Sunday, September 23, 2018

Sài Gòn: Miền đất hứa





















Trong lịch sử cận đại, Việt Nam có hai biến cố quan trọng: Cuộc di cư của hàng triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954 và cuộc xâm chiếm miền Nam của CS miền Bắc ngày 30-4-1975, khiến hàng triệu người miền Nam vượt thoát tìm tự do.
Một thảm cảnh kéo dài nhiều thập niên.

Cả hai biến cố đều kết thúc bằng một Hiệp Định dưới danh nghĩa “Đình chiến đem lại hoà bình”, nhưng thực tế, đã khởi đầu một cuộc chiến mới thảm khốc hơn, mà hậu quả mang lại chết chóc và chia rẽ trầm trọng cho một dân tộc. 
  Mặc dù dưới hình thức “Nam tiến”, nhưng cả hai hành động có bản chất khác biệt. Khởi đầu bằng chiêu bài “Bài Phong - Đả Thực” để thực hiện cuộc “Đấu tranh giai cấp” đẫm máu, kết thúc bằng Hiệp Định Genève, nhưng hậu quả đã đưa người dân Việt tới hận thù, khiến hàng triệu người phải bỏ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. 

Lần thứ hai với Hiệp Định Paris ký kết năm 1973, chấm dứt một cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài hàng thập kỷ. Cộng sản miền Bắc với chiêu bài “Giải Phóng Dân Tộc” cứu người miền Nam thoát khỏi ách Đế quốc đô hộ, nhưng thực chất chỉ là một cuộc xâm lăng, cướp đoạt tài sản miền Nam, khiến hàng triệu người Việt, bất kể hiểm nguy đua nhau ra biển để tránh họa cộng sản.

Tuy hai biến cố cách xa nhau 20 năm, từ 1954 đến 1975, với hành trình vượt thoát gian truân khác nhau, nhưng có cùng một mục đích: thoát khỏi chế độ cộng sản tàn bạo nhất của lịch sử nhân loại, một tội ác mà cộng sản Việt Nam đã góp phần nâng số nạn nhân bị thảm sát trên thế giới lên tới 100 triệu người.
*
Về Hiệp Định đình chiến Genève ký ngày 20-7-1954 có những điều khoản như: 

- Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết.

- Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Quân đội Nhân dân Việt Nam (CS miền Bắc) tập trung về phía bắc; Quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả Quân đội Quốc gia Việt Nam) tập trung về phía Nam.

Hiệp Định Genève không có điều khoản nào quy định về thời điểm cũng như cách thức tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc. Vấn đề Thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam chỉ được đưa ra trong “Bản tuyên bố cuối cùng” qua lời phát biểu mà không có chữ ký của các thành phần tham dự, cũng như chỉ định nước nào chịu trách nhiệm về tổ chức cuộc bầu cử này. Đoạn 7 của “Bản tuyên bố cuối cùng” ngày 21-7-1954 nhấn mạnh:

“Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956.” 

Đoạn 8 của Bản tuyên bố cuối cùng có ghi: 

“Những điều khoản trong Hiệp Định đình chiến nhằm bảo đảm sự an toàn cho người dân và tài sản phải được tuân thủ một cách nghiêm túc và phải cho phép mỗi người dân Việt Nam được quyền tự do quyết định nơi họ sinh sống.”

Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bác bỏ cuộc tổng tuyển cử dự trù vào tháng 7-1956 như trong bản tuyên bố cuối cùng của Hiệp Định Genève, với lý do miền Bắc dưới chế độ cộng sản vốn không có tự do nên không thể có tự do trong bầu cử. 
Với ý định chiếm đoạt miền Nam theo lệnh của QTCS, Hồ Chí Minh đã tiến hành một cuộc chiến mới, thay vì kiến thiết xứ sở sau thời gian dài chiến tranh. Điều này được nhà văn Tô Hoài ghi lại về sinh hoạt của Hà Nội vào ngày tiếp thu năm 1954, trong chương II của tác phẩm hồi ký “Cát bụi chân ai”, viết vào năm 1990: 

“…Các thành phố bất chợt đổi khác. Nhà máy làm diêm, nhà máy làm gạch thời Pháp đã biến thành trại lính, tanh bành như bãi hoang…” 
*
Trở lại chuyện cũ...

Sau khi Pháp thất bại tại trận Điện Biên Phủ, Hiệp Định Genève được ký kết ngày 20-7-1954 giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (CS miền Bắc) và Pháp, chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17, sông Bến Hải trở thành lằn ranh chia cắt hai quốc gia theo chủ nghĩa: Tự Do và Cộng Sản. 

Ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính tiếp thu Thành phố Hà Nội. Vào tháng 1 năm 1955, tỉnh Hải Dương đã nằm trong tay cộng sản miền Bắc. 

Về thời gian di cư, theo “Điều 11 của Hiệp Định đình chiến Genève quy định, sự chấm dứt tình trạng chiến tranh sẽ cùng một lúc trên khắp các phần của Việt Nam. Việc rút quân và chuyển giao sẽ có hiệu lực theo yêu cầu và trong phạm vi thời hạn như sau:

- Hà Nội có 80 ngày.

- Hải Dương có 100 ngày

- Hải Phòng có 300 ngày.

Theo điều kiện của Hiệp Định, cuộc di cư vào miền Nam hay từ Nam ra Bắc sẽ chấm dứt vào ngày 19-5-1955, nhưng vì số người di cư quá đông nên gia hạn tới ngày 19-8-1955.

Thời gian chấm dứt cuộc di cư vào miền Nam đã gần kề. Thân nhân họ hàng ở quê lên cho hay, tình trạng đời sống ngày một khó khăn, sự di chuyển bị kiểm soát gắt gao. Ông chú tôi cho biết tình trạng đời sống tại Hải Hậu ngày một bất ổn. Ông nói với bố mẹ tôi:

- “ Anh chị nên cho các cháu vào Nam vì tương lai của chúng.”

Bố tôi hỏi ông:

- “Chú có đi không?

- “Chú tính ở lại vì tuổi đã già yếu.” 

Tôi hiểu ý ông. Năm nay ông ngoài 70, bà đã mất từ lâu, nhất là không có con cháu.

Ông nhìn cha tôi, nói:

- “Anh ở lại có nhiều bất lợi vì đã từng làm việc cho chính quyền trước đây, chế độ mới chắc không để yên.”

Lúc này tôi mới hiểu lý do ông lên thăm gia đình tôi. Ông coi cha tôi như con, vì khi còn nhỏ cha tôi rời quê lên tỉnh, ở nhà ông bà đi học. Trước ngày tiếp thu, thị xã Hải Dương chia làm hai khu hành chính, cha tôi làm Trưởng khu Khu 2, là đối tượng hận thù giai cấp của chế độ mới vì đã phục vụ cho chính quyền Quốc gia. 

Tôi chợt nhớ tới hình ảnh buổi họp của người dân khu phố sau ngày tiếp thu. Khi mọi người yên vị, một người đàn ông tuổi trung niên khá quen mặt, làm công nhân cho ngôi chợ lớn sau phố “Kho bạc” nơi tôi ở, quần áo không mấy gọn gàng, tay xách chiếc ấm nước bằng nhôm đen thui vì đun bằng củi, tới rót nước trà vào ly đặt trước mặt mỗi người tới họp. Mọi người chờ đợi vị Chủ tịch tới bắt đầu buổi họp. Khi một thanh niên đứng lên giới thiệu vị Chủ tịch ra nói chuyện, chúng tôi ngạc nhiên thấy vị Chủ tịch là người vừa rót nước trà, sau khi vuốt thẳng phần gấu xắn móng lợn của chiếc quần kaki đã cũ, đứng trước mặt chúng tôi cho hay về lý do buổi họp. Điều này chứng tỏ chế độ mới biết rõ hoạt động của những người trong tỉnh.

