Giọng ông đang buồn bã bỗng đổi thành tươi vui khi tôi hỏi han đến những tập nhạc của ông để trên bàn. Không có gì hạnh phúc bằng bàn luận về những đứa con tinh thần của mình “Chú có hơn hai trăm ca khúc..”. Ông ngập ngừng diễn tả một cách khó khăn vì đường lưỡi chưa chịu nghe lời mà uốn lượn. Tuy nhiên, lúc nhắc đến các ca khúc, tôi thấy dường như có những vì sao lấp lánh trong mắt ông. Đôi mắt ấy, có từng là chứng nhân của các cuộc chia ly lịch sử? Tôi tự hỏi người nhạc sĩ ấy đã viết bao ca khúc, có ca khúc nào không phải là những tự truyện cực ngắn đời mình? Con ong đã ngừng bay, bỏ chốn cũ thường đi về, lấy mật ngày xưa. Con tằm thôi nhả đường tơ bóng láng, dịu dàng. Tuy nhiên tổ ong đã ngọt ngào đủ mật, rổ tơ đã óng ánh những lọn tơ đầy. Lam Phương đã dừng lại trên luống cày đời mình, những hạt thóc ông gieo xuống đã thành lúa, thành gạo từ lâu. Chúng là một trong những thứ thực phẩm đã nuôi dưỡng, làm đầy cơn đói tinh thần con người.
Những năm trước 1975, người dân miền nam Việt Nam, hầu như ai cũng đã từng nghe và biết tiếng nhạc sĩ Lam Phương. Ông viết nhạc từ rất sớm, năm 15 tuổi đã khởi đầu, nên sự nghiệp âm nhạc ông để lại khá nhiều. Trên 200 tác phẩm đa dạng, đủ thể loại, đủ sắc thái. Dường như ông có cảm hứng với tất cả những gì xảy ra quanh mình. Từ cuộc sống dân dã của thôn quê cho tới binh nghiệp của người lính chiến. Từ phút thăng trầm cơ cực của kiếp nghèo cho đến những giây hoan ca, hạnh phúc của tình yêu đôi lứa. Tiếng khóc của trẻ thơ, lời ru đại dương vỗ về tình mẹ, cho đến giọt nước mắt lấm tấm bịn rịn hay đầm đìa chất ngất thương đau, trong kết thúc một chuyện tình. Tất cả đều được các nốt nhạc mẫn cảm của ông ghi lại. Tuy nhiên theo tôi, so với dân ca, ông viết tình ca nhiều và thành công hơn. Có một ai đó nói, dân tộc Việt nam là một dân tộc lãng mạn. Cứ đọc ca dao, nghe dân ca, hò lơ, hò huế, ru con, chèo cổ hay sáu câu vọng cổ, để hiểu tại sao chúng ta không có anh hùng ca mà chỉ có tình ca. Lam Phương không ngoại lệ khi phần lớn ca khúc của ông là những bản tình ca.
Đất nước chúng ta liên tiếp bị chiến tranh tàn phá, hết ngoại xâm rồi nội chiến, tâm thần con người bị tổn thương đến nỗi cái lãng mạn, vui tươi, hạnh phúc đã tự nhiên biến dạng thành suối nguồn của niềm đau, nỗi buồn. Người dân miền Nam trước 75 lại bị đưa vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn bất đắc dĩ nên khi trải lòng. phơi mở những tâm sự, nội dung lãng đãng những biệt ly, nuối tiếc, nhớ nhung.
Lam Phương cũng vậy. Là người miền Nam, vốn có chút duyên với câu hò, vọng cổ, nên điệu buồn nhạc ông lên men sầu da diết hơn là hơi hướm của các tiết điệu vui tươi, nhộn nhịp. Ông đã chinh phục được một số rất đông người mến mộ. Nhạc ông dễ nghe, dễ hát. Ca từ giản dị, không kiểu cách, dễ hiểu, chân phương, có nhiều khi mộc mạc. Người nghe và hát, cảm được tiếng lòng của họ thổn thức, nhất là khi họ bị rơi vào hoàn cảnh trùng hợp với bài hát, thế là trái tim của họ lập tức bị đốn ngã. Hầu hết các ca từ, chữ dùng, chuyện kể, trong hơn 200 bản nhạc của ông phần lớn đều diễn đạt những cách ngăn, hoài niệm tiếc nuối kỷ niệm xưa của tình yêu đôi lứa, những buổi từ ly, sân ga, bến đò, vẫy biệt, khăn tay và nước mắt.
