi vừa bóp vừa thoa vừa cật lực kéo chiếc vòng Cẩm Thạch cho tuột ra. Tôi đau điếng, chịu đựng, ngồi kể lể tình cảnh của chồng mình. Lột được Chiếc Vòng Cẩm Thạch, tôi thấy hai con mắt mụ sáng rực, không biết mụ có nhớ tôi nhờ gì không ? Sợ mụ quên, tôi nhắc tên và cấp bậc, phòng, Trại Tù Cải tạo của Chồng Tôi lần nữa rồi lủi thủi ra về với bàn tay sưng đỏ.
Sau đó chồng tôi được điều vào tổ khác: Đôi ngày ngồi cưa củi, lột vỏ tràm. Vài ngày chuyển qua dầm mình dưới sông để vớt rong, lục bình về cho tổ rẩy. Công việc này tuy chưa phải là lao động nhẹ, nhưng dù sao cũng đỡ hơn đi đào đất, móc gốc cây rất nhiều.
Những đợt kiểm kê tịch thu thuốc men, quần áo, vải vóc đã cạn kiệt. Bây giờ một viên ABC sổ mũi nhức đầu không có mà uống nên các loại Trụ Sinh chỉ mua bán lén lút chợ đen. Hôm đó đi thăm nuôi về, Duyên bạn tôi giới thiệu có lô thuốc Trụ Sinh trị cầm máu. Tôi suy nghĩ một chút hứa sẽ trở lại lấy rồi dắt tay đứa con kêu xe kéo đến bịnh viện để bán máu. Y tá rút tôi một ống máu, thấy mình còn khoẻ, tôi năn nỉ họ rút thêm ống nữa. Có lẽ thấy tôi tội nghiệp cho nên rút máu xong, họ tặng thêm cho cái bánh ú. Ra đến cổng tôi thấy hơi chóng mặt, nên ngồi xuống lề đường, hai mẹ con lột cái bánh ra ăn, kêu thêm ly trà đá. Vừa uống hết ly trà, con tôi khều tay chỉ “Họ múc nước này trong cầu tiêu kìa mẹ” Tôi quay lại thấy mấy người xách xâu đựng ly trên tay, vừa múc nước trong hồ dội cầu để pha trà. Nhưng không hiểu sao, Tôi cảm thấy ăn cái bánh này, uống ly nước này thật ngon nhất trong đời, y như ông hoàng tử được ăn “Cháo bắp, mắm hến” của ông nhà văn nào đó viết.
ĐOÀN VIÊN
Sau bảy năm bốn tháng, chồng tôi được thả ve. Cảnh vợ chồng, cha con đoàn viên không sao tả xiết hết nỗi vui mừng hạnh phúc. Xóm giềng tôi dù nghèo nhưng nhà này nhà kia đem gà đem vịt tới ăn mừng. Ai cũng chúc phúc từ giờ vợ chồng tôi khổ tận cam lai. Vui được mấy ngày, chúng tôi bắt buộc phải về nguyên quán Mỹ Tho theo quy định nhà Nước Việt Cộng. Mới chân ướt chân ráo lại lâm vào cảnh không nhà. Người em bà con cám cảnh, kêu cho cái vũng sình trồng rau muống khuất trong hẻm gần chợ Cũ. Thế là con cháu, chị em xúm lại đổ đất đấp nền nên chẳng mấy chốc chúng tôi có được một nơi chốn kín đáo, ấm cúng, sạch sẽ mát mắt lạ thường.
   Sau khi giải quyết được cái ở, chúng tôi bắt đầu lo tới cái ăn. Với bản tánh nhạy bén, tôi thấy chỗ của mình có lợi thế về mua bán quà bánh thức ăn, nên bày ra bán cháo huyết. Thế là chồng tôi hộc tốc về quê mượn bàn ghế nồi niêu tô chén để gian hàng cháo của tôi kịp khai trương ngay đầu hẻm.
Bán cháo có ngày đắt ngày ế. Ế thì cả nhà húp cháo thay cơm, nhưng ế hoài thì mất vốn. Thấy tôi bán cháo cứ bị ế nên chồng tôi lén vợ đi bán kem. Mấy ngày đầu tưởng anh về quê phụ làm ruộng, nhưng một ngày anh bê nguyên thùng kem… vô đãi mẹ con ăn vì… ế, thì tôi thật ngỡ ngàng. Cứ hình dung mặt mày anh bơ phờ, dáng vóc còm cõi vừa rung cái chuông leng keng, vừa đạp khắp làng cuối xóm để bán mà ứa nước mắt.
      Chúng tôi phải vật lộn với gian khổ từng ngày như thế hơn mười năm sau….
Khi cuộc sống đã yên lành no ấm trên một đất nước tự do, có Nhân Quyền của miền Đất Mới là Quê Hương Thứ Hai, tôi thấy một cuộc đổi đời nào cũng là một cuộc đổi thay to lớn cho một đời người.
   Vì thế, tôi càng thấm thía về cái được cái mất, về giá trị của sự sinh tồn.
Nhất là giá trị một quãng đời sống, phải trong sự rún ép, cay độc, nhục nhã, bị phân biệt đối xử của chế độ Cộng Sản Việt Nam mà nếu viết hết thì chỉ vài trăm trang giấy không làm sao nói hết, ngày xưa sống trong ác mộng …
Thụy Vi
23–2–2019
(nguoivietboston)

No comments:

Post a Comment