Thấy cha tôi im lặng như mải suy nghĩ, ông chú tôi nhấn mạnh:

- “ Chú nghĩ anh chị nên đưa các cháu đi, càng sớm càng tốt…”

Về phần gia đình tôi, mẹ tôi nấn ná ở lại Hải Dương để chờ quyết định của ông ngoại tôi, cũng như đợi tin của người em trai út mà mẹ tôi yêu thương nhất, để cùng vào miền Nam. Ông ngoại tôi thất vọng khi nhận được tờ “Tổ quốc ghi công” của chính quyền VN Dân Chủ Công Hòa, mới hay cậu út đã từ trần tại Trại ngọc, Ninh Bình từ năm 1953. Vì vậy, ông ngoại tôi không muốn di cư vào Nam và cùng với gia đình bà thứ hai ở lại tỉnh Hải Dương.

Vì vậy, bố mẹ tôi quyết định vào Nam sau khi ông ngoại tôi cho hay sẽ ở lại.

Để tránh tai mắt của địa phương, gia đình tôi đi làm hai đợt, mẹ tôi và em gái tôi xuống Hải Phòng ở nhà anh chị tôi, số 18 đường Cát Dài, trên đường đi Đồ Sơn. Trước khi mẹ và em tôi đi, tôi nghe cha tôi nói:

- “…Tôi và con tìm cách đi sau, nếu con bị bắt, tôi sẽ ở lại với nó.” 

Lúc này tôi vừa 17 tuổi, lứa tuổi mà chế độ mới kiểm soát gắt gao, một thành phần cần thiết để bổ sung nhân sự thiếu hụt sau trận chiến, nên đi lại rất khó khăn, mọi sự di chuyển phải khai báo với chính quyền địa phương. Để thực hiện cuộc vượt thoát, cha tôi mang đơn tới Ủy ban Quân Chính tỉnh.

Khi xem đơn, cán bộ trong Ủy ban Quân Chính tỉnh hỏi:

- “Nước nhà đã độc lập tại sao anh xin đi Nam?”

Cha tôi trả lời:

-“ Trong đơn tôi ghi “đi Nam” có ý đi Nam Định, vì Nam Định là quê tôi.”

Được cấp giấy phép đi đường, chúng tôi sửa soạn cho chuyến đi. Hành trang chỉ gồm vài bộ quần áo để thay đổi. Vật dụng, đồ đạc trong nhà để nguyên như cũ, không dám gọi cho ai. Tất cả phải để lại, chỉ khóa cửa ngoài làm ra vẻ như về quê chơi. Tôi không dám từ giã người bạn học thân ở bên kia đường, đối diện với nhà tôi.

Theo dự trù, cha con tôi lấy vé tầu hỏa đi Hà Nội, ở lại nhà quen tại khu Khâm Thiên vài ngày, sau đó mua vé tầu đi Hải Phòng. Sở dĩ cha tôi chọn khu Khâm Thiên, vì chủ nhà là phu nhân của bạn cha tôi, nguyên là cô đầu hát khá nổi tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ, tôi đã gặp mặt vào dịp ông bà lên thăm gia đình tôi trước ngày Hà Nội bị tiếp thu. Mặc dù Khâm Thiên không còn hoạt động, nhưng cảnh người ra kẻ vào vẫn còn. 

Đoạn đường Hà Nội - Hải Dương không gặp trở ngại, vì hai tỉnh đã thuộc quyền kiểm soát của chính quyền miền Bắc. Để đề phòng bất trắc, cha con tôi vào toa chở hàng, đa phần là người dân quê buôn bán, quang gánh ngổn ngang giữa lối đi. Trong toa đông nghẹt người. Để tránh sự để ý của công an cộng sản khi kiểm soát, tôi bế một bé trai 6,7 tuổi ngồi trên lòng, như một thành viên của gia đình. Mỗi khi đến ga nhỏ, từng đám công an lên tầu kiểm soát, tôi thấy cha tôi vội xuống sân ga cho đến khi tầu chuyển bánh mới thấy ông lên tầu và nhìn về phía tôi để biết tôi an toàn. Về phần tôi, nhiều lần công an đứng trước nhìn mặt mọi người, tôi thu người thấp xuống và bế đứa nhỏ cao hơn, cúi mặt sát đầu nó như âu yếm chú em trai. Tôi thở phào khi thấy đám công an xuống tầu. 

Khoảng đường từ tỉnh Hải Dương tới Hải Phòng việc kiểm soát gắt gao hơn. Không những tầu ngừng ở ga nhỏ mà còn ngừng nhiều lần tại nơi không phải nhà ga để công an kiểm soát. Lúc này cha tôi bận rộn hơn, phải di chuyển từ toa này đến toa khác. Khi tới ga Phạm Xá, trạm cuối cùng trước khi vào địa phận Hải Phòng, việc khám xét kỹ càng hơn. Trước mắt tôi, hai trạm gác đối diện cách nhau vài chục thước nằm bên trái đường lộ, thể hiện lằn ranh Quốc - Cộng với phong cách khác biệt.

   


















Tầu vào ga Hải Phòng, cha con tôi thoát nạn. Tôi cám ơn bà mẹ và xoa đầu cậu bé đã giúp tôi qua khỏi khó khăn dọc đường. Tôi gặp lại mẹ và anh chị em tôi để cùng vào miền Nam. 

Tháng 3-1955 chúng tôi xuống tầu “há mồm” (Landing ship, Tank - viết tắt: LST) và được chuyển tới tầu Marine Addler. Sau 3 ngày đêm, chúng tôi tới bến cảng Sài Gòn.

*

Sài Gòn đang ở trước mắt tôi…

Về nguồn gốc của danh từ “Sài Gòn” vẫn còn là một điều bí ẩn, mặc dù đã có nhiều nhà nghiên cứu cả Đông và Tây Phương tìm hiểu cội nguồn: 

-Theo ông Huỳnh Tịnh Của, tên Sài Gòn có nghĩa: “Sài” là củi, “Gòn” là cây bông gòn. Nhưng học giả Trương Vĩnh Ký nhận định, chữ Sài Gòn được phiên âm từ chữ “Prei Nokor” của người Khmer. “Prei” có nghĩa là “rừng”, còn “Nokor” là “thị trấn”, có nghĩa “Thị trấn trong rừng”. Sau thời gian, từ “Prei” được phát âm thành “Sài” và “Nokor” thành “Gòn”.

-Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 có ghi: “vào năm 1674, Thống Suất Nguyễn Dương Lâm theo lệnh Chúa Nguyễn mang quân đánh Cao Miên và phá vỡ Lũy Sài Gòn”…Tên Sài Gòn được nhắc tới từ đó…

- Theo Louis Malleret, nhà nghiên cứu người Pháp, dựa vào những dữ kiện do Trịnh Hoài Đức ghi lại, khi Campuchia bị phân thành hai, cả hai nước này đều nạp cống phẩm cho Chúa Nguyễn ở Prei Nokor, nên cho rằng Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng “Tai-ngon”, có nghĩa là “Cống phẩm từ phía Tây”… 

Trở về với vùng đất mang tên “Sài Gòn”. Sau khi chiếm được “Thành Gia Định” vào năm 1859, người Pháp đã xây dựng Sài Gòn thành một đô thị hầu cạnh tranh với Singapore và HongKong của Anh quốc. Đồ án xây dựng được Phó Đô đốc Page cử Trung tá công binh Paul Florent Lucien Coffyn (1810-1871) thực hiện.

