Saturday, April 4, 2020

Diện mạo văn hóa, văn học miền Nam trong những tình thế cực đoan lại là nơi hội tụ của bốn dòng chảy văn hóa-văn học


Những năm 1954, đối với nhiều người-cả miền Bắc lẫn miền Nam- chắc hẳn là một hồi ức khó quên.
   
    Miền Nam lúc bấy giờ đã rộng tay mở một sinh lộ cho những thân phận tối tăm nhờ đó có cơ may tìm lại được cuộc sống con người. Những người di cư năm 1954 đa phần đều là dân quê ít học nên xa lạ với những vấn đề chính trị, vấn đề ý thức hệ hay chủ nghĩa.
   Vậy mà họ là nhân tố chính của cuộc di cư này. Sự thành tựu của cuộc di cư chẳng những về mặt chính trị, xã hội an sinh, kinh tế như một phép lạ Hy Lạp mà còn phải nhờ vào lòng quyết tâm của đôi chân họ. Sự quyết tâm ấy thể hiện nơi một thanh niên mệt mỏi kiệt sức sau chuyến vượt thoát nằm ngủ mê man, nhưng tay vẫn nắm chặt cây Thánh giá đặt trên ngực.
    Và một bức ảnh gây ấn tượng nhất trong cuộc di cư: đó là hình ảnh một người tàn tật bước lên tầu bằng hai tay với lời ghi chú:
 Để có tự do thì dù đi bằng tay vào Nam vẫn cứ đi

50 năm Bắc Kỳ di cư, 1954-2004, trang 70
    Hai triệu đôi chân trần, phần lớn chưa hề biết xỏ vào đôi giầy, đôi dép. Phần nhỏ là nhửng tiểu thư, trai gái Hà Nội. Họ đã làm thay đổi hẳn diện mạo của miền Nam về mặt văn hóa và con người sau này. Nghĩ lại phải thấy đó là điều may mắn và kỳ diệu. May mắn dĩ nhiên cho kẻ mới tới mà cho cả người tại chỗ. Và cho đến năm 1975, biên giới khác biệt giữa các miền về mọi mặt đã nhoà đi. Nó chỉ còn là Một. Một miền Nam-.
 

    Nhớ lại, lúc bấy giờ trong một tình thế chính trị bất ổn, nhiều phe phái, nhiều khuynh hướng trái chiều, nhiều áp lực ngoại quốc từ nhiều phía, lòng người còn bất định chia rẽ.. Đó là một tình thế xã hội, chính trị, tính địa phương cực đoan vậy mà nó lại có cơ may tạo thành những nhân tố tích cực cho một miền Nam đầy triển vọng như một miền đất hứa sau này.
Do những hoàn cảnh Địa-Chính trị(géo-politique) cực đoan trái chiều, thật khó tin là 1954 lại là cơ may miền Nam lại thừa hưởng một không khí văn hóa, văn học mở rộng chưa từng có- Như gió bốn phương- của nhiều dòng văn học chính thống cũng như không chính thống.
     Bài viết này nhằm trình bày lại sự hội nhập văn hóa của bốn dòng chảy đó. Bốn dòng chảy đó bao gồm 
    Văn hóa bản địa miền Nam. Văn Hóa từ Bắc du nhập vào sau cuộc di cừ từ 1954. Văn hóa du nhập từ phương Tây do các trí thức 99% du học chọn về Miền Nam thay vì về miền Bắc.
    Và cuối cùng không kém phần quan trọng là dòng văn học vắng mặt .. Xử dụng cụm từ này
tôi muốn nhắc nhở đến phần đông giới văn nghệ sĩ còn ở lại miền Bắc bị đảng cộng sản dẹp bỏ, loại trừ thì ngược lại họ được đón nhận bằng cả hai tay ở miền Nam.
Tất cả đã làm nên sự đa dạng, sự phong phú và tính tự do và nhân bản của miền Nam VN trước 1975..

Việc tìm hiểu này dĩ nhiên không thể nào chỉ bó chặt vào phạm vi văn học, văn hóa. Nhưng còn cần tìm hiểu các vấn đề trên liên quan đến vấn đề ngữ học, xã hội học, địa lý thiên nhiên và địa lý nhân văn cũng như tôn giáo, triết học. Đó là một tìm hiểu có tính cách liên ngành (interdisciplinaire) và nhờ đó hiểu được dòng giao lưu văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc cũng như với văn hóa du nhập từ Tây Phương chảy về.   

