Trong các nhạc sĩ viết về lính, với tôi không ai viết hay bằng ông Nguyễn Văn Đông, và trong các ca sĩ hát nhạc của Nguyễn Văn Đông, thì tôi xin chọn ca sĩ Hà Thanh… Người viết về lính đã viết với những lời nhạc thật sang (tôi vẫn thường gọi vậy), sang nhưng vẫn đậm chất lính, còn giọng hát, tiếng hát rất mộc, không chút kiểu cách nhưng thật thiết tha, và không gì đúng bằng, cũng xin như mọi người, được gọi đó là tiếng hót chim họa mi đất thần kinh xưa, đất Cố Đô.
Nếu nói người viết nhạc Nguyễn Văn Đông, đã đưa giá trị người lính lên cao, thì phải nói tiếng hát Hà Thanh đã đưa hình ảnh người lính, đi vào lòng người với tất cả sự trân trọng yêu mến. Cả hai nay đã không còn, chỉ còn những giòng nhạc và dư âm tiếng hát ngày nào về người lính… Người lính QL.VNCH! Không viết được nhạc, nhưng không phải là mình không đánh giá được ai viết nhạc hay, cho nên nói ra đây những lời ca ngợi ông Nguyễn Văn Đông, biết là thừa nhưng không thể không nói thật lòng mình, về sự ái mộ một người đàn anh, một nhạc sĩ có tài.
Nhớ có lần giữa anh em, nghe mình nhận xét như vậy, mà Nhật Trường đã hỏi một câu khó, là còn với nhạc lính của Trần Thiện Thanh thì sao, với cái tánh thằng lính mà mình trả lời, nhạc lính của Trần Thiện Thanh đâu có dở, lại có phần tỏa rộng hơn nhạc của Nguyễn Văn Đông là khác, được nhiều giới (cao thấp) ưa thích nghêu ngao. Nhưng thật lòng mà nói hai bên có sự cách biệt, khó mà hơn được nhạc lính của Nguyễn Văn Đông, nhạc Trần Thiện Thanh thường hay cho cái lãng mạn của người lính đi quá xa, lại (được) giọng (đĩ) của Nhật Trường hát, đã làm hình ảnh của người lính mang lấy hình ảnh của anh lính Hùng Cường. Thấy tôi lôi ông Hùng Cường vô câu trả lời, Nhật Trường hiểu ý và cười!
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu, sao còn đứng ngóng nơi giang đầu.
Kìa rừng chiều âm u rét mướt, chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ…
Thời tôi còn là đứa trẻ, cây đàn Mandolin là thông dụng, và bản nhạc này trong một buổi văn nghệ cuối năm của trường, đâu đó cũng là năm bản nhạc ra đời, và nó được ông (Quái Kiệt) Trần Văn Trạch hát với ban nhạc Đại Hòa Tấu Le Ceour De Paris của Pháp tại Gia Nã Đại. Là đứa trẻ thấy thích thì đàn, chứ thực sự đâu nghĩ gì, và cũng không biết mấy gì về nội dung, và khán giả thì cũng chỉ là những học sinh cùng trường, không nhớ có được vỗ tay nhiều không, thầy Lê Chiêu dạy môn nhạc của trường lúc đó, là người vẫn tổ chức các buổi văn nghệ hàng năm của trường, cũng không thấy ông khen. Có lẽ tiếng đàn của tôi lúc ấy nó thiếu cái hồn… Trẻ con mà!
Lúc mang thân tù biệt xứ sau này, trong trại lao cải, một đêm với cây guitar tự tạo, nhớ không hết trọn bài mà chỉ vài câu thôi, tiếng đàn không réo rắt như mandolin, mà như lòng mình chùng xuống để buông ra từng nốt nhạc nhẹ trầm. Tiếng đàn trong buồng giam một trại sát biên giới Lào hôm ấy, đã như chạm vào nỗi nhớ của từng người đồng cảnh, những người lính cũ ngã ngựa, họ nằm im lắng nghe. Tiếng đàn vừa dứt đã có một ai đó nơi góc cuối thốt lên: Đàn nữa đi, đàn lại đi anh… Tiếng đàn lại nhẹ nhàng buông, có tiếng ai đó khe khẻ hát theo.