Thành phố Sài Gòn, (thường viết không có dấu: Saigon) được thiết kế theo mô hình Âu châu với dinh thự và văn phòng của các cơ quan. Vào năm 1861, địa phận thành phố Sài Gòn được giới hạn bởi một bên là rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé và một bên là sông Sài Gòn. Đến năm 1867, Sài Gòn được giao cho Ủy ban thành phố gồm 1 ủy viên và 12 hội viên, đứng đầu là Thị trưởng Charles Marie Louis Turc (1867-1871). Ngày 15-3-1874, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn.

Thành phố Sài Gòn trở thành trung tâm hành chánh, kinh tế, văn hóa và giáo dục của Liên bang Đông Dương, được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrême Orient), là nơi những thương nhân các quốc gia như Ấn Độ, Trung Hoa, Âu, Mỹ… ghé qua. 

Một số công trình kiến trúc mang nét Âu châu xây dựng tại Sài Gòn còn lại cho đến ngày nay, với dấu ấn khó quên của người miền Nam hay những du khách ghé thăm Sài Gòn, phải kể tới:

- Chợ Bến Thành: Vốn nằm bên kênh Bến Nghé trước khi Pháp chiếm thành Gia Định. Năm 1887, người Pháp lấp kênh, nhập hai con đường thành đại lộ Charner và đường xe điện. Năm 1911, chợ Bến Thành được rời về gần ga xe lửa như hiện nay.(1)






















Nhà thờ Đức Bà: Tên chính thức là “Vương Cung Thánh Đường”, lúc đầu xây dựng bằng gỗ vào ngày 28-3-1863, khánh thành ngày 28-3-1865. Năm 1876, nhà thờ mới được khởi công, khánh thành năm 1880 với tên nhà thờ Nhà Nước. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai gác chuông. Sau Đại hội Thánh Mẫu ngày 17-2-1959, Nhà thờ có tên gọi mới là “Nhà Thờ Đức Bà.”

- Dinh Độc Lập: Xây dựng năm 1868, hoàn thành năm 1871, lấy tên dinh Norodom theo thiết kế của Kiến trúc sư Achille-Antoine Hermitte. Đại lộ trước dinh cũng gọi là đại lộ Norodom, chữ Norodom lấy theo tên của Quốc Vương Campuchia là Norodom (1834-1904). Từ 1871 đến 1887, dinh được dành cho Thống Đốc Nam Kỳ nên gọi là dinh Thống Đốc. Từ năm 1887 đến 1945, nơi ở và làm việc của các Toàn Quyền nên gọi là dinh Toàn Quyền. Ngày 7-9-1954 trở thành dinh Độc Lập, nơi ở và làm việc của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 27-2-1962, dinh bị ném bom hư hại, được sửa theo thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (1926-2000 - người đoạt giải Khôi nguyên La Mã về kiến trúc).

- Nhà Hát thành phố: Khởi công năm 1898, khánh thành ngày 1-1-1900. Năm 1955, trở thành trụ sở Quốc Hội của Việt Nam Cộng Hòa.

- Tòa Đô Chính: Khởi công năm 1898, khánh thành năm 1909. Lúc đầu mang tên Hotel De Ville, còn gọi là Dinh Xã Tây. Thời VNCH đổi thành Tòa Đô Chính Sài Gòn.

- Sở Giây Thép: Được thành lập ngày 11-11-1860. Sau đó trở thành Bưu Điện Sài Gòn.

- Continental Hotel: Khởi công năm 1878, hoàn thành năm 1880. Sau năm 1960 được gọi là Đại Lục lữ quán, nhưng người dân Sài Gòn vẫn thường gọi là Khách sạn Continental.

- Khách sạn Majestic Sài Gòn do Hui Bon Hoa (chú Hỏa) sở hữu, khởi công xây dựng năm 1925. Sau năm 1960 có tên là Khách sạn Hoàn Mỹ, nhưng người Sài Gòn vẫn dùng tên Majestic.

- Thương Xá Tax: Xây dựng từ năm 1880, là một trung tâm thương mại tọa lạc tại góc đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) và đại lộ Bonard (Lê Lợi). Năm 1914 công ty “Societe Colonial des Grands Magasins” mở “Grands Magasins Charner de Saigon” (viết tắt SGMC), đến ngày 27-11-1924, khu nhà này được tái thiết. Năm 1942 xây thêm tầng 4, phá bỏ tháp đồng hồ và thay bằng bảng chữ GMC(Grands Magasins Charner). Năm 1960 đổi tên là Thương xá TAX. 

Những kiến trúc nêu trên là biểu tượng của thành phố Sài Gòn, đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong tâm tư của người Việt, một nơi hấp dẫn những người ngoại quốc ghé thăm. Nếu thiếu những di tích trên, dù với công trình tân kỳ nào, cũng khiến Sài Gòn trở thành xa lạ. Cũng như Hà Nội, tất cả những dấu tích như Hồ Hoàn Kiếm và Tháp Rùa, …là biểu tượng riêng biệt của Hà Nội, đã đậm nét trong tâm tư người Hà Nội. Do đó, khi nhìn hình Hồ Hoàn Kiếm biết đó là Hà Nội, nhìn hình Chợ Bến Thành, dinh Độc Lập nhận ra là Sài Gòn, với Tháp Effel biết đó là Paris-Pháp, với Tượng Nữ Thần Tự Do biết ngay là Hoa Kỳ…

*

Cuộc di cư của một triệu đồng bào miền Bắc vào miền Nam năm 1954, là cuộc di cư vĩ đại của lịch sử. Khi đó tôi tự hỏi, tại sao phải di cư ngay trên quê hương mình, đã để lại miền Bắc cả mồ hôi và nước mắt cùng thân bằng quyến thuộc. Cuộc chia cắt đất nước có phải là giải pháp vẹn toàn cho dân tộc, khi mà hàng triệu người, kể cả cầm súng lẫn tay không, đã đổ máu trên mảnh đất thân yêu, để bảo vệ đời sống tự do và hạnh phúc. 

Sự rời bỏ miền Bắc vào năm 1954 là một cuộc “Nam tiến” bất đắc dĩ, để bắt đầu một cuộc sống mới nơi miền đất lạ. Nhưng chính nhờ cuộc di cư này đã nối kết được ba miền Bắc, Trung và Nam, thoát khỏi ảnh hưởng chia để trị từ thời Thực dân. Một nửa nước, từ Bến Hải đến Cà Mâu mang tên mới: “Việt Nam Cộng Hoà”, một quốc gia giữ được truyền thống dân tộc tiếp nối từ thời dựng nước. Một đất nước đã hoà hợp từ phong tục đến tập quán, nhưng quan trọng hơn cả là tạo dựng được nếp sống đa dạng, cùng phát triển về hai phương diện: bồi đắp văn hoá dân tộc và kiến thiết xứ sở.

Ngày 7-7-1954, ông Ngô Đình Diệm nhận chức Thủ Tướng. Sự xuất hiện của ông Ngô Đình Diệm với hỗ trợ của Hoa Kỳ, nhất là hành động khủng bố của cộng sản tại một số tỉnh miền Bắc, khiến người miền Bắc tin tưởng di cư vào Nam. Phần lớn thành phần trí thức cũng như chuyên viên các ngành đều di cư, mong tìm một đời sống tốt đẹp hơn. Văn học miền Bắc theo chân các nhà văn, nhà báo đã hòa hợp với văn hóa miền Nam tạo lên một nền văn hóa đa dạng, vừa mang tính cổ xưa của Hán học với nét phong phú của văn hóa Tây phương.