Phần một: 
 Dòng chính thống bản địa

   khi có sự hội nhập các dòng văn hóa, văn học các nơi đổ về miền Nam thì miền Nam đã hình thành một dòng văn hóa, văn học bản địa xử dụng chữ quốc ngữ- vốn đã có mặt, ít lắm cũng trên trăm năm rồi-.
Theo tài liệu của văn khố Pháp để lại cho thấy ở Nam Bộ các vị đề đốc, thống đốc, giám đốc nội vụ đã áp dụng triệt đề việc cưỡng bách dừng chữ Quốc Ngữ qua các Nghị định còn để lại từ năm 1869, ký tên lần lượt các ông G.Ohier, Béliard, Le Myre de Vilers, Lafontvv..Việc cưỡng bách thi hành ấy được dùng trong các thông tư, thông cáo trong hành chánh. Làng nào viết được những công văn bằng Quốc ngữ sẽ được thưởng. Công chức, nhân viên biết xử dụng tiếng Annam được thưởng.
Nó còn còn áp dụng cho các kỳ thi trong học chánh, trong việc cho xuất bản báo như tờ Gia Định báo. Tờ Gia Định báo được tài trợ dưới quyền ông Potteau và đương sự được nhận lãnh thêm 1200 quan nột năm.
Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ, thời kỳ đầu Pháp thuộc, trang 25-47.
Và người Pháp Pháp phải mất bốn năm để hỗ trợ chính sách này trên toàn cõi Nam Kỳ…
Thật ra đây chỉ là một giải pháp chính trị nhằm loại trừ ảnh hưởng của người Tàu trên các thành phần Nho sĩ còn sót lại và thực hiện chính sách trực trị và đồng hóa. Người Pháp hiểu rõ về sự cần thiết phải loại bỏ ảnh hưởng văn hóa của người Tàu và mối lo ngại ấy là có thực. Vào năm 1905, người Tàu đã đào tạo một cách bài bản một đội quân với hơn 200.000. 200.000 binh sĩ dưới cờ này đã do các sĩ quan Nhật huấn luyện.
Binh đội này trở thành một mối đe dọa cho láng giềng phương Nam.
Xem Annam et Indochine Francais: Esquisse de l’histoire Annamite II. Rôle de la France en Indochine trang 161-164.
Giải pháp chính trị của người Pháp lại có tác dụng ngược lại là nhờ chữ Quốc Ngữ đã tạo dựng nên một nền văn học chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ thay thế cho chữ Nho và ảnh hưởng cùa người Tàu..
Về điểm này, Nam Kỳ đã đi trước Bắc kỳ một bước về sự phát triển báo chí và số người đọc được chữ quốc ngữ. Số người mù chữ có lẽ ở miền Bắc nhiều hơn miền Nam. Sau 1954, người ta còn thấy những bác đạp xe xích lô, ngồi gác chân thoải mái đọc «  Bà Bút Trà » trong khi chờ khách. Phải có tiền mới mua báo được. Và phải biết chữ mới đọc được báo. Cả hai yếu tố đó miền Nam trội hơn miền Bắc một bực.
Tuy nhiên, ảnh hưởng văn hóa của người Pháp chĩ giới hạn ở một số thị dân giàu có ở Sài gòn và một vài thành phố lớn.
Nửa thế kỷ đô hộ của người Pháp chưa đủ độ chín mùi. Nó còn thiếu một chất xúc tác để chan hòa vào nếp sống bản địa. Đa số dân Nam Bộ vẫn sống nếp sống dân giã từ bao đời nay để lại. Chẳng những thế, nó chia ra hai bộ mặt xã hội trái chiều: một bên là nếp sống của đám dân thị thành-nếp sống theo Tây Phương-. Bên kia là nếp sống của người dân vùng lục châu đặm cá tính miền. Và chính nếp sống nảy làm nên cá tính của miền Nam tử giọng nói, cách ăn mặc, cách sinh hoạt làm ăn đến nếp sống văn hóa tín ngưỡng. Nó giàn dị mà thực tiễn, nó vượt khỏi khuôn khổ mẫu mực, nhưng vẫn có một khuôn mẫu cấu trúc đặc sản của người đất vùng đất mới.
Và đây là những nét đẹp văn hóa đặc thù, khởi sắc của con người vùng đất mới.
Vì thế, văn học, văn hóa với chữ Quốc Ngữ của vùng đất mới mang tính thực dụng nên còn sơ sài, còn nhiều mảnh đất hoang chưa khai phá về mặt thi ca, tiểu thuyết, kịch nghệ. Nó chưa tinh luyện, chưa đạt tính nghệ thuật cao. Nó không có cơ hội cọ sát, giao lưu với dòng chảy chính cho ngang tầm với người ta-. Người ta đây là phía Bắc.
Cùng lắm chỉ có một thứ văn hóa được gọi một cách thân thương quen thuộc là văn hóa miệt vườn hay vùng Lục Châu(chữ dùng của Nguyễn Văn Trung), đủ dùng cho nhu cầu trao đổi, giải trí cho bản địa.
Vì thế, nhiều người đã võ đoán vội vã, nhiều người chế nhạo chữ nghĩa miền Nam chưa đầy một cái cái lá đa!!
Nhận xét đó cũng có phần đúng. Miền Bắc dù không chịu trực tiếp sự cai trị của người Pháp xem ra lại tiếp thu khá nhanh về văn hóa Pháp.
Sự hội nhập nhanh hay chóng tạo ra cái tâm lý so đo hơn kém, cao hay thấp- do mặc cảm tự tôn cũng có, do truyển thống thi cử tồn tích từ trước một phần, do vị trí địa lý trước đây coi Hà Nội là vùng trung tâm cũng có.
Từ đó, phía Bắc vẫn tự xếp mình vào vị trí ưu tiên về văn hóa, văn học ngay từ trước khi người Pháp có mặt.
     Và một điều trớ trêu là ngay người dân miền Nam cũng tự nhận thế yếu của mình về văn học. Người đầu tiên nhận ra cái thế yếu về văn học giữa hai miền lại là một người miền Nam. Ông Đông Hồ Lâm Tấn Phác, người gốc Hà Tiên, gốc gác truyền đời của họ Mạc. họ Lâm từ di dân bên Tầu sang nước ta từ thế kỷ XVII. Ông là người người miền Nam đầu tiên có thơ đăng trên Nam Phong, ở miền Bắc lúc mới 20 tuổi.
 
   Vì thế, ông quá hãnh diện và coi việc đó như một đặc sủng. Ông cho rằng cần học hỏi văn học xứ Bắc, thống nhất ngôn ngữ- một thứ ngôn ngữ xứ Bắc bóng bảy, trau chuốt, du dương, ý nhị và trang trọng- thay cho ngôn ngữ Nam Kỳ giọng thẳng đuột, tự nhiên lại còn hơi thô của các cây bút Nam Kỳ mà tiêu biểu là Hồ Biểu Chánh.
Hồ Biểu Chánh trở thành nạn nhân của những thành kiến văn học kể từ đó đến nay!!! Vị tất ngày nay đã hết!!!
Nguyễn Hiến Lê viết lại về giai thoại về Đông hồ như sau:
“ Đọc những sách báo quốc ngữ miền Nam xuất bản khoảng từ 1900 đến 1920, chúng ta thấy có một lối viết lỏng lẻo, hời hợt, mất hẳn văn hóa cố hữu, tế nhị, cổ truyền của hai miền Trung Bắc..
Mãi cho đến sau thế chiến thứ nhất 1914-1918, nhờ cuộc giao thông tiện lợi, phong trào sách báo ở Hà Nội truyền được vào Nam, tình trạng bế tắc này mới thay đổ. Bắt đầu là Nam Phong tạp chí ( 1917-1934) rồi đến Phong Hóa, Ngày Nay ở Hà Nội (1932-1940 báo Tiếng Dân ở Huế ( 1927)…
Nguyễn Hiến Lê, Mười câu chuyện văn chương, nxb Văn Nghệ, trang 99.
 
     Sau này, nhiều người miền Nam coi Đông Hồ như một thứ con hoang của Nam Kỳ. Vương Hồng Sển- một người miền Nam tiêu biểu nhất về sự hòa trộn sắc tộc- Ông mang ba dòng máu trong người là Việt, Tàu và Campuchia. Ông cũng mang trong mình ngoài dòng máu còn tính chất Nam Bộ đặc sệt trong chữ nghĩa của ông và thường gọi đùa ông Đông HồCâu chuyện Đông Hồ:” Đông Hồ là nhà văn Bắc Kỳ”.
 
