Thursday, April 18, 2013

Thành phố Chùa Bà Chúa Xứ



Trần Tiến Dũng/Người Việt


AN GIANG (NV) - Chuyến xe đò của những bạn hàng chợ Phú Ðịnh, quận 6 đi cúng Bà Chúa Xứ đưa chúng tôi đến Châu Ðốc. Ðến nơi, mọi người trên xe đều nói “May nhờ Bà độ nên Châu Ðốc ít nắng nóng.” 

Nhìn những cành cây khô cháy trên đỉnh núi Sam là biết thời tiết ở miền Nam nói chung ngày càng khốc liệt đến thế nào.

Xe lôi Châu Ðốc vào Chùa Bà. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Quanh khu vực Chùa Bà, chính quyền không cho lưu thông các loại xe đưa khách hành hương du lịch, xe phải đậu ngoài bãi cách chùa vài cây số, nhà xe phải đóng tiền đậu xe còn khách được xe trung chuyển của chùa bà đưa vô chùa cúng bà miễn phí.



Có lẽ khu vực Chùa Bà trở thành phố đi bộ cũng là một thay đổi tốt nếu không có chuyện cả rừng xe gắn máy rồ ga phóng vù vèo.

Các bà tiểu thương chợ đưa phẩm vật cúng bà xuống xe rồi sang xe miễn phí, hỏi thăm các bà tiểu thương thì được biết thời buổi kinh tế khó khăn, không dám sắm sửa gì ở Châu Ðốc mà phải sắm sửa từ Sài Gòn mang xuống cho chắc ăn.

Một bà trong đoàn nói nửa đùa nửa thật. “Bà không chứng cúng đồ Trung Quốc đâu, hoa lay-ơn Ðà Lạt đàng hoàng, còn trái cây thì ba cái thứ bơm, nho Trung Quốc xin miễn.”

Chúng tôi được một anh xe ôm mời đưa lên núi Sam. Hỏi giá, anh nói hai chục ngàn. Chúng tôi nghi ngờ cái giá hai chục ngàn từ chân núi lên tận đỉnh núi, nơi còn lưu dấu tích bệ Bà Chúa Xứ ngồi.

Anh xe ôm nói. “Bây giờ lên núi tìm được con cọp, con trăn cho nó ăn thịt là phước lắm ông ơi, tới con kỳ nhông tắc kè còn không có nữa là.”
Người nghèo bán nhang đèn kiếm sống quanh Chùa Bà. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Theo con đường nhựa có từ thời VNCH, anh xe ôm phóng ào ào lên núi. Anh cho biết đường này nguyên hiện như thời người lính VNCH đóng đồn, mấy cái lô cốt cũng còn. Tới một khúc cua, anh xe ôm chỉ tay về phía những tòa nhà đồ sộ đang xây dựng hỏi tôi, “Ðố anh Tây nó lên núi Sam xây chùa hay xây khách sạn? Tui nghe đồn Tây nó ưng đi tu theo đạo mình lắm, vái Bà cho nó xây chùa để mình kiếm chút cháo chớ xây khách sạn cho dân đi xe hơi thì trớt quớt.” Ðứng trên đỉnh núi Sam tầm nhìn bao quát cả một vùng đồng bằng rộng lớn, ngó về hướng Tây bên kia biên giới những cuộn khói đốt đồng rõ mồn một, quay về phía sau cái lô cốt của quân đội VNCH dù hoang phế vẫn mang lại cảm giác là một điểm tựa vững vàng.

Không một đô thị nào ở Việt Nam có nhịp sống hành hương cúng viếng suốt ngày suốt đêm, quanh năm như đô thị quanh núi Sam-Chùa Bà. Không kể cao điểm mùa cúng Bà, ngày thường nơi đây lúc nào đình, chùa, chợ đêm, chợ ngày, hàng quán, đường phố... cũng bật ra sức sống ngồn ngộn.

Có gì đó thật trớ trêu khi chứng kiến cảnh những người nghèo tứ xứ hoặc dân địa phương kiếm sống bằng nghề bán lễ vật và lộc bà cho khách hành hương đến để vay cầu giàu có.

Chúng tôi bắt gặp người phụ nữ từ Cà Mau du cư về chùa bà chỉ bán nhang đèn, mỗi phần có giá 5,000 bạc mà trụ được ở xứ lạ hơn mười năm. Một người phụ nữ khác chuyên thỉnh giùm lộc Bà (miếng vàng giả) rồi trao lại cho khách hành hương, bà đứng trước cửa chùa đón khách hành hương ra vô, mỗi miếng lộc như vậy bà chỉ xin tiền lì xì 2,000 VND.

Am thờ Bà Chúa Xứ trên đỉnh núi Sam. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Từ cổng Chùa Bà, bạn có thể ngoắc xe lôi đạp làm một vòng. Xe lôi đạp ở Châu Ðốc lót nệm êm, cứ ngồi lắc lư trên xe ngắm cảnh ngắm người là bạn sẽ thấy hứng thú được là dân cô dân cậu đồng bằng.

Ðói bụng thì ghé xuống ngay lòng đường ngồi xề bên gánh bún cá làm một tô.

Bún cá Châu Ðốc-Chùa Bà có vị riêng không giống bún cá Trà Vinh, Cần Thơ hay các nơi khác.

Một chi tiết thú vị là chợ đêm chợ ngày ở đây bán “quần áo sida” nhiều vô số kể, hỏi ra thì mới biết quần áo của các tổ chức từ thiện thế giới và của dân gom đồ cũ quốc tế từ Miên tràn vô, nhiều khi chỉ với số tiền ăn một tô bún cá 15,000 VND bạn có thể mua được một cái áo gió hàng hiệu.

Nhưng đến Châu Ðốc-Chùa Bà mà không tận hưởng dịp khám phá một thủ đô mắm phong phú nhất Việt Nam thì mất vui; chúng tôi xin được nhắc một chi tiết nhỏ cho những ai khoái khẩu món mắm, nếu thấy mắm ngày nay không ngon bằng mắm ngày xưa thì cũng đừng lấy làm lạ, mắm ngày nay chỉ ngâm có ba tháng so với mắm thời xưa nhận trong lu tới cả năm. Giải thích chuyện này một người bán mắm cho biết: “Hổng đủ mắm bán thì phải vậy thôi.”

Thật khó mà giải thích vì sao dân miền Nam kính ngưỡng bà Chúa Xứ, chỉ riêng việc địa danh linh thiêng hết đời này đến đời khác, tạo điều kiện kiếm cơm cho hàng triệu miệng ăn cũng đủ nói lên phần nào sự huyền nhiệm của Bà Chúa Xứ đất biên cương này.
 

No comments:

Post a Comment