Thursday, April 9, 2015

Việt Nam Cộng Hòa


Ngày 11 tháng 3 năm 1945 là ngày Vua Bảo Đại Tuyên bố độc lập và giao cho Giáo sư Trần Trọng Kim thành lập chính phủ lấy tên nước là Đế quốc Việt Nam và quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ hình quẻ ly, đó là tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa.
    Nhưng rồi ngày 2 tháng 9 năm 1945 đảng cộng sản Việt Nam thừa lúc chính quyền còn non trẻ đã nổi lên cướp chính quyền ở Miền Bắc và rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 cướp luôn chính quyền ở Miền Nam đưa cả nước xuống hố sâu XHCN. Đảng CSVN cướp chính quyền từ tay một chính phủ quốc gia hợp pháp và đầy nhân bản, họ cố tuyên truyền là chính quyền nầy là tay sai, bán nước, nhưng thực chất người cộng sản Trần Đĩnh đã còn chút liêm sĩ, công nhận đây là một chính quyền yêu nước với tinh thần dân tộc cao độ chứ không phải như đảng cộng sản từng bêu rếu. Trong Đèn cù. II, Trần Đĩnh viết rõ:


   “Trước ngày 19-8, không muốn mang tiếng đem em bỏ chợ, tổng tư lệnh Nhật vào Huế gặp Bảo Đại Trần Trọng Kim, nói: ‘Nếu các vị yêu cầu, Nhật với 50.000 quân tinh nhuệ có thể dẹp Việt Minh trong vòng một đêm, Việt Minh có quá lắm là 5.000 người còn súng ống lại càng quá ít. Nhưng hai ông này từ chối. ‘Tay sai mà thế ư?’…


Cụ Kim viết giá như cụ cứ chống cự thì Việt Minh không làm gì nổi vì chính phủ của cụ được Nhật ủng hộ còn Việt Minh chỉ là lừa dối lôi kéo dân chúng đi theo thôi, nhưng cụ Kim từ chối, không muốn ‘cõng rắn cắn gà nhà’, ‘nồi da xáo thịt”. (Đèn cù. II - trang 478)

Đấy, một chính phủ bán nước mà như thế! Có phải chăng chính đảng cộng sản cướp chính quyền để bán nước cho giặc Tàu từ đó đến nay?

Những chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nối tiếp cũng đã tỏ ra là quân tử mã thượng, và họ đã chứng tỏ được tinh thần yêu nước của họ cao độ, ngay cả những đảng viên cộng sản cũng như những thanh niên lớn lên sau này tìm hiểu lịch sử một cách trung thực cũng đã nhìn nhận VNCH mới thật là những người can đảm và một lòng yêu nước.

Nhà báo cộng sản Huy Đức đã có liêm sỉ khi viết lại lời ca ngợi Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã cãi lời của “đồng minh phản bội” chớ không phải như Hồ Chí Minh chỉ biết cúi đầu nghe theo lệnh tên “đồng chí khốn nạn” mà tàn sát đồng bào mình trong chiến dịch Cải cách ruộng đất suốt từ năm 1953 đến 1956 hay tên Lê Duẩn làm tay sai cho Liên Xô và Trung cộng mở cuộc chiến tranh Nam Bắc, huynh đệ tương tàn, tàn phá đất nước. Huy Đức viết:

“Thái độ can đảm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho sứ giả của Nixon khâm phục…

“Sự ‘can đảm’ khiến ông bị trả giá”. (BTC.II - tr. 441)

Phải công nhận rằng trong suốt thời gian Mỹ và Bắc Việt “đi đêm” thảo luận ngưng bắn ở Paris, Tổng thống Mỹ đã làm áp lực ép Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu buộc phải chấp nhận những thỏa thuận bất lợi cho mình. TT Thiệu đã cương quyết từ chối với sự hăm dọa của ông bạn đồng minh nên sau này Giáo sư sử học Mỹ Larry Berman viết trong quyển “Không hòa bình, chẳng danh dự”, “Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam”.