Dường như sự chia cách đã thấm vào máu ông, lập đi lập lại trong tiềm thức như những nốt lặng, dừng lại, trùng điệp, rồi ngân vang, rất xa cho tới cuối cuộc đời, để tất cả chỉ còn là một khoảng trống tận cùng.
Rất nhiều bài hát mang cùng chủ đề tôi không tiện kể ra hết nhưng chúng ta có thể tìm thấy trên mạng như: Duyên Kiếp, Thu sầu, Phút cuối, Nghẹn ngào, Chờ người ..v v…
Nhạc phẩm đầu tay của ông “Chiều thu ấy” đã mang mầm mống của ly tan. Nhưng bài hát chia ly đã làm vang danh ông từ ngày còn trẻ chính là bài “Chuyến đò vĩ tuyến”, vì nó mang một dấu ấn lịch sử của cuộc chia cắt đất nước Việt Nam vào năm 1954.
Theo lời Cao Đắc Tuấn thì: “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” là một bài hát do nhạc sĩ Lam Phương viết vào năm 1955 sau khi hiệp định Geneva chia đôi đất nước năm 1954 tại vĩ tuyến 17 bên sông Bến Hải. Bài hát là lời một cô gái đang mong chờ người yêu trên con đò bên bờ sông để đưa chàng qua vĩ tuyến về miền Nam thanh bình trù phú.
Qua lời cô gái, tác giả biểu lộ bản chất nhân bản, hiền hòa, yêu thương đồng bào và đất nước của người miền Nam”.
Trong Wikipidia thì ghi 1957.
Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng
Chuyến đò vĩ tuyến-Hoàng Oanh
Hình ảnh người con gái chờ đợi người yêu trên con đò để đưa chàng vượt tuyến trong một đêm trăng sáng là một bức hoạ có sắc sống, lung linh và lãng mạn. Nhưng chàng trai vì một lý do nào đó không bao giờ có cơ hội đến nơi hẹn đã làm vỡ tan giấc mơ sum họp của cô gái, của một mái ấm hạnh phúc trong tự do ở miền Nam cá đầy, gạo trắng.
Dòng sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, là điểm mốc lịch sử cuộc di cư vĩ đại của gần một triệu người dân miền Bắc đã rời quê cha đất tổ vào miền Nam. Bối cảnh lịch sử này là một dĩ vãng không bao giờ quên của những người di cư, bảo sao bài hát không chiếm được cảm tình của nhiều người Bắc thời bấy giờ. Cây đa, bến cũ, con đò, ánh trăng, năm xưa, luôn là biểu tượng gợi nhớ da diết, đưa trí tưởng người ta làm những cuộc viễn du, hành hương về miền đất cũ. Năm 1957, Lam Phương đã sáng tác vài bài hát cùng một chủ đề như thế “Chuyến tàu thống nhất”, “Đoàn người lữ thứ”, “Sầu ly hương”..v..v. Dù ông không là kẻ ly hương nhưng là chứng nhân, có lẽ biến cố này để lại trong hồn ông những xúc cảm chân thành nên các sáng tác thể loại này mới ra đời. Riêng bài “Sầu ly hương” đã dẫn dắt bước chân thời gian trở lại hiên nhà quá khứ của tấm lòng những người du mục tha hương, trong đó có tôi.
