Văn hóa là cội rễ. Giáo dục là dưỡng chất. Quốc gia nào cũng cần hai yếu tố tối quan trọng này để phát triển. Việt Nam không là ngoại lệ.
Nền giáo dục của Việt Nam hiện nay đang bị chỉ trích mạnh mẽ và lên án dữ dội chưa từng thấy.
Trước 1975, bậc tiểu học và cả trung học hầu như chỉ có bộ sách giáo khoa cũ. Nó được "truyền lại" cho đàn em. Đặc biệt, những gia đình nghèo càng coi trọng "của gia truyền" này, bởi lý do đơn giản: Tiết kiệm. Đứa học trò nhà nào nghèo quá, có quyền mượn ở thư viện trường. Nhưng làm dơ, rách thì phải đền.
Đồng phục?
Nhà trường chỉ bán "phù hiệu", mua mấy cái cũng được, về tự may vào áo, phía bên trái ngực trên. Quần áo thì phụ huynh tự lo cho con em mình, với duy nhất yêu cầu (hầu hết là) "áo trắng, quần xanh đen". Đứa học trò nào nghèo quá, được quyền "thừa hưởng" quần áo cũ của "tiền bối" với duy nhất một yêu cầu: thay phù hiệu. Nếu học đúng trường mà anh chị từng học, khỏi thay, cứ y như vậy, bận đi học.
Thế hệ chúng tôi không được dạy những cái gọi là "cải cách". Không biết cách đánh vần "cờ lờ mờ vờ" hay "vờ tờ vờ" v.v... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đọc thông viết thạo. Môn Văn Chương, "điểm tám" trở thành tuyệt đối. Hy hữu lắm mới có đứa đạt "điểm chín", lúc đó phải nói, bài văn vô cùng độc đáo.
Chúng tôi cũng không phải "học thêm, học bớt". Hồi xưa chỉ có "học phụ đạo" - lớp học cho những đứa học trò nào vì bận phụ giúp gia đình hay học yếu quá, theo không kịp bạn bè. Thầy - Cô thấy thương, tự mở lớp giúp tụi nó. Không tốn tiền bạc gì hết.
Tiếng Việt vốn "đơn âm", nên chúng tôi không được dạy "tách tiếng" với những "tròn tròn vuông vuông tam giác". Tiếng Anh vì là "đa âm", nên Thầy - Cô nào cũng dạy "phải ráng nối âm (linking sound) nha em". Ví dụ "the voice of freedom" phải nối âm "c" vào âm "of" hoặc giả, không được phép đọc "bờ-ra-xin" để chỉ nước Ba Tây. Thầy - Cô dạy tiếng Anh (hay tiếng Pháp) không bao giờ mắng học trò bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh là "con vật này hay con thú kia". Thầy - Cô dạy các môn khác cũng như vậy.
Thời đó, tú tài đôi là "ngon" lắm rồi!
Chúng tôi được dạy mọi điều theo cách giản dị, dễ hiểu mà nhớ lâu. Ví dụ, hai chữ "trách nhiệm", thầy cô nào cũng giảng nghĩa thật đơn giản mà thấm thía đến kỳ lạ thông qua "hình tròn". Cô giáo vẽ lên bảng một hình tròn và nói nếu chỉ "khuyết một tí xíu" cũng là "không tròn trách nhiệm". Chúng tôi không được dạy "thiếu trách nhiệm". Biết thế nào là "thiếu với đủ"?! Trách nhiệm mà!
Ngoài xe cộ "chạy đầy đường", trước 1975, Sài Gòn vô cùng hiếm thấy các loại "giáo sư - tiến sĩ".
Mặc dù thời xưa ở miền Nam Việt Nam, ai cũng biết là đa đảng, nhưng nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa không đào tạo "giáo sư - tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng".
Chính khách thời bấy giờ cạnh tranh gay gắt không thua gì các nước dân chủ bây giờ. Nền chính trị lúc đó, quả xác đáng gọi là "chính trường" như người miền Nam cũng thường gọi: thương trường, vận động trường, kịch trường, phim trường v.v... - nơi phải diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt của những tài năng trên các lãnh vực - biểu hiện của tự do đích thực.
Thế hệ những "thằng con nít" như chúng tôi được dạy như ông Trần Văn Huỳnh dạy con trai mình:
"...Có một lần, Thức bỏ nhà đi bụi suốt mấy tháng hè hồi lớp tám. Chính nhờ lời cha dạy, phải học để làm người có ích đã kéo Thức ra khỏi những tháng ngày hư hỏng, trở lại mái trường với một quyết tâm học cho giỏi để gia đình không phải lo lắng vì mình. Ba Thức nói rằng ông cũng không dạy anh yêu nước. Ông chỉ hướng cho con mình sống có nhân cách và có ích, đừng vì mình mà làm tổn thương người khác, thì tự nhiên trẻ con lớn lên sẽ sống có trách nhiệm với mình và đất nước...".
Trần Huỳnh Duy Thức đã ngưng tuyệt thực - một tin vui mà tôi chưa bao giờ thấy dư luận mừng như vậy. Có nên gọi bằng hai chữ "hiện tượng"?
Tôi mãi mãi biết ơn nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.
18.09.2018
No comments:
Post a Comment