TT Thiệu đã phải đấu tranh một cách kiên cường với anh bạn “đồng minh phản bội” muốn ký nhanh để “tháo chạy”. Từ những vuốt ve, gạt gẫm đến dọa dẫm sẽ đưa đến cái chết như TT Ngô Đình Diệm năm 1963 một cách trắng trợn, TT Thiệu đã can đảm đón nhận lời hăm dọa đó với bản lĩnh của một lãnh đạo đáng kính.

“Ông Nixon đã yêu cầu ông Kissinger nói với phía miền Nam Việt Nam rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ cắt viện trợ cho chính quyền Sài Gòn nếu họ không ủng hộ các thỏa thuận hòa bình.

Đoạn băng ghi lại lời Nixon nói rằng: ‘Tôi không biết liệu lời đe dọa đó sẽ có đủ mạnh hay không nhưng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì, kể cả cắt đầu ông ta nếu cần thiết”. (cut off his head if necessary).(VOA online ngày 24-6-2009).

TT Thiệu thấy rằng ký hiệp ước hòa bình mà trong đó còn nhiều tìm ẩn của chiến tranh, như vậy nếu ký ngay trong điều kiện bất lợi và không có một cái gì bảo đảm thì rồi sẽ chết. Qua lời ông Nguyễn Phú Đức, sứ giả của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu nói với Tổng thống Mỹ Nixon một cách cương quyết rằng:

“Tổng thống Thiệu cho rằng thà chết ngay bây giờ còn hơn là chết dần chết mòn”. (KHBCDD - trang 274)

Đại diện Bắc Việt Lê Đức Thọ đã kỳ kèo thương thuyết một cách gian manh cộng thêm sức ép của Kissinger nhưng Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cũng cương quyết không chịu nhượng bộ đến nỗi Kissinger nói với TT Thiệu:

“Họ đã kết luận rằng họ không đánh bại được ngài. Hy vọng duy nhất của họ là chính chúng tôi lật đổ ngài”. (KHBCDD - trang 196)

Tình hình chiến sự của VNCH đã đến hồi tuyệt vọng, chỉ còn một hy vọng mong manh ở giải pháp sau cùng để bảo tồn sinh mạng của binh sĩ, một vị đại tướng đã giải ngủ phải đứng ra gánh vác việc “bàn giao”.

Đại tướng Dương Văn Minh, người đã can đảm đứng ra đảm nhận một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là: đầu hàng, để tránh cảnh đầu rơi máu chảy vô ích vào giờ chót. Tổng thống Dương Văn Minh đã hiên ngang từ chối lời mời bán nước cho giặc Tàu trong giờ tuyệt vọng. Tất nhiên là anh hùng hơn tên TBT cộng sản Nguyễn Văn Linh đứng trước nguy cơ CNXH bị phá sản đã kéo bộ sậu chạy sang Thành Đô của Tàu để mãi quốc cầu vinh. 

Nhà báo Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động của CSVN, người đã có 50 tuổi đảng cũng đã thật tâm lên tiếng ca ngợi sự tự trọng, tinh thần yêu nước và sĩ diện của một người lãnh đạo của VNCH.

“Chẳng hạn, khi miền Nam sắp giải phóng, tướng Dương Văn Minh đã từ chối lời đánh tiếng của Bắc Kinh muốn chìa bàn tay ra giúp đỡ quân đội miền Nam khi ấy. Dương Văn Minh quả không tủi hổ với tư cách một người lãnh đạo coi dân tộc, quốc gia lớn gấp vạn lần quyền lợi cá nhân ích kỷ

Tướng Vannuxem được tiếp kiến 15 phút. Ông ta nói với Tổng thống Dương Văn Minh: ‘Bắc Kinh sẵn sàng có hành động quân sự để cứu lấy VNCH khỏi rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Ông là sứ giả mật của Bắc Kinh. Nếu Tổng thống Minh đồng ý cứ lên truyền hình kêu gọi quốc tế can thiệp, vì quân đội Bắc Việt đã xé hiệp định Paris. Tướng Vannuxem đảm bảo lập tức Bắc Kinh sẽ đổ bộ vào Việt Nam’.

