Monday, March 3, 2014

Charlie ngày ấy và Charlie bây giờ - Tưởng Nhớ Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo

Thưa Qúy Vị, Quý NT và CH....
Ngày 12/4/2014 , tưởng niệm 42 năm, ngày Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo Tiểu Đoàn Trưởng, và các Chiến sĩ của Tiểu đòan 11 Nhảy Dù, đã vĩnh viễn nằm lại tại cứ điểm Charlie trên dảy núi đồi chập chùng của vùng Tân cảnh, Kontum...  

Cuối tuần , xin mời Quý Vị dành ít thì giờ quý báu đọc hai bài viết dưới đây, để tường....

1.- Bài viết của người con út  Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, anh Nguyễn Bảo Tuấn  viết về cha mình... với nỗi buồn cha mình đã không bao giờ trở về dự sinh nhật của Mẹ. Và Mẹ anh  "đến ngày sinh nhật mẹ đã không tổ chức, mà vẫn chờ Cha về, và cho đến tận bây giờ mẹ vẫn chờ…".

2.- Bài viết chi tiết: Charlie ngày ấy và Charlie bây giờ, của Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập... " Để kính nhớ cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng 11 Dù, và đồng đội tôi. Để tưởng nhớ đề lô Tiểu đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù, Trung úy Nguyễn Văn Khánh, Chuẩn Úy Sơn, ' và 10 đệ tử trong đó có hai đệ tử chúng tôi là Hạ sĩ Hạnh, Binh nhì Nhỏ còn ở lại Charlie… Để tưởng nhớ anh em Không Quân đã hy sinh để bảo vệ chúng tôi suốt trận đánh đánh lịch sử này…" 

Trân trọng...

BMH
Washington, D.C 

Tại sao không giữ lời hứa với 
Mẹ tôi 
- Nhảy Dù 

Nguyễn Bảo Tuấn
 
Trên FB tôi thấy đại đa số thường chọn hình mình hoặc hình con mình để làm avatar, ít hơn một chút thì lấy hình của người yêu, vợ hoặc chồng, hoặc một hình gì đó mà mình yêu thích. Riêng tôi thì tôi lại chọn một đối tượng khác mà hình như tôi thấy chưa một ai chọn giống như tôi : một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi

Tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đầy phong ba bão táp. Cả nhà 6 người mà chỉ có một chiếc xe đạp thay phiên nhau đi, gạo thì chạy ăn từng bữa, anh trai tôi ngày ngày cứ 5h sáng phải chạy lên Gò vấp để lấy bánh đậu xanh về đi bỏ cho các tiệm bánh rồi mới về đi học trong suốt 7 năm trời, từ năm học lớp 11 đến hết năm thứ 6 Y khoa. Khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn trưởng thành một cách đầy kiêu hãnh. Đôi khi nhìn lại tôi tự hỏi là điều gì đã giúp tôi mạnh mẽ mỗi khi đương đầu với những khó khăn? Và câu trả lời là do trong huyết quản tôi vẫn đang mang một dòng máu nóng trong mình và tôi đã đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ người đã cho tôi dòng máu ấy : một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi.

Tôi cũng không biết tại sao tôi và người đó chỉ gặp gỡ và tiếp xúc trong có vài chục ngày, chính xác là từ ngày 06/01/1972 đến ngày 25/03/1972, mà tôi lại luôn luôn thương mến, cảm phục, tự hào và luôn lấy người làm tấm gương soi để tôi có đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ là do cuộc sống của người quá vĩ đại và tôi đã được thừa hưởng một phần của nó. Mặc dù khi ra đi người đã không thực hiện được một lời hứa với mẹ tôi mà cho tới bây giờ tôi vẫn hỏi: “Tại sao?”

Charlie, tên nghe quá lạ!

“Toàn thể những địa danh nơi hốc núi, đầu rừng, cuối khe suối, tận con đường, tất cả đều bốc cháy, cháy hừng hực, cháy cực độ... Mùa Hè 1972, trên thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt…

Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân, cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy. Mùa Hè năm 1972- Mùa Hè máu. Mùa Hè của sự chết và tan vỡ toàn diện.

Nếu không có trận chiến mùa Hè năm 1972, thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum.

Charlie, "Cải Cách," hay "C," đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-Kơ và Đường 14, đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim bay, đông-nam là Kontum, thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên.”
(Trích trong "Mùa hè đỏ lửa" của Phan Nhật Nam)

Charlie bỗng trở thành một địa danh được nhắc nhớ từ sau 4000 quả đạn pháo tới trong một ngày, từ sau người mũ đỏ Nguyễn Đình Bảo nằm lại với Charlie.
(Trích lời giới thiệu trong CD Chiến tranh và hòa bình của Nhật Trường Trần Thiện Thanh)

Cho đến bây giờ cũng ít người biết rằng tôi chính là “đứa bé thơ” với “tấm khăn sô bơ vơ ” trong bài hát “Người ở lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Và tôi lớn lên cùng với ký ức về một người Cha hào hùng như vậy.

Tôi không thần tượng Cha tôi từ một bài hát viết về người, cũng không thần tượng từ một hai trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp của người, mà tôi thần tượng Cha mình từ chính cuộc đời của Người. Trải qua biết bao thăng trầm đời binh nghiệp và cuối cùng người đã được giao làm tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn “Song kiếm trấn ải” (biệt danh của tiểu đoàn 11 nhảy dù), một trong những tiểu đoàn được xem là thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Cha tôi là một người khát máu hung tàn, mà ngược lại hoàn toàn, mọi người đều nhớ về hình ảnh Cha tôi như là một võ sĩ đạo đúng nghĩa : giỏi võ, dũng cảm và cao thượng. Thời bấy giờ có mấy ai dám đánh một sĩ quan của Mỹ, vậy mà Cha tôi đã làm điều đó khi người sĩ quan đó dám làm nhục một người lính Việt Nam (chuyện này tôi được nghe bác ruột tôi kể lại). Có tiểu đoàn nào trong quân đội mà luôn gọi Tiểu đoàn trưởng bằng tên thân mật “Anh Năm”?, nhất là trong binh chủng Nhảy dù, việc phân chia cấp bậc luôn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Vậy mà trong tiểu đoàn 11 Nhảy dù, tất cả mọi người từ lính đến sĩ quan chẳng ai gọi Cha tôi là Trung tá cả, mà luôn gọi là Anh Năm, và “Anh Năm” thường hay nói với mọi người trong tiểu đoàn rằng: “Tụi mày thì chẳng biết mẹ gì, nhưng tất cả tụi mày tao đều coi là em tao hết”.

“Anh Năm,
Ngoài đời Anh sống hào sảng, phóng khoáng và thật "giang hồ" với bằng hữu anh em, còn trong quân ngũ, Anh như một cây tùng ngạo nghễ giữa bão táp phong ba, Anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới, Anh chia xẻ vinh quang buồn thảm với sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp. Anh sống hùng và đẹp như thế mà sao lúc ra đi lại quá phũ phàng!?
Tôi về lại vườn Tao Ðàn, vẫn những hoa nắng tròn tròn xuyên qua khe lá, lấp loáng trên bộ đồ hoa ngụy trang theo mỗi bước chân. Cây vẫn xanh, chim vẫn hót, ông lão làm vườn vẫn lom khom cầm kéo tỉa những chùm hoa loa kèn, những cụm hoa móng rồng và những bụi hồng đầy mầu sắc. Bên gốc cây cạnh căn lều chỉ huy của Anh hồi tháng trước khi còn đóng quân ở đây, tôi thấy có bó hồng nhung đỏ điểm vài cánh hoa loa kèn trắng.

Chống đôi nạng gỗ xuống xe, tiếng gõ khô cứng của đôi nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi. Xiết chặt tay ông cụ, trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương, chòm râu bạc lưa thưa phất phơ trước gió. Ông cụ đọc báo, nghe đài phát thanh nên biết Anh đã ra đi, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa Anh. Cụ mời tôi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, rồi ngồi xuống cạnh gốc cây, tay vuốt nhẹ trên những cánh hồng, sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói:
"- Thuốc lá Ông Quan Năm cho, tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm. Mấy chục năm nay tôi mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như tôi. Người tốt mà sao Ông Trời bắt đi sớm như vậy!? "
(Trích trong "Máu lửa Charlie" của Đoàn Phương Hải)

Cha tôi đã sống như thế nào mà những người ít ỏi còn sống sót trở về sau trận chiến tại đồi Charlie đều nói là họ thật hối tiếc khi không được nằm xuống cùng Cha tôi ở đó.

“Tô Phạm Liệu cảm thấy lẻ loi ở cái đại hội y sĩ có nhiều những người “mặc quần mới áo đẹp” và “ăn to nói lớn”, thích “nhảy đầm” và “xếp hàng để lên hát”... Trong cơn say, anh nói là phải chi trước kia, mười mấy năm trước kia, anh được “ở lại Charlie” với Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, với các bạn nhảy dù thì “sướng hơn nhiều.”
(Trích trong "Tô Phạm Liệu : người trở lại Charlie" của Phạm Anh Dũng)

Viên sĩ quan cố vấn Mỹ Duffy cho tới tận bây giờ vẫn còn luôn mang trong người những hoài niệm về Cha tôi và trận chiến tại Charlie. Mỗi lần tham gia các cuộc gặp gỡ của hội cựu chiến binh Việt Nam (trong đó có một số hiện đang là tướng lãnh cao cấp trong quân đội Mỹ) ông ta đều hỏi mọi người “Tụi mày có từng tham gia trận Charlie không, tụi mày có ai từng chiến đấu cạnh Colonel Bao (Trung tá Bảo) chưa? Thế thì tụi mày còn xoàng lắm. Và hàng năm cứ mỗi lần sinh nhật của mình, ông ta đều đặt một ổ bánh kem làm hình một ngọn đồi và ghi chữ Charlie lên đó. (Chuyện này do Chú Đoàn Phương Hải khi về Việt Nam năm 2011 thuật lại cho tôi nghe)

Cha tôi đã sống như thế nào để một người Mỹ phải luôn khắc trong tâm khảm những hoài niệm như vậy?

Tôi chỉ có thể kết luận một câu : “Cuộc đời của Cha thật vĩ đại”

Ngày hôm nay khi viết về Cha, tôi không biết viết gì hơn, chỉ xin dâng về hương hồn Cha một vài câu thơ nói về khí phách của Người và nơi mà Cha đã gửi lại thân xác của Người vĩnh viễn cho núi rừng Charlie. Ở đây tôi xin dùng từ "Cởi áo trần gian" vì tôi tin rằng Cha vẫn đang khoác một chiếc áo khác và vẫn đang nhìn tôi từ một nơi rất xa…

Lặng lẽ ngàn năm chẳng danh xưng
Bỗng chốc một hôm hóa lẫy lừng
Charlie gầm thét trong lửa đạn
Gọi mãi tên người nước mắt rưng

Trai thời nỗi chết tựa trên lưng
Khí phách hiên ngang bước chẳng dừng
Charlie vẫy gọi người ở lại
Cởi áo trần gian tặng núi rừng
(Kính dâng tặng hương hồn Cha)


Sinh nhật mẹ tôi ngày 11/04. Trước khi hành quân vào Charlie ngày 25/03 Cha tôi đã đặt một chiếc bánh sinh nhật cho mẹ với lời hứa là sẽ về dự sinh nhật của mẹ. Đến ngày sinh nhật mẹ đã không tổ chức mà vẫn chờ Cha về, 
và cho đến tận bây giờ mẹ vẫn chờ…

Tuy nhiên Cha đã thất hứa với mẹ vì ngày 12/04 Cha đã cởi áo trần gian và nằm lại vĩnh viễn với Charlie. Còn tôi, tôi chỉ biết hỏi là tại sao Cha lại không giữ lời hứa với mẹ tôi? Tại sao và tại sao…?...
******************************

Charlie ngày ấy và Charlie bây giờ
 

 


Vị trí và địa hình cứ điểm Charlie trên bản đồ quân sự


Quả tình nếu không có trận chiến mùa Hè năm 1972, thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum.
Charlie, "Cải Cách," hay "C," đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-Kơ và Đường 14, đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim bay, đông-nam là Kontum, thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên.
Từ xa xưa cho đến khi ngọn đồi này bị tràn-ngập. Nó vốn không hề có tên. Charlie chỉ là một check point trên bản đồ quân-sự cho các cuộc hành-quân hoặc một chiến-dịch. Và cái tên Charlie cũng chỉ là nhất thời, nó cũng như những check point khác như Delta, Yankee, Metro . . . chỉ được sử-dụng trong một giai-đoạn có thể là rất ngắn cho đến khi hết cuộc hành-quân hoặc chiến-dịch mà thôi. Qua đến chiến-dịch hoặc cuộc hành-quân khác, những check point cũ sẽ không còn được sử-dụng nữa. Chúng có thể sẽ được sử-dụng bởi những tên mới khác.
Charlie cái tên được đặt đầu mùa 1972 cho một ngọn đồi để tiếp nhận định mệnh tàn khốc trong cuộc chiến trùng trùng.