Nhạc sầu buông trầm lắng
Xa quê bao ngày tháng
Mang theo nỗi niềm đau xót chia phôi
Hà Nội xa vời lắm
nơi quê hương chìm đắm
Ai ra đi mà không thương nhớ về
……………………………………
Vì đâu ta điêu linh
sống trong đêm mong manh
Nhớ nhung ôi đêm thâu buồn tàn canh
……………………………………………………
Hà Nội đang hờn oán
Non sông đang lầm than
Đi ta nối bao tình Nam Bắc yêu thương
Hà Nội ơi buồn nhớ
đêm nay ta sầu mơ
Gởi lòng theo ngàn cánh chim xa mờ
Sầu ly hương-Lệ Thu
Đây là lần đầu tiên tôi nghe cô Lệ Thu hát bài này của Lam Phương được thu âm trước 1975.
Phải nói là cô hát bài này rất hay với một chất giọng nguyên thủy ngày còn trẻ khi chưa bị hư giọng. Bài Sầu Ly Hương có cấu trúc A-B-A vô cùng cân phương và tối giản, vì mỗi đoạn chỉ có hai câu với nhạc tố (motif) tiết tấu nhịp nhàng từ đầu đến cuối bài, là 5-5-8, tạo sự quen thuộc và dễ thuộc, như một bài dân ca vùng Almeria hay Seville nước Tây Ban Nha, nhạc sĩ Lam Phương đã sử dụng rất nhiều chuỗi (sequences) là một đặc điểm của nhạc tây phương luôn có kết cấu hoà âm chặt chẽ với giai điệu. Do đó ca từ và tiến trình giai điệu đã chuyên chở đủ được sự não nề, đau đớn, buồn bã của tâm thức người ly hương, sau chiến tranh.
Nhắc tới Lam Phương người ta liên tưởng ngay đến Túy Hồng và ban kịch Sống của cô. Lam Phương là người viết rất nhiều ca khúc (khoảng 10 ca khúc) cho các vở kịch của Túy Hồng. Tôi còn nhớ ngày tôi còn bé trước năm 75, rất thích coi kịch. Ngoài ban kịch Kim Cương, ban kịch Sống là một trong hai ban kịch lấy rất nhiều nước mắt của khán giả. Tôi ở trong một xóm nghèo, nhà không có TV, mỗi tối sau khi ăn cơm, làm bài tập xong, thường đi coi ké TV nhà hàng xóm. Trước năm 75, TV bên Việt Nam còn dùng trắng đen, kịch Sống thường diễn trên đài truyền hình VN số 9. Túy Hồng và Vân Hùng là nam diễn viên kịch nói đã làm say mê bao nhiêu khán giả trong đó có khán giả tí hon là tôi. Nhạc phẩm “Trăm Nhớ Ngàn Thương” trong một vở kịch của Túy Hồng đã làm thổn thức trái tim nhiều người khi xem kịch.
Mất em rồi, xa em rồi
Hoa đã tàn, nhụy đã phai
Chiều hôm nay trời thanh vắng em đi về, về với ai
Một người đi, một người sầu
Nhìn hoa úa buồn về mau
Đôi chân mòn tìm dư âm hè phố vắng
Lòng còn thương, tình còn nồng
Mà đêm nhớ, ngày chờ mong
Bao thu rồi nhìn lá chết rơi ngoài song
……………………………………………..
Trăm nhớ ngàn thương-Khánh Ly
Bài này cô Khánh Ly hát rất chân phương, kỹ thuật hoà âm đơn giản nhưng đủ chuyên chở được những ca từ mong nhớ, thương yêu, đậm sâu của nhân vật trong bài hát.
Trong kỹ thuật sáng tác, tôi thấy Lam Phương đã sử dụng nhiều nhạc country của Mỹ như nhạc blues, blues rock, như trong âm hưởng của bài này. Vào giữa thập niên 60, 70 nhạc blues rock (kết hợp giữa blues và rock) và các blues rock club Mỹ xuất hiện rất nhiều. Các nhạc sĩ Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Không riêng bài “Trăm nhớ ngàn thương”, nét nhạc này người ta tìm thấy rất nhiều trong dòng nhạc trữ tình được nhiều người nghe và yêu thích vào thập niên nói trên. Sau khi chế độ cộng hoà ở miền Nam sụp đổ tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản đặt tên cho dòng nhạc trữ tình miền Nam là “nhạc vàng” và cấm hát, phổ biến, cũng như lưu hành. Thế mà “nhạc vàng” lại được người dân miền Bắc ưa chuộng vì nó chứa nhiều yếu tố cảm tính mà nhạc miền Bắc rất thiếu. Bây giờ rất nhiều bài hát trong kho “nhạc vàng” được cho phép hát, lưu hành và các ca sĩ rất thích hát.