   Nguyễn Văn Trung cũng trích dẫn những bài báo của Đông Hồ đăng vào năm 1935 như sau:
      Đông Hồ đã lên tiếng về việc phát âm và việc xử dụng hỏi ngã không đúng của các nhà văn Nam Bộ. Ông viết trong báo “ Sống” của ông, số 19, Mars 1935 về Dấu hỏi dấu ngã như sau:
“ Báo chí in trong Nam mà in được dấu hỏi, dấu ngã là một sự rất khó khăn.. Chúng tôi hết sức thu xếp với nhà in và nhiều công phu xem xét để từ đây báo “ Sống” cũng in được đúng dấu hỏi dấu ngã như ở Bắc”.
Đặc biệt Đông Hồ không ưa văn của Hồ Biểu Chánh đến độ không chịu được. Ông thú nhận đọc Hồ Biểu Chánh phải nhận là ông tả đúng đời sống xã hội của Nam Kỳ lục tỉnh… nhưng “ đọc thì cũng đọc”, thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơ tru thẳng tuột hời hợt của ông.
Ông viết tiếp:
Thời kỳ đó, theo quan niệm của chúng tôi viết là làm văn chương mà văn chương thì phải sửa sang gọt dũa, phải điêu luyện chải chuốt. Đâu là tả thực đâu là tả chân, câu văn cũng phải xếp đặt lại hơn ngôn ngữ thường dân. Tối thiểu phải có một kỹ thuật… Tôi không chịu được văn chương Hồ Biểu Chánh.. Như tôi bây giờ vẫn không chịu nổi văn chương hát cải lương với văn chương của những tiểu thuyết “ chưởng” hiện đang thịnh hành”.
Lục Châu học , Nguyễn Van Trung, chương đầu, Một mảng văn học bị bỏ quên
Những nhận xét của Đông Hồ ngày nay cho thấy tính “ nông cạn” của ông. Cái hay bản sắc của mình thì chối từ, đi nhận vơ vay mượn cái hay của người. Phải đợi đến Lê Xuyên với Chú Tư Cầu, sau này bản thân người viết bài này mới nhận thức thấm thía được cái ngôn ngữ Nam Bộ nó hay như thế nào!!!

Phải chăng vì thế mảnh đất trống văn học Nam Bộ sau này đã được bổ sung bởi một số nhà văn, nhà báo từ miền Bắc vào tăng cường gồm những “ mũi nhọn” suất sắc như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Thiếu Sơn .. Đặc biệt Phan Khôi đã trong nhiều năm trời đã làm mưa làm gió với những bài viết phê bình đủ loại của ông trên Phụ Nữ Tân Văn. Phải coi đây là sự hội nhập, tiếp xúc đầu tiên giửa hai miền.
     Và thừa nhận rằng đây là những sứ giả văn hóa đầu tiên từ Bắc được gửi vào..
Tuy nhiên cây khế ngọt miền Bắc trồng ở trong Nam vị tất đã ngọt. Và cây vú sữa miền Nam mang ra tặng “Bác”, bác chăm bón, tưới mỗi ngày mà cây vú sữa cứ thế mà còi cọp, teo dần nay không còn ai nhắc tới nữa.
Phải chăng văn hóa nhập cảng rất đễ bị rơi vào tình trạng bị dư thừa- không được đón nhận-( Unwanted) nếu không khéo chọn?
Vậy mà nay -1954- trong phút chốc lịch sử, miền Nam đang phải chuẩn bị đối đầu chờ đón một đội ngũ hàng loạt những văn nghệ sĩ đến từ phương Bắc. Cái khó chịu phải nhường đất đai, chia xẻ cơm áo để sống chung đã dành. Sự khó chịu, bất nhẫn có thể do sự khác biệt về lối sống, lối nghĩ, tiếng nói như những kẻ xa lạ.
   
   Đó là sự phân biệt Nam-Bắc khó tránh khỏi.
Cứ xét bề ngoài, đa số những người miền Bắc lúc bấy giờ trông quê mùa, chất phác, sùng đạo, vận áo nâu, răng thì nhuộm đen, chân thì đi đất-ngón chân cái và chân chỏ xẻ ra để bám chặt trên đất bùn chơn trượt, răng thường hô ra ngoài và chưa bao giờ biết đánh răng bằng bàn chải, chưa bao giờ biết đến bánh mì, kẹo tây, xà phòng. Phụ nữ thì chít khăn mỏ quạ như phụ nữ Hồi giáo- xa lạ, ngơ ngác, quê mùa- so với người dân miền Nam mặc áo đen, hoặc bà ba rộng thong thả ngồi trên xe thổ mộ hay xe máy ba bánh chạy như bay trên đường phố Sài Gòn.
      Cả một sự khác biệt về mầu đen- mầu nâu, về tiếng nói, về y phục. Và sự khác biệt lớn nhất là sự giàu và ngèo.
Cho nên trong công việc hội nhập, trăm ngàn khó khăn, khổ đau không thiếu các uẩn khúc, sự tị hiềm, sự hiểu lầm, ngôn ngữ xa lạ va chạm khó tránh nổi của cái mà ngày nay ta gọi là những cú sốc văn hóa.(Choc culturel). Sốc cho cả hai bên. Sốc cho kẻ phải đón nhận và sốc cho kẻ mới tới.
Kẻ đón nhận thì khó chịu, kẻ mới tới thì ngỡ ngàng.
     Mặc dầu vậy, nhiều người di cư từ miền Bắc sau này vẫn coi mảnh đất miền Nam là miền đất hứa, coi lá quê hương của mình. Miền đất ấy tóm gọn trong một vài chữ là: Chỗ nào cũng có, chỗ nào cũng thừa, gần như ăn thật làm chơi, tự nhiên người dân nghèo miền Bắc trở thành trung nông mà mỗi gia đình được tặng không ba mẫu đất.
     Chỗ nào cũng hứa hẹn một ngày mai tươi đẹp. Đó là cái thừa của miền Nam, cái thiếu của miền Nam nó nằm ở chỗ khác.
Chính cái thừa, cái thiếu này đã gây ra biết bao sự tranh luận!
     Tuy nhiên không mấy ai lưu tâm đến một thiểu sồ nhửng thanh niên, thiếu nữ, gốc gác Hà Nội đã đem theo họ những tinh hoa đất Bắc làm đẹp miền Nam..
Thứ nhất là tiếng Bắc Hà Nội- được gọi là giọng nói Hà Nội đã trở thành iếng nói chuẩn trên các đài phát thanh và truyền hình sau này. Các xướng ngôn viên, các ca sĩ bất kể là giọng Nam hay Huế bắt chước nói tiếng Bắc. Các giáo sư dạy trung học người Bắc được trọng dụng hơn vì giọng Bắc. Và một số nhà văn miền Bắc viết trong các nhóm Sáng Tạo, Hiện Đại, thế kỷ 20 sau này được nhiều giới trẻ ưa đọc.
Tuy nhiên sự Hội nhập thường hai chiều. Chiều nhận và chiều thải loại. Giọng Bắc được ưa chuộng. Nhưng một số lớn từ thông dụng, các tiếng xưng hô theo chức tước, danh phận, các lối nói láy, nói mát, nói bóng nói gió, các câu chửi đủ loại có vần điệu, hầu như biến mất khi vào miền Nam. Tôi đã viết một bài tham khảo nhan đề: Cuộc di cư chữ nghĩa của miền Bắc để phân tích hiện tượng văn hóa, xã hội này.
 