Người ở lại Charlie, Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo (phải),

Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Song Kiếm Trấn Ải 11 Dù (với Đ/U Dù Đoàn Phương Hải. trái)

Tháng 4 năm 1972 Sư đoàn 320 Bắc Việt bao vây cứ điểm Charlie. Những cơn mưa pháo kinh khiếp, tàn nhẫn đạt tới “ điểm đứt hơi, điểm vỡ của chiến trận”(chữ dùng của PNN) phủ chụp xuống đồi Charlie, nối tiếp những đợt cường tập biển người của Cộng quân. Ngày 12 tháng 4 hỏa tiễn 122 mm pháo trúng hầm chỉ huy, Trung tá Nguyễn Đình Bảo (Tiểu Đoàn Trưởng ) tử trận. Một trong những con sói đầu đàn của binh chủng Nhảy Dù sau mười hai năm ngang dọc chiến trận đã chấm hết phút đó trên cao độ 1020 trông về bốn hướng chập chùng đồi cao tiếp núi thẩm. Trường Sơn ác độc nhận thêm một hình hài !
Thiếu tá Lê Văn Mễ lên thay thế và tiếp tục cuộc “thánh chiến” tử thủ Charlie.

Thiếu tá Lê Văn Mễ (dang rộng tay) cùng đồng đội của Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù trên đồi Charlie trước cơn bão lủa Hè 1972

Sau 7 ngày giao chiến không được tiếp tế, hết thực phẩm nước uống, cạn đạn dược. Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù được lệnh bỏ cứ điểm. Trong màn đêm họ rút về hướng Đông Bắc. Một số binh sĩ bị thương quá nặng đã tình nguyện ở lại cầm chân địch quân để đồng đội an toàn rời tử địa. Tiểu đoàn rút khỏi đỉnh đồi gần nửa cây số những cơn địa chấn dội xuống từ pháo đài bay B-52 san bằng Charlie, Cứ Điểm Thép của 11 Nhảy Dù cháy hừng hực trong cơn bão lửa, trong vụn vỡ nát tan của núi rừng hoang dã Tây Nguyên, chẳng còn gì nguyên vẹn ngoại trừ hồn phách của những người lính Nhảy Dù can trường của Tiểu Đoàn Song Kiếm Trấn Ải!


Charlie, Ngọn Đồi Quyết Tử
Nửa ngày ở Dakto
Sớm mai bắn súng lên trời

Chào cô gái Thượng mang đời trên lưng
Buổi trưa xuống, phố tưng bừng
Chào nhau, Mũ Đỏ không mừng không lo.
Vào Charlie
Trăm con chim lạ về rừng
Cờ treo hai ngọn, lẫy lừng chiến khu
Kontum gió núi, sương mù
Theo quân vào cuộc, sinh, từ, quê hương
Ba lô, súng trận, sa trường
Tiếng quân reo, dấy biên cương ngút ngàn
Điệu sầu nửa phím tơ loan
Áo phong sương đã mấy lần tả tơi
Xung phong vũ khúc lên đồi
Bom rơi, pháo nổ, thây người ngả nghiêng
Tóc tai phủ mặt đêm đen
Đầy trời khói lửa Tam Biên, bảo bùng
Một thời ngang dọc kiêu hùng
Charlie gẩy cánh thiên thần. Tiếc Thương
Cánh dù lộng gió muôn phương
Vào lòng đất mẹ, máu xương ngậm ngùi
Tay khô đốt sáng đỉnh trời
Lập loè đốm lửa, thắp đời quạnh hiu.

Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập
Để kính nhớ cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng 11 Dù, và đồng đội tôi. Để tưởng nhớ đề lô Tiểu đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù, Trung úy Nguyễn Văn Khánh, Chuẩn Úy Sơn, ' và 10 đệ tử trong đó có hai đệ tử chúng tôi là Hạ sĩ Hạnh, Binh nhì Nhỏ còn ở lại Charlie… Để tưởng nhớ anh em Không Quân đã hy sinh để bảo vệ chúng tôi suốt trận đánh lịch sử này…

CHARLIE bây giờ

Ngày hôm nay, khi chúng tôi lại một lần nữa đến viếng ngọn đồi đã lừng-danh này. Cũng là ngôi mộ mang tên Charlie chôn kín niên-trưởng Cố Đại-tá Nguyễn-Đình-Bảo, Tiểu-đoàn Trưởng Tiểu-đoàn 11 – Song Kiếm Trấn Ải con sói đầu đàn của Sư-đoàn Nhảy Dù. Cùng bao chiến-sĩ Dù thuộc cấp của Ông.Từ một người phụ-nữ lam-lũ với đồng-áng, nương, rẫy. Đến những người hành-nghề Honda ôm tại Pleiku, Kontum nói chung, ở Sa-châu nói riêng v.v… tất thảy họ đều biết ngọn đồi Charlie. Họ sẽ chỉ-dẫn rất tận-tình và rõ-ràng những chi-tiết cho những ai muốn đến nơi đó.
Một ngày nào đó, khi non-sông gấm-vóc của chúng ta được tươi-sáng lại, những trang sử hào hùng đẫm máu và nước mắt của người lính VNCH trên "địa linh" CHARLIE sẽ được hồi sinh cho thế hệ con cháu đời sau chiêm ngưỡng.

Nếu không có sự hy-sinh của Tiểu-đoàn Song Kiếm Trấn Ải Hè Đỏ Lửa 1972. Hẳn trong dân-chúng miền Tây-nguyên đã không bao giờ biết đến nó, nhớ đến nó. Cố Đại-tá Nguyễn-Đình-Bảo và các chiến-hữu của Ông đã định danh cho nó rồi : Đồi CHARLIE.
Nếu trên Ql 14, tại Dakto chúng ta sẽ phải rẽ trái (hướng Tây). Rồi mất thêm 49 cây số nữa mới tới được Charlie tại thị-trấn Sa-châu.
Nhưng khởi-hành từ Kontum chúng ta đi, thì tới ngã ba Trung-chính chúng ta rẽ trái (hướng Tây) và chỉ mất hơn 20 cây số là đến Charlie (Sa-châu) mà thôi. Như vậy, nếu ta lấy 3 điểm Kontum, Dakto và Charlie, thì chúng sẽ tạo ra một hình tam-giác mà Charlie là đỉnh có cạnh đáy là Kontum và Dakto.

Đồi Charlie và khu dân-cư Sa-châu, được nhìn từ Sa-bình cách Sa-châu 9 cây số.



Lối vào dễ-dàng nhất và gần nhất để đến Charlie.
Charlie, Ngọn Ðồi Quyết Tử

Ðể kính nhớ cố Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo, Tiểu đoàn trưởng 11 Dù, cùng đồng đội Nhảy Dù và Không Quân đã hy sinh trong trận Charlie…


Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo

Tất cả ám danh đàm thoại truyền tin của Pháo binh Nhảy Dù đều bằng 4 con số, thí dụ như pháo kích gọi là 3113, bắn hiệu quả gọi là 3134, và tên các giới chức gọi bằng 3 con số, thí dụ như tên chúng tôi gọi là 314, mọi tần số truyền tin đều chuyển qua hệ thống của đề lô cho dể tác xạ, và bài này sử dụng bạch văn cho độc giả dể hiểu.

(Tiếng động cơ trưc thăng hoặc tiếng phi cơ vận tải dồn dập rồi đáp xuống). Những ngày gần cuối tháng 3 năm 1972, Tiểu đoàn 2 Pháo binh theo Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù đi hấp tại Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp ở Phước Tuy, giữa chương trình huấn luyện có một cuộc hành quân nhảy dù và có phi pháo yễm trợ bằng đạn thật. Cũng như những lần tập trước đây, bải đáp là một cánh đồng trống với nhiều bụi tre lúp xúp, khi toàn bộ Tiểu đoàn 7 và một Pháo đội Dù với 6 cây đại bác 105 ly kiểu M102 được trang bị vũ khí đầy đủ nhảy từ phi cơ 123 an toàn đáp xuống đất, là mở đầu ngay cuộc tấn công mục tiêu bằng đạn thật vào một khu rừng sát chân núi (tiếng đạn nổ trên mục tiêu). Cũng vào thời gian này Pháo binh Nhảy Dù vừa mới được trang bị loại đạn cay CS 105 ly nên Tiểu đoàn của chúng tôi được lệnh phải bắn thử loại đạn này, tôi cùng một Tiền Sát Viên hình như là Trung úy Ðỗ Trọng Dụng được lệnh đeo mặt nạ ngồi dưới hầm gọi tác xạ bắn ngay trên đầu để thử công hiệu.

Cuộc bắn thử này có nhiều giới chức quân sự cao cấp đứng trên một khán đài ở xa để quan sát. Tôi vừa hồi hộp vừa tự trấn an, ai bảo đi pháo binh, sinh nghề tử nghiệp mà, nếu điều chỉnh xa mục tiêu thì mất mặt KBC 4522, còn nếu bắn ngay trên đầu thì chiếc mặt nạ thổ tả này có chịu nổi hàng chục trái đạn cay hay không. Tôi chưa kịp lo ra thì Tiểu đoàn thông báo cho tôi xuống pháo đội lảnh hai đề lô đi tiền sát cho Tiểu đoàn 9 Dù. Một chiếc xe Dodge đưa ngược chúng tôi về Saigon, thầy trò vừa xuống xe vào trình diện Ban 3 Tiểu đoàn 9 thì lại được một công điện về trình diện Tiểu đoàn 11 của Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo để đi Kontum.

Những bất thường trong đời lính làm cho tôi không thấy có điều gì bất tường cả trong lệnh điều động này. Ðầu năm 1972, chiến sự đã trở nên sôi động nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến được gọi là chiến tranh ý thức hệ này cũng chẳng được giới sĩ quan trẻ như chúng tôi để ý nhiều, chỉ quan niệm đơn giản đến tuổi là phải đi lính để bảo vệ quốc gia. Mới đổi về Nhảy Dù đúng một năm mà đã tham dự hàng chục cuộc hành quân lớn nhỏ, cái chết lúc nào cũng cận kề làm tôi chẳng còn ý niệm gì về những cuộc ra đi của bạn bè về vùng 5 da ngựa bọc thây. Vì ở đâu, Nhảy Dù có đụng là đụng thứ thiệt, chơi thật sự với đại pháo 130 ly, với xe tăng T54, và biển người cỏ rác nhất định sinh Bắc tử Nam để thực hiện cho bằng được mộng làm tôi đòi cho cộng sản quốc tế của Bắc Bộ Phủ, ở đâu, chúng tôi cũng phải một đánh ba là thường xuyên, còn nếu không Bộ Tổng Tham Mưu chẳng bao giờ chịu sử dụng cả. Nhưng ở đây, Charlie, chúng tôi phải một đánh mười, Mặt trận B3 của cộng quân với Sư đoàn Thép 320, Sư đoàn 968, chưa kể các Trung đoàn pháo và phòng không dầy đặc đã sẳn sàng đợi Tiểu đoàn “Song Kiếm Trấn Ải ” danh hiệu 11 Dù hai cây đèn cầy.

Phi cơ bay ra Pleiku ở một đêm, rồi hôm sau theo đường bộ ra Kontum, rồi đi Tân Cảnh theo Quốc lộ 14, dọc đường nhiều quán thịt rừng mọc lên làm tôi nhớ lại Saigon, những bửa còn tiền thì đấu với đại võ sĩ Rémy Martin hoặc cạn túi thì chơi với võ sĩ hạng lông rượu rắn tại Quán thịt rừng Tân Vạn, gần hậu cứ Nguyễn Huệ. Xe qua Căn cứ B5 rồi Diên Bình, những người lính Ðịa Phương Quân đứng trên cầu vẫy tay cười cười, cái khung cảnh bình yên này chỉ trong thời gian ngắn nửa thôi là có chuyện lớn xảy ra, đó là cái bất tường của đời lính. Tại Bộ Chỉ Huy Lữ đoàn 2 Nhảy Dù ở Võ Ðịnh, tôi nhận bản đồ hành quân từ Tiểu đoàn 1 Pháo binh Dù của Thiếu Tá Bùi Ðức Lạc (hiện ở San Jose), là vị Tiểu Ðoàn Trưởng tiền nhiệm của Tiểu đoàn tôi, và chuẩn bị nhảy vào Charlie. Sĩ Quan Liên Lạc Pháo Binh Tiểu đoàn 11 Dù tức đề lô chúa là Trung úy Lưu Văn Ðúng danh hiệu 310, một đàn anh chưa bao giờ chịu học nhảy dù, đã triệu tập chúng tôi lại phân chia và thông báo nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Văn Khánh danh hiệu 311, cũng là bạn cùng khóa với tôi là đề lô Ðại đội 111 của Trung úy Thinh. Chuẩn Úy Sơn danh hiệu 312, đề lô Ðại đội 112 của Ðại Úy Hùng móm. Chuẩn Úy Trưng danh hiệu 313, đề lô Ðại đội 113 của Ðại Úy Hùng mập. Trung úy Nguyễn Văn Lập danh hiệu 314, đề lô Ðại đội 114 của Trung úy Phan Cảnh Cho (hiện nay ở Quận Cam). Ðại đội 110 của Ðại Úy Nho đóng chung với Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 11. Pháo binh từ Căn cứ 5 danh hiệu 415, Pháo binh Căn cứ 6 danh hiệu 416, Căn cứ Yankee của Pháo đội D1 ở hướng bắc danh hiệu 417, và Pháo đội C1 danh hiệu 418 với 1 trung đội 155 ly C 220 danh hiệu 419 ở hướng Nam yễm trợ trực tiếp hoặc tăng cường cho chúng tôi theo yêu cầu. Nhìn một dọc các căn cứ hỏa lực yễm trợ cho Tiểu đoàn 11, tôi nhận thấy ngay tình hình rất là nghiêm trọng, một cuộc tapi khốc liệt sẻ diễn ra trên ngọn đồi vô danh nào đó nằm sâu trong dảy Trường Sơn.