Trong tiến trình sáng tác của ông, Lam Phương viết nhạc qua thời đại, cho mọi giới, mọi tầng lớp nhưng có lẽ tầng lớp bình dân là mục tiêu được ông chọn để tiếp cận vì đó là đáy của một kim tự tháp trong phương pháp tiếp thị. Phải nói rằng nhạc của ông thoả mãn thị hiếu người nghe và bán rất chạy. Khi ấy, vấn đề thương mại và nghệ thuật được đặt ra và có người chỉ trích nhạc của Lam Phương là nhạc thương mại, nhạc sến.
Đã có nhiều người thắc mắc và cũng có người cố gắng định nghĩa và phân tích từ “sến là gì” và thế nào là “nhạc sến”? Đây là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Theo tôi, “sến” là một từ ngữ được áp đặt, được sử dụng rộng rãi nhưng không có nguồn gốc, định nghĩa rõ rệt. Mỗi người hiểu “sến” theo một ý riêng và không có một tiêu chuẩn nhất định nào để phân loại nó. Người ta chỉ nghe người khác phê bình và bắt chước hùa theo để gọi một bài hát là “sến”, rồi tự mình phân loại một dòng nhạc là “sang” hay “sến”.
Có vài định nghĩa cho rằng “Sến” tượng trưng của những gì rẻ tiền, từ ngữ đến từ Mari sến hay con sen. “Sến” còn là một từ ám chỉ sự chê bai và miệt thị những gì thể hiện ở mức, hay dưới mức trung bình hoặc bình dân.
Nét “sến” trong âm nhạc, có người bảo nó xuất phát từ chữ “sentimental” nghĩa là ướt át, đa sầu, đa cảm. Ta có thể gọi yếu tố chính của “sến” là ngọt ngào, mùi mẫn, sướt mướt, dễ thấm, xuyên tim. Chữ “sến” ở đây có nghĩa là khi nghe người ta thấy “phê”, thấy tim bị đốn ngã.
Có người quy cho dòng nhạc hay các bài hát có thể điệu bolero là nhạc “sến”, điều này không đúng. Giai điệu, không làm cho một bài hát trở thành “sến”. Thể điệu bolero đơn điệu và sáo mòn dễ hát nên có một số ca sĩ thích hát bolero bị gán cho từ “sến”. Hoặc ngược lại, những bài hát được họ trình bày đều biến thành “nhạc sến”.
Vì người ta hiểu bình dân là “sến” mà nhạc Lam Phương được giới bình dân ưa chuộng nên hễ nói tới “nhạc sến”, người ta hay nhắc đến tên Lam Phương và đem các bài hát như “Duyên Kiếp”, hay “Thành phố buồn” ra làm ví dụ. Thực ra nhạc Lam Phương không quá bình dân đến nỗi bị quy là rẻ tiền, hoặc dành cho các cô bà gánh nước hay con sen gối đầu giường. Nhạc của ông cũng không quá hàn lâm như kiểu nhạc của Cung Tiến có nhiều ảnh hưởng của nhạc cổ điển Tây Phương. Biên giới giữa nhạc “sến” và “không sến” trong các nhạc phẩm của ông cũng mơ hồ.
Nếu bảo rằng nhạc Lam Phương “sến” vì ca từ của ông lãng mạn, mộc mạc, giản dị, chân phương, tôi càng không đồng ý. Trong những nhạc phẩm trữ tình của ông sáng tác vào thập niên 60, 70 có nhiều ca từ còn hay ho hơn vô số các bài nhạc bây giờ. Nhạc bây giờ trong nước, có bài bắt chước nhạc Hàn quốc chỉ ra vẻ văn minh thôi chứ lời thì rất ngô nghê, sự thể hiện lại rỗng. Xem ra nếu so sánh chúng với dòng nhạc ngày xưa bị cho là “nhạc sến”, nó lại có ca từ văn vẻ hơn, mà không thô lỗ, như nhạc thương mại ngày nay.