Tổng thống Dương Văn Minh đã phản ứng: ‘Cám ơn, cám ơn bạn. Đây là chuyện riêng của người Việt Nam, tôi không muốn có bất cứ người nước ngoài nào can thiệp vào”. (Boxitvn online ngày 7-6-2011)

Trước sự can đảm và nặng lòng với Tổ quốc của TT Dương Văn Minh, người cộng sản Trần Đĩnh trong Đèn cù. I đã tỏ lòng ngưỡng phục:

“Và theo một số nguồn đáng tin cậy thì Bắc Kinh đã gợi ý Dương Văn Minh bắt tay với Bắc Kinh để ngăn Hà Nội xé Hiệp định Paris. Minh từ chối. Nếu ông nhẹ ‘quốc gia’, nặng ‘quốc tế’ như Hà Nội mà hợp tác với Bắc Kinh thì chưa biết sự đời sẽ ra sao!” (Đèn cù. I - trang 84)

Lãnh đạo của VNCH như thế, còn quân đội VNCH thì sao? Andrew Wiest, giáo sư sử học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh và Xã hội tại Đại học Southern Mississippi viết trong cuốn “Quân Lực VNCH, một quân đội bị quên lãng. Anh hùng và kẻ bội phản”. Giáo sư Wiest đã không tiếc lời ca ngợi:

“Không như những gì thế giới phương Tây đã nghĩ, miền Nam Việt Nam đã chiến đấu cực kỳ anh dũng trong 20 năm. Anh dũng hơn cả những gì mà thế giới Tây phương, cho đến thời điểm này, vẫn viết, vẫn tin và vẫn hình dung. Trong các trận đánh, từ chiến trường nhỏ trước Mậu Thân, và mở rộng ra sau đó, đã chiến đấu rất can đảm và hiệu quả

Hãy nghe Thiếu tướng Creighton Abrams, con trai cố Đại tướng Abrams nhắc lại những gì thân phụ ông suy nghĩ.

‘Đến hôm nay tôi vẫn tin, cũng như cha tôi đã từng nói, quân đội miền Nam Việt Nam đáng cho những gì tốt nhất mà ông đã ra công. Và ông thấy hãnh diện đã từng cùng họ phục vụ một cuộc chiến mà kết thúc cuối cùng không như mong muốn”. (RFA online ngày 19-2-2008)

Viết đến đây tôi xin mọi người hãy dừng một phút để tưởng niệm những anh hùng VNCH vị quốc vong thân, những vị anh hùng tuẫn tiết ngày Quốc hận, những người đã bỏ xác trên đường tìm tự do.

Nhà báo Huy Đức trong Bên thắng cuộc cũng đã không quên tỏ lòng kính trọng với những tướng, tá trong Quân lực VNCH cũng như CSQG tự sát để không phải chịu cảnh đầu hàng ô nhục được thay bằng hai chữ “tuẫn tiết”.

“Đã tuẫn tiết như tướng Lê Văn Hưng, phó tư lệnh, tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân đoàn IV và một số tỉnh trưởng miền Tây khác”. (BTC.I -tr.37)

Tháng 4 năm 1975, Trần Đức Thạch, người lính Sư đoàn 341 của cộng sản Bắc Việt khi tiến quân vào đến Xuân Lộc thì gặp sự chống trả mảnh liệt của những quân nhân thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh VNCH và anh ta đã chứng kiến được những gương chiến đấu dũng cảm của người chiến sĩ VNCH khiến cho anh lính Bắc Việt này đã tỏ lòng kính phục và kể lại một cách chân thành rằng:

Phải công nhận là Sư đoàn 18 của phía đối phương họ đánh trả rất ngoan cường. Tôi tận mắt chứng kiến hai người lính Sư đoàn 18 đã trả lời gọi đầu hàng của chúng tôi bằng những loạt súng AR 15. Sau đó họ ôm nhau tự sát bằng một quả lựu đạn đặt kẹp giữa hai người. Một tiếng nổ nhoáng lửa, xác họ tung tóe giữa vườn cam sau ấp Bàu Cá. Hình ảnh bi hùng ấy đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Tinh thần của người lính đích thực là vậy. Vị tướng nào có những người lính như thế, dù bại trận cũng có quyền tự hào về họ”. (RFA online 24-2-2015)