Sáng ngày 25 tháng 3 năm 1972, Tiểu đoàn 11 được trực thăng vận bốc vào vùng hành quân, phi cơ bay ngang Tân Cảnh nơi đúng một năm trước đây, sau Hạ Lào, một số đơn vị của Sư đoàn Nhảy Dù từ Quãng Trị bay thẳng về đây giải tỏa Căn cứ 5 và Căn cứ 6. Cuộc hành quân ngoạn mục nhảy ngay trên đầu địch làm cho chúng bất ngờ và nhiều trăm tên bị tan xác tại đây, lúc này cuộc hành quân đang đi vào giai đoạn chót, tôi từ Tiểu đoàn 183 Pháo binh dã chiến Long Khánh về trình diện Thiếu Tá Lạc tại vùng hành quân và được vị Tiểu đoàn trưởng chịu chơi cho 4 ngày phép về Saigon coi như một đặc ân về Pháo Binh Nhảy Dù, đồng thời xù luôn 4 ngày trọng cấm mà Trung úy Toàn, Chỉ huy hậu cứ (hiện ở tại San Jose) tặng cho tôi về tội dám cãi lại quan anh ngay lúc tôi còn mặc bộ đồ xanh bộ binh về trình diện Dù. Từ trên trực thăng nhìn xuống, ở xa về hướng nam, con sông Poko màu bạc uốn khúc theo dẩy Trường Sơn rồi đổ ra cắt ngang quốc lộ 14, đẹp như một nét chấm phá của thiên nhiên, và dẩy Trường Sơn ở hướng Tây trùng điệp những đồi núi ngút ngàn với hầu hết là những ngọn đồi trọc lá trơ cành, giơ những cánh tay khẳng khiu lên không như cầu nguyện cho một thiên đường vừa đổ vở. Hai chiếc Cobra bay phía trước hộ tống cho những chiếc chuồn chuồn UH1B đáp xuống căn cứ Charlie, không có màn bắn dọn bải đáp vì đã có quân ta đáp xuống trước, những người lính dù nhảy xuống trực thăng rồi tản ra hai bên ghìm súng phòng thủ sát giao thông hào, và tôi đã có mặt tại ngọn đồi vô danh mà sau này đã đi vào chiến sử Nhảy Dù như một địa danh bất khuất không thể nào quên của người lính quốc gia, cũng như làm cho tất cả quân dân cả Miền Nam biết đến qua bản nhạc “Người Ở Lại Charlie” của Trần Thiện Thanh.

Theo sự bố trí, Ðại đội 113 nằm phía bắc dưới chân đỉnh Yankee, cách Tiểu đoàn gần 3 cây số. Ðại đội 111 thủ Charlie cao độ trên 1000 mét. Còn lại Bộ chỉ huy Tiểu đoàn và các Ðại đội 110, 112, và 114 đóng quân tại căn cứ C2 cùng dẩy núi thoai thoải nhưng cao hơn và cách Charlie gần nửa cây số. Nhìn trên bản đồ thì tất cả các đơn vị của Tiểu đoàn 11 Dù đóng quân trên một trục Nam Bắc khá thẳng để dể quan sát về hướng Tây giáp với Kampuchia, nơi đường mòn Hồ Chí Minh rẻ ra các ngả vào ba biên giới Việt Miên Lào ở phía Tây Bắc, còn Căn cứ biên phòng Benhet thì nằm sâu gần biên giới hơn. Suốt trận chiến Charlie nổi tiếng trong quân sử, Benhet vẫn bình yên vì cộng quân dồn mọi nổ lực để nhổ cái gai Charlie nằm chận cuống họng xâm nhập vào Tỉnh Kontum qua ngả Dakto. Charlie là một căn cứ hỏa lực nhỏ của Mỹ bỏ đã lâu giờ trông rất hoang tàn, khi Tiểu đoàn 11 đổ quân xuống, sửa sang lại giao thông hào và giăng lại kẽm gai cho tiện việc phòng thủ. Bao quanh Charlie là những ngọn núi cao thấp với cao độ trên một cây số. Phía Tây dưới chân Charlie có một con suối nhỏ dốc đứng rất khó lên xuống nhưng nguồn tiếp tế nước uống và tắm rửa cũng từ con suối này. Trận chiến diễn ra ác liệt tại quanh khu vực này nên gọi chung là trận Charlie.

Ðại đội 114 đóng vòng cung phía Nam chịu trách nhiệm nặng nhất vì địa thế thoai thoải dể đánh lên , và ngoài phòng tuyến cở 50 mét có nhiều cây cao rất dể cho cộng quân nấp vào đó mà tấn công, và trận chiến bắt đầu cũng từ hướng này trước. Chưa bao giờ tôi thấy một Ðại đội trưởng cho đào một cái hầm trú ẩn hình chử nhật to và kiên cố đến như vậy với nắp hầm vừa thân cây vừa bao cát cao đến gần 1 mét, Trung úy Cho bảo tôi ra gần ngoài tuyến tìm chổ đào hầm, tôi nói tôi yễm trợ cho Trung úy, nếu Trung úy nằm đâu thì tôi nằm đó. Trung úy Cho đành để tôi ở chung trong hầm, nhờ vậy sau này tôi thoát chết dưới làn pháo khủng khiếp của cộng quân. Tôi bảo hai đệ tử Hạnh và Nhỏ ra gần ngoài tuyến tìm chổ đào hầm, còn máy PRC 25 thì đưa cho tôi, và thỉnh thoảng chạy vào xem tôi có cần gì không. Chiều xuống, như thường lệ khi đi trận, tôi gọi 417 tác xạ phòng thủ lập một số tuyến cản theo hình vòng cung ngoài vòng vị trí khoảng 100 mét (có tiếng pháo binh bắn điều chỉnh), xong yêu cầu gửi yếu tố tác xạ đến các căn cứ khác để bắn theo yêu cầu khi cần. Nhờ những tuyến cản này mà chúng tôi đã giữ được phía Nam C2 cho đến ngày Charlie thất thủ. Ðêm đầu tiên, tôi ngủ không được vì những tiếng rì rì của xe cơ giới chạy suốt đêm, từng đoàn xe Molotova và có cả tiếng xe tank chạy trong dảy Trường Sơn, hướng Tây và Tây Nam cách căn cứ Charlie không xa, quân xa cộng quân mở đèn chạy công khai như xa lộ không người. Tôi chấm một số điểm đâu đó trong rừng tình nghi là đường mòn theo hướng xe chạy để bắn quấy rối (harrasing fire), khi pháo binh ta bắn, quân xa địch tắt đèn ngưng chạy, hết loạt đạn, chúng mở đèn chạy tiếp, đêm nào cũng thế, ngoài tầm bắn của pháo binh ta nên bọn chúng gần như công khai di chuyển. Chắn chắn chúng đang mở chiến dịch lớn lắm nên mới ồn ào điều quân như thế này, và Quân đoàn II cũng biết như thế nhưng không hiểu tại sao không cho B52 dập.

Ngày hôm sau 26/3/1972, tôi theo Thiếu Tá Lê Văn Mễ, Tiểu đoàn phó danh hiệu Mê Linh (hiện nay ở San Jose), dẫn hai đại đội 112 và 114 đi đánh giải vây cho một đơn vị Tiểu đoàn 2 Dù ở hướng Nam. Mục tiêu là một đỉnh đồi cách Charlie khoảng gần 1 cây số, cộng quân thuộc Trung đoàn 3/ 320 đã chiếm ngọn đồi này và xác một Chuẩn Úy của ta vẫn còn đó. Gần đến nơi, Thiếu Tá Mễ gọi tôi bắn dọn đường xong chuyển xạ bằng một quả khói lên ngay trên đỉnh đồi cho phi cơ nhận diện đánh bom, rồi pháo binh làm tiếp.

-418 đây 314 xin tác xạ. Hết.
-314 đây 418 xin tác xạ. Hết.
-Lệ Hằng phải 1.5 lên 2.3. Một khói nổ chạm. Bắn khi sẳn sàng. Hết.
-Lệ Hằng phải 1.5 lên 2.3. Một khói. Hết.
Ðộ hai phút sau.
-Bắn. Trả lời.
-Bắn. Hết. (tiếng pháo nổ)
Thiếu Tá Mễ liên lạc với đứa con đi đầu, xong xin điều chỉnh tác xạ
-Hướng 800. Gần lại 100. Một khói. Hết.
-Hướng 800. Gần lại 100. Hết.

Ðến quả đạn khói thứ hai thì điều chỉnh vào đúng mục tiêu, dứt trái khói, Mê Linh nói tiếng Anh như gió liên lạc thẳng với phi cơ Phantom Mỹ nhào xuống thả bom, rừng núi rung chuyển như cơn địa chấn vì mục tiêu cách chúng tôi chỉ hơn 100 mét (tiếng bom nổ). Khi phi đội rời mục tiêu, tôi xin pháo đội bắn hiệu quả 10 tràng vừa đạn nổ vừa delay để phá hầm, khẩu 3 (đang điều chỉnh) bắn trước một quả (mổi pháo đội có 6 đại bác tức là bắn 60 quả). Mê Linh dặn tôi khi dứt loạt đạn này là xung phong. Tôi trình Mê Linh để tôi chuyển xạ ra phía sau thành một tuyến lửa không cho tụi nó chạy, phải chấp nhận giao chiến với mình. Mê Linh OK. Dứt loạt đạn hiệu quả, pháo đội chuyển xạ thành một tuyến phía sau. Trung đội đầu tiến dè dặt vì địa hình không cho phép và đạn AK từ phía trên đỉnh đồi bắn xuống xối xả không xung phong được. Từng khinh binh Dù tiến lên theo thế chân vạc. Ðạn AK và M16 thi nhau nã từng loạt (tiếng súng nổ rời rạc). Dù len từng gốc cây, người này bắn che cho người khác tiến, và cuối cùng lên được triền đồi. Toán đầu tiên báo cáo sơ khởi dứt được hai vịt con (tức Việt cộng) tịch thu được 1AK, 1 CKC, và tìm được xác viên Chuẩn úy Tiểu đoàn 2 Dù cùng một binh sỉ. Mê Linh bảo ráng lên đến đỉnh xem có gì không. Vừa dứt lời thì tiếng depart đại bác từ phía Tây bắn tới cắt ngang hông Dù. Xịt oành, Xịt oành. Tiếng đại bác này là sơn pháo 75 ly không giật có sơ tốc độ cao nên vừa nghe tiếng depart là nổ liền. Dù bị đánh ngang hông, vừa dứt loạt pháo là bộ binh địch tràn lên cũng từ phía Tây. Mê Linh cho toán đi đầu lùi lại tránh pháo, kết quả ta chết một, bỏ lại một M16. Lúc này thì địch đã ngưng pháo chỉ dùng súng nhỏ. Mê Linh cho rút toàn bộ về nhập lại một vì sợ địch cắt đôi. Ðịch vẫn tiếp tục bắn theo. Mê Linh bảo tôi bắn chận.

-418 đây 314. Mục tiêu. Hướng 1000. Gần lại 200. Một nổ. Bắn khi sẳn sàng. Hết.

Lúc này Pháo đội C1 đã biết chúng tôi bị đánh ngang hông nên đã sẳn sàng bắn chận. Oành. Một tiếng nổ lớn như tiếng sét đánh ngay trên đầu, mãnh đạn bay túa túa, tiếng cành cây bị chém gảy rớt xuống đất nghe rào rào, xong hoàn toàn im lặng, có thể nói một tiếng thở kế bên cũng nghe rỏ. Chiến trường hoàn toàn im tiếng súng. Tôi biết đạn đạo chạm cành cây nên nổ trên không thay vì rớt xuống đất mới nổ, vì gấp rút quá nên tôi không cho bắn đầu nổ cao, mặc dù tôi đã trừ hao yếu tố nhưng đường tên đạn đạo chạm nổ trên cành, và đã vô tình ngăn chận địch không dám liều lĩnh truy nã. Tôi trình với Mê Linh:
-Thiếu Tá hỏi xem con cái mình có bị gì không, còn tụi vịt con tôi đoán thế nào cũng lãnh đủ trái này, mình giữ nguyên yếu tố này, nếu tụi nó lên, mình dứt nó liền. Lúc này thì Cobra cũng lên vùng nhưng chưa bắn. Tiểu đoàn trừ cũng dừng lại dàn hàng ngang đề phòng địch xung phong. Một lúc sau, tôi nghe nói Trung úy Lạc, Ðại đội 112 là người bạn cùng Khóa 27 Thủ Ðức với tôi bị mãnh đạn chém ngay đầu bị thương nặng. Tôi bò lại thấy Lạc nằm gần đó mở đôi mắt lờ đờ, đầu quấn băng, máu tuôn xối xã. Tôi nằm xuống ghé sát tai Lạc nói:
- Tao xin lổi, tao bắn đó, chỉ có mình mày lãnh trái này, còn tụi nó không dám tấn công nửa nên chưa biết thế nào, mày mà chết tao ân hận lắm, phải bắn chận nếu không tụi nó tràn lên.
Lạc chỉ mĩm cười héo hắt, còn tôi thì hết sức buồn bả hỏi tiếp:
-Mày thấy thế nào.
-Ðau, không còn cãm giác gì hết. Thấy Lạc tỉnh táo như thế tôi càng lo hơn vì người bị thương nặng trước khi chết thường rất bình tỉnh như thế. Tôi lại nói với Lạc như nói với một người sắp chết:
-Một lần nửa, tao xin lổi mày. Nói xong tôi bò lại phía Thiếu Tá Mễ. Nhờ quả đạn đại bác này mà địch không dám đuổi theo. Trời đã gần chiều nên có lệnh trở về căn cứ, Lạc cũng được trực thăng di tãn. Trong lúc hai đệ tử lo ăn uống còn tôi xuống suối tắm. Tại đây tôi gặp Trung Tá Bảo cũng vừa đi xuống tắm, thân hình ông cao lớn và nụ cười rất dể thương, nhưng tôi thấy lạ một điều là ông mặc áo giáp khi đi tắm, và chỉ có ông là duy nhất mặc áo giáp mà thôi. Ðiềm gì đây, hay là ông đã linh cãm được điều gì.