Từ tháng 8 năm 1954, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn người miền Bắc di cư. Nhờ vào dịp nghỉ hè, các trường học thuộc vùng Sài Gòn, Gia Định được dùng làm nơi đón nhận người di cư đến bằng đường hàng không và hàng hải. Tầu USS Bayfield và các quân vận hạm như Marine Serpent, Marine Addler của Hoa kỳ và các mẫu hạm của Anh và Pháp phụ trách chuyển vận người di cư. 

Trại Phú Thọ Lều, gồm hàng trăm lều vải được thành lập, nằm sát bên trường đua Phú Thọ, trở thành trại tiếp cư lớn nhất tiếp đón người di cư với con số trên 10.000 người. Nằm gần trại Phú Thọ Lều là Trại Phú Thọ, (khác với trại Phú Thọ Lều) dành cho học sinh di cư. Vào lúc này, “Phủ Tổng Ủy Di Cư” thay thế Bộ Xã Hội, phụ trách việc ổn định đời sống cho người di cư. Trại Phú Thọ Lều giải tán sau khi người di cư chuyển tới khu định cư thuộc các tỉnh và nhà riêng. 

Công cuộc định cư sở dĩ hoàn thành nhanh chóng và tốt đẹp nhờ vào những vùng đất phì nhiêu được chọn lựa, như:

- Vùng đất Cái Sắn dành cho nông nghiệp.

- Long Khánh, Định Quán, Gia Kiệm, Hố Nai dành cho khai thác lâm sản và làm đồ mộc.

- Bình Tuy và Phú Quốc dành cho phát triển ngư nghiệp

- Ban Mê Thuột và Cao Nguyên đất đỏ phì nhiêu để trồng hoa mầu.

- Vùng Ngã Ba Ông Tạ, Tân Bình chung quanh Sài gòn dành cho thương mại và Kỹ nghệ…. 

Kể từ sau tháng 3-1955, khoảng gần 1 triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam. Ngoài số người ra đi trong thời hạn, còn có 3.945 người từ các tỉnh miền Bắc trên vĩ tuyến 17 tìm đường vượt tuyến vào miền Nam.

Ngoài việc ổn định đời sống cho gần 1 triệu người trong năm 1955, chính quyền miền Nam còn phải đối phó trước thái độ thù nghịch của thực dân Pháp và một số sĩ quan muốn duy trì chế độ thực dân để hưởng lợi. Họ đả phá chính phủ và Thủ tướng Diệm trên báo chí và tiếp sức cho lực lượng Bình Xuyên và các giáo phái thân Pháp.

Ngày 21-1-1955, Thủ tướng ngô Đình Diệm yêu cầu Pháp chấm dứt huấn luyện quân đội Việt Nam. Ngày 11-2-1955, tướng Agostini và Tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ ký thỏa ước chuyển trách nhiệm quân đội cho chính phủ Việt Nam. Người lính Pháp cuối cùng rời khỏi miền Nam ngày 28-4-1956 và Bộ Tư lệnh Pháp tại Việt Nam giải tán. Ngày 12-2-1955, chính phủ thâu hồi quyền quản trị thương cảng Sài Gòn. Sòng bạc Đại Thế Giới bị dẹp bỏ.

Một số sĩ quan của các giáo phái đã mang quân về ủng hộ chính phủ theo lời mời của Thủ tướng Diệm. Ngày 15-1-1955, Đại tá Nguyễn Văn Huê, Tham mưu trưởng của ông Năm Lửa-Trần Văn Soái (Hòa Hảo) mang 3.000 quân về với chính phủ. Tiếp đến Thiếu tá nguyễn Văn Đày (Hòa Hảo) mang theo 1.500 quân. Sau lời mời của Thủ tướng Diệm, ngày 13-2-1955, Tướng Trịnh Minh Thế (Cao Đài) mang 2.500 binh sĩ dưới quyền về với chính quyền quốc gia. 

Sau lời kêu gọi lực lượng Bình Xuyên trở về với chính phủ bất thành, quân đội quốc gia đã tiến đánh Bình Xuyên ra khỏi khu vực Chợ Lớn và tiếp tục truy kích. Cuối cùng, tàn quân Bình Xuyên rút về Rừng Sát và xin đầu hàng. 

Sau chiến thắng Bình Xuyên, các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ ra tuyên ngôn ủng hộ Thủ tướng Diệm. Ngày 2-5-1955, Thượng Nghị sĩ Hubert Humphrey tuyên bố trên đài truyền hình với nhận định: 

“Thủ tướng Ngô Đình Diệm là hy vọng tốt nhất của chúng ta tại Việt Nam. Ông ta là người lãnh đạo của dân tộc. Ông xứng đáng và phải được ủng hộ trọn vẹn của chính phủ Mỹ và nền ngoại giao Mỹ.”…

Để chính quyền có nền tảng hợp pháp, ngày 23-10-1955, một cuộc trưng cầu dân ý đưa đến kết quả người dân miền Nam tín nhiệm Thủ tướng Diệm là người lãnh đạo vì quốc gia dân tộc. Ngày 26-10-1955, Tổng Thống Ngô Đình Diệm long trọng tuyên bố sự ra đời của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Ngày 26-10-1956, bản Hiến Pháp đầu tiên của VNCH ra đời, mở ra nền Đệ I Cộng Hòa.

Chỉ trong vài năm sau khi hòa bình vãn hồi, miền Nam đã hoàn toàn đổi mới với những thành tích đáng kể về mọi mặt, đơn cử như sản xuất lúa gạo từ 2 triệu tấn trong năm 1954-55 tăng lên 3 triệu tấn vào năm 1957…(2) 

Nền giáo dục tại miền Nam phát triển mạnh. Miền Nam với dân số 14 triệu người, có 671.585 học sinh tiểu học tại 3.473 trường. Trẻ em tới trường ưu tiên được giáo dục về đức dục, kính trên nhường dưới trước khi tiếp thu bài học vỡ lòng. Học sinh được hấp thụ nền giáo dục nhân bản, nên cách ứng xử tôn trọng mọi người đã trở thành nếp sống tự nhiên từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Số học sinh trung học đạt con số 60.860 tại 136 trường trung học. Học sinh tại các trường kỹ thuật, dạy nghề là 6.545. Số sinh viên đại học vào năm 1957 tăng lên 3.823 người tức tăng 40% so với năm 1955…

Chương trình giáo dục tiểu học và trung học của miền Nam là 12 năm (miền Bắc theo học trình 10 năm). Số học sinh trong các gia đình nghèo tại miền Nam, bất kể thuộc thành phần nào, cũng có thể thăng tiến nếu học giỏi, được vào đại học và có việc làm sau khi tốt nghiệp. Các chương trình học được hoàn chỉnh, thích hợp với đường hướng phát triển, để hội nhập với văn hóa toàn cầu. Một số tác phẩm của nhà văn nhà thơ trong Tự Lực Văn Đoàn, cũng như tác phẩm văn chương của tác giả miền Nam và ngoại quốc, được giảng dạy trong chương trình Trung học tại miền Nam. 

Nền giáo dục của miền Nam không bị hạn chế, thầy giáo và học sinh có quyền tiếp cận với các nền giáo dục tư tưởng, bất kể tư bản hay cộng sản. Văn học miền Nam mang tính nhân bản với tinh thần khai phóng và đa dạng, nên có nhiều tiếng nói từ già tới trẻ trong sáng tác.