Nguyễn Văn Lục, Lịch sử còn đó, trang 105
Thứ hai cách ăn mặc của Hà Nội- nhất lá áo dài của tiểu thư Hà Nội- đã có một ảnh hưởng toàn diện trên toàn thể miền Nam sau này. Miền Nam đẹp, tươi sáng, mát mẻ với những tà áo trắng nữ sinh trên khắp miền đất nước.. là thứ văn hóa kế thừa, nhập cảng từ đất Bắc. Áo bà ba, quấn ống loe, rộng của người Miền Nam chui đầu vào cũng lọt, chỉ còn thấy xuất hiện ỡ người dân ở dưới ruộng. Nhưng ngược lại mầu nâu của người miền Bắc cũng tuyệt chủng, vì trong Nam chắc không có củ nâu để nhuộm. Răng đen cũng biến mất. Khăn mỏ quạ hay chít khăn cũng dần bị thay thế.
20 năm tuổi trẻ miền Nam, tren dcvonline.net Nguyễn Văn Lục
Thứ ba, tinh thần chịu đựng, sự chăm chỉ học hành cũng như làm ăn đã là chất kích dộng thanh niên thiếu nữ miền Nam cố gắng chăm học, tranh đua với đời.
Đó là ba nhân tố tích cực trong sự giao lưu giữa hai miền Nam-Bắc.
Vùng đất Nam Bộ bị bỏ qua hoặc bị bỏ quên
Đó là ngữ từ được Nguyễn Văn Trung dùng khi ông viết cuốn Lục Châu Học, một cuốn sách xử dụng nhiều tài liệu để biện minh và phục hoạt lại dòng Văn học vùng đất mới.
Công việc phục hoạt này là chính đáng bởi vì từ nhiều năm, nhiều thế hệ nhà văn có tiếng tăm vẫn có thói quen dễ dãi không nhìn ra được cái cá tính, cái đặc sản của văn học, văn hóa của miền Nam.
Ngay bản thân người viết bài này, sau 1954 thường không đọc tờ báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, không đọc truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, không đậm đà với hát Cải Lương, đi coi Hát Bội thì chỉ thấy như phường tuồng của Tàu, la hét om sòm, ăn mặc, bôi vẽ mặt quá lố…
Sự ngộ nhận ấy bắt đầu bằng việc các trí thức miền Bắc cho rằng: Truyện ngắn và tiểu thuyết xuất hiện sớm nhất ở miền Bắc.
Vũ Ngọc Phan cho rằng Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Ông viết:
“Bởi thế cho nên Tố Tâm là quyển tiểu thuyết đầu tiên được mọi người chú ý đến một cách đặc biệt, và như thế, ta phãi nhận là dư luận cũng nhiều lúc công minh”.
Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện đại, trang 141
Còn truyện ngắn thì dành vinh dự ấy cho Phạm Duy Tốn:
“Nói về truyện ngắn viết theo lối Âu Tây, Vũ Ngọc Phan cũng khẳng định Phạm Duy Tốn là người đi trước nhất…”
Vũ Ngọc Phan, Ibid, trang 176.
Nói chung, dư luận miền Bắc đánh giá cao vai trò của Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh đối với quốc văn và học thuật..
Nhưng ông Nguyễn Văn Trung đã đặt ngược vấn đề bằng cách đưa ra bằng chứng là trong Nam có truyện ngắn xuất hiện sớm nhất ngay từ năm 1887. Truyện có nhan đề: Truyện thầy Lazarô Phiền của JP.J.B. Nguyễn Trọng Quản. Truyện in thành một cuốn sách không phải đăng trên báo .. Cuốn sách được ghi là tại Libraire-éditeur, rue Catinat, 1887( do nhà bán sách và xuất bản J.Linage, đường Catinat, 1887.
 
    Tôi phải viết ra điều này, vị nhiều vị làm nghiên cứu từ miền Bắc vào không đủ điều kiện tra cứu tài liệu miền Nam đã tự nhận họ có tác phẩm đó trong tay và viết bài phê bình.. 
    Đây là một điều rất đáng tiếc không thích hợp cho tư cách lương thiện trí thức của người làm công việc nghiên cứu.
Như thế, công bằng mà nói, Vùng Lục Châu thì từ bao giờ đến nay, nó vốn có sẵn một dòng văn học bản địa vốn tự nó có sắc thái riêng- sắc thái miền-. Họ tự hào gọi cái sắc thái đó là cá tính miền Nam.
    Cái vấn đề là một bên đặt nặng cán cân phê phán trên tính chất văn học, một bên đặt nặng đến cá tinh văn học. Sau này, tôi mới nhận thức được cái đúng cái sai khi tiếp xúc với nhiều sắc thái miền của các chủng tộc trên thế giới. Khi học Nhân Chủng học, tôi mới nhận thức được rằng cá tính văn học ở trên và ở rất cao so với cá tính văn học. Và nói một cách công bằng thì không thể mang sự cao thấp ra để so sánh hoặc đánh giá cao thấp