Sáng ngày 27/4/1972, trong lúc tôi ăn cơm thì có một người lính chạy vào nói Thiếu Tá Mễ gọi. Tôi xách máy chạy ra ngoài tuyến giữa Ðại đội 112 và 114 thì thấy Thiếu Tá Mễ và Thiếu Tá Duffy, cố vấn Mỹ đang ngồi sát gốc cây nhìn về phía trước mặt chỉ chỉ. Lính gác phát giác địch xuất hiện phía bên kia triền đồi hướng Tây Nam căn cứ Charlie, bọn chúng đang đi lên đồi như đi chợ. Thiếu Tá Mễ hối tôi:
- Bắn nhanh lên không tụi nó đi hết.

Ðịch xuất hiện khá xa cở bảy tám trăm mét đường chim bay, tôi quay sang Thiếu Tá Duffy hỏi có đem theo ống dòm cho tôi mượn, xa quá mắt thường bắn không chính xác, Thiếu Tá Duffy chạy vội về hầm rồi trở lại đưa ống dòm cho tôi. Tôi giở bản đồ và địa bàn ra nhắm mục tiêu, xong chấm điểm địch xuất hiện rồi mở máy gọi 417 ở Yankee xin bắn, và gọi thêm 415 tăng cường. Quả đạn nổ đầu tiên cách mục tiêu khoảng 200 mét, điều chỉnh một lúc vào đúng mục tiêu, xong vạch một tuyến dài cở 300 mét trên bản đồ xin 417 và 415 chia nhau bắn, vừa gọi bắn tôi vừa nói:
-Bảo đảm thế nào tụi nó cũng khiêng đó Thiếu Tá.

Thiếu Tá Mễ lại hối:
- Nếu trúng rồi bắn hiệu quả luôn.

Sau loạt đạn cuối cùng độ 10 phút, quả nhiên địch cứ hai thằng dìu một thằng bị thương đi ngược xuống đồi, tôi đưa ống dòm trình lại với Mê Linh:
-Trúng rồi, Thiếu Tá nhìn xem tụi nó khiêng xuống đồi kìa. Thiếu Tá Mễ xem xong đưa máy cho Thiếu Tá Duffy rồi lại hối tôi bắn hiệu quả (fire for effect). Tôi đề nghị:
-Ðề nghị Mê Linh cho tụi nó dìu em xuống đồi, đồi cao như vậy thế nào tụi nó cũng phải tập trung dưới chân đồi băng bó và nghỉ mệt một lát rồi mới di chuyển, đợi tụi nó tập trung đông, mình làm một lần đưa em vào hạ, dứt cội da. Thiếu Tá Mễ phì cười nói OK. Còn Thiếu Tá Duffy không hiểu tiếng Việt cũng nhe răng cười theo nói OK đô.

Tôi gọi xin chuẩn bị bắn T.O.T (time on taget) tức là các vị trí pháo binh xa gần bắn trước sau nhưng cùng lúc đạn nổ trên mục tiêu, đợi 20 phút sau khi địch không còn khiêng quân xuống đồi nửa, tôi cho lệnh tác xạ. Lúc này thì họ nhà pháo cũng đã biết tin nên đích thân Bùi Ðức Lạc cho bắn tối đa, tiếng đại bác từ các căn cứ thi nhau rót vào mục tiêu, còn Mông Cổ nhà ta (anh em đùa vui Nhảy Dù dũng mãnh như quân Mông Cổ) thì đứng dọc theo chiến hào quan sát như là một chuyện thường tình (tiếng đạn pháo nổ tới tấp). Dứt loạt đạn tôi hỏi xem mình có lục soát không, Thiếu Tá Mễ nói để Trinh Sát làm chuyện này. Ðến trưa thì một loạt đạn pháo binh của địch từ dẩy đồi hướng tây đối diện và chỉ cách khoảng hơn một cây số với Ðại đội 112 bắn qua, tiếng depart cũng giống như đã bắn hôm qua, vậy là tụi nó đưa 75 ly nhắm qua thằng 312 để trả lể rồi, tiếp loạt đạn này là những trái đạn 105 ly rồi hỏa tiển 122 ly thi nhau rót xuống Charlie mở đầu cho trận chiến khốc liệt nhất tại Quân khu 2 từ trước đến nay, và từ đó Charlie không một phút nào bình yên.
Trừ 75 ly không giật bắn thẳng trúng mục tiêu thì những loạt đạn khác rơi đâu đó ngoài căn cứ Charlie, như vậy là tụi nó không có đề lô, anh em đề lô chúng tôi thay nhau đo hướng và phản pháo, khi chúng tôi phản pháo thì địch im tiếng súng, dứt loạt pháo là bọn chúng trả lễ. Các cuộc đấu pháo diễn ra như cơm bửa, và là lần lần thì những loạt pháo binh tầm xa của địch rơi trúng căn cứ, đến ngày 29/4/1972 thì chúng đã điều chỉnh pháo binh được toàn bộ Charlie mà nặng nhất là vào C2. Chúng tôi biết đề lô của địch đã áp sát được căn cứ và điều chỉnh được mục tiêu. Tôi nói với Trung úy Cho:
- Tôi nghỉ mấy ngày đầu tụi nó pháo thăm dò khả năng mình, sau đó mới kéo 130 ly đến gần để bắn chính xác hơn và cũng ngoài tầm phản pháo của ta (đại bác 130 ly của địch bắn xa 32 cây số, còn 155 của ta thì 15 cây số, và 105 ly của ta thì chỉ gần 11 cây số mà thôi), chổ mình dể lên hơn cả, thế nào tụi nó cũng đánh hướng mình.

Sau đó tôi cũng chia xẻ mối âu lo này cho Trung úy Ðúng:
- Tụi nó chắc chắn sẻ tapi tôi sau màn pháo kích dữ dội, những yếu tố tác xạ tôi đã điều chỉnh xin 310 gọi bắn phụ nếu tôi bắn không kịp. Trung Úy Ðúng nói
- Tôi cũng nghỉ như vậy, chổ của 314 dể lên lắm.
- Tôi thấy khói xịt từ ngọn đồi ngay trước mặt thằng 312 bắn qua, có lẻ 75 ly hoặc 57 của tụi nó trực xạ rớt qua luôn bên tôi sao không thấy thằng 312 gáy (xin bắn).
-314 quan sát được bắn luôn đi, khỏi nhờ 312. Hết.

Dứt chữ “hết” tôi hiểu ngay Chuẩn Úy Sơn đề lô Ðại đội 112 bị pháo kích đã tử trận. Tôi vẽ thêm tuyến pháo binh cận phòng trùm lên thêm hướng Tây Nam để bắn che cho Ðại đội 112. Lợi dụng pháo binh tầm xa pháo kích, 75 ly của địch bắn thẳng từng vị trí của ta mà không sợ phản pháo vì chúng tôi phải chui vào hầm tránh pháo. Dứt loạt pháo tôi chạy vội ra tuyến điều chỉnh pháo binh bắn cấm chỉ (tức là bắn rời rạc thỉnh thoảng từng quả không cho địch hoạt động) vào vị trí pháo trực xạ của địch, nhưng không hề hấn gì, chắc tụi nó khoét hầm trong núi, mổi lần pháo tầm xa pháo kích thì chúng kéo súng ra bắn theo để khỏi lộ vị trí. Tôi gọi 310 xin mổi lần tôi bị xơi pháo thì cứ gọi Phở bò (pháo binh) nào của ta rảnh thì bắn cấm chỉ không cho tụi nó kéo pháo ra trực xạ.

Từ ngày này trở về sau, toàn bộ Charlie bị pháo kích thật nặng, mổi ngày cở ngàn quả mà nhiều nhất là 130 ly, rồi đến đại bác 122 ly, và cả hỏa tiển 122 ly mà tôi nghe được tiếng hú. 310 báo lên Thiếu Tá Lạc tụi tôi bị ăn 130 ly, ngoài tầm không phản pháo được, chẳng lẽ phải nằm đây lãnh pháo? Lúc này Ðại Tá Trần Quốc Lịch, Lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn II Dù ở Căn cứ Võ Ðịnh cũng đã trình lên cấp trên xin cho 11 Dù rút ra ngoài căn cứ, Nhảy Dù mà nằm đưa đầu ra lãnh pháo như thế này thì phản chiến thuật quá, nhưng Trung Tướng Ngô Du, Tư Lệnh Quân Ðoàn II vẫn lặng thinh, và Cố Vấn John Paul Van chẳng biết mẹ gì chiến thuật và pháo binh, vẫn kiên trì áp lực…tử thủ, chắc là định dùng 11 Dù nhử cho địch lên tapi như Ðại Ðội 2 Trinh Sát Dù tử thủ ở Ðồi C1 dứt gần hết cả Tiểu đoàn cộng quân nằm phơi xác ở đồi C1, vì trận này mà cộng sản đã lên án tử hình Ðại úy Trương Văn Út, Ðại đội trưởng Trinh Sát 2 Dù và thề tiêu diệt đại đội này. Quân đoàn II còn lệnh cho 11 Dù ra hố pháo tìm chứng tích của đầu nổ130 ly mới cho B52 dập. Quân đoàn cũng chẳng màng gần một phần ba quân số 11 Dù bị loại ra ngoài vòng chiến vì đạn pháo và chưa đươc di tản. Cái hào quang chiến thắng của thượng cấp ngoài binh chủng đo bằng máu của Dù thật quá đắt, và quả thật nếu không bị pháo kích từng phút một, chúng tôi có thể ra hố đạn đo hướng bắn và bới tìm đầu nổ, nhưng làm sao gửi ra cho các bộ óc đặc sệt chỉ thị đây. Hằng trăm thương binh, mấy chục binh sỉ tử thương vì pháo còn chưa di tản được nằm đầy các giao thông hào, không có chiếc trực thăng tản thương nào vào được cách C2 500 mét thì nói gì đáp xuống tãi thương hoặc tiếp tế. Chỉ có một pass B52 đánh về hướng Nam gần Charlie thì nhằm nhò gì, pháo của chúng đặt về hướng Tây và Tây Bắc cách Charlie ít nhất 15 đến 20 cây số thì không dập. Mổi lần bị pháo kích xong, phi cơ lên vùng, pháo địch im, phi cơ bay ra khỏi vùng, lại bị pháo tiếp, tôi chỉ còn biết ước lượng vị trí pháo địch gửi về các pháo đội tùy nghi phản pháo nếu có thể. Tình hình hết sức khẩn trương, nếu không có lệnh rút, chắn chết hết vì pháo.

Sáng sớm ngày 01/4/72, đúng như chúng tôi dự đoán, sau màn điểm tâm đại pháo các loại, địch bắt đầu tấn công từ hướng Nam Charlie trực diện Ðại đội 114. Ðịch đông như kiến bám theo các thân cây cổ thụ dùng đủ các loại súng bắn thẳng vào vị trí Dù, trong lúc đó, đề lô địch cũng chuyển xạ vào các vị trí pháo binh của ta để cấm chỉ không cho yễm trợ. Lúc này đã lộ rỏ ý định của địch, mấy hôm nay, chúng chỉ pháo kích Charlie chứ không pháo vị trí pháo binh của ta, để ta lầm tưởng chúng chỉ pháo kích Tiểu đoàn 11 chứ không đánh, rồi ta chỉ lo phản pháo mà quên đi bộ binh của chúng đang im lặng tiếp cận ta. Như vậy có thể Charlie bị bao vây rồi. Cũng may việc giương đông kích tây này mà các pháo đội của ta không bị pháo binh địch điều chỉnh chính xác, cho nên còn rảnh tay yễm trợ được cho tôi. Trước mặt chúng tôi tôi là đơn vị tinh nhuệ nhất của cộng sản Bắc Việt, Sư đoàn 320 có một Trung đoàn có biệt danh là quả đấm thép đang dàn hàng ngang trước mặt chúng tôi ồ ạt xông lên bất kể phi pháo, Ðại đội 114 anh dũng bắn trả, Ðại đội 112 cũng tiếp ứng, những người lính Dù thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đứng thẳng từ các chiến hào đan một lưới lửa ra ngoài phòng tuyến, và tất cả hệ thống tác xạ pháo binh đều chuyển qua hết tần số của tôi, sẳn sàng gom bi.

-415, 416, 417 đây 314 xin tác xạ, địch tấn công, trường ca L1, L2, L3 (các hỏa tập pháo binh làm thành những tuyến cản). Một quả. Bắn khi sẳn sàng. Hết.

Không cần tôi xin tác xạ. Các pháo đội đạn đã lên nòng khi biết tôi bị tấn công, nên khi nghe được tiếng tôi gọi bắn thì đã nghe tiếng depart, những tiếng hú rợn người lướt qua đầu, đất tung mù mịt trước mắt.
- Các trường ca. 5 tràng. Bắn hiệu quả. Hết.

