Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
mất cách đây 10 năm và đã để lại cho đời hơn 600 ca khúc cùng những nghi
vấn, tranh luận về con người chính trị của ông.
Trưa ngày 30.4.1975 Trịnh Công Sơn lên tiếng
trên đài Sài Gòn: “Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là
ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này.
Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và
thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó…
Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẽ đến đây với thái độ hoà giải tốt đẹp.
Các bạn không có lí do gì sợ hãi để phải ra đi cả…”Sau đó ông cất tiếng hát “Nối vòng tay lớn”, một ca khúc do chính ông sáng tác và rất phổ biến ở miền Nam.
Phát biểu của ông và chính sách của chính quyền mới đối với ông - và trí thức miền Nam – đã như một dấu đinh đóng chặt vào đời người nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam. Vì Trịnh Công Sơn được thế giới biết đến không phải là những bài tình ca, nhưng qua những ca khúc ông viết về ảnh hưởng của chiến tranh, về mơ ước hoà bình, về thân phận quê hương.
Lùi lại quá khứ 30 năm trước lúc ông qua đời, là thời khắc của những năm đầu thập niên 1970 ở Sài Gòn, lúc ông mới ngoài 30 tuổi, thì đó là thời kì nhạc Trịnh bắt đầu lên cao điểm, cùng với độ nóng của cuộc chiến đang diễn ra tại Việt Nam.
Những năm của thập niên 1960 người ta thường được nghe những bản tình ca của Trịnh như “Diễm xưa”, “Thương một người”, “Hạ trắng”, “Cát bụi Tình xa” hay “Tuổi đá buồn” qua làn sóng đài phát thanh Sài Gòn. Còn những ca khúc viết về quê hương, về thân phận người Việt chỉ thành phần sinh viên mới có dịp biết đến từ sân trường đại học ở Huế, ở Sài Gòn, ở quán Văn hay trên đường phố trong những cuộc biểu tình, đó là những “Ngụ ngôn mùa đông”, “Xin cho tôi”, “Chưa mất niềm tin”, “Đừng mong ai đừng nghi ngại” hay “Ta đi dựng cờ”.
Ghế đá công viên dời ra đường phố
người già co ro chiều thiu thiu ngủ
người già co ro buồn nghe tiếng nổ
em bé loã lồ khóc tuổi thơ đi…
Là những ca từ của bài “Người già em bé” thường được sinh viên ngân nga trong những buổi tụ họp đàn ca bên nhau, là lời hát tôi được nghe thày Trần Văn Thuận cất tiếng trong giờ học văn ở cấp hai. Hay những ca từ của “Huế Sài Gòn Hà Nội” mà học sinh, sinh viên thường hát cho nhau nghe chứ chẳng được phát trên đài:
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam
Đạn bom ơi lòng tham ơn khí giới nào diệt nổi dân ta…
Năm 1970, khi những băng nhạc “Hát cho quê hương Việt Nam” qua giọng hát Khánh Ly ra đời thì nhạc của họ Trịnh viết về quê hương, về cuộc chiến thực sự đi vào lòng dân từ thôn quê cho đến thị thành. Những lời ca trong băng nhạc đầu tiên này đã cho tôi nhiều hứng khởi và kiên nhẫn tự học ghi-ta để có thể đàn và hát lên mơ ước của mình.
25 ca khúc của Trịnh Công Sơn được nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết lời giới thiệu, đọc bên cạnh từng nốt ghi-ta như những nhịp thở: “Từng bàn tay thô lấp kín môi cười. Từng cuộc dây gai xé nát da người. Đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai…”
Giọng của Nguyễn Đình Toàn đã thu hút biết bao thính giả của những giờ nhạc chủ đề trên sóng đài phát thanh Sài Gòn về đêm, nay ông giới thiệu băng nhạc Trịnh đầu tiên cũng bằng một giọng chầm chậm và buồn: “Đáng nhẽ tất cả những bài hát có trong cuốn băng này đều phải là những bản tình ca. Nhưng những lời ái ân đã biến mất. Trái tim của kẻ tình nhân vẫn đập, nhưng đập theo một nhịp loạn cuồng của những hồi trống trận, không phải cái nhịp bàng hoàng của những phút tỏ tình…”
“Nữ hoàng chân đất” mà cuộc đời đã gắn liền với dòng nhạc Trịnh được giới thiệu: “… là một giọng để hát những bản tình ca. Nhưng chính những bài hát đó đã biến nàng thành người goá phụ của cuộc chiến tranh này và Khánh Ly hát là cách để tang cho những người đã chết…”
Cuốn băng như một câu chuyện về thân phận quê hương mà Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã kể cho mọi người nghe. Mở đầu bằng “Chờ ngày nhìn quê hương sáng chói” là niềm mong ước hoà bình. Bên cạnh những ngóng chờ đó là đau thương của chiến tranh: “Hát trên những xác người”, “Người con gái Việt Nam da vàng”, là đổ nát do bởi đạn bom: “Đại bác ru đêm”, là thân phận quê hương với “Gia tài của Mẹ”, với “Đi tìm quê hương”:
Người nô lệ da vàng ngủ quên
ngủ quên trong căn nhà nhỏ
đèn thắp thì mờ
ngủ quên, quên đã bao năm
ngủ quên không thấy quê hương
bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do…
Những sự kiện liên quan đến việc nhạc Trịnh có bị cấm không, hay tại sao phim đã không được chiếu cần được lí giải để soi sáng vào con người của Trịnh Công Sơn vốn thường giữ kín quan điểm chính trị.