Chiều biên giới Tây Nam với những cơn mưa trắng trời, người lính vẫn lặng lẽ hành quân trong mưa, những bước chân như bị níu lại bởi cái ướt dẽo của đất vùng Đồng Tháp… Làm lính tác chiến chưa được nửa số năm đời lính của tôi, nhưng nó lại là những ngày tháng gắn liền với vùng biên giới Việt Miên này, và cũng từ nơi đó mới biết thế nào là đời lính gian khổ, biết thế nào là đi giữa cái sống chết, biết cái đau của đạn phá da thịt mình, để thấy máu loang cùng nước mưa, và đầu đời lính cũng từ biên giới Tây Nam đó, mà có được cái Anh Dũng Sao Bạc.
Sau người đàn anh cũng là người nhạc sĩ tài hoa, viết những lời cho ca khúc ấy những mười năm, tôi mới đến đấy như lời ông viết trong Mấy dặm Sơn khê:
Anh đến đây áo anh mùi thuốc súng, ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê.
Non nước ơi, hồn thiêng của núi song, kết trong lòng thế hệ…
Nghìn sau nối nghìn xưa!
Miền Nam mưa nắng hai mùa, nhưng nơi biên giới này cái mưa như đến nhiều hơn, thường hơn, nhất là lúc trời chiều đi vào tối, thời khắc đó cũng là lúc những toán quân đi ăn đêm, những con dơi như tôi và đồng đội, men sát biên giới thu mình trong mưa mà đi. Không còn cái cực nào hơn của những thằng lính, đến điểm trong cái trắng trời của những cơn mưa, nhìn nhau mà con mắt như nhắc nhau rằng: Đêm nay chuột lại bươn đồng. Chuột đây là những đoàn quân Bắc cộng xâm nhập, chúng vượt qua biên giới… Và những trận đánh không dai dẳng như cơn mưa, chỉ độ non tiếng, chúng bật trở lại đất Miên, còn mình vẫn tiếp tục đầm trong mưa chờ chúng.
Như nhau kẻ trước người sau, tôi người lính trẻ ngày đó cũng phiêu dạt đến vùng đất này, nhìn mây trôi chiều hoang mà thèm lấy sắc mây pha hồng, mà mơ cho mình một hơi áo ấm, giữa rừng chiều âm u rét mướt.
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
Người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm…
Những người lính cũ thời đó, có mấy ai tơ vương khanh tướng, nhưng đường trần vẫn mưa bay gió cuốn… Và có chăng là:
Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi, theo đường mây,
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương
Nước non còn đó một tất lòng,
Không mờ xóa cùng năm tháng, mấy ai ra đi hẹn về…
Nói không quá, Nguyễn Văn Đông đã khắc vào lòng người những cảm xúc sâu đậm, người lính của ông là hình tượng cao đẹp, có đủ chính nghĩa và lý tưởng chiến đấu! Thật vậy, Nguyễn Văn Đông đã đem cái ảnh thật người lính, và đời lính, khắc sâu vào lòng người dân miền Nam…
Chiến tranh đã tàn, nhưng dư âm lời hát tiếng nhạc một thời đất nước điêu linh còn đây, trong đó có nhạc lính của Nguyễn Văn Đông, mà hình tượng hào hùng của người lính QL.VNCH, như vẫn mãi đọng lại trong tâm tưởng biết bao người dân Việt.
Chiến tranh đã tàn, nhưng dư âm lời hát tiếng nhạc một thời đất nước điêu linh còn đây, trong đó có nhạc lính của Nguyễn Văn Đông, mà hình tượng hào hùng của người lính QL.VNCH, như vẫn mãi đọng lại trong tâm tưởng biết bao người dân Việt.
Hôm nay một ngày tháng Tư buồn nơi đất khách, tìm nghe lại những khúc hát về người lính và đời lính ngày nào, trong đó những giòng nhạc của Nguyễn Văn Đông với tiếng hát Hà Thanh đã vật cho kẻ lưu lạc tha hương này tơi tả, cái đau nhiều hẳn nhiên, nhưng cái tự hào và kiêu hãnh về một thời mình đã sống, cũng nhiều không kém.
Người lính cũ Nguyễn Văn Đông đã ra đi, và còn lại đây không nhiều lắm, những người lính cũ miền Nam như ông, vẫn:
Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng
Chờ mùa Xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang!
Việt Nhân
No comments:
Post a Comment