Ðạn túa túa hú gọi mục tiêu, những cây cổ thụ bật gốc ngoài phòng tuyến, bụi tung mù mịt, cứ hể dứt loạt đạn pháo của ta thì địch cũng nhỏm dậy bắn vào, chúng đã đào các hố núp ngoài vị trí nên liều lỉnh bắn che cho tốp khác từ hướng tây nam tiến lên, bất kể đạn pháo, những con thiêu thân dàn hàng xung phong lên đồi. Lúc này thì phi cơ đã lên vùng sẳn sàng thả bom, Trung úy Cho nói với tôi:
-Nếu tụi nó vượt được hàng rào thì bắn ngay sát tuyến của mình. Tôi trả lời:
-Trung úy bảo các con đội nón sắt và mang luôn ba lô luôn che phía sau lưng, lở có trái nào lọt vào tuyến thì phải chịu, nếu chịu tôi mới dám bắn.

Trung úy Cho nói OK, và tôi gọi các vị trí bắn gần lại từng chục mét cho đến khi sát tuyến. Những loạt đạn cận phòng này rất có hiệu quả và không biết có quả nào lọt vô luôn trong phòng tuyến hay không vì đạn pháo của cả hai bên lúc này bắn dử quá. Sau mổi loạt pháo tôi lại nhỏm dậy nhìn ra ngoài, xác địch đầy ngoài tuyến nhưng chúng vẫn bám chắc không chịu rút lui. Tiếng súng lúc này đã rời rạc, có thể chúng chỉ lui lại để làm một cái gì đó. Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 11 bảo ngưng tác xạ để tụi Tây (tức phi cơ Mỹ) nó làm việc, những chiếc phóng pháo cơ vào vùng nảy giờ gầm thét ngang trời thả những loạt bom ngoài vòng rào, chỉ cách vị trí cở 50 mét, những núi lữa bốc lên cao sau mổi tiếng nổ. Lần đầu tiên trong đời lính, tôi thấy Nhảy Dù chịu chơi dám thả bom gần như vậy và bắn pháo binh cách mình hai ba chục mét (hiệu quả sát hại của pháo binh 105 ly là từ 50 đến 100m, bắn cách mình cở hai ba chục mét là rất liều lĩnh và hết sức nguy hiểm). Con cháu bác và đảng cũng không ngờ những người lính Dù chịu đựng dưới mưa pháo khủng khiếp nhiều ngày, phòng tuyến bể hết mà vẫn gan dạ tử thủ như thế.

Bên tai tôi có tiếng gọi của Thiếu Tá Lạc, ông bảo tôi có cần gì thì tất cả đều sẳn sàng, và tôi trả lời nếu gà mình còn gáy (tức pháo binh còn bắn), thì không có tên răng đen mã tấu nào nào có thể bước qua 114 được. Sở dỉ tôi dám khẳng định như vậy là nhờ tinh thần chiến đấu dũng mảnh của anh em 114 Dù cho tôi sự an toàn trong lúc gọi pháo, nếu không thì bể tuyến lâu rồi. Còn Trung úy Ðúng thì rất tế nhị không xen vào hệ thống tác xạ, để dành hết thời gian cho tôi gọi các pháo đội bắn, 310 cũng dặn tôi cẩn thận, tụi nó tạm yên là có vấn đề mới, nhớ canh chừng thêm phía thằng 112. Vừa lúc đó thì hàng loạt tiếng depart từ trong núi vọng về, thôi rồi, lần nầy chúng tập trung tất cả các loại pháo chứ không riêng gì 130 ly rót tới tấp vào vị trí ta, ít nhất cũng 5 vị trí pháo của chúng bắn đồng thời vào C2, đây là một kiểu bắn T.O.T giống như của ta, C2 rung lên dưới những cơn địa chấn, tôi chạy vội vào hầm, tất cả các vị trí tác chiến và pháo binh của ta đều bị pháo, tiếng các pháo đội gọi báo cáo ồn hẳn lên trên hệ thống rồi im lặng vô tuyến, có vị trí trúng pháo nhưng không trúng hầm đạn nên không có tiếng nổ phụ. Tụi nó mà điều chỉnh được các vị trí pháo của mình thì bỏ bú, vừa lo sợ tôi cũng vừa tìm những ngôn từ dễ thương như thế để trấn áp nổi hồi hộp, sau loạt pháo này là chúng mày sẻ tràn biển người lên lấy thịt đè người, Nhảy Dù cố gắng, Nhảy Dù cố gắng, tôi lẩm bẩm bốn chử đơn giản này, binh chủng chúng tôi không có những khẩu hiệu đao to búa lớn, rất đơn giản như một sự cố gắng, anh em chúng tôi hết thế hệ này đến thế hệ khác cố gắng làm cho máu đồng bào bớt đổ bằng chính máu của chúng tôi. Trong tiếng pháo nổ vang trời, tôi nhấc máy gọi 310:
-310 có nghi tụi đề lô nó áp sát mình không, nghi tụi nó ở đâu thì con gà nào của mình “quởn” cho gáy đại vài tiếng dằn mặt tụi nó cho biết thế nào là lễ độ, chứ chơi như vậy hiếp quá. Nhưng 310 vẫn im lặng. Một sự im lặng rợn người vì tất cả im lặng chờ đợi.
Dứt loạt pháo bắn T.O.T này, quả nhiên địch hô xung phong, nhưng tiếng hô xung phong càng lúc càng yếu, chúng tôi đã quen thuộc kiểu này, chúng mày chém vè ai mà không biết, chắc chắn chúng mày bị thiệt hại rất nặng nếu không thì đã là nhào lên tiếp để… lãnh đạn rồi. Những tiếng pháo thưa dần tại C2 nhưng các vị trí pháo của ta vẫn còn bị cấm chỉ, tôi nhìn ta phía Yankee, những cột khói bốc lên, rồi căn cứ 5 và căn cứ 6 cũng thế, tụi nó đang điều chỉnh pháo binh. Thấy mẹ rồi.

Chiều đang xuống dần, những người lính cũng vội vã sửa lại hầm hố, đào giao thông hào cho sâu thêm, người chết và thương binh tăng thêm làm nặng thêm mối âu lo của Tiểu đoàn, tôi chạy vội ra phía hai đệ tử đang ngồi chong mắt nhìn ra ngoài tuyến, trên tay hai đứa có hai cây M16 và dây đạn từ lúc nào (hai đệ tử pháo binh mang máy cho ông thầy thường không đem theo súng).

- Khỏi cần nấu cơm, tao ăn cơm sấy được rồi, có gì nhớ kiếm tao. Hai đệ tử nhìn tôi, lo lắng, tôi hất mặt về hướng đông căn cứ không nói, nhưng chúng cũng hiểu tôi nói gì.

Một đơn vị tổng trừ bị cơ động vào bậc nhất của quân đội bị chôn chân làm vật tế thần, đóng quân ở Charlie ngày ngày ăn pháo không khác nào con dê bị trói vào cột đợi ngày hiến tế, Việt cộng quá nóng lòng đánh gấp để lấy tiếng trên bàn Hội nghị Paris là đã tiêu diệt được một đơn vị Nhảy dù, chứ nếu chúng khôn ngoan một chút thì chỉ cần pháo thôi là cũng đủ tiêu tùng hết. Tiểu đoàn xin rút, Lử đoàn xin rút, Quân đoàn cũng không cho, có một âm mưu gì muốn chúng tôi thân bại danh liệt tại ngọn đồi vô danh này, họ muốn biến những người lính 11 Dù thành những chiến sỉ “L’enfer Des Hommes” tức là những người ra đi không về trên ngọn đồi quyết tử trong bộ phim vừa chiếu ở Saigon hay sao, nếu là những đơn vị khác thì đã rút đi lâu rồi. Thật oan nghiệt cho những người lính mang danh những đứa con của Thần Chiến Thắng Micae (Tổng Lãnh Thiên Thần Micae là Thánh bổn mạng của binh chủng Dù Việt Nam Cộng Hòa).

Những ngày hôm sau địch tiếp tục pháo căn cứ, và sau loạt pháo là mon men đánh thăm dò tiếp Ðại đội 114. Liên tiếp trên một tuần, 114 bị tấn công nhưng mức độ chỉ vừa phải, và không lần nào địch vào được sát tuyến, sau mổi lần tấn công thất bại, đêm về là chúng bò lên lấy xác, và Ðại đội 114 cũng không buồn bò ra ngoài thu chiến lợi phẩm. Sau mổi đợt pháo kích, căn cứ càng xơ xác không còn nhìn ra hình dáng nửa, từng tấc đất bị xới lên, mùi thuốc súng nồng nặc khắp nơi, cây cối bị khói ám đen thui và bị mãnh đạn pháo chém ngang dọc ngả nghiêng, hầm hố tanh banh, tôi có cảm tưởng một con kiến cũng không sống được, những cuộn băng vết thương văng tung tóe dính trắng xóa trên các ngọn cây, địch đã điều chỉnh được toàn bộ căn cứ C2, pháo vô là trúng phóc. Những hàng dây kẽm gai cao ngang ống chân ngoài tuyến Ðại đội 114 giờ biến đâu mất dưới cả hai làn pháo của ta và địch, có thể nói là nằm lăn xuống đồi cũng không còn vướng một cộng kẽm nào. Những ngày đầu chúng chỉ bắn bằng đạn nổ, những ngày sau thì xen vào đạn delay tức là đạn chui vào lòng đất hơn một mét rồi mới nổ, không có hầm hố nào chịu nổi cả, thế mà ngoài phòng tuyến anh em Dù vẫn sống, vẫn thở, những người chết và bị thương thì vẫn nằm chung với anh em dưới chiến hào, mùi thuốc súng và đạn pháo đánh át đi mùi tử khí, nội hơn một trăm anh em bị thương không được di tản cũng là gánh nặng tâm lý đè lên tinh thần chiến đấu của người lính. Nhưng đây là Nhảy Dù, một dân chơi thứ thiệt, dám cân hồ tất cả giới giang hồ khét tiếng sinh Bắc tử Nam thì còn coi cái chết vào đâu…Là dân pháo binh nhưng tôi cũng ngán kỷ luật chiến đấu của Nhảy Dù, về Saigon chịu chơi tới đâu thì chịu, chứ ra trận thì có lệnh là phải tiến, không có lệnh lui thì…mẹ kiếp, trận này nằm đây chịu chết để vinh quang cho những tên không biết mẹ gì là chiến thuật đã trói tay chúng tôi, tận diệt.

Ngày 6/4/1972, địch tấn công căn cứ Delta của Tiểu đoàn 2 Dù ở phía Nam nhưng bị đánh bật ra để lại hằng trăm xác, không chừng Tiểu đoàn 11 Dù cũng được lệnh phải đợi địch đánh để làm giống như vậy chăng, tụi nó đánh Ðại đội 114 cả tuần rồi mà, chết quá trời mà đâu có lên được. Ðịch lại pháo kích, nằm dưới hầm nghe đạn pháo, có những trái đạn delay rơi sát hầm, nổ tung dưới lòng đất kêu ục ục, đất chuồi xuống, cái chết đang từ từ đến với tôi với tất cả nổi phẩn nộ, đúng là sinh nghề tử nghiệp, pháo nó thì chết vì nó pháo là công bằng sao, tôi đang bị trói tay mà. Sau dứt mổi loạt pháo, tôi chạy vội ra tuyến quan sát, những người lính vừa tu bổ cộng sự chiến đấu vừa đưa mắt nhìn tôi dò hỏi, như khẩn khoản tôi nói một lời gì, tôi biết họ muốn hỏi gì nên cũng chỉ biết hất mặt về hướng đông, đường ra quốc lộ 14, nếu bị địch tràn ngập. Ngay lúc đó thì có một người lính dơ tay ngoắc tôi, xong chỉ về ngọn đồi xéo về hướng đông nam, tôi cúi mình chạy đến, cách đó khoảng 500 mét đường chim bay, bóng một tên lính Bắc Việt in trên nền trời với tất cả thách thức, như vậy là cả ba hướng Ðông, Tây, và Nam đều bị địch bao vây, vậy còn hướng Bắc, gần nhất với ngọn đồi Charlie của Ðại đội 111, chưa biết thế nào, không đánh được thằng 114, tụi nó dám chơi thằng 111 sao, chỉ có phía Tây mới có thể đánh lên 111 mà lại là là dốc đứng nửa…Tôi gọi Hạnh chạy vào hầm báo cho Trung Úy Cho biết và xách máy PRC 25 gọi 415 bắn, điều chỉnh trúng mục tiêu rồi cũng chả ăn nhằm gì, dứt loạt đạn lại thấy nó đứng lên chống nạnh, như vậy là tụi nó đã khoét núi nằm sâu trong đó rồi, đâu có móc ra được. Không chừng thằng này là đề lô, tôi chỉ còn biết xin 415 bắn cấm chỉ khi có thể.

Những ngày kế tiếp, lương thực cạn dần, có dấu hiệu địch sẻ đánh Charlie vì Ðại đội 111 nằm riêng rẻ, còn thằng 113 thì nằm kế bên pháo binh khó đánh, và chúng tôi cũng không còn xuống dưới chân 111 lấy nước được. Hai Trung đoàn địch quân số gấp 8 lần, luân xa chiến, tiền pháo hậu xung gần nửa tháng cũng không chơi được Ðại đội 114, nên thế nào tụi nó cũng tìm hướng khác và mục tiêu thì chỉ có Charlie của 111. Ngày 9/4/1972, địch pháo dử dội Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 11 và mưa pháo xuống Charlie xong bắt đầu tấn công 111. Ðại đội 111 chống trả quyết liệt, xác địch đầy sườn đồi. Khu trục rồi trực thăng võ trang vào vùng trút xuống hằng tấn bom đạn quanh căn cứ. Sau nhiều đợt xung phong không thành, địch lại rút lui để lại hằng trăm xác chết.