Cách đây 41 năm, ngày ấy là ngày 19-1-1974 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã tử chiến với quân xâm lược Bắc Kinh ở quần đảo Hoàng Sa. Cuộc chiến đấu kiên cường khiến cho 74 người con yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh. Dù chính quyền cộng sản sau này vì lệ thuộc Bắc Kinh mà không dám nhìn nhận và vinh danh họ, nhưng nhân dân đã tri ân họ với tất cả tấm lòng, ngay cả người cộng sản còn chút lương tâm cũng phải ngưỡng phục. Cựu Đại tá QĐND Bùi Tín, người có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 cũng phải nhìn nhận:

“Năm nay là 40 năm chẵn kỷ niệm trận Hoàng Sa. Tháng 1-1974, một lực lượng của hải quân thuộc quân lực VNCH đã dũng cảm chiến đấu chống lại một lực lượng của hải quân Trung Quốc xâm phạm khu vực Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta…

Hãy bắt tay vào việc kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa oanh liệt chống quân bành trướng Trung Quốc một cách đàng hoàng sâu sắc, với nhiều hoạt động thiết thực…

Tôi cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại 40 năm trước tôi từng phụ họa với sự giải thích của ông Lê Đức Thọ và Ban Tuyên giáo Trung ương rằng: ‘Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”. (VOA online ngày 1-9-2014)

Trong bài “Vinh danh tử sĩ Hoàng Sa: một cơ hội hòa giải”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những người chủ trương Diễn đàn Xã hội Dân sự hiện sống và làm việc ở Hà Nội trình bày ý kiến của ông về việc nhìn nhận những tử sĩ VNCH đã bỏ mình vì Hoàng Sa như sau:

“Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất cứ chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế”. (RFA online ngày 1-6-2014)

Sự can đảm hy sinh bảo vệ Tổ quốc của người lính VNCH không ai có thể phủ nhận, ngay cả một tướng lãnh của quân đội cộng sản Hà Nội cũng phải tỏ lòng ngưỡng phục.

“Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cho rằng cần phải tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm

Tướng Thước cho rằng, hành động của người lính VNCH bảo vệ chủ quyền, đưa người ra chiến đấu giử Hoàng Sa tháng 1-1974, không để một thế lực nước ngoài nào vào xâm lược mảnh đất của Tổ Quốc là hành động yêu nước, hành động chính nghĩa và cần được nhân dân ghi nhận”. (Thanh Niên online ngày 7-1-2014)

Một quân đội được tôn vinh như thế, nhưng cuối cùng bị ông bạn “đồng minh phản bội” nên đành phải ôm số phận nghiệt ngã!

“…ông Melvin Laird, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ghi nhận rằng chế độ miền nam Việt Nam thua trận hồi trước là vì Mỹ cắt viện trợ trong lúc chẳng còn một chiến binh Mỹ nào lâm chiến...

Nhưng trong khi Mỹ chấm dứt viện trợ cho miền Nam thì khối Xô Viết vẫn tiếp tục cung ứng đầy đủ các tiếp liệu cho Bắc Việt”. (VOA online ngày 2-7-2007)

Lãnh đạo của VNCH đã ra lệnh nổ súng tử chiến chống quân Tàu cộng chiếm đảo Hoàng Sa, bảo vệ Tổ Quốc; còn lãnh đạo của cộng sản thì sao khi quân Tàu tiến chiếm đảo Gạc Ma? Ai đã ra lệnh không được chống trả? Ai đã bán rẻ xương máu của 64 sinh mạng binh sĩ dưới quyền? Ai đã dâng đất đai của Tổ Quốc cho giặc? Có phải chăng do tên tướng bộ trưởng Quốc phòng cộng sản Lê Đức Anh? Vậy mà sau đó đảng CSVN cũng như cái quốc hội bù nhìn đã thưởng công cho tên bán nước ấy làm chủ tịch nước!

Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết cho biết:

“Ngài Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi bấy giờ là ngài Lê Đức Anh đã ra cái lệnh như vậy… Một Bộ trưởng Quốc phòng thấy giặc nó xâm lấn bờ cõi của mình mà ra lệnh không được chống lại, đứng im như thế cuốn cờ lên mình để cho nó nã súng nó bắn!”

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, am hiểu sâu sắc vấn đề Trung Quốc đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh:

“Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc.
 Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc”. (RFA online ngày 12-3-2015)

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà đấu tranh phản tỉnh kiên cường, người đã có những suy nghĩ về sự bất hợp lý của mô hình cộng sản từ khi ông ở Tiệp Khắc trở về. Rồi sau 30-4-1975 khi vào Sài Gòn thì ông đã ngỡ ngàng nhận ra rằng:

“Đó là một cú chuyễn biến rất mạnh. Tức là nhảy vào Sài Gòn thì mình thấy nó phát triển, đầy đủ mà trước đây mình không biết. Trước đây Miền Bắc tuyên truyền rằng Miền Nam đau khổ. Tôi vẫn nhớ bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hà rằng:

- Hôm nay em mặc đôi áo mới
Màu áo non hồng tươi
Chúng ta có cơm và áo rồi
Nhưng trong Nam còn đang rối bời
Mong sao rồi đây cơm áo được khắp Bắc Nam cùng vui.
Tôi tưởng Miền Nam khổ lắm”. (RFA online ngày 24-2-2015) 

Một nhà trí thức khác, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà bất đồng chính kiến, người từng theo bộ đội Việt Minh từ thời chiến tranh chống thực dân Pháp, là một trong những người đầu tiên trong giới khoa học Miền Bắc sang Mỹ tham dự hội thảo khoa học, ông đã nhận ra rằng chính quyền Miền Bắc chỉ tuyên truyền khoác lác, Miền Nam mới thật là xã hội thiêng đàng mà người cộng sản từng mơ ước.

Chế độ VNCH ngày xưa có nhiều điểm ưu việt hơn chế độ chính trị của miền Bắc. Khi giải phóng vào thì tôi thấy là nền giáo dục của họ rất tốt, họ giáo dục cho trẻ em cái Lễ, chứ không phải là đấu tranh giai cấp. Con người ở miền Nam họ sống với nhau cũng có nghĩa hơn, chứ không phải như những con người giả dối, trong hội trường thì tung hô một nẻo, về nhà thì nói một nẻo. Rồi còn có báo chí, nhân quyền được tôn trọng hơn, có tự do ngôn luận hơn chứ không như ở miền Bắc bưng bít, phải nói theo đảng làm theo đảng, không được phê bình đảng, không nói được nguyện vọng của nhân dân, của quần chúng”. (RFA online ngày 28-1-2014)

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một thanh niên được sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa miền Bắc nên đã bị giáo dục nhồi nhét những sai lầm về lịch sử và chính trị. Do đó mà khi lớn lên có dịp đi ra nước ngoài luật sư Đài mới nhận ra từ lâu mình đã bị bưng bít sự thật nên ông đã vạch trần những thủ đoạn của nhà cầm quyền Hà Nội và ông đã trở thành một cựu tù nhân chống chế độ. Qua luật sư Đài tôi muốn các em học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam ngày nay hãy tìm hiểu và nhận thức cho đúng sự thật của lịch sử và chính trị để có một định hướng và hành động xứng đáng là con Hồng cháu Lạc. Các em thấy đấy, luật sư Đài người từng hân hoan đón mừng ngày 30-4-1975 thống nhất đất nước nhưng rồi đã vỡ mộng trước những thực tế phũ phàng, luật sư Đài tự hỏi: “Nếu Việt Nam Cộng hòa chiến thắng?” 

Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ VNCH, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là VIỆT NAM CỘNG HÒA thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự”. (BBC online ngày 29-4-2013)

Nguyễn Ngọc Già, người thanh niên yêu nước. Ngọc Già, tôi thương em đang ở trong tù, chính cái nhà tù của chế độ mà cha của em đã góp phần dựng nên. Nguyễn Ngọc Già đã thành khẩn viết bài “Tôi biết ơn VNCH” để nhắc cho những ai ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản coi đó là tội lỗi và ngay cả những tên quốc gia đón gió trở cờ hãy xem đó là điều điếm nhục. Ngọc Già viết:

“Dù VNCH tồn tại ngắn ngủi, nhưng tôi không sao quên được cuộc sống chan hòa nhân ái của tuổi hoa niên, dù ngay trong những ngày chiến tranh lửa khói. Hôm nay, bổng nhiên tôi bật ra lời thành tâm này. Tôi viết với nỗi xúc động rưng rưng trên khóe mắt, khi xem lại hình ảnh những tử sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa-Trường Sa ngày xưa.

Thay mặt gia đình.

Như đã viết rải rác trong nhiều bài trước đây, tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, trong một gia đình trung lưu với việc làm ăn phát đạt, dần dẫn đến giàu có hơn.

Thật ra, sau này tôi mới biết ba tôi là ‘Việt cộng nằm vùng’, do đó có thể nói, gia đình tôi là gia đình ‘ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. (RFA online ngày 11-6-2014)

Hai anh em ông Huỳnh Nhật Hải, Phó chủ tịch UBND Tp Đà Lạt và Huỳnh Nhật Tấn, Phó giám đốc trường đảng cộng sản Lâm Đồng, là gia đình có truyền thống ‘cách mạng’, nhưng sau bao nhiêu năm nghe lời Lê Duẩn tham gia “giải phóng miền Nam”, đánh phá VNCH, hai ông đã thấy được sự sai lầm của mình nên đã từ bỏ đảng cộng sản và đã tâm sự với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn như sau:

Huỳnh Nhật Tấn: “Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay… tôi cũng đã vô tình đóng góp công sức đưa những người mang danh ‘cách mạng’ nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam”. (DanLamBao online ngày 29-4-2012)

Ông Hồ Ngọc Nhuận, nguyên là một dân biểu của chế độ VNCH, nhưng nhờ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản nên sau năm 1975 ông ta lại được cộng sản cho làm đại biểu quốc hội bù nhìn. Suốt 40 năm nằm trong chăn, đã biết chăn có rận nên khi trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm đài RFA ông ta la lên:

Cái chế độ cũ cũng để cho dân nói. Còn bây giờ không cho người ta nói thì làm sao mà góp ý xây dựng đất nước được?...

Thật sự cái luật của chế độ mới bây giờ đâu phải là pháp trị mà là đảng trị. Họ thâu tóm tất cả trong tay họ hết…

Dưới chế độ cũ mấy ông làng văn cũ vô trong này hồi sau 75 chẳng hạn tôi còn tặng sách của mấy ổng mà ở ngoài đó mấy ổng không in được. Còn ở trong này in thả giàn”. (RFA online ngày 17-8-2013)

Ai là kẻ bán đất bán biển cho giặc Tàu:
 Việt Nam Cộng hòa hay Việt Nam Cộng sản?

Để trả lời câu hỏi trên, Đặng Chí Hùng, một thanh niên lớn lên trong một gia đình “những người miền Bắc như chúng tôi đã được giải phóng”, sớm nhận ra bộ mặt gian trá của chế độ cộng sản nên ông đã sưu tầm, nghiên cứu tìm hiểu và nhận định một cách chính xác trong bài viết “Những sự thật cần phải biết (phần 5)” như sau:

Việt Nam Cộng hòa không phải là ‘ngụy’ mà là thể chế tự do, dân chủ, biết lo cho đời sống nhân dân dẫu rằng còn nhiều khiếm khuyết cần thời gian sửa đổi.

Chính họ là nạn nhân của chính sách ‘ngậm máu phun người’ của đảng cộng sản Việt Nam. Những người lính VNCH đã ngã xuống vì họ ngã cho chính nghĩa và tự do của nhân dân. 
Chính VNDCCH là ngụy đánh thuê cho Liên Xô, Trung cộng (lời ông cựu TBT Lê Duẫn)”. (Danlambao online ngày 24-4-2013)

No comments:

Post a Comment