Nhìn chung, cuộc di cư năm 1954 đã thay đổi bộ mặt văn học miền Nam, nhất là tại các thành phố lớn. Nền văn học nghệ thuật được sinh hoạt trong không khí tự do, với sự đóng góp của các văn nghệ sĩ Bắc, Trung và Nam, đã ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Phong tục tập quán của mỗi miền, một sớm một chiều đã pha trộn, trở thành đặc tính chung của người miền Nam.

Tuy nhiên, giọng nói mỗi miền vẫn mang sắc thái riêng biệt. Giọng Hà Nội là của riêng người Hà Nội, khi phát âm người nghe nhận ra như những cung điệu trầm bổng, vừa thanh tao vừa quyến rũ. Với người con gái đất Thần kinh, âm thanh khá đặc biệt, mang âm hưởng ngọt ngào với vẻ trầm tư. Giọng Sài Gòn có khác biệt, mang chất giọng thanh và nhẹ hơn, điểm thêm phong thái thành thị, nhưng vẫn hàm chứa nét mộc mạc của vùng sông nước miền Nam. 

Ta có thể nói, mỗi miền có đặc tính riêng trong cách phát âm, làn hơi như đã thấm đậm phong thổ, của mạch nước uống. Khi nghe hát ca trù, hát chèo, phải là người Hà Nội, hò Huế phải là người Huế và hát cải lương phải do người Sài Gòn trình diễn. Nói chung, văn hóa dân tộc đã thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày qua phong cách ứng xử của người miền Nam.

Về phát triển kinh tế, “Kế hoạch ngũ niên” từ 1957 đến 1961 được thực hiện theo chiều hướng kỹ nghệ hóa xứ sở, đã nâng số sản xuất lúa gạo lên 4 triệu tấn, cao su tăng trên 700.000 tấn…Vào lúc này cộng sản gia tăng mức độ khủng bố tại miền Nam, nhưng “kế hoạch ngũ niên” từ 1962-1967 vẫn được xúc tiến và phát triển, như trung tâm nguyên tử Đà Lạt khánh thành vào tháng 10-1963. Một tháng sau đập thủy điện Đa Nhim hoàn tất với năng xuất 60.000 kw, đến các xí nghiệp khác như nhà máy xi măng Hà Tiên, đủ cung ứng cho nhu cầu xây dựng đất nước. Các nhà máy dệt, nhà máy giấy, nhà máy điện, nhà máy làm ván ép, các viện bào chế dược phẩm với kỹ thuật tối tân cũng ra đời theo đà phát triển. Miền Nam bắt đầu xuất cảng, ngoài lúa gạo, cao su, gia súc còn có nhiều sản phẩm khác nữa.

Hệ thống giao thông đường bộ, đường biển và hàng không phát triển mạnh. Riêng tại Đô thành Sài Gòn, có 7.400 xe Taxi, 2.440 xích lô máy, 3.100 xe lambretta, 60 xe buýt chuyên chở công cộng, 7.500 xe đạp, xe ngựa…Hệ thống phi trường được kiện toàn để phục vụ cho hàng không dân sự với khoảng 500 phi trường lớn nhỏ và 8 phi trường quốc tế. Sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp nhận các phi cơ của các hãng hàng không quốc tế như: Air france, Pan American, World Airway, Cathay Pacific Airways…Hàng không Việt Nam có 22 phi cơ từ Cessna đến Boeing 727. 

Hệ thống kinh tế tư nhân được duy trì song song với chính sách người cầy có ruộng, khiến đời sống kinh tế miền Nam ngày càng phát triển.
Vị thế phát triển kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa so sánh với miền Bắc, được Tiến sĩ Trần Đăng Hồng ghi nhận vào thời điểm 1960: 


VNCH: 223 US$

VNDCCH: 73 US$ 

Công nhân và người lao động tại Việt Nam là thành phần chiếm đa số trong xã hội, nên mức sống của họ đã thể hiện sự phát triển trong thời gian này. 

So sánh sự phát triển kinh tế của miền Nam trong khoảng thời gian từ 1956 đến năm 1974 (mặc dù CS Hà Nội bằng mọi cách đẩy mạnh chiến tranh khủng bố phá hoại miền Nam) với năm 2006, là năm đại diện cho sự hưng thịnh nhất của Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Chúng ta thấy đời sống của người dân miền Nam sướng nhất vào thập niên 1960 và khổ nhất vào năm 2006 dưới chế độ XHCN. (3)

Công cuộc tái thiết miền Nam thành công tốt đẹp, đời sống kinh tế của dân chúng miền Nam rất ổn định, có thể nói là sung túc. Người dân miền Nam, từ trong gia đình đến xã hội, vẫn tin tưởng về viễn ảnh tương lai tươi sáng.

Như nhận định của nhiều quan sát viên quốc tế, trong đó có ông Bernard Fall: 

“…Mặc dù dân số miền Nam không bằng miền Bắc, thua miền Bắc về khoáng sản, nhưng sức sản xuất tại miền Nam vượt trội hơn miền Bắc về nhiều mặt, chẳng hạn như điện lực, kỹ nghệ dệt vải…”

Để tìm ra nguyên nhân đưa đến sự cách biệt về đời sống xã hội giữa 2 miền Nam - Bắc Việt Nam, ta lấy thời điểm chia đôi đất nước vào năm 1954 làm mốc thời gian, nó có đơn thuần do kinh tế hay còn vì cơ chế và văn hóa?

Trước năm 1954, dưới thời thực dân Pháp, Hà Nội là thủ phủ của Liên bang Đông Dương, một địa điểm trọng yếu cả về kinh tế, chính trị và văn hóa. Hà Nội được mở mang, đường phố khang trang rộng lớn. Có nhiều trường đại học như luật khoa, Y-Dược ngang tầm với nước Pháp. Học sinh các nước Miên, Lào và Sài Gòn phải tới Hà Nội học. 

Với truyền thống đặc biệt do thấm nhuần hai nền văn hóa Hán học và Tây phương, đã sàng lọc và giữ được nét tinh hoa, để Hà Nội trở thành cái nôi văn học của cả nước. Với tất cả sự tiến bộ trong đời sống, cả về kinh tế lẫn văn học, Thăng Long được mệnh danh là đất “Tràng An”, đã cho con người sống ở vùng đất này niềm kiêu hãnh về nét thanh lịch với nếp sống văn minh, tiến bộ. 

Sau năm 1954, đảng cộng sản Việt Nam đi theo Quốc tế cộng sản, tin tưởng vào phong trào cách mạng, với ước mơ thế giới đại đồng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, mặc dù đó chỉ là ảo tưởng. Sau ngày chia đôi đất nước, cộng sản Hà Nội theo chân Liên Xô và Trung cộng, áp dụng chính sách “Cải cách ruộng đất” đã bần cùng hóa xã hội, bắt người dân phải lệ thuộc vào chế độ từ miếng ăn đến cái mặc. Cộng sản Hà Nội loại bỏ kinh tế tư nhân, cải tạo công thương nghiệp, để nhà nước độc quyền phân phối mọi nhu yếu phẩm. 

Thay vì kiến thiết đất nước sau thời gian dài chiến tranh, miền Bắc đã lao vào một cuộc chiến mới mà đích tới là “Giải phóng miền Nam”, khiến cơ sở sản xuất có từ thời Pháp đã trở thành trại lính. Do mải miết theo chân Trung quốc, Việt Nam không thể tiến bộ và mất đi nếp sống tự chủ. Tập đoàn lãnh đạo Hà Nội xa rời ý thức dân tộc, trở thành một thứ tay sai, một loại lính đánh thuê, nên đã “Đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung quốc”.