Lúc này thì địch đã công khai di chuyển quân xa ban ngày, tiếng xích sắt xe tăng, tiếng xe Molotova có thể nghe thấy sau những loạt pháo. Bằng mọi giá chúng phải nhổ cái gai Charlie dầu có hy sinh cả hai Trung đoàn này thì còn những Trung đoàn khác sẳn sàng vào trận để lấy tiếng trên bàn hội nghị. Không chơi được Song Kiếm Trấn Ải thì còn gì là danh hiệu hai Sư đoàn của chúng đây. Vừa đánh chúng vừa điều quân, phía đông tức là đường rút của11 Dù, tôi đã quan sát được vị trí bọn chúng đã đặt hai cây phòng không, một cây 12 ly 7 và một cây 37 ly. Hướng đông địch đã công khai để lộ vị trí để bắn máy bay và uy hiếp tinh thần 110. Máy bay yễm trợ cho Charlie thì phải bay từ hướng Bắc hoặc hướng Nam rồi đánh một vòng về hướng Tây để thả bom, xong phải chúc mủi về hướng Ðông ra thẳng quốc lộ 14, địch đã đặt hai cây phòng không tại đây chặn đầu khiến cho máy bay không dám xuống thấp, thỉnh thoảng chúng còn nhắm xuống Charlie trực xạ. Mổi lần máy bay vào vùng là tiếng phòng không từ các hướng nổ đầy trời, và ít nhất cũng cả chục cây phòng không giờ đây đã dàn trận. Pháo binh của ta thì gần như bị tê liệt vì bị pháo cấm chỉ của địch, cả Tiểu đoàn 11 cũng thấy được nhiều chiếc Chinook từ Phi trường Phượng Hoàng tải đạn pháo binh vừa đến Yankee thì bị pháo và phòng không từ hướng đông bắn qua phải trở lui, ngưng tiếng pháo thì lại bay vào rồi lại bị bắn không đáp xuống được, cứ như vậy cả ngày. Tôi đã gọi các vị trí pháo bắn hai cây phòng không này hoài mà cũng chẳng ăn thua gì. Cả nửa tháng nay chúng đã đào hầm trong núi đợi giờ quyết tử dứt điểm 11 Dù, dầu có bắn trúng cây này thì chúng cũng sẻ điều cây khác đến. Mấy chiếc khu trục đã trúng đạn phòng không, còn trực thăng võ trang của ta hay Cobra của Mỹ là miếng mồi dể lãnh đạn phòng không nhất nên khó có thể vào vùng.

Ðến giờ phút này thì đả rỏ thế nào bọn chúng cũng dứt điểm Charlie, sáng ngày hôm sau, Ðại đội 111 bị pháo thật nặng nề, dứt dợt pháo, bộ binh địch tràn lên, pháo binh của ta cũng bị cấm chỉ không yễm trợ được, định mệnh đã dành sẳn cho 111, bị tràn ngập nhưng thiệt hại vừa phải, 111 phải rút về nhập chung Bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Ðộ nửa tiếng sau, Trung Úy Thinh Ðại đội trưởng 111 chạy vào hầm chúng tôi, Trung úy Cho hỏi, Thinh kể lại:
-Việt cộng tràn lên là lo kiếm mấy cái ba lô của ta, chúng chụp được ba lô của tôi, tôi buông ba lô chạy, tụi nó không đuổi theo, có lẻ tụi nó đói lắm nên lên được là lo kiếm ăn, chúng lục ba lô của ta, khui đồ hộp ra ăn tại cho (thường là khi rút lui, ta mang theo ba lô trên lưng đề phòng bị bắn phía sau). Ngay lúc đó thì Trung Úy Khánh cũng chạy vào hầm, tôi hỏi thì Khánh cũng nói bị y như tình trạng của Thinh. Tôi hỏi tiếp vậy súng của mày đâu. Khánh kéo cái địa bàn M1 đeo nơi cổ ra nói tao chỉ còn có cái này. Tôi ôm bụng cười ngặt nghẻo làm mọi người cũng cười theo. Nửa tháng nay, tôi không thể nở nổi một nụ cười, giờ này ôm bụng cười ra nước mắt về cái chuyện tiếu lâm có thực này thật thoải mái. Việt cộng ngoài việc bị bỏ đói phải liều lĩnh hy sinh tính mạng kiếm từng lon đồ hộp của ta, chúng còn bị ép uống thuốc “Hùng Tâm” tức là một loại thuốc kích thích uống vào là hăng máu lên xung phong chẳng coi việc sống chết ra sao cả, chiến thuật biển người của chúng thường kèm với liệu pháp hùng tâm này. Cứ xem ảnh xác Việt cộng bị xích trên xe tank thì mới biết cấp chỉ huy của chúng dã man như thế nào.

Sáng ngày 11/4/1972, Ðại đội 112 được điều xuống chiếm lại Charlie đem theo cả Ðại bác 90 ly trang bị riêng cho Nhảy Dù để bắn xe tank hoặc phá hầm, máy bay Mỹ lại vào vùng thả bom, bay thấp thì sợ phòng không, nhưng bay cao quá khó trúng mục tiêu, nên những phi đội sau, Tiểu đoàn 11 xin thả bom napalm, còn pháo binh vị trí nào của ta không bị cấm chỉ thì pháo xuống phụ họa sau khi các phi tuần bay ra, hết đợt này đến đợt khác, từng phi tuần của không quân Việt Nam vào vùng trải những thảm lửa xuống Charlie, thả bom napalm phải bay thật thấp nên rất chính xác, từng trái bom rơi trúng mục tiêu, nhưng Việt cộng quyết cắt đôi 11 Dù nên cố thủ trong các hầm hố của ta bỏ lại. Bất kể phòng không, một chiếc phi cơ nóng lòng bay thật thấp xuống mục tiêu, thả một quả bom napalm, lúc ngóc đầu bay lên thì cánh bên phải vướng vào ngọn cây trên ngọn đồi phía đông kế bên chổ hai cây phòng không, bị gảy cánh rồi rớt xuống đồi nổ tung, viên đại úy phi công Việt Nam đã oanh liệt hy sinh. Chiếc còn lại bay vòng vòng tìm đồng đội, sau khi xác định được vị trí , bèn quay trở lại Charlie, giận dử trút xuống những trái bom lửa còn lại . Lửa thiêu cháy Charlie, thiêu luôn cả những con thiêu thân đợi ngày giải thoát.

Ngày 12/4/72, để trả thù cho đồng bọn bị lửa bom đốt sạch tại Charlie, địch tăng cường pháo kích thật mạnh lên đồi C2, từng tấc đất bị cầy lên như địa ngục có thật, tôi ngồi trong hầm lại nghe cái chết đến từ từ, ước lượng có đến cở gần 10,000 quả đạn đại bác các loại rơi xuống C2 kể từ ngày tử chiến, ngoài hầm bê tông cốt sắt ra chứ hầm hố như thế này thì làm sao chịu nổi, bất cứ đơn vị nào mà trấn thủ nơi đây chắc là phải tự động rút từ lâu rồi, tôi không dám nghỉ đến một điều xấu nhất dành cho mình, không biết nhà tôi và đứa con đầu lòng đang mang trong người giờ này ra sao, mổi lần tôi đi trận, nhà tôi đều dặn cầu nguyện Ðức Mẹ che chở, giờ tôi đang làm điều này…Chợt thấy Trung úy Cho nhổm dậy cầm lấy máy nghe rồi lo lắng, tôi cũng qua tần số Trung úy Ðúng hỏi, Trung Tá Bảo, Tiểu Ðoàn Trưởng Song Kiếm Trấn Ải đã gẩy cánh thiên thần sau loạt pháo kích vừa rồi, một quả 130 ly trúng hầm, Trung tá Bảo hy sinh còn Thiếu Tá Duffy và Thiếu Tá Mễ ở hầm khác chỉ bị thương nhẹ. Thiếu Tá Mễ lên thay. Suốt ngày hôm đó, địch tiếp tục pháo kích C2 và bắn cấm chỉ các vị trí pháo binh của ta. Một bịch gạo xấy cả tuần nay tôi nuốt không hết, miệng thật đắng còn nước uống thì đo bằng từng nắp bi đông, riêng việc vệ sinh thì giải quyết ngay ngoài miệng hầm. Pháo dử quá nên tôi cũng giới hạn bớt chạy ta ngoài tuyến quan sát. Trên tấm bản đồ, tôi ghi chi chít những vị trí nghi ngờ pháo của địch báo cho Trung úy Ðúng và Trung úy Ðúng cũng chẳng làm được gì khác hơn, gần tối địch ngưng pháo kích, tôi thiếp đi lúc nào không biết cho đến khi Hạnh chạy vào lay chân tôi dậy hỏi cần gì không, tôi lắc đầu.

Sáng ngày 13/4/1972, Ðại đội 113 được lệnh đi lên phía Bắc tìm bải đáp, còn Ðại đội 111 lên ngọn đồi phía Ðông xem có chổ nào tải thương được không. Khi Khánh chui vào hầm tôi, tôi thấy mặt có vẽ nghiêm trọng, không còn cái giọng Nha Trang đơ đớ Quãng Ngãi nửa, không thấy có vẽ đùa cợt hàng ngày như lúc còn ở hậu cứ, tôi bảo Khánh chạy theo tôi ra ngoài tuyến và chỉ về ngọn đồi mục tiêu trước mặt, theo hướng tôi chỉ, bóng tên Việt cộng đứng gác vẫn còn đó, tôi lại chỉ Khánh chổ vị trí hai cây phòng không cách đó không xa và nói:
- Tụi nó đầy ở trên đó, tao bắn hoài cũng chả ăn thua gì, mày hết sức cẩn thận, nếu muốn bắn mở đường tao bắn cho, khi lên coi chừng phòng không tụi nó trực xạ. Khánh trở lại 111 bàn với Trung Úy Thinh và cũng không thấy xin bắn mở đường, chắc là muốn giữ im lặng.

Ðộ nửa tiếng sau, súng nổ vang dội từ triền đồi bên kia, 111 lên được gần đến đỉnh đồi thì địch khai hỏa, bằng luôn cả phòng không trực xạ. Không thấy Khánh xin tác xạ, tôi muốn bắn phụ lắm, nhưng giờ này không biết nó ở chổ nào. Súng vẫn nổ, một chốc tôi nghe tiếng Khánh trong máy, Trung Úy Thinh, Ðại đội trưởng 111 đã tử trận, Khánh lên thay. Rồi một chốc lại nghe tin Trung sĩ Lung gọi máy, tôi biết Khánh cũng đã nằm xuống…cánh dù lộng gió muôn phương – vào lòng đất mẹ, máu xương ngậm ngùi. Ðại đội 111 thêm lần nửa tan hàng. Một số còn lại rút về được căn cứ. Cả ngày đó địch vẫn tiếp tục giữ mức độ pháo kích khủng khiếp, lương thực và đạn dược lại cạn dần, lại thêm người chết và bị thương. Ðêm dần xuống, tôi nằm trong hầm buồn lắm, Trung Tá Bảo ra đi hôm qua, Chuẩn Úy Sơn đề lô ra đi trong loạt pháo đầu tiên, Khánh vừa đi sáng nay, Lạc bị thương nặng chưa biết ra sao, còn những người khác thì nằm đầy ngoài chiến hào, bao giờ thì rút đây, không phải tôi bi quan, mà tức vì cái lệnh tử thủ quái ác từ đâu đâu, chết như vậy thật uổng mạng.

Ngày 14/4/1972, Tiểu đoàn 11 Dù tự quyết định rút lui vào ban đêm, nhưng vào buổi trưa sau những đợt pháo kích dử dội, địch xung phong lên từ phía Ðại đội 114 đồng thời pháo luôn các vị trí pháo của ta, tôi gọi mãi mà không con gà nào chịu gáy, ngoài tuyến, không còn sợ pháo binh ta bắn cản, địch nhào lên đông như kiến cỏ, Ðại đội 114 chống cự không lại phải rút về dàn hàng ngang với Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, máy bay cũng đã lên vùng bỏ bom ngay trên tuyến 114, hai bên giành nhau từng hầm hố, từng giao thông hào. Pháo binh ta coi như bị tê liệt, tôi đứng dưới giao thông hào sát với Thiếu Tá Mễ, và Thiếu Tá Ðoàn Phương Hải Trưởng ban 3 giờ kiêm Tiểu đoàn phó, Trung Úy Ðúng đứng kế bên, cạnh đấy là Bác sĩ Tô Phạm Liệu, một Bác sĩ Nhảy Dù mê đánh trận còn hơn cầm ống chích, lưng đeo khẩu Colt 45, tay cầm súng M 16 giơ lên, miệng hét binh sĩ ráng giữ vững vị trí, tôi nghỉ thầm trong bụng nói cha nội này đi quân y uổng quá, phải cầm quân đánh nhau mới đúng. Thỉnh thoảng tôi lại gọi máy, khản cổ họng nhưng pháo binh của ta im lặng vô tuyến vì vẫn còn bị pháo kích. Lúc này mặc dù chiếm được gần một nửa C2 nhưng địch vẫn chưa dám nhào tới cận chiến nên phòng tuyến thứ hai của ta vẫn giữ được. Chổ tôi đứng, xác một binh sĩ Dù nằm trên chiến hào ngay trước mặt, chết đã nhiều ngày, xác trương lên nhưng không thấy mùi hôi vì đầy thuốc súng, còn trên mình mang thêm nhiều mãnh đạn pháo sau đó, có lẽ chết hai ba lần. Bổng Hạ sỉ Hạnh chạy tới chổ tôi nói:
- Em kiếm Trung úy nảy giờ, Thằng Nhỏ bị thương muốn gặp Trung Úy.
Tôi cúi đầu xuống chạy dọc ra ngoài tuyến, gặp Nhỏ đang nằm dưới giao thông hào, bụng bị mảnh pháo phá nát, ruột đổ ra ngoài dính đầy bụi đất. Tôi cúi xuống, Nhỏ thì thào bên tai:
- Em khát nước quá, Trung úy đái cho em uống.
Giữa tiếng đạn bay, tôi muốn khóc mà không rơi được giọt lệ, đệ tử tôi đến giờ phút hấp hối còn nghỉ đến ông thầy. Tôi nghẹn ngào nói với Nhỏ:
- Em còn điều gì muốn nói thì nói cho Hạnh biết, anh còn phải coi xem còn bắn được hay không.