 Có điều gì cho phép người ta đánh giá thấp các văn hóa các dân thiểu số so với các chủng tộc được coi là văn minh
Phải nhìn nhận có nhiều văn hóa và nhìn nhận sự đa tạp và tính chất bản địa của mỗi nền văn hóa ấy. Ngày nay ai mà còn cho rằng văn hóa Tây Phương “cao hơn” văn hóa Đông Phương thì họa là điên rồ.
Và đề xuất ra một nguyên tắc bất di bất dịch cần thiết nhất: Đó là tinh thần biết tôn trọng cái cá biệt, cái địa phương tính và từ đó mới cảm thức và nhận ra vô vàn cái đẹp của văn hóa và văn học.
Và về mặt Nhân chủng học, cái văn minh miệt vườn đó đã bao lần trở thành lời mời gọi quyến rũ, thúc dục người ta cuốn gói ra đi tìm một bình minh mới cho tương lai mình và con cháu mình.
Đã gọi là cá tính thì không ai giống ai và sự khác biệt là chính.
Trong số những tác giả coi nhẹ giá trị văn học của miền Nam cách này cách khác có những tên tuổi lớn như các cụ: cụ Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Phan, Đào Đăng Vỹ. Đặc biệt Phạm Duy Tốn, ( thân Phụ Phạm Duy), tác giả truyện ngắn: Sống chết mặc bay chê dân Nam Kỳ không có văn minh.
Lời chê trách này gây nên một làn sóng phẫn nộ và một số tác giả đã lên tiếng phản bác: Thế nào là Văn Minh như quý ông Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, Nguyễn Kim Đính, Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Ngọc Ân..
Hầu như cả Sài gòn- lục tỉnh chỗ nào cũng bàn chuyện ông Tốn.
          Chưa cần bàn đến nội dung, đến giá trị văn học. Sự phê phán, nhận xét của văn giới Bắc Kỳ kể lá quá quắt lắm nên tờ Nông Cổ Mín đàm đã phải lên tiếng vào ngày 26-6-1919 như sau:
- Xưa rầy bổn báo thường xem báo giới Bắc Kỳ thấy luận nhiều bài thiệt là khinh bỉ Nam Kỳ thái quá; như Trung Bắc Tân Văn bàn luận về quốc văn thì cho văn Nam Kỳ là hát bội; còn Nam Phong bài của M. Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam Kỳ thì cho người Nam Kỳ có lượng mà không có phẩm; người Nam Kỳ những nhà giàu có phần đông toàn là ngu ngốc cả ..
Và lời nhận xét được coi là chuẩn mực nhất là của Phạm Quỳnh với một lời lẽ trịch thượng cho rằng:
- Trí thức Nam Kỳ mất gốc: Dự tiệc thấy có người vào dân Tây nói toản tiếng Tây. Như thế cho thấy các bậc thượng lưu trong Nam Kỳ không còn chút gì là cái phong thể Annam nữa.
- Sinh hoạt văn hóa nhiều về lượng, nhưng kém về phẩm” Kể đến báo ở Nam Kỳ thì nhiều hơn báo Trung, Bắc Kỳ về cái lượng, nhưng còn cái phẩm có được xứng đáng với cái phẩm hay không?
- Về sách thì cái tệ dịch sách của Tàu.. (..) Thứ nhất là các bản dịch cũ của tàu như Tam Quốc, Thủy Hử, Chinh Đông chinh Tây, Đông Châu, Phong thần…Những chuyện Tàu tự tám mươi đời, triều ấy văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những chuyện huyền hoặc, quái đản, của mấy bác cuogn62 nho bên Tàu đời xưa ngồi không bịa đạt ra để khoái trá những bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng khả kính thay..
Áy là các tệ tiểu thuyết cũ dịch của Tàu. Đến cái tệ của phần nhiều các tiểu thuyết mới ngày naym thì lại thậm hơn nữa, vì cách đ0ặt để đủ lảm cho bại hoại đủ làm cho bại hoại phong tục, điên đảo luân thường vậy. Tôi biết có bộ cực là dâm bôn mà lại rất là thịnh hành trong phụ nữ coi đó thì thì biết cái hại sâu đến chừng nào.
Nguyễn Van Trung, Lục Châu Học, chương mở đầu
            Cả một thế hệ văn học, cả một lô “ đỉnh cao trí tuệ” cũng rập theo một luận điệu lối mòn, chủ quan, hời hợt… Nói gì bây giờ. Nhưng qua kinh nghiêm này, tôi trở thành người viết “ dặt lại vấn đề” về mọi lãnh vực từ triết học, văn học, nhất là sử học và chính trị. Tôi thú nhận đốn ngã nhiều cây cổ thụ trong rừng và trở thành người viết ngược dòng..gây nhiều ân oán..

