Trong âm nhạc, mỗi một ca khúc là một câu chuyện. Mỗi một người sẽ chọn cho mình một ca khúc để hát, để yêu, chỉ vì họ nhìn thấy câu chuyện của chính họ trong ca khúc đó. Thế nhưng, có những nhạc phẩm mà triệu triệu người cùng hát, cho cùng một mục đích. Và khi hát lên, thì cả triệu triệu người ấy đều có chung một nhịp đập từ trái tim. Đó là những bài hùng ca, những tác phẩm mà người sáng tác, người hát, và người nghe đều là một.
Khi âm nhạc không còn là ngôn ngữ của riêng những bản tình ca, không còn là giai điệu dành riêng để ca ngợi những cuộc tình lộng lẫy, hoặc khóc thương cho sự chia lìa đôi lứa, thì lúc đó, âm nhạc sẽ là một vũ khí sắc bén thay cho vạn lời nói. Vũ khí đó có thể làm bừng lên hào khí của cả một thế hệ. Vũ khí đó có thể được lưu truyền và tiếp nối đến những đời sau, để những trái tim rực lửa với quê hương luôn sẵn sàng hát vang câu thề thà chết chứ không hề lui, quyết không hề phản bội quê hương.
Có phải chúng ta đang cảm thấy từng mạch máu trong cơ thể chúng ta đang nóng bừng lên cùng với những giai điệu hào hùng và rực lửa này? Có phải những ai nghe được lời ca mạnh mẽ, hùng hồn đầy nhiệt huyết của nhạc khúc này, thì chỉ cần nhắm mắt lại là có thể trở về ngay một thời trai trẻ của thế hệ hùng ca sử Việt?
Đó là thế hệ của Nguyễn Đức Quang, của Trầm Tử Thiêng, của Việt Thu, Nguyễn Tấn Lộc, những nhạc sĩ miền Nam Việt Nam thập niên 60. Họ viết cho ai? Họ viết cho điều gì?
Cho một nhà sư bị nhốt giữa sân chùa, vì phân phát tình thương mà thành mang trọng tội. Cho linh mục bớt thềm oan khiên vì đấu tranh cho niềm tin và tình yêu tôn giáo; cho những người dân tộc thiểu số, những người Tây Nguyên không còn bị cầm chân nơi núi rừng. Cho tiếng nói người dân được lắng nghe; cho tự do; cho quyền được nói.
Cách đây hơn 40 năm, người nhạc sĩ đầu đàn của phong trào du ca Việt Nam, Nguyễn Đức Quang đã viết ca khúc Cho đồng bào tôi để nói lên thân phận của người Việt Nam lúc bấy giờ.
40 năm sau đó, cố nhạc sĩ Việt Dzũng đã mượn giai điệu của ca khúc này để viết lời thứ hai, cho thân phận và cuộc sống của người Việt Nam bây giờ.
Họ là ai?
Bước ra từ ca khúc đó, họ có thể là một vị luật sư, một đức cha, một nhạc sĩ, một nhà doanh nghiệp, một thanh niên trẻ trở về từ xứ sở tự do, một cô gái mang học vị tiến sĩ. Họ là những người đấu tranh cho tiếng nói của một dân tộc. Họ là những người luôn ấp ủ một hoài bão chung cho cái đẹp vì hoà bình, vì tình yêu dành cho hai tiếng Việt Nam.
Tình yêu quê hương đất nước là gì mà từ lâu rồi, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch ví von đơn giản chỉ là chùm khế ngọt, là tuổi thơ thả chơi trên đồng? Với Phạm Minh Tuấn là giọt đàn bầu thon thả? Với cố nhạc sĩ Phạm Duy là lời ru dịu dàng của mẹ? Cũng tình yêu ấy, nhưng nhạc sĩ Việt Khang, thế hệ nhạc sĩ yêu nước tiếp nối, thì lại kêu lên xót xa như đứa trẻ ngơ ngác, thảng thốt hỏi tìm Mẹ, ngày Mẹ không còn nữa: “Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?” Câu hỏi được chính Việt Khang xót xa kêu lên khi đến quá nửa đời người, đã tỏ tường nhận ra sau những ngày tàn lửa khói.
Triệu người Việt khác, ở khắp nơi trên thế giới ngày nay, mỗi ngày nhìn về quê hương và tự hỏi:
Việt Nam Tôi Ðâu. Tại hải ngoại, người Việt tha hương cũng hát say sưa những bài hùng ca. Chỉ có khác rằng, sân khấu của họ là những nơi họ tuần hành đòi quyền sống, là thánh đường, là những buổi tiệc chúc phúc cho tân lang, tân nương.
Đó là nơi mà những bài tình ca truyền thống phải nhường chỗ cho các nhạc phẩm mưu cầu tự do dân tộc và quyền cho người dân Việt. Những gương mặt trẻ và ánh mắt sáng ngời vẫn hát vang những ca khúc của Nguyễn Đức Quang, của Việt Dzũng, của Việt Khang, của Trúc Hồ. Đó là những bài hùng ca triệu người hát, triệu con tim, một tiếng nói.
Dù sống ở xứ người, nhưng trái tim của tất cả nhạc sĩ, thi sĩ cùng nhịp đập với quê hương bên kia bờ đại dương xa diệu vợi. Những nhạc sĩ ở hải ngoại như Anh Bằng, tự do sáng tác để đời những ca khúc đấu tranh cho quê nhà. Dòng nhạc hùng ca lưu vong luôn cổ vũ tinh thần yêu nước, đánh thức trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước và thể hiện tinh thần đoàn kết quyết tâm chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam trên khắp thế giới.
Nhạc sĩ Anh Bằng đã viết những nhạc phẩm làm người nghe cảm nhận nỗi ray rứt, rung động trái tim khơi dậy lòng yêu nước như: Hãy Đứng Lên, Phải Lên Tiếng, Cả Nước Đấu Tranh, các nhạc phẩm đó như tha thiết mời gọi những trái tim Việt Nam cùng đoàn kết hiệp thông, chia xẻ, và đồng hành với các nạn nhân và gia đình nói riêng, cùng Dân Tộc Việt Nam nói chung trong hoàn cảnh bất công tại quê nhà.
Cuối năm 1975 người Việt tại Hoa kỳ có được 150,000 nhưng đến cuối năm 1980 thì con số lên gần gấp đôi. Bà con từ các quốc gia Tây Âu kéo về Mỹ đoàn tụ. Thuyền nhân ra đi trong đợt đầu đã bắt đầu vào Mỹ. Sau 5 năm thôn tính miền Nam, giấc mộng vàng của thiên đường cộng sản xụp đổ. Đất nước lầm than và lùi lại hơn 15 năm chậm tiến. Người đi càng ngày càng đông dù năm ăn năm thua. Người về không có là bao.
Từ đó có một Việt Dzũng viết bài ca gửi quà về quê hương qua tiếng khóc than, thanh niên Trúc Hồ vượt biên đường bộ, thầy giáo Trầm tử Thiêng đi đường biển. Để rồi có thêm những bài hùng ca ra đời. Vì con đường chinh phục lòng người, phát huy chính nghĩa mạnh mẽ và trực tiếp nhất là văn nghệ. Lời ca tiếng nhạc như một vũ khí, giúp thắp lên ngọn lửa đấu tranh chống lại bạo quyền độc tài độc đảng.
Thúy Vi / SBTN
No comments:
Post a Comment