Nói xong tôi đưa bi đông nước còn lại một chút cho Hạnh để cho Nhỏ uống rồi gạt nước mắt định chạy về chổ Thiếu Tá Mễ. Ngay lúc đó có nhiều tiếng đạn AK bắn xéo trên đầu tôi, khói súng mù mịt không thấy rỏ phía triền đồi, tôi rút quả lựu đạn M26 ném xuống dưới chân đồi. Ðây là quả lựu đạn đầu tiên trong đời lính tôi sử dụng để ngăn địch. Không cần quan sát hiệu quả lưu đạn vừa rồi, tôi chạy lại phía Thiếu Tá Mễ. Giờ phút này địch đã lên được hơn nửa đồi C2 và từ hướng Nam cùng với hướng Tây đánh lên, cả Tiểu đoàn 11 chuẩn bị một màn cận chiến, bổng một viên đạn AK bắn trúng bình khói cay E8 của ta đặt trước mặt Thiếu Tá Mễ cở chục mét. Tôi thấy rỏ gió thổi ngược khiến cho khói cay màu vàng bay ngược về hướng Tiểu đoàn, những người lính la lên địch pháo khói cay rồi rút về phía Tiểu đoàn, và Tiểu đoàn 11 chính thức rời bỏ Charlie vào lúc này, nếu không bị bình khói cay thì không biết thế nào, đây có lẽ trời khiến cho 11 Dù không bị tràn ngập trên đồi C2.

Cũng may địch sợ ta dùng chiến thuật “đồng ư quy tận” tức là gọi pháo binh bắn ngay trên đầu cùng chết với địch nên không dám duổi theo, nhờ vậy chúng tôi xuống đến chân đồi không có phát súng nào bắn theo. Trời hơi tối, địch cũng không dám pháo kích nửa sợ lộ vị trí, vã lại chúng đã lên đầy trên C2 và giờ đây có lẽ đang lục hầm kiếm thức ăn, nên pháo binh của ta hoạt động lại được bắn chận không cho địch truy kích. Rút theo hướng đông nam độ vài trăm mét thì nghe nhiều tiếng rít xé trời, bom B52 rơi xuống Charlie cày nát thành bình địa. Ðại đội 113 ở hướng Bắc hầu như còn nguyên vẹn từ ngày đầu đến giờ không bị đánh cũng như không thiệt hại vì pháo kích, nên được lệnh đi ngược xuống Yankee tìm đường ra PZ (tức bải bốc, tiếng Anh là Picking Zone), trên bản đồ cách Charlie khoảng gần 4 cây số. Trời tối, đồi cao, rất khó đi, máy bay lên vùng thả hỏa châu soi sáng, những dây đạn M 79 từ phi cơ OV10 rót đều phía sau chận hậu, nổ tụp tụp bum bum nghe như một điệp khúc buồn nản của chiến tranh. Binh sĩ còn khỏe dìu những người bị thương nhẹ, thật không thể tưởng tượng được có người bị thương ở chân phải đi bằng cả hai tay ở những đoạn dốc khó đi không thể dìu được, bản năng sinh tồn của con người nhất là của người lính chiến thì không có gì có thể diễn tả ra hết được. Cạn hết lương thực, đạn dược, thuốc men, và dưới những cơn mưa pháo khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, hơn một trăm con người còn lại này chia đều mổi người đã lãnh cở gần 100 trái đại bác, thử hỏi còn có ai chịu đựng được như thế không. Tôi chợt nhớ đã đọc đâu đó một câu nói của danh tướng My,õ Mac Authur ” Tôi thương những người lính bộ binh hằng ngày 24 giờ phải đối diện cái chết trên chiến trường, lại còn phải gánh chịu những bất công của thượng cấp”. Nghỉ lại hoàn cảnh của 11 Dù còn tệ hại hơn thế nửa, bị trói tay để đánh.

Ðến gần sáng thì ra đến bải bốc giống như một cái thung lũng cạnh một con suối, đây là một khoảng trống đầy lau sậy, Tiểu đoàn 11 kiểm tra lại quân số và chia khu vực phòng thủ đợi trực thăng bốc về Võ Ðịnh. Tôi và đệ tử Hạnh được cắt lên slick trực thăng sau cùng của Ðại đội 114. Thông thường khi đi hành quân trực thăng vận, đề lô phải nhảy theo toán đầu tiên và khi rút thì đi sau hết, để có thể gọi pháo binh bắn bất cứ lúc nào.

Ngày 15/4/1972, trời sáng dần, khi ánh nắng mặt trời đầu tiên trong ngày vừa sáng hẳn lên từ phương đông thì có tiếng trực thăng bay đến, dẫn đầu là hai chiếc Cobra và phía sau là một đoàn Trực thăng UH1B của Mỹ, hai chiếc Cobra có trang bị rocket bay một vòng quanh bải bốc quan sát, một trái khói màu vàng được thả ra đánh dấu chổ trực thăng đáp xuống, chiếc UH1B thứ nhất vừa xà xà xuống mặt đất thì có tiếng đạn cối rơi xuống nổ ngay chóc bải đáp rồi hằng chục tiếng pháo cối 82 ly tiếp tục rơi xuống, những chiếc trực thăng vội vàng bay thẳng lên không bốc được toán nào. Dứt loạt cối, Việt cộng từ hai bên triền đồi xuất hiện như mọi da đỏ dàn hàng ngang xung phong y hệt trong phim cao bồi viễn tây, vì đồi lau sậy thưa thớt nên rất dể thấy chúng không thổi kèn xung phong mà vừa chạy, vừa bắn, vừa hô “hàng sống chống chết” vang trời. Tiểu đoàn 11 Dù đang bị nguyên một Trung đoàn Việt cộng phục kích, Trung đoàn này được lệnh đi đánh phi trường Phượng Hoàng đêm trước, khi Tiểu đoàn 11 Dù rút lui khỏi Charlie, chỉ huy của chúng đoán được ta sẻ bốc quân tại đây nên cho lệnh Trung đoàn này lui trở lại để phục kích định hốt gọn 11 Dù, bọn chúng tưởng khi pháo ở giữa tất nhiên ta sẻ bung chạy tản ra chung quanh, bọn chúng đã phục kích sẳn sẻ hốt gọn, nhưng không ngờ khi chúng tràn xuống, thì Nhảy dù cũng bung ra chống lại mãnh liệt. Trận chiến lúc này như một cái nia đựng đậu đen và đậu trắng sàng qua sàng lại lẫn lộn như đang đánh xáp lá cà, chổ nào cũng có tiếng AK47 và M16 nổ lẫn lộn còn hơn pháo Tết, coi như cả Tiểu đoàn 11 trừ cùng bắn nhau một lúc với một Trung đoàn Việt cộng, hai bên chạy qua chạy lại thấy đâu bắn đó như xinê, làm Cobra bay trên đầu cũng không biết bắn vào đâu, một chiếc trực thăng liều chết đáp xuống đất, tôi thấy một số người chạy tới leo lên, những chiếc sau vừa xà xuống thì Việt Cộng cũng rượt gần đến nơi, xạ thủ đại liên Nguyễn Tấn Vinh (hiện ở Houston) dừng lại ôm Ðại liên 60 ria hết luôn một dây đạn còn lại, Việt cộng ngả rạp xuống đồi rụng như sung, viên đạn đại liên cuối cùng vừa ra khỏi nòng là mấy cây AK đã chỉa vô đầu Vinh, có lẽ vì cãm phục tinh thần anh dũng của người lính Nhảy Dù này mà chúng không giết để trả thù cho đồng bọn, chỉ bắt sống. Nhờ lòng quả cãm của người xạ thủ đại liên này mà một slick duy nhất 4 chiếc trực thăng đã bốc được Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn 11, Sĩ quan liên lạc pháo binh, và cố vấn Duffy, nhưng Thiếu Tá Ðoàn Phương Hải Trưởng ban 3 (hiện ở San Jose) thì bị một viên đạn AK bắn xuyên bàn chân từ dưới đất lên, rớt xuống máy bay, may nhờ Thiếu Tá Duffy gan dạ quay trực thăng trở lại kéo lên.

Ðạn hai bên vẫn nổ tới tấp, thêm một cặp Cobra và một slick trực thăng khác vào vùng bay vòng vòng trên trời. Việt cộng chỉ bất ngờ đi phục kích nên không đem theo phòng không cho nên trực thăng của Mỷ mới hoạt động được nhưng chỉ bốc chứ không dám bắn vì sợ trúng quân bạn. Chiến trường lần lần bớt đi tiếng súng, nhưng tiếng kêu hàng vẫn còn nghe văng vẳng, tiếng trực thăng vẫn còn nghe vần vũ trên đầu. Lúc này tôi đang sát dưới bờ suối với ba bốn người lính nhìn lên khá rỏ nên bảo họ chạy theo tôi ra bãi may ra trực thăng thấy được rỏ đồ rằn ri so với đồ vàng bụi đất của Việt cộng mà bốc chúng tôi lên. Những người lính nghe theo tôi chạy lên triền đồi, đang chạy, tôi thấy một chiếc Cobra bay phía bên trái ngược hướng tôi chạy lên, chừng quay lại phía sau thấy nó vòng lại nghiêng cánh, kinh nghiệm chiến trường đã cứu tôi thoát chết, Cobra mà nghiêng cánh về phía nào là nó bắn rocket về phía ấy, chắc là trực thăng nó thấy Việt cộng rượt theo chúng tôi nên bắn, tôi chỉ kịp hô:
- Dạt ra một bên, trực thắng bắn.

Tôi vừa nhào đại qua một bên thì một tiếng rocket nổ như trời giáng cách tôi cở vài mét không còn nhớ rỏ phía bên nào, tôi thấy mình văng lên rồi rớt lăn trở xuống triền đồi, cây súng colt 45 cầm trtên tay văng đâu mất, cái địa bàn đeo trên cổ và tấm bản đồ nhờ bỏ trong áo nên còn lại, may mắn tôi chỉ bị chấn động nhẹ, nhưng không hiểu những người kia có sao không. Tôi đứng dậy chạy ngược xuống bờ suối thì gặp một tốp Dù, trong đó có Chuẩn úy Linh đang chạy theo bên bờ suối về hướng Bắc, thấy tôi họ mừng lắm, cả tôi cũng thế, chưa kịp hỏi thì tiếng súng đuổi theo cũng nghe kế bên, lẫn tiếng kêu đầu hàng, tôi chỉ hướng chạy qua bên kia bờ suối, vừa vượt qua bờ suối thì một người chạy sau bị bắn rớt xuống suối, tôi thúc anh em chạy tiếp, chạy khoảng 50 mét không nghe tiếng rượt theo, chúng tôi dừng lại để thở. Tôi nói vội với anh em:
- Tuyệt đối không đầu hàng, đi theo tôi, nếu người nào bị bắn mà bị thương, kể cả tôi, thì phải bỏ lại, chạy thoát thân, chứ không được đầu hàng. Mọi người tuân lệnh. Vừa đi tôi vừa xem bản đồ. Võ Ðịnh cách khoảng 8 cây số, chỉ băng theo hướng đông bắc là đến nhưng thế nào cũng gặp Việt cộng, tụi nó dứt Charlie rồi tất phải đánh phi trường Phượng Hoàng, vô đó là lãnh đủ (về sau đúng như vậy vì bọn chúng đang diều quân đánh căn cứ Võ Ðịnh). Cho nên tôi quyết định đi thẳng lên hướng bắc khoảng một cây số đánh lạc hướng địch rồi vòng lại hướng đông nam ra Diên Bình, cách đó khoảng mười mấy cây số. Vừa đói, vừa mệt, 10 người mà chỉ còn có 3 cây M16, mổi cây chỉ có một băng đạn, không biết lúc đụng trận nửa thì thế nào, tôi lại nhớ đến Hạnh, người đệ tử nhỏ con nhưng rất tháo vát, lên hạ sĩ thường được ở lại pháo đội học bắn, nhưng không hiểu khoái tôi cái nổi gì đòi theo tôi đi đề lô cho khổ tấm thân, bây giờ không biết ra sao. Ði gần nửa ngày, đồi cao cả ngàn mét, đói lã người, nửa tháng nay không đêm nào ngủ được vài tiếng. Bổng người đi đầu giơ tay ra hiệu dừng lại, khu rừng tre trước mặt có tiếng động, quan sát một hồi thấy được một toán Dù thất lạc, chúng tôi ra thủ hiệu nhận diện rồi nhập chung, tới chiều thì gặp thêm một toán nửa, thêm hai Chuẩn úy và mấy Hạ sĩ quan. Quân số bây giờ là 26 người với 10 cây M16, có vài người bị thương nhẹ nơi chân và tay, mọi người đều đói quá, không ai còn miếng gạo sấy nào, chỉ còn một lon thịt ba lát, anh em khui ra đưa cho tôi, tôi cắn một miếng rồi trả lại nói mặn quá, cả tuần nay chẳng nuốt gì được để từ từ rồi ăn. Biết được Chuẩn Úy Linh lớn tuổi và thâm niên hơn hai Chuẩn úy kia nên tôi kêu Linh riêng ra và nói:
- Lính của anh, anh dể chỉ huy hơn, còn tôi thì dẫn đường ra thôi.
Chuẫn Úy Linh trả lời:
- Trung Úy lớn nhất ở đây, chỉ huy, dẫn đi dâu chúng tôi theo lệnh Trung úy.