Do đó khi một bài hát bị người ta cho nó là “sến” phần lớn do người ca sĩ thể hiện nó quá đà khiến nó trở nên quá ủy mị, rên rỉ, nỉ non, mùi mẫn cốt để lấy nước mắt, hay đốn ngã tim người nghe.
Ngày mới lớn, đi đâu, tôi cũng nghe thiên hạ hát “Thành phố buồn” (1970). Ngoài vỉa hè đại lộ, trong ngõ hẻm, đài phát thanh, truyền hình, đâu cũng có tiếng hát bài ấy vang vọng. Không biết cái thành phố buồn ấy nó hoang vắng, lạnh lẽo thế nào mà khi tiết tấu vừa trỗi lên, rót vào tai tôi, nỗi buồn liền đáp xuống, quất sụm cái trí tích cực con người liền. Nhất là khi nghe các nam ca sĩ thường hát nhạc sến, cất giọng nhừa nhựa, ngân nga, con sâu buồn liền ngóc đầu uốn éo, cào nhẹ trái tim người nghe, khiến tứ chi đột nhiên rũ rượi. Phải chăng cái chất giọng, lối thể hiện quá đà của người ca sĩ đã khiến bài hát tự nhiên “sến”. Mà cũng lạ, sau 75 và hiện nay một số ca sĩ xuất thân từ miền Bắc (thường hát nhạc hàn lâm hay “nhạc sang”) hát nhạc Lam Phương theo phong cách mới ai cũng công nhận là họ hát nhạc Lam Phương không thấy “sến” mà lại rất hay. Điều này khiến ta thấy rõ hơn sự thể hiện một bài hát của người ca sĩ rất quan trọng, nó có thể đưa bài hát của một nhạc sĩ vang danh hay biến nó thành “sến” chỉ trong mấy phút phù du.
Có một nghịch lý là, không phải một ca sĩ hay hát nhạc sến mà bài hát biến thành sến. Một bài hát trở nên sến, không do dòng nhạc đó sến mà khi người ca sĩ trình diễn một bài hát bị hư. Có bài hát được cho là sến, 1 người ca sĩ muốn hát cho nó khỏi sến, liền cố gắng đổi phong cách, khi hát cố thoát ra khỏi cái rên rỉ, ngọt, mùi, nhưng vì chú ý quá nhiều đến kỹ thuật, nên thiếu chiều sâu, cảm xúc, lại cố gồng lên, màu mè, luyến láy một cách máy móc, sáo mòn, khiến bài hát biến thành vô hồn thì tôi lại cho rằng người ca sĩ đó hát rất “sến”.
Nói tóm lại, âm nhạc chuyên chở cảm xúc, người nhạc sĩ là người làm nên những chiếc thuyền với những kỹ thuật kết nối, diễn đạt, ràng buộc, ôm ấp cảm xúc. Người ca sĩ là người lái đò đưa chiếc thuyền cảm xúc về bến đậu. Chiếc thuyền có về bến an toàn hay lạc lối đều do tài điều khiển con thuyền nếu bị sa vào cơn bão táp.
Rev. Hugh Reginald Haweis có nói “Cảm tính, chứ không phải lý tính, đã làm cho âm nhạc thăng hoa”. Dòng nhạc Lam Phương với bao nhiêu là cảm xúc tràn bờ đã tạo cho ông một nét riêng trong những con thuyền ông thả xuống dòng sông âm nhạc Việt Nam. Cảm ơn ông đã vì âm nhạc mà tạo nên những con thuyền trôi lờ lững làm đẹp và giàu có thêm cho kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Trịnh Thanh Thủy
(Trích Việt Tide-Thế Giới Nghệ Sĩ số 44)
No comments:
Post a Comment