Với tư tưởng của Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam, tác động mạnh vào tâm trí của mọi tầng lớp cán bộ, chối bỏ xu hướng văn minh vì cho đó là hậu quả của thời Phong kiến, nên có hành động phá vỡ trật tự xã hội đã có từ trước. Hơn nữa, thành phần nòng cốt trong cuộc cách mạng “đấu tranh giai cấp” thoát thân từ tầng lớp “công nông”, thiếu cả về học vấn lẫn hiểu biết lên nắm quyền hành sinh sát. Mọi tinh hoa từ thời Pháp để lại, nhất là giới trí thức tiểu tư sản, thành phần tiếp thu văn hóa Tây phương đã bị loại bỏ. Cả miền Bắc quay cuồng với chủ nghĩa xã hội không tưởng, một chủ thuyết mà Hồ Chí Minh, vì thiếu nhận thức, lầm tưởng đây là cứu cánh của dân tộc, đã di hại cho nhiều thế hệ tuổi trẻ sau này. 

Với viện trợ hùng hậu về quân trang quân dụng từ hai nước cộng sản đàn anh Liên Xô và Trung quốc, cộng sản Hà Nội quyết tâm xâm chiếm miền Nam, trong lúc miền Nam không có quân viện của nước ngoài, nhất là sau khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh rời khỏi miền Nam vào năm 1973. Quân dân VNCH phải tự túc, tự lực chiến đấu chống lại sự xâm lăng của CS miền Bắc. Chiến tranh Nam-Bắc chấm dứt vào ngày 30-4-1975. Từ thời điểm này, CSVN cai trị cả nước bằng chính sách khủng bố, đàn áp. 

Vẫn theo đường lối cũ, Hà Nội áp đặt toàn bộ chính sách thực hiện tại miền Bắc sau năm 1954 vào miền Nam, vét cạn của cải của miền Nam, khiến cả nước trở thành nghèo đói. Như câu trả lời cuộc phỏng vấn của nhà văn Dương Thu Hương, một người trong lực lượng thanh niên xung phong, đã ngồi khóc trên vỉa hè Sài Gòn vào ngày 30-4-1975: 

“…Vì đạo quân chiến thắng miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ…Vì chúng tôi bị lừa. Chúng tôi đi không nghĩ đến ngày về, chúng tôi tưởng chiến thắng quân ngoại xâm, nhưng thực sự hoàn toàn là không phải. Tất cả tuổi trẻ của chúng tôi bị tiêu hủy. Trong những giọt nước mắt của tôi có phần chung của dân tộc và có phần riêng của tôi, của những người bạn tôi đã chết và của bản thân tôi đã hy sinh tuổi xuân một cách vô ích.”

Với nghệ thuật tuyên truyền trong chính sách “trăm năm trồng người” của Hồ Chí Minh, đã nhuộm đỏ tư tưởng tuổi trẻ miền Bắc theo ý đảng. Điều này càng rõ nét khi đọc tập bút ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, với nhiều chi tiết nặng tính tuyên truyền, khiến sự hiểu biết của một cô bác sĩ đã xa rời thực tế.

Cộng sản Hà Nội viết lại lịch sử dân tộc, như Hoàng Sa và Trường sa thuộc Trung quốc in năm 1974 trong chương trình học của lớp 9, đã đầu độc tuổi trẻ miền Bắc, khiến một cô Thạc sĩ tại Hà Nội, với luận án Tiến sĩ “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”, đã đưa ra nhận định trong một bài viết đăng tải trên đài BBC, để trả lời tuổi trẻ trong nước khi họ biểu tình chống lại Trung cộng xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam: 

“…Họ không nhận ra rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt Trung quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung quốc trong suốt 20 chiến tranh.” 

Lời lẽ của cô Tiến sĩ chỉ là kết quả học tập sau nhiều năm dưới mái trường XHCN, điều này chứng tỏ cô không biết tới tấm bản đồ Trung quốc do họa sĩ người Pháp, Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville, vẽ và in tại Đức năm 1735, trong đó bờ biển Trung quốc chỉ tới đảo Hải Nam, còn quần đảo Hoàng Sa và Trường sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, vì dưới chế độ quan liêu bao cấp, ngăn sông cấm chợ, “cấm nghe đài địch” và “10 người chia nhau đọc 1 tờ báo Nhân dân, 1 tờ Cứu quốc”, đã hạn chế sự hiểu biết cần phải có của con người, nhất là đối với tuổi trẻ miền bắc. Nên thế hệ của cô bác sĩ Đặng Thùy Trâm đến cô Tiến sĩ trong thời đại tin học, đã trở thành nạn nhân của chính sách ngu dân của đảng cộng sản.

  

Sài Gòn mang tên mới “thành phố Hồ Chí Minh” theo quyết định của Quốc hội XHCN Việt Nam ngày 3-7-1976. Thực ra, việc đổi tên này chỉ công khai hóa tham vọng của Hồ Chí Minh. Do đó, việc bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, dưới danh nghĩa đại diện nhân dân Nam Bộ, với 57 chữ ký, đề nghị đổi tên thành phố Sài Gòn thành Hồ Chí Minh, trong văn bản gửi Quốc hội và Chính phủ VNDCCH ngày 26-8-1946, được đăng tải trên Báo Cứu Quốc số 329 ngày Thứ Ba, 27-8-1946, chỉ là hành động “làm đẹp mặt” của ông Hồ. 

Hơn nữa, theo Hiệp Định Sơ bộ ký ngày 6-3-1946 giữa Jean Sainteny, đại diện chính phủ Cộng Hòa Pháp và Hồ Chí Minh với Vũ Hồng Khanh, đại diện chính phủ VNDCCH, chỉ công nhận:

* Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một quốc gia tự do trong Liên Bang Đông Dương và trong khối Liên Hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng.

* Pháp đồng ý thực hiện trưng cầu dân ý tại Nam Kỳ về việc tái thống nhất với VNDCCH.

Với hai mục trên, chúng ta nhận ra vào thời điểm ký kết Hiệp Định Sơ bộ ngày 6-3-1946, nước VNDCCH chỉ là một thành viên của khối Liên Hiệp Pháp và Nam Kỳ vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Pháp. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và một nhóm chỉ có 57 người ký tên, không thể đại diện cho người dân Nam bộ, vì chưa có cuộc “trưng cầu dân ý” như ghi trong Hiệp Định Sơ bộ. Nhóm người này không thể tự ý hành động nếu không có sự đồng ý của ông Hồ. Đây chỉ là một hành động “ném đá dấu tay” của Hồ Chí Minh.

Bản Hiệp Định đình chiến ký kết năm 1954, chỉ là tấm bình phong che đậy dã tâm của Hồ Chí Minh. Mặc dù bản Hiệp Định chưa ráo mực, ông Hồ đã thi hành chính sách “Cải cách ruộng đất” để đàn áp, tù đầy những người bất đồng chính kiến hay phục vụ cho chính quyền trước đây. Chính sách vô nhân đạo này đi ngược lại tinh thần của những điều khoản mà CS đã ký kết trong Hiệp Định đình chiến tại Genève ngày 20-7-1954. 

Hành động “ném đá dấu tay” lại tái diễn khi ông Hồ ra lệnh cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Công Hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai vào năm 1958, công nhận 12 hải lý tại biển Đông của Trung cộng, đã đưa đến tình trạng Trung cộng (TC) xâm chiếm hải đảo Hoàng Sa, trong lúc vị trí các hải đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. 