Tôi trở lại nói với anh em:
- Như vậy tôi ra lệnh, nếu gặp địch đông thì bỏ chạy, nếu địch ít thì đánh, ai bị thương kể cả tôi cũng phải bỏ lại, tuyệt đối không được đầu hàng, tôi có niềm tin tôn giáo, Ðức Mẹ sẻ che chở chúng ta. Mọi người tuân lệnh. Tôi cho tất cả mọi người còn vũ khí đi đầu, ba Chuẩn úy chia ra xen kẻ, còn lại không có vũ khí thì đi sau. Tôi cũng dặn dò kỷ hướng ra Quốc lộ 14, trên đường sẻ gặp những gì trên bản đồ. Nếu có thất lạc vì đụng trận thì theo hướng đó mà ra. Không phải tôi sợ anh em đụng trận, tôi chỉ muốn làm tròn bổn phận người anh, lở tôi có bề gì thì biết đường ra cho sớm, trể một ngày là có thể chết vì đói.

Tối đó, tôi dặn Chuẩn Úy Linh cắt gác xong chia nhau đi ngủ. Sau một đêm nghỉ thật ngon kể từ nửa tháng nay, tôi đánh thức mọi người dậy thật sớm để leo núi đở mệt hơn. Ðến trưa, theo bản đồ chúng tôi đến một làng Thượng đã bỏ hoang, không có gì để ăn, chỉ có một cây xoài thật cao toàn trái xanh, đói gần chết mà chơi thứ này vô còn tịch sớm hơn nửa. Một người lính bổng thấy một cây điều rừng trong bụi cây trước mặt, có rất ít trái nhỏ màu vàng cở ngón tay, tôi nói để tôi thử coi, bứt một trái không dám đưa hẳn vào trong miệng để nhai, tôi nhây nhây ngoài răng cửa, hơi có vị ngọt chát, tới chừng nuốt vô vừa đến cuống họng thì nghe thật rát, tôi vội vàng nhổ ra, nguyên cổ họng tôi bị ngứa tàn bạo, và một chốc sau thì đôi môi bị sưng lên, tránh võ dưa gặp vỏ dừa, may mà không nuốt vô, nếu không dám toi mạng lắm. Chúng tôi tiếp tục đi một lúc thì lên một ngọn đồi dài mà đỉnh của nó thật bằng phẳng như ai đã san bằng. Ngọn đồi rất đẹp, cây cối rậm rạp, chúng tôi dừng lại ngồi nghỉ thì nghe tiếng trực thăng bay từng đoàn về hướng Nam, có lẽ trực thăng đổ quân, tôi cho anh em rút xuống triền đồi bên này, sợ trực thăng dọn bải hay pháo binh bắn ghép bải lở trúng thì xui tận mạng. Thật đúng như phép lạ, trực thăng dọn bải phía bên kia đồi, đạn bạn vút qua trên đỉnh mà chúng tôi vừa rút xuống. Hú hồn. Sau đó nghe tiếng trực thăng đáp xuống. Ðúng là đổ quân nhưng không biết đơn vị nào đây (sau này tôi biết được Tiểu đoàn 9 Dù đổ quân). Sợ ngộ nhận, tôi quyết định đi tiếp, đến gần chiều thì dừng quân nghỉ đêm. Ðôi môi tôi giờ này sưng vù lên và thâm đen phía ngoài, còn trong cổ thì ngứa vô cùng, chỉ muốn đưa cả nguyên bàn tay vào miệng mà cào cho đã ngứa, không biết tôi có ra kịp quốc lộ không, nếu bỏ mạng lãng xẹt như thế này vì ăn bậy thì đau quá. Trong lúc dừng quân, chúng tôi kiếm được đâu đó ít rau tàu bay, luộc lên với nước suối cầm hơi. Ðêm đó nhìn lên bản đồ, tôi còn cách sông PoKo độ 2 cây số nửa, qua sông này được thì chiều tối đến xã Diên Bình. Nhưng con sông rộng và nước chảy thật xiết như thế và người nào cũng đuối sức hết thì làm sao mà qua đây. Trưa hôm sau, chúng tôi đến sông PoKo đúng y tọa độ. Tôi cho mọi người ngồi nghỉ trong các lùm cây trên bờ. Ngay lúc đó, một chiến trực thăng từ hướng quốc lộ 14 bay thẳng vô núi, chúng tôi chạy ra bờ sông cởi áo giơ tay vẩy vẩy. Từ xa trực thăng thấy được nhưng không dám bay lại gần, nó chỉ bay vòng vòng quan sát chúng tôi một hồi rồi xong cũng giơ tay vẫy vẫy rồi bay luôn. Tôi nghỉ trong bụng, chắc là trực thăng đi kiếm chúng tôi, thấy chúng tôi gần ra đến nơi rồi nên bay vào tìm những người còn kẹt lại trong sâu hơn, nhưng thế nào cũng báo về Lữ đoàn để báo cho đồn Ðiạ phương quân biết đừng bắn lầm. Tôi xem lại bản đồ, đây là đầu một cái ấp, thế nào họ cũng có ghe để qua sông, tôi cho người đi dọc bờ sông khoảng một trăm mét thì thấy có một cái ghe nhỏ và một người đã tình nguyện bơi qua bên kia bờ lấy ghe, rồi lần lượt đưa chúng tôi qua sông. Có lẽ bề trên đã an bài, một cái ấp bỏ hoang như thế này lại có một chiếc ghe của ai đó bỏ lại để đưa chúng tôi qua sông, như một phép lạ. Mọi người đều kiệt sức nên tôi quyết định cho anh em đi ngang qua rẩy dân và cố tình nói chuyện lớn tiếng, để nếu có lính nghỉa quân ở đây thì nhận ra giọng miền Nam chứ không phải giọng Bắc con cháu giặc hồ mà không bắn lầm, đồng thời cũng vớt vát chút đỉnh củ khoai trái bắp gì đó trên đường đi. Ðây là một quyết định có lẽ lạ đời nhất và phản chiến thuật nhất của một sĩ quan. Cứ như vậy mà đi, có lúc những người lính còn ca lên mấy câu vọng cổ hoặc mấy bài hát của miền Nam nửa, chẳng có gì ăn trên đường qua rẩy vì rẩy cũng bị bỏ hoang lâu rồi, thì lót lòng bằng tiếng ca ngọt ngào hương lúa miền Nam quê hương vậy.

Chúng tôi từ địa ngục trở về đâu có còn ngán cái địa ngục nào nửa đâu, ba cái thằng du kích xã dám xuất hiện ngăn chúng tôi sao? Tôi lấy cái lý của kẻ lỳ cho anh em tự do ca hát nói chuyện cho đến khi gần đến Xã Diên Bình thì dừng lại. Sợ mò vào ban đêm bị vướng mìn tự động hay lựu đạn gài nên tôi cho dàn quân lại phòng thủ ngủ đến sáng mới vô, và dặn dò hết sức cẩn thận, không chết dưới chục ngàn quả đạn pháo mà chết vì đạp mìn địa phương quân thì lảng xẹt. Tôi vừa đi một vòng kiểm soát lại mọi người thì Chuẩn Úy Linh tiến lại nói có hai thằng mò vào liên lạc được bên trong rồi, họ mở cổng cho mình vào. Tôi nói tào thiệt, sau đó tôi đi vào đồn chào vị Ðại úy Tiểu đoàn Trưởng Ðịa phương quân và trình bày lý do, viên Ðại úy nói hồi chiều tôi đã được biết trước anh em sẻ về đúng nơi đây đêm nay, nên đã chuẩn bị các thứ để giúp anh em Nhảy dù. Tôi mượn máy liên lạc với Tiểu đoàn 1 Pháo binh Dù và nhờ chuyển qua báo cho Tiểu đoàn 11 biết chúng tôi đã ra đến nơi, xong nói tôi có một số người bị thương, xin Ðại úy săn sóc dùm, viên Ðại úy cho người dẩn anh em bị thương lại một tu viện gần đó, tôi đi theo. Những vết thương được các seour rửa ráy hết sức cẫn thận, dòi con nào con nấy to bằng đầu đủa bò ra từ trong tủy xương tay mà anh em không cãm thấy đau đớn chi cả, có những nổi đau còn lớn hơn trong lòng mọi người và không ai dám nói ra vào lúc này vì nói ra chúng tôi sẻ khóc. Giọt lệ anh hùng phải rơi đúng lúc và đúng chổ. Các soeur cũng cho tôi vài viên thuốc gì đó uống cho khỏi làm độc, tôi cám ơn rồi về gọi Chuẩn Úy Linh đến để giao lại nhiệm vụ chỉ huy anh em. Viên Ðại Úy hỏi tôi muốn ăn gì, tôi chỉ xin một tô cháo, và một chổ nằm.

Trong lúc chờ đợi, tôi bước ra khỏi hầm, bước lên cầu Diên Bình nhìn về dẩy Trường Sơn âm u phía Tây, ánh hỏa châu lung linh trong đêm tối như canh giấc nghìn thu cho đồng đội tôi đời đời an nghỉ, hay còn tiếp tục đâu đó cuộc chơi tốn nhiều xương máu vì hai chử tự do, những người đi không về đêm nay, có Hạnh, có Sơn, có Khánh hình như đang bay theo những đốm lửa nổ bộp trên không, rồi tan vở từ từ thành hình một cánh dù trên đồi máu, tôi thấy mình nắm lấy hai dây thượng thăng, chạy băng xuống đồi, cánh dù từ từ lộng gió lên cao, bên tai tôi còn nghe tiếng kêu khát nước của Cho, tiếng đạn hú rợn người trên non, và tôi đi vào cơn mơ lúc nào không biết…

Tiểu đoàn 11 Dù, Song Kiếm Trấn Ải Charlie đã để lại nơi đây người anh cả Nguyễn Ðình Bảo cùng ba trăm đồng đội , và Tiểu đoàn về được tới Võ Ðịnh trước sau chỉ có mấy chục người, chưa được một Ðại đội. Sau Hiệp định Paris, Ðại Úy Hùng mập, Ðại đội trưởng 113 được trao trả. Xạ thủ đại liên Nguyễn Tấn Vinh dọc đường dẫn ra Bắc, nhiều lần bọn cán binh Việt cộng đòi giết để trả thù cho đồng bọn nhưng cấp chỉ huy của chúng không cho vì nhu cầu trao trả, anh hiện ở tại Houston. Người đệ tử tôi, Hạ sĩ Hạnh và nhiều anh em khác thì nằm lại tại một trại tù binh nào đó tại vùng Thượng du Bắc Việt vì bị sốt rét và đói khát. Trung úy Lạc giải ngủ sau trận này, không chết, nhưng vết thương trên đầu khi thở ra hít vào thì da đầu cũng phập phồng theo, trông rất ghê, nên lúc nào cũng phải đội nón bảo hộ. Ðại Úy Hùng móm và Chuẩn Úy Trưng đề lô bị bắt sống nhưng đã trốn thoát được sau đó, và chỉ vài tháng sau thì Ðại Úy Hùng móm đã nằm xuống trên đường tái chiếm Cổ Thành Quãng Trị, chỉ cách ngôi nhà củ của mình có 100 mét. Sau trận Charlie, tôi được Thiếu Tá Mễ chạy cho một cái Nhành dương liễu, đợi mãi không thấy, hỏi lại thì được biết Bộ Tổng Tham Mưu cúp hết huy chương của Quân Khu 2 sau trận này.

Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù đã đánh hai trận lẫy lừng nhất trong quân sử Việt Nam Cộng Hòa, Trận Charlie lãnh cở 10,000 quã đạn đại bác đủ loại trên một căn cứ nhỏ xíu, chưa có trận nào mà một đơn vị của quân đội ta bị pháo khủng khiếp đến như thế. Tiểu đoàn 11 Dù bị mất hơn 4 đại đội, nhưng đã tiêu diệt được ít nhất cũng một Trung đoàn cộng quân của Sư đoàn 320 quả đấm thép, một đổi bốn. Sau chỉ một tháng bổ xung quân số rồi ra tái chiếm Quãng Trị, chỉ trong một đêm đến sáng của một ngày tháng 6 năm 1972, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù và đề lô pháo binh đã bắn cháy 26 xe tăng địch gần bờ sông Mỹ Chánh, có lẽ quân sử thế giới cũng chưa có một đơn vị nào lập được một kỳ công như thế trong không đầy 12 tiếng đồng hồ, và cũng chính nhờ Tiểu đoàn 11 đã dùng hỏa tiển TOW bắn cháy một xe tăng T54 của địch định khóa đuôi Ðại đội 1 Trinh Sát Dù của Thiếu Tá Dũng, Ðại đội trưởng, mà tôi đã thoát chết được khi đi đề lô cho Ðại đội này ngay sát bờ Nam sông Mỹ Chánh, Hải Lăng, Quãng Trị cuối tháng 6 năm 1972.

Nguyễn Văn Lập

No comments:

Post a Comment