Đó là nỗi thiệt thòi của kẻ hậu sinh muốn đi tìm sự thật
Việc bỏ quên hay bỏ qua có một nền văn học ở miền Nam kể ra cũng khó trách, bởi vì đôi khi chính dân miền Nam cũng tự nhận mình như thế.. Hãy nghe ông Phan Văn Hùm trong bài Văn miếu ở Nam Kỳ viết về giới trí thức miền Nam.
“Dưới triều Nguyễn ở Nam Kỳ có đỗ đạt chỉ lưa thưa vài bốn tiến sĩ mà Phan Thanh Giản là được sự nghiệp hiển hách hơn cả.. Rồi trường cao đẳng, rồi trường cao học, rồi trường đại học, lần hồi thiết lập đề ở cả tại Hà Thành. Người đỗ cao ở bên Pháp về như các ông Ngụy Như Kô Tum, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Nguyên, Ngô Đình Nhu… cho đến văn thi sĩ, ngệ sĩ sau buổi ra trường cao tiểu học hoặc trung học, cũng không phải ở Nam Kỳ mà có. Tôi muốn nói vô duyên với sự học thời kim như thời cổ”.
Tạp chí Tri Tân, sốn 144, ngày 01-05-1944
Nguyễn Van Trung, Lục Châu Học, chương mở đầu
Không biết cụ Phan Văn Hùm nghĩ thế nào về trí thức chứ bản thân cụ cũng có bằng cao học triết học- Diplôme d’Études Suprieures de philosophie- nào có thua kém ai. Và nếu hiểu trí thức là người dấn thân nhập cuộc tranh đấu thì đất Nam Kỳ thiếu gì. Đó là những Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường, Lê Bá Cang, Trần Văn Chiêu, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Sĩ, Đào Hưng Long, Lư Sanh Hạnh, Nguyễn Văn Lịnh,, Lương Đức Thiệp, Lý Vĩnh Khuôn, Lê Quang Lương, Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Văn Tiền vào các thập niên 1930-1935..
Những thiên kiến đối với văn học miền Nam còn được tiếp sức bởi những nhà phê bình khác như Phan Khôi, Thiếu Sơn, Lê Văn Siêu. Sau này có thêm Phạm Thế Ngũ và luật sư Trần Thanh Hiệp của nhóm sáng Tạo. Trong số trên, Phan Khôi là cây bút tranh luận đanh thép nhất, trận địa nào cũng có mặt ông đi hàng đầu, nhất là về vấn đề văn học và phụ nữ.
    Phan Khôi trong Phụ nữ Tân Văn số 32 viết: Vấn đề viết chữ Quốc ngữ cho đúng”. Có chỗ ông khuyên các cô kén chồng là: hễ các cậu nào viết chữ Quốc ngữ không đúng thì không lấy..Và ông cũng không ngần ngại đem mấy ông cố đạo, các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của ra mà kết án… Còn gì bất công hơn mang Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của- những người thợ nề xây dựng cái nền nhà miền Nam lúc khởi đầu ra mà phê phán-.
Sau 1955, trong một bài nói chuyện tại Câu lạc bộ Văn Hóa đường Tự Do nhan đề “ Viễn tượng văn nghệ miền Nam, ngày 12-8-1960 , ông Hiệp khẳng định” Văn nghệ miền Nam không có quá khứ..
    Ông Nguyễn Phủ đã phản biện lại bài viết của ông Trần Thanh Hiệp đăng trên tạp chí Bách Khoa như sau: số 88 ngày 1-9-1960.
Lời tuyên bố của ông Trần Thanh Hiệp gián tiếp phủ nhận văn học cổ truyền miền Nam, cô lâp và tách rời miền Nam ra khỏi dòng văn học nói chung một cách nông nổi và vô bằng. Không có quá khứ là điều đáng tiếc, nhưng có may mắn là tiến mau lẹ”.
Bách Khoa, số 88 ngày 1-9-1960, trang 96-99.
    Câu chuyện phê phán văn học miền Nam tưởng rằng là văn học, nhưng thực chất là là vấn đề Nam-Bắc. Sự đố kỵ giữa hai miền là một thực trạng thường trực, có lúc đậm, lúc nhạt, lúc công khai, lúc âm ỉ.
Nhờ có cuộc hội nhập của các dòng văn học từ miền Bắc, hoặc từ các nước Tây Phương mà sự ngộ nhận dần dần được khai thông..
Nhưng kể từ sau 1954, khi có sự va chạm giữa hai nền văn học cho thấy Văn học miền Nam đã tự khẳng định bản chất văn học miền Nam như thế nào..
Dòng Văn Học bản địa miền đất mới được xây dựng dựa trên địa lý thiên nhiên, địa lý nhân văn và hoàn cảnh chính trị, xã hội thời bấy giờ
 
· Về địa lý thiên nhiên
Trong một bài viết của tôi nhan đề Sông nước với con người, tôi cho rằng miền Nam có thể có một nền văn minh sông nước( Civilisation de l’eau) chăng? Nước phải chăng là một tiền đề cho sự xác lập một nền văn hóa mà sau này Sơn Nam gọi là Văn minh sông Rạch ?
 Người Pháp khi đặt chân lên đất Nam Kỳ có lẽ hơn ai hết đã nhận thức rõ được điều ấy. Trong những tài liệu mà nay còn được lưu trữ, người ta thấy có những nhật ký về Đàng Trong như trong Nhật ký du hành bằng Tàu của ông D Richery đến đảo Côn Sơn ( Poulor Condor) còn được biệt danh là đảo Isle d’Orléans và từ đó đề ra những hoạt động thương mại với Đàng Trong.
 
    Mà mục đích của các công cuộc khảo sát là:
“ Dự án chỉ thị liên quan đến sự thám thính bờ biển Đàng Trong và đặc biệt nhất về Đà Nẵng.
    Xem Victor Tantet, Chef au burerau au Ministère des colonies nhan đề : Mục lục tóm lược văn thư tổng quát về Đàng Trong/Nam Kỳ, người dịch Ngô Bắc, trong Gio-o.net
    Sự quan tâm của người Pháp cho thấy họ nhìn từ Đà Nẵng đến đảo Phú Quốc có một thuận lợi không chối cãi được về sự giao thông đường biển. Nhất là Lyautey đã có cái nhìn viễn kiến về Sài Gòn. Theo ông, nó không chỉ là nơi thuận tiện cho việc giao thông và buôn bán làm ăn, mà trong tương lai nó còn là “ tiền đồn” của Viễn Đông.
    Và công của Lê Văn Duyệt là dựng lên một Sài Gòn, cho người ngoại quốc đến làm ăn buôn bán và dựng nên một bến cảng trù phú, sầm uất.
Sài gòn lúc ấy được gọi là Gia Định Kinh (một thứ kinh đô của miền Nam). Nguyễn Ánh do úy kỵ và do chính sách Trung ương tập quyền đã đổi thành ly sở của Thành Gia Định.
    Không lạ gì, Nguyễn Ánh đã từng trú chân ở miền đất này và lập nên sự nghiệp thì cuối cùng khi lên ngôi đã gọi miền Nam là miền đất xa xôi ấy. Điều đó cho thấy ông chỉ coi mảnh đất miền Nam như mảnh đất tạm dung. Tầm nhìn tương lai và điều ông âp ủ là mảnh đất Phú Xuân quen thuộc. Chọn lựa ấy là đúng hay sai? Nhưng giả dụ thay vì chọn Phú Xuân, Nguyễn Ánh chọn đất Gia Định với bày tôi là Tổng trấn Lê Văn Duyệt thì tương lai Việt Nam chắc hhẳn là khác. Khác theo nghĩa tiến bộ và giàu mạnh hơn?
 
  Mặc dầu bị Trung ương hạn chế quyền hạn, nhưng cả hơn 100 năm trước đây, Sài gòn đã có Hoa Luân thuyền công ty với thủy trình đi khắp nơi như xuống Mỹ Tho, Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cù lao Gien, Châu Đốc, Long Xuyên…
Đường sông, kênh đào, rạch là mạch máu chính nối liền các lưu dân. Nay ở U Minh Thượng, tháng sau đã ở U Minh Hạ. Lúc sông Tiền, lúc sông Hậu, lúc ẩn nấp ở lung vào láng hoặc len lỏi vào các con kinh rạch..
   
    Và cũng không lạ gì, trong một bài viết trên tờ Indochine, Louis Malleret ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam di chuyển khắp nơi chỉ bằng thuyền.. Người ta di chuyển bằng đủ thứ thuyền. thuyền có người chèo, thuyền có mái che có nhà để ở, thuyền nan, thuyền buồm, tam bản, thuyền thúng. Đặc biệt ở Huế có thuyền rồng ( Galères du roi), sơn nhiều mầu, trạm trổ rực rỡ, có con rồng có vẩy và đầu ngổng cao.
Đặc biệt ở vùng lục châu- Văn hóa miệt vườn- 100% do đất phù Sa bồi từ sông Cửu Long người ta di chuyển chủ yếu bằng chiêc tam bản. Trong khi miền Đông thuộc- Văn Hóa miệt Giồng-, đất phù sa pha trộn với sỏi- người ta dùng xe bò, xe ngựa để di chuyển.
 
    Như thế, nước và đất xác định cách sinh sống làm ăn và nếp sống vật chất cũng như văn hóa của một vùng đất nước. Chẳng khác gì các xứ Âu Châu hay các nước có sa mạc như Mông Cổ thì sự di chuyển của họ bằng ngựa.
Sông nước với miền địa lý ưu đãi như thế đã biến những người lưu dân miền Nam, lúc ban đầu, một phần không nhỏ là những dân du mục, những khu dân cư di động. ( Quartier mouvant.) khó phân biệt vùng nào với vùng nào..
Ngôn ngữ thông tục gọi là nếp sống Hạ Bạc.( population flottante). Đơn vị làng xã như đơn vị kinh tế xã hội khép kín ở miền Bắc không có ở trong Nam.
Cho nên họ có giọng nói riêng, không giống Trung cũng không giống Bắc mặc dầu phần đông họ đến từ dân Ngũ Quảng.( như Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức((Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngôn ngữ nay đầy phương tính du nhập thêm tiếng Trung Hoa, tiếng Chàm, tiếng Cao Mên. Tiếng nói của họ dần mất đi cái vẻ hào nhoáng, chau chuốt bên ngoải và nhất lá dụng ý hàm ẩn. Do cọ sát thực tế, tiếng nói trở thành bộc trực đơn giản, một chữ một nghĩa, cái hiểu sao nói vậy của thuở bình minh đầu đời.

  Đó là thứ tiếng nói và viết như một, nói sao viết vậy.

Trong Nam không có lủy tre, không có cổng làng, không có đơn vị kinh tế biệt lập nên những giá tri xã hội , tôn giáo, phong tục đều cũng khác biệt, thông thoáng, thực tiễn và mở rộng.
     Đó là một xã hội mở. Mở theo mọi nghĩa.. Luật pháp nếu có là luật giang hồ. lấy lời nói làm trọng, trọng chữ tín. Cho dù có đi ăn cướp, ăn trộm thì cũng nhuốm sắc thái anh hùng Lương Sơn Bạc, trọng điệu nghệ giang hồ, hào hiệp bốc trời.
Nếu có luật thì là thứ luật bất thành văn. Nếu có thứ luân lý thì lấy đạo lý giang hồ làm trọng. Nếu có văn hóa thì có thứ văn hóa đa tạp, kế thừa và chọn lọc, thải loại. Nếu có tôn giáo thì là thứ tôn giáo pha trộn-tổng hợp- điều tiết.
Bỏ thứ luân lý cầu lợi cho bản thân, bỏ thói giả hình, bề ngoài thơn thớt.. Nếu có luân lý thì đó là thứ luân lý khi thấy hoạn nạn thì tương cứu, đùm bọc, sống chết có nhau. Trong tình nghĩa bạn bè, khinh miệt bọn lòng lang dạ sói, bọn phù thinh hay xu nịnh. Tánh nết cương trực, bảo có là có, bảo không là không.
Chẳng hạn đạo Phật có đấy, nhưng không phải theo Đại thừa «  thuần túy » mà ảnh hưởng tiểu thừa tử người Miên, pha một chút, bớt một chút, gia giảm, nặng phần tổ chức, có xu hướng chính trị và được võ trang vừa thỏa đáng nhu cầu tâm linh, vừa thích hợp với tình thế..
Đặc biệt vắng bóng hiếm hoi sư sãi trung gian.. mà chỉ có hàng Chức sắc trung gian lãnh đạo..
Và nói như Vilmont( quan đầu tỉnh ở Tây Ninh), viên chức cao cấp người Pháp nhận xét rằng :
Il est strictement Cochinchinois.. Nó là một hiện tượng tôn giáo thuần túy Nam Kỳ.. Nhận xét trên càng đúng khi áp dụng vào trường hợp đạo Cao Đài.
Đạo Cao Đài thờ Lão Tử, Khổng tử, Thích Ca, Giêsu, Lý Thái Bạch, Quan Vân Trường, Khương Tử Nhavv.. Thờ tất tần tật…
Người Pháp lại một lần nữa lấy làm khó chịu nhận xét một cách chế tiễu là «  Thứ đạo tạp hóa » ( La religion de bazar).
 

Về địa lý nhân văn

Vùng đất mới này, dân số hỗn tạp với sắc dân từ nhiều nguồn đổ về. Từ miền Trung đổ vào vì lệnh cấm đạo, từ phía Bắc tới trong tiến trình Nam tiến. Và nói dại không có cuộc Nam tiến này thì tất cả chúng ta đều ngồi bó gối trên dẻo đất hẹp của đồng bằng sông Hồng. Cộng thêm là số người Trung Hoa tỵ nạn. Đó là những di thần bài Mãn, phục Thanh với các tên tuổi như Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch đã đến Cù Lao phố Biên Hòa.
 
Tưởng đến ở tạm để nuôi chí phục thù hóa ra ở luôn.
  