Có dư luận cho rằng những ca khúc trên bị cấm. Đây là một vấn đề cần có những nghiên cứu để tìm ra ngọn nguồn. Vì nếu bị cấm thì sao Ca khúc Da vàng trong các tập nhạc “Kinh Việt Nam”, “Thần thoại quê hương”, “Ta phải thấy mặt trời” được in với giấy phép của bộ thông tin Việt Nam Cộng hoà, được bày bán trong các tiệm sách thời đó. Chính quyền miền Nam có thực sự cấm hay không? Và nếu có thì đã áp dụng biện pháp cấm như thế nào đối với nhạc Trịnh? Bị cấm nhưng lại có đến bảy băng “Hát cho quê hương Việt Nam” ra đời từ 1970 đến 1974.
Nghe lại, người viết nhận ra một điều là sau cuốn băng đầu tiên với tất cả 25 ca khúc đều về quê hương chiến tranh, thân phận con người, từ cuốn số 2 trở đi mỗi băng là xen kẽ giữa dòng nhạc quê hương và tình ca. Giữa “Hãy đi cùng tôi” và “Ru ta ngậm ngùi”. Vừa hết “Hạ trắng” lại được nghe “Ta đi dựng cờ”.
Vừa đau đớn với những mất mát:
Tôi mất trong chiến tranh này
bao nhiêu bao nhiêu người tình người tình của tôi lớn lên trên khắp ba miền một ngày đạn bom giết em
người tình Việt Nam lớn lên chưa gặp một lần…
thì lại nhớ về một bóng hình nào đó:
Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về
gọi hồn liễu rũ lê thêgọi bờ cát trắng đêm khuya…
Tại sao lại có những sắp xếp như thế? Để buộc những ai chỉ yêu thích tình ca nhạc Trịnh phải nghe tiếng bom nổ, tiếng thở dài của quê hương? Giới chức thông tin của chính quyền Sài Gòn, giám đốc trung tâm Sơn Ca đã sản xuất băng nhạc Trịnh, Khánh Ly hay những bạn thân của nhạc sĩ, có ai có lí giải gì về sự kiện này?
Những năm đầu của thập niên 1970 là lúc nhạc Trịnh đi sâu vào lòng người. Năm 1971 Trịnh Công Sơn còn tham gia đóng vai chính trong phim “Đất khổ” là câu chuyện về Tết Mậu Thân, về chính cuộc đời của ông qua chàng thanh niên tên Quân, một người trốn lính, có bạn theo cách mạng, có em phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hoà. Cuốn phim là bi kịch của một gia đình Việt Nam, là những nỗi đau của dân Việt, là ước mơ về hoà bình, về xây dựng đất nước. Nhưng phim đã không được phổ biến ở Việt Nam vào thời điểm đó.
Những sự kiện liên quan đến việc nhạc Trịnh có bị cấm không, hay tại sao phim đã không được chiếu cần được lí giải để soi sáng vào con người của Trịnh Công Sơn vốn thường giữ kín quan điểm chính trị.
Phát biểu trên đài Sài Gòn trưa ngày 30.04 có lẽ đó là lần đầu tiên và là lần duy nhất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn công khai bày tỏ lập trường của mình. Nhưng sau ngày đó, nhạc về quê hương của ông bị cấm hát, cấm lưu hành ở Việt Nam. Cho đến hôm nay nhiều bài hát và phim “Đất khổ” cũng vẫn còn bị cấm trên mảnh đất mà khi còn sống ông đã rất yêu thương.
Ba mươi sáu năm trước, giọng hát Trịnh Công Sơn vang vang trên đài Sài Gòn để mừng đón một kỉ nguyên mới của Việt Nam:
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo
từ quê nghèo lên phố lớn
nắm tay nối liền
biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam
biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam
Tiếc là cái vòng tròn Việt Nam nối liền Huế-SàiGòn-HàNội đã không được như ước mơ của nhiều người Việt Nam. Và của chính ông. Vì thế mà thái độ chính trị của Trịnh Công Sơn vẫn còn là điều tranh cãi và cần được tìm hiểu.
Tác giả hiện dạy học và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete