Ai trong chúng ta từng sống ở Sài Gòn, vì lý do này hay lý do khác phải ra đi, nay dù đang định cư ở phương trời nào, hẳn cũng có lúc nghĩ nhớ về nơi chốn quen thuộc đã xa khuất bên kia bờ Thái Bình Dương.
Sài Gòn, cái tên rất đỗi thân thương ấy làm sao phai mờ trong tâm trí chúng ta. Mỗi người sẽ nhớ về nó một cách, nhưng cách nào cũng làm ta tha thiết, bâng khuâng.
Sài Gòn ngày ấy và bây giờ, ba mươi mấy năm, có biết bao điều đáng nói.
Sài Gòn ngày ấy, thủ đô chính trị-kinh tế-văn hóa của miền Nam tự do. Tuy không nguy nga tráng lệ như các kinh thành Âu-Mỹ nhưng bộ mặt Sài Gòn hồi đó hơn hẳn một Bangkok của Thái Lan cùng thời.
Đường Duy Tân, Sài Gòn - nguồn vietlandnews.net
Ngày ấy, đường sá Sài Gòn được đặt tên theo một quan niệm khá hợp lý. Trước dinh Độc Lập, đại lộ Thống Nhất thênh thang chính giữa, dọc hai bên là hai con đường nhỏ song hành. Một mang tên Hàn Thuyên, tương truyền là ông tổ chữ Nôm. Một mang tên Alexandre de Rhodes, người góp công lớn trong việc sáng lập ra chữ quốc ngữ ở thế kỷ 17. Chung quanh trường Gia Long (quận 3), một không gian xanh im ắng và thơ mộng nhất nhì Sài Gòn thuở ấy là những con đường mang tên các nhà thơ như Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Tú Xương... Cách đó một quãng ngắn là công viên Tao Đàn. Ở khu vực chợ Tân Định (Q.1), nối kết với nhau là những con đường mang tên các danh nhân đời Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân...
Sài Gòn ngày ấy cũng không thiếu những con đường cây dài bóng mát, có lá me bay, đường của những hẹn hò cuống quýt, những nụ hôn vội vàng vụng dại nhớ suốt một đời.
Sau 1975, đường sá Sài Gòn cũng chịu chung số phận bể dâu. Hàng loạt chủ nhân các con đường lớn nhỏ bị “cắt hộ khẩu”, những vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân... cùng các công thần nhà Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu... thậm chí cụ Phan Thanh Giản, phải khăn áo ra đi, nhường chỗ cho những tên tuổi xa lạ. Mấy ông Tây như Pasteur, A. de Rhodes cũng bị xóa sổ nốt. Rồi đó đây xuất hiện những tên đường mới như Lê Thị Riêng, Phạm Văn Cội, Huỳnh Văn Bánh, Trần Đình Xu... xôm trò hết biết.
Đùng một cái, Tây đi rồi Tây lại về. Ông Pasteur quay lại thế chỗ chị Minh Khai, cụ A. de Rhodes trở về làm hàng xóm với cụ Hàn Thuyên như trước, tay Thái Văn Lung gì đó phải rút êm. Người ta lý giải rằng hai nhân vật này được “cách mạng” “nhìn nhận lại”. Họ là những người có công chứ chẳng phải đế quốc, thực dân gì sất. Các thế lực thù địch tung tin ta bị áp lực này nọ từ phía chính phủ Pháp là hoàn toàn sai trái. À ra thế.
Đường Nguyễn Du, Sài Gòn - nguồn phongdiep.net
Cho đến tận bây giờ hình như ai cũng rõ một điều là danh xưng “TP.HCM” chỉ có trên giấy tờ và cửa miệng các quan chức, còn đại đa số người dân vẫn gọi nó là Sài Gòn, cái tên quen thuộc đã có từ hơn 300 năm nay. Người miền Bắc, miền Trung bảo: mai tôi đi Sài Gòn, người đồng bằng sông Cửu Long nói: tuần tới tôi đưa con gái lên thành phố thi đại học. Chỉ dùng hai tiếng thành phố thôi nhưng ai cũng hiểu đó là đâu. Sài Gòn đã bị bên thắng cuộc xóa tên để cúng cụ, nhưng thật sự tên ấy vẫn sống mãi, không dễ gì xóa được.
Ngày ấy bây giờ, 38 năm sau “giải phóng”, đường sá trong lòng thành phố mang tên “bác” tăng thêm nhiều nhưng nếu có sống lại, lên xe đi một vòng, chắc “bác” sẽ sụp hố tử thần gãy cổ mà chết lần nữa. Nếu may mắn thoát chết, có thể xe chở “bác” sẽ không đến được những nơi bác muốn đến vì tên đường ở thành phố hiện nay cứ rối như canh hẹ.
Vừa qua, trong cuộc họp giữa Hội đồng nhân dân TP.HCM với Sở Văn hóa-Thông tin thành phố, sở này cho biết hiện nay thành phố có khoảng 1500 con đường thì có trên 310 con đường bị trùng tên. Có những con đường bị trùng tên đến 5 lần như đường Lê Lợi (ở các quận 1, quận 9, Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức) hay đường Lam Sơn (ở Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức, Q.9) hay Nguyễn Trường Tộ (ở Q.4, Phú Nhuận, Tân Phú, Thủ Đức, Q.9). Có trên 10 con đường bị trùng tên 4 lần, còn những con đường bị trùng tên 3 lần thì... vô số kể.
Tên đường tại Sài Gòn ngày nay- nguồn xahoi.com.vn
Kỳ lạ hơn nữa, theo “Cổng thông tin” bất động sản thành phố ngày 09-7-2013 thì hiện nay ở Phú Mỹ Hưng thuộc khu Nam Sài Gòn có hơn 30 con đường mang tên tiếng Anh như “West 8th Street”, “H Avenue”, “S Avenue”... Khi được hỏi về vấn đề này, Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố cho hay họ đã đặt hàng với “Hội khoa học lịch sử thành phố giới thiệu danh mục các sự kiện lịch sử - văn hóa, địa danh nổi tiếng, danh nhân hoặc nhân vật lịch sử, anh hùng liệt sĩ, bà mẹ VN anh hùng...” để bổ sung vào quỹ tên đường nhưng cho đến nay chưa triển khai được tốt. Lại hỏi vì sao triển khai chưa tốt thì các vị đó trả lời: Do các tên đường cũ đã được dùng từ nhiều năm, liên quan đến các loại giấy tờ nhà đất, hộ tịch của dân nên khó mà thay đổi ngay.
Cũng theo tin các báo ở Sài Gòn ngày 05-7-2013, Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có tờ trình với “Hội đồng nhân dân thành phố” về mục đích lựa chọn tên đường là ngoài việc chọn các danh nhân lịch sử-văn hóa, địa danh, thì nên lấy tên một số loài hoa đẹp và các đặc sản tiêu biểu của Nam bộ để thêm vào quỹ tên đường. Đúng là “đổi mới tư duy” vô cùng độc đáo. Đề nghị Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố nên áp dụng ngay sáng kiến này để sửa đổi hoặc đặt tên mới cho một số đường trong thành phố. Hoa đẹp thì nước ta không có nhiều, xài chẳng mấy chốc sẽ hết veo. Sau đó nên mạnh dạn chuyển sang dùng tên các loại đặc sản nổi tiếng Nam bộ đặt tên cho các con đường mới như đường Lẩu Dê, đường Cá kho tộ, đường Cá lóc nướng trui, đường Bún Mắm... thì bảo đảm cả hành tinh này phải ngả nón chào thua!
HH-TX
No comments:
Post a Comment