Như vậy, chúng ta thấy rõ lý do miền Bắc không phát triển khi có đủ các yếu tố về nhân lực và vật lực, nhất là sau khi chiếm miền Nam, cả nước rơi vào cảnh nghèo đói? Chúng ta nhận ra, vì tham vọng nhuộm đỏ toàn vùng Đông Nam Á châu của QTCS, Hồ Chí Minh đã áp dụng chính sách thiêu hủy văn hóa dân tộc qua hành động đốt sách và loại trừ thành phần trí thức. Vì mục đích ngu dân, chế độ CS ưu đãi thành phần công nông hiền lành chất phác, tuyệt đối trung thành với đảng, vì họ thiếu kiến thức học vấn để nhận biết mặt trái của Hồ Chí Minh và đảng CS. (4)

Nhìn vào giới lãnh đạo đảng CS, đã qua những trường lớp đào tạo cán bộ của đảng, từ Nga Xô đến các nước XHCN, đã áp dụng những gì được học tập qua hành động đàn áp, khủng bố, giết hại chính đồng bào của mình. Hồ Chí Minh được Tờ Thời báo Ba Lan (Polka Times) nêu danh trong bảng xếp hạng “13 nhà độc tài đẫm máu nhất của thế kỷ 20”. Theo đó, trong 24 năm cầm quyền (1945-1969), ông Hồ đã gây ra cái chết của 1.7 triệu người Việt qua cuộc chiến tranh đẫm máu. Theo chân ông Hồ, Lê Duẩn đã dự phần nhúng tay vào máu người miền Nam qua hành động khủng bố, tàn sát. 

Nhìn chung, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người kém hiểu biết cũng như không biết một chữ tiếng Anh, lại nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Hà Nội. Đơn cử như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đọc diễn văn, hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ cười trừ trước câu hỏi khi công du nước ngoài. Sự việc này đủ chứng tỏ khả năng văn hóa của giới lãnh đạo đảng CS. 

Tình trạng nở rộ văn bằng tiến sĩ trong những năm gần đây của các vị tai to mặt lớn trong đảng, khiến XHCN Việt Nam qua mặt các nước Á Châu về tỉ số thạc sĩ, tiến sĩ, mặc dù phần lớn các vị này không biết tiếng Anh. Tệ nạn “tiến sĩ giấy” này đã chèn ép những vị có bằng “Tiến sĩ thật” sau thời gian du học vì không thuộc thành phần con ông cháu cha. 

Câu hỏi: “Tại sao Việt Nam vẫn tụt hậu?” đã được ông Lý Quang Diệu gợi ý sau nhiều lần quan sát:

- “Thế hệ các nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy XHCN, đang khiến Việt Nam trì trệ. Những vị này đã thăng tiến trong chiến tranh hiện đang nắm giữ nhiều vị trí quyền lực trong hệ thống đảng, đã không do tài năng quản trị hay quản lý kinh tế.” 

Ông cũng khuyên: “Phải biết giữ người tài, tăng cường đào tạo tiếng Anh, không được thiếu giáo dục và nuôi tham vọng cho sinh viên...” 

*

Nhìn vào Việt Nam hiện nay, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Saigon thất thủ, ông Josh Gelernter đưa ra nhận định với bài viết “If South Vietnam Were Free Today” (đề ngày: April 25, 2015 8:00 AM) đăng trên báo National Review (Politics & Policy). Ông mở đầu bài viết: “Hãy nhìn phần còn lại của Đông Nam Á và mường tượng miền Nam Việt Nam sẽ ra sao”, và đưa ra trường hợp của 3 quốc gia được Mỹ hỗ trợ để chống lại cộng sản: Đài Loan chống Trung Hoa đỏ, Nam Hàn chống Bắc Hàn và Nam Việt Nam chống CS miền Bắc. 

Hiện nay, về chỉ số phát triển, tính trên mức sống của người dân, của hai trong ba nước kể trên: Nam Hàn đứng vị trí 15, Đài Loan ở vị trí 21 trong số những quốc gia phát triển nhất Châu Âu. Nếu tính về mặt phát triển con người, Trung cộng thấp hơn Đài Loan 70 bậc, còn XHCN Việt Nam đứng vị trí 122.” 

Dân biểu phản chiến Leo Ryan cũng đưa nhận định về tình trạng chính trị dưới thời VNCH:

“Mặc dù Nam Việt Nam không phải là pháo đài của nền tảng dân chủ, những cáo buộc nặng nề nhất về việc đàn áp những quyền cơ bản của con người đang bị thổi phồng. Vẫn có lực lượng chính trị và báo chí đối lập hoạt động và lên tiếng. Vẫn có một số tù nhân chính trị, nhưng dân chúng cũng như các nhà đối lập chính trị không phải sống trong sự sợ hãi và đàn áp của chính quyền.”… (5)

Quan trọng hơn cả phát triển kinh tế, Đài Loan và Nam Hàn có bầu cử tự do, hệ thống pháp lý độc lập, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp và tự do ngôn luận, mà Trung cộng và Bắc Triều Tiên đều không có quyền tự do này. Còn XHCN Việt Nam, sẽ không bao giờ có tự do khi đảng cộng sản tiếp tục kiểm soát bầu cử và tiếp tục bắt giữ, tra tấn những người bất đồng chính kiến cả về chính trị lẫn tôn giáo. 

Hãy tưởng tượng, nếu còn Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam ngày nay sẽ như thế nào. Với dân số hơn 90 triệu dân, Việt Nam đứng vị trí thứ 13/243 của các nước đông dân trên thế giới, người dân Việt sẽ có đời sống tự do và thịnh vượng như người dân Đại Hàn và Đài Loan. Có thể sẽ giầu hơn, vì Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên như các mỏ dầu khí ngoài biển Đông. 

Để phá bỏ những tàn tích gợi nhớ những hình ảnh đau thương dưới thời cộng sản, người Nga đã đốt bỏ lá cờ “Búa Liềm”, để trở về với lá cờ 3 mầu (Trắng, Xanh Lam, Đỏ) đại diện cho Liên Bang Nga, đã xuất hiện từ năm 1668.

   

“Memento Park”, nơi giữ lại những dấu tích bạo tàn của chế độ cộng sản, được xây dựng tại ngoại ô thành phố Budapest - Hungary, để nhắc nhở con người đừng lầm lẫn tin theo chủ thuyết cộng sản. 

Sau khi thay đổi thể chế vào năm 1989, Hiến pháp nước Ba Lan cấm mọi tuyên truyền bằng biểu tượng của các chế độ độc trị cộng sản như cờ búa liềm. Quốc kỳ Ba Lan là hai vạch với hai mầu trắng và đỏ, được chỉnh sửa vào năm 1990. 

Và, để tưởng nhớ 100 triệu nạn nhân trên thế giới bị thảm sát dưới chế độ cộng sản, một tượng đài kỷ niệm được Hoa Kỳ xây dựng tại một khuôn viên giữa thủ đô Washington DC. 

Trước nguy cơ đất nước bị thôn tính bởi Trung cộng, chỉ còn con đường duy nhất là dựa vào sức mạnh nhân dân, đồng tâm nhất trí, như dân tộc chúng ta đã từng chống lại ý đồ đô hộ của kẻ thù phương Bắc. Không thể trông đợi các quốc gia trên thế giới tiếp tay, khi chúng ta không tự mình đứng dậy. Tự do không phải tự nhiên mà có. Hãy nhận rõ nguyên nhân làm đất nước chúng ta suy thoái và đang bên bờ vực thẳm nô lệ. Điều này chứng tỏ, muốn tạo dựng được một đất nước tự chủ và lòng kiêu hãnh của một dân tộc, phải cần nhiều thế kỷ máu xương. 

*

Sài Gòn nổi danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, không phải chỉ vì tính chất hoa lệ của vùng đất này, mà sự đóng góp đặc biệt để danh xưng Sài Gòn trở thành bất diệt là nhờ bản chất “Người Sài Gòn”. Đặc tính “Người Sài Gòn” đã lưu lại trong lòng người tới đây một nét dịu dàng, dễ dãi và bao dung, là nơi chốn đượm tình yêu thương. “Sài Gòn” là tiếng gọi trong tâm tư của những người đang sống trên giải đất thân yêu này và trong trái tim của người Việt xa quê. Vì vậy, xa Sài Gòn vẫn nhớ, vẫn mong muốn trở về. 

Sài Gòn mang tính chất đặc biệt, là nơi hội nhập của nhiều dân tộc, là thành phố mang tính quốc tế vì sử dụng nhiều ngôn ngữ, là cửa ngõ thế giới, nơi giao thoa của các nền văn minh Đông - Tây, đã tạo cho con người Sài Gòn nét trung thực, có thì nói có, không thì nói không, cái xấu không thể bảo là đẹp. 

Với những ưu điểm sẵn có, nhất là ý thức về tự do, dân chủ đã ăn sâu vào nếp sống của người miền Nam, Sài Gòn trở thành trung tâm phát triển kinh tế, làm thay đổi tương lai của cả dân tộc, là vùng đất dẫn đầu trên đường canh tân nước Việt. Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Đầu, người nghiên cứu về lịch sử Nam bộ: 

“Không có Sài Gòn thì không có nước Việt Nam đổi mới và hội nhập như ngày nay. Không có miền Nam thì khó giữ được đất nước.”

Sài Gòn là trái tim và cũng là niềm hy vọng của người Miền Nam. “Sài Gòn” mang âm hưởng vui tươi, thể hiện một nếp sống giản dị, phóng khoáng, đã trở thành nơi hò hẹn, một ngã tư quốc tế hội nhập văn minh Tây phương, nhưng vẫn bảo toàn, trân quý văn hóa dân tộc. Sài Gòn là trục nối các vùng đất nổi danh “Hong Kong – Saigon – Singapore”, một sự liên kết kỳ diệu, một nơi gặp gỡ của hai nền văn hóa Đông - Tây. Vì vậy, bất cứ sự đổi thay nào của vùng đất này, dù chỉ là đổi tên gọi, cũng trở thành vô nghĩa. 

Trong tâm tư của người miền Nam, “Sài Gòn” vẫn là lẽ sống, là nhịp thở trong trái tim của họ, và mong chờ ngày Sài Gòn thanh bình, với nếp sống Tự do – Dân chủ trở lại./

Tháng 8-2018


________________________________

Chú thích:

Tham khảo:

- Tài liệu và hình ảnh trên mạng Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia).

(1) Chợ Bến Thành: 


Người Việt đến lập nghiệp tại vùng đất này vào thế kỷ 17, khu chợ đầu tiên nằm ven kênh Chợ Vải thuộc thành Gia Định, là nơi tụ tập hàng trăm loại hàng hóa. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ vào năm 1859, ngôi chợ này được xây dựng là một dẫy nhà lồng lợp lá nằm bên kênh Chợ Vải (Hình 1). Khi kênh Chợ Vải bị lấp vào năm 1877 để lập thành đại lộ Charner và đường rầy xe điện. Tên “Saigon – Le Marché – Boulevard Charner” ghi trên bưu ảnh (Hình 2)


Năm Giáp Thìn (1904), Sài Gòn bị trận bão lớn gây tử vong cho hàng ngàn người. Ca dao khi đó nói tới ngôi Chợ Cũ trên đường Charner:

Bến Thành nóc chợ cũng bay Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường

Khi dẹp ngôi chợ cũ, một tấm ảnh chụp năm 1910 có ghi tên “Chợ Sài Gòn” (Le Marché de Saigon)

Ngôi chợ trên đường Charner rời sang vị trí gần ga xe lửa hiện nay vào năm 1914, cũng được nhắc trong ca dao:


Mười giờ tầu lại Bến Thành Xúp lê còi thổi bộ hành lao xao 

Ngay từ lúc mở chợ vào năm 1914 đến năm 1954, trước cửa chợ không có bảng tên “chợ Bến Thành”, chỉ được ghi nhận trên các tấm bưu ảnh với tên: Chợ Charner – Chợ Trung Tâm (Marché Central) – Chợ Sài Gòn (Le Marché de Saigon). (Nguồn:Cù Mai Công/TTO)

Sau cuộc đảo chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963, chợ có bảng tên tạm “Chợ Quách Thị Trang”, để ghi nhận cô nữ sinh Quách Thị Trang đã nằm xuống trong cuộc biểu tình. Một thời gian sau đã gỡ bỏ bảng tên này. 

Các cửa chợ Bến Thành đặt theo 4 hướng Đông, Tây, Nam và Bắc. Mỗi cửa vào có gắn những tấm Phù Điêu làm bằng đồ gốm để người mua nhớ vị trí và tiện tìm kiếm các mặt hàng. Theo đó, 12 tấm phù điêu được gắn nơi 4 cửa chợ Bến Thành vào năm 1952, do họa sĩ Lê Văn Mậu sáng tác, phối hợp với các chuyên viên về đồ gốm của xưởng mỹ nghệ Biên Hòa thực hiện. Sau gần một thế kỷ, các tấm phù điêu vẫn giữ nguyên mầu sắc và độ bền. Các tấm phù điêu được gắn trên cửa ra vào chợ như sau: 

- Cửa Đông: phù điêu hình bò và heo

- Cửa Tây: phù điêu hình cá đuối và nải chuối

- Cửa Nam: phù điêu hình bò và cá

- Cửa Bắc: phù điêu hình con vịt


(2) Tác phẩm: “Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” – Tác giả: Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Đức.

(3) “Bảng thu nhập của công nhân”: tác giả Nguyễn Hội. 

(4) Đốt sách: Theo sử ký Tư Mã Thiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, Thừa Tướng Lý Tư chỉ trích giới trí thức dùng sự dối trá trong sách vở để tạo phản, chính sách “Đốt sách, chôn Nho” (Phần thư-Khanh nho) của Tần Thủy Hoàng được thực hiện từ năm 213 trước Công Nguyên (BC). Theo đó, tất cả thi, thư, sách vở…đều bị đốt và kèm theo hình phạt cho những người vi phạm: Nếu dám dùng những lời trong thi, thư thì bị chém bêu đầu ngoài chợ. Lấy xưa mà chê nay sẽ giết cả họ. Quan lại thấy mà không tố cáo bị coi là đồng phạm. 

Năm 212 (BC), Tần Thủy Hoàng phát hiện ở Hàm Dương một số nho sinh đã phê bình mình, bèn bắt và hạ lệnh chôn sống 460 nho sinh ngoài thành Hàm Dương. 

Việt Nam: Tại miền Bắc, sau khi tiếp quản thành phố Hà Nội vào năm 1954, tất cả sách báo dưới thời Pháp thuộc được cho là ảnh hưởng bởi “Thực dân, Phong kiến” bị đốt bỏ. Giới trí thức bị đưa đi cải tạo nơi rừng thiêng nước độc.


Tình trạng đốt sách bắt tù đầy cải tạo thành phần trí thức và bất đồng chính kiến tại Miền Nam sau ngày 30-4-1975, rập khuôn chính sách đã thực hiện tại miền bắc sau khi chia đôi đất nước. Tất cả sách báo dù cổ hay kim, lấy cớ là “Văn hóa đồi trụy”, đều bị thiêu hủy. Người trí thức bị khủng bố đàn áp, tù đầy cải tạo, khiến đất nước gia tăng chia rẽ, hận thù.

(5) “Bản dịch tiếng Việt”: Diên Vỹ -

Trần Nhật Kim ( Danlambaovn)

No comments:

Post a Comment