  Dân số vì thế tăng lên đến 20%. Dưới triều Nguyễn, tỉ lệ thi đỗ cử nhân ở Nam Kỳ chỉ chiếm 2% so với cả nước. Tinh hoa dồn cục ở đất Bắc Kỳ nên thường được coi hay tự nhận là đất văn học. Trong khi Nam Kỳ- do những người đi khẩn hoang- thì chữ nghĩa không đầy một cái là me. Họ không rành câu cách ngôn thánh hiền. Người dân miền Nam sống gần sông nước nên chủ yếu di chuyển bằng thuyền. Nhìn lên là Trời, nhìn xuống là nước như một thứ sân khấu thiên nhiên do trời đặt để. Cho nên người ta còn gọi đó là nền văn minh sông rạch. Nhiều người lưu dân sống lang bạt, rầy đây mai đó. Làm ăn không khá cũng bỏ đi, gặp rắc rối với pháp luật cũng bỏ đi.. Lại còn bọn “ Gia Long tẩu quốc”, bọn bị Tây Sơn xua đuổi, sau này lại đến bọn giặc theo Lê Văn Khôi thời Minh Mạng bỏ trôn.
Tất cả những đám dân đó trở thành lớp người lang bạt, rầy đây mai đó, đâu cũng là nhà, vui thì ở, không vui thì bỏ đi.. Và người Pháp đã có lý khi gọi bọn họ là Population flottante. Người ghét thì gọi bằng đủ thứ tên như dân « trốn xâu lậu thuế », bọn « trôi sông lạc chợ ».
Trường hợp Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ nói huỵch tẹt ra chỉ là món quà Huế tặng cho dân miền Nam. Biên niên sử triều Nguyễn tỏ ra bận tâm về kết quả thi cử kém cỏi của miền đất lạc thổ này.
    Nhưng cũng phải thừa nhận rằng có nhiều con đường khác đi đến thành công giàu có ngoài con đường cử nghiệp. Huế khoa cử, Huế lễ nghĩa, vậy mà ở đó sự nghèo đói, túng thiếu có thể sờ thấy, có thể đụng mặt mỗi ngày. Vậy mà lại thừa khả năng dấy lên những cuộc bạo loạn đủ loại..Huế cộng sản, Huế Mậu thân, Huế đấu tranh đủ thứ..
Huế chỉ tắt tiếng khi có cộng sản.
    Tất cả đều đã dấy lên từ đó như một miền đất nhiều bất hạnh. Ở nơi ấy chỉ có hận thù đủ loại và những giọt nước mắt thầm lặng (The silent tears). Trong khi miền đất đồng bằng sông Cửu Long nhiều dìa cá, cá nổi lên như mù u chín rụng chẳng ai thèm bắt.
     Cho nên giữa một điền chủ và một ông Huyện, người dân hẳn đã biết chọn tương lai của mình về phía nào.
Nếu đã hãnh diện gọi đất Bắc là đất văn học thì cùng một lẽ ấy, gọi mảnh đất miền Nam là miền đất hứa.
Nó hứa đủ thứ. Hứa cho mảnh đất lành chim đậu, hứa cho cơm no áo ấm đến cả giàu sang thức ăn thức uống ê hề. Nhưng điều quan trọng hơn cả, nó hứa cho một tương lai con người được giải thoát ra khỏi những ràng buộc xã hội phong kiến của mảnh đất cũ với lũy tre, với tục lệ làng xóm và với chèn ép con người.
Nó không có nổi một Vũ Trọng Phụng, một Nam Cao chỉ vì nơi đây nó không có cuộc sống đọa đầy mà ở nơi đó con người không có cơ may làm người. Thêm nữa nó hứa cho một mảnh đất tình nồng lấy tình bạn, tình nghĩa xóm làng lam mạch sống luân lý.
   Và như nói ở trên xin được nhắc lại một lần nữa: Và ở đâu có nhiều bạn là quê hương ta ở đó.    Nó không cần một cuộc cách mạng xã hội, một cuộc tranh đấu giai cấp với bạo lực và chém giết như những tên đồ tể giết người. Nó trọng cái đạo lý giang hồ, trọng nghĩa khí, lấy chữ tín làm đầu. Nó biết khinh miệt bọn lòng lang dạ sói, khinh miệt bọn xu nịnh, bọn phù thịnh.
Đó là sự khác biệt rõ nét giữa Bắc và Nam.. Đó cũng là sự giải phóng con người để không còn những Thị Nở và Chí Phèo căn bản dựa trên một xã hội lý gay gắt. độc đoán, phi nhân và tàn bạo..
    Nhưng ngược lại nó một biểu tượng cho một xã hội tình lấy tình nghĩa làm gốc..Nó không chỉ vì mình mà còn vị người. Hoạn nạn thì tương cứu đùm bọc, sống chết có nhau, làm ơn mà chẳng kêu cầu ơn nghĩa, trả tiền thì không ai chịu nhận lại nói rằng ” có chi mà gọi rằng ơn” ( chữ dùng của Sơn Nam). Cuộc chiến vừa qua nó thể hiện đúng mức và trọn nét văn hóa giữa Nam và Bắc.
  Xem Lịch sử còn đó, Nguyễn Văn Lục, trang 24
Xem Thế kỷ XXI nhỉn về

    Dòng văn học bản địa lục châu dù còn có những thô thiển, nó vẫn là nơi hội tụ thuận lợi nhất tiếp nhận nhiều dòng văn học khác và nhờ đó sau 20 năm, miền Nam đã tự hình thành một nền văn hóa, văn học đa dạng, tự do và nhân bản..
    Dưới chính quyền bảo hộ nó đã khởi đầu với những tài năng xuất chúng như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký. Trong ba người ấy chỉ duy nhất có Trương Vĩnh Ký được nhắc tới nhiều mà có vị đã không ngần ngại viết:
Ở Trương Vĩnh Ký, ở điểm thứ nhất, là quá cỡ, quá khổ. Có lẽ số phận đã dành cho ông một trí thức quá cỡ so với mặt bằng kiến thức lúc ấy và ngay cả với người đồng đạo đương thời.
Xem Thế kỷ XXI nhỉn về Trương Vĩnh Ký, trang 80
   Ngày nay, nhìn lại thì quả là cơ hội may mắn cho miền Nam lẫn cả miền Bắc.. Và chỉ đến khi nó đụng chạm, tiếp xúc với văn học miền Bắc sau 1975, người ta mới nhận chân ra được những giá trị của nó.

Rất tiếc, lại một lần nữa, Miền Bắc phạm phải một lỗi lầm lịch sử là đã phủ nhận nó, quét sạch, tiêu hủy toàn bộ cái nền văn học ấy, đầy đọa những nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa đã góp phần hình thành nền văn học ấy.


Xin đọc tiếp phần Hai: Dòng chảy di cư năm 1954-55.


©  Nguyễn Văn Lục
Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment