– Cảnh dân chạy loạn -
Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 3 năm
1975 thật là hỗn độn, rối lọan. Quân đội và dân chúng từ các Tỉnh Quảng
Trị, Thừa Thiên, thành phố Huế đổ xô về, làm cho cái thành phố đã đông
dân này càng thêm đông đảo. Cái Radio 4 băng tần tối tân nhất cuả
Nhật lúc bấy giờ, lúc nào cũng ở bên cạnh tôi. Theo tin từ các
Đài Phát Thanh trong và ngòai nước thật là lộn xộn, không giống nhau…
Theo đài phát thanh Quân Đội, Sài Gòn, VOA, BBC cũng như một vài đài
khác cuả nước ngòai, tôi vô cùng kinh ngạc là Huế có lệnh rút bỏ mặc
dầu chưa đánh nhau chi cả. Sao lạ quá như vậy ? Tôi gọi điện thọai, hỏi
mấy Ông bạn thân là Đơn Vị Trưởng trong vùng thì họ cũng trong tình
trạng như tôi, không rõ đầu đuôi, tình hình ra sao hết.
Thành phố Đà Nẵng đông chật những
người là người. Vấn đề an ninh, lộn xộn mỗi lúc một thêm gay gắt. Nhiều
binh sĩ tức giận, bắn súng lên trời như những kẻ điên khùng vì không
hiểu tại sao lại có lệnh rút lui, bỏ hết các trận tuyến gây nên tình
trạng hỗn loạn thê thảm này trong khi chưa chạm địch., chưa đánh
đấm chi cả. Xưa nay có bao giờ thế đâu ! Tự nhiên không đánh nhau, mà
chỉ biết bỏ chạy là làm sao ? Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đòan I
kiêm Vùng I Chiến Thuật, có lẽ là người duy nhất ở đây biết được chuyện
này, do ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiêu gọi vô Sài Gòn gấp, họp
các Tướng Lãnh, nhưng vào tới nơi thì chỉ có một mình ông gặp Tổng Thống
Thiệu và nhận lệnh cuả vị Tổng Tư Lệnh quân đội : “ Rút bỏ Quân Khu I !
“ Tướng Trưởng, một danh Tướng cuả Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thế giới
biết tiếng, biết tên, chết điếng cả người nhưng … chẳng muốn hỏi tại
sao vì ông cũng đoán biết: hỏi cũng vô ích, để rồi bỗng dưng khai tử
luôn cả một Quân Đoàn ( Army Corps ) hùng mạnh cho nó
tan hàng , xập tiệm, và cả Vùng I Chiến thuật bao gồm 5 Tỉnh :
Quảng Trị, Thưà Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và 2
thành phố Huế, Đà Nẵng . Bộ Chỉ Huy Quân Trấn Đà Nẵng được lệnh rõ
ràng cuả Tướng Trưởng :
Bất cứ kẻ nào dùng súng đạn cướp bóc, xâm phạm
tính mạng, tài sản của dân chúng trong tỉnh trạng rối lọan hiện nay sẽ
bị các lực lượng an ninh, quân cảnh bắn hạ tại chỗ ! Tuy có cấp chức
được quyền ở cư xá do quân đội cung cấp, nhưng tôi có giấy phép dậy học
ngoài giờ làm việc ( chuyên dậy kèm Pháp và Anh ngữ cho rất đông học sinh Trung Học ) để đời sống vật chất tốt hơn, đối với gia đình đông con , tránh được chuyện dính dáng đến tham nhũng, hối lộ, rồi làm “ dê tế thần ” cho tình trạng chính quyền và xã hội “ lem nhem “ thời đó. Vài em học sinh chăm chỉ vẫn còn lui tới : “ Thưa Thầy ! các lớp học ra sao, có học tiếp không hả Thầy? “ Tội nghiệp ! Giờ này mà các em vẫn có thể nghĩ đến chuyện học hành. Tôi nói “ Thôi,
chúng ta tạm nghỉ, khi nào yên tĩnh hãy hay.
Các em nên tránh bớt việc
đi lại ngòai đường phố trong lúc này, rất nguy hiểm.” Các em ra về,
vẻ mặt buồn thiu…Gia đình tôi ở trong một ngôi nhà nhỏ trong khu xóm
đồng bào nghèo, nhưng có 2 cái sân đủ cho học sinh 3 lớp học tối mỗi
đêm, thay phiên nhau đậu xe gắn máy và xe đạp. Lúc này, tôi dã đưa gia
đình và di chuyển những gì cần thiết lên văn phòng Toà Án cho được an
ninh vì có anh em Nghĩa Quân canh gác các cơ quan chính quyền.
Các ngân hàng đã đóng cửa, rất nhiều
người cũng như tôi, khi nghĩ tới chuyện cần có số tiền phòng thân, đành
chịu chết. Thôi, giữ sổ sách rồi vào Sài Gòn hãy hay. Có chi sài nấy
vậy. Ai cũng nghĩ như thế để an tâm đối phó với tình hình trước mặt,
ngày càng gay go, hỗn độn. Tôi điện thọai vào phi trường quân sự, định
hỏi Thiếu Tá Trưởng Phòng An Ninh, không có, xin gặp Đại Úy Quang, cũng
không có, chỉ có Trung Úy Bẩy trả lời, “ Thiếu Tá ơi ! Tụi nó pháo
kích hỏa tiễn 122 ly của Trung Cộng cầy nát phi đạo rồi, máy bay của
mình không đáp xuống được nữa, chỉ sài được trực thăng thôi. người đông
nghẹt mà trực thăng không thấy đến chi cả ! “ Tôi điện thọai sang
Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I, hỏi thăm mấy Sĩ Quan thân thiết thì được hay
:
Tại Cảng Tiên Sa, tầu không đủ chuyên chở quân đội di tản cùng với
gia đình cũng như đồng bào trốn chạy quân cộng sản đang tiến vào thành
phố bằng nhiều ngả, bao vây chung quanh Đà Nẵng. Lệnh trên: rút bỏ Quân
Khu I không đánh đấm chi cả thì tình trạng làm sao khác được ! Địch pháo
kích chung quanh Đà Nẵng ầm ầm… Tôi gọi sang Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Quân
Khu. Đại Tá Chỉ Huy Trưởng vẫn còn ở đó. Là bạn thân với nhau từ hồi còn
nhỏ, lưu lạc giang hồ, mãi sau này mới gặp lại nhau và lần sau cùng là ở
Đà Nẵng.
Tôi chở tất cả gia đình trên chiếc xe jeep, gồm nhà tôi và 7
đứa con, đứa con gái lớn, đứa con trai kế 16 tuổi, đứa con gái út mới
được 6 tháng, vợ tôi phải bồng ẵm trên tay, đến Bộ Chỉ Huy Pháo Binh
Quân Đòan. Lúc đó là chiều ngày 28 tháng 3, tôi gọi cậu tài xế trung
thành và can đảm, Binh nhất Túc, mà tôi đã đích thân đến đơn vị hành
chánh quản trị địa phương, lựa chọn rồi hỏi han về tình trạng khó khăn
khiến hắn can tội đào ngũ. Tôi liên lạc với đơn vị gốc của Túc, nhận cho
hắn làm tài xế vì Tòa Án có xe nhưng không đủ quân nhân tài xế. Sau
này, tôi thấy Túc tận tâm, chu đáo và trung thành, nên tôi nói với đơn
vị đề nghị cho Túc lên Hạ Sĩ, mong ngày nào nào đó không xa, cho hắn lên
hạ sĩ nhất thì đồng lương cũng đỡ khổ cho gia đình.
Tôi bảo: “ Thôi,
cậu lo cái xe cho tốt, đầy đủ săng nhớt rồi cho cậu về lo chuyện gia
đình, Tôi lái lấy cũng được. Đây, chìa khóa văn phòng và tất cả những gì
của gia đình tôi trong đó, nếu tôi đi khỏi thì tất cả là của cậu. Cậu ở
lại lo cho gia đình. Vợ con cậu cũng cần đến cậu trong lúc hỗn lọan
này. Đem những thùng, hộp thực phẩm khô, sữa hộp chia cho anh em Nghĩa
Quân. Tôi sẽ cho lệnh họ : khỏi canh gác nữa ! Tòa chỉ còn tôi là Sĩ
Quan cuối cùng ở đây, anh em Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ thì ở trại gia binh
rồi. Cho họ về lo thu xếp , bảo vệ gia đình.” Tôi bắt tay cậu tài xế, Hạ Sĩ Túc. Cậu tài xế cứ nắm chặt lấy tay tôi, nói trong nghẹn ngào “ Em
không nỡ để Thiếu Tá và Cô đi một mình với các em như thế này. Cứ để em
đi theo, thầy trò mình sống chết có nhau, gia đình em đông người,
nhiều bà con, dân địa phương, em là binh sĩ nên không có gì khó khăn
nhiều như Thiếu Tá. Thiếu Tá đi được rồi, em trở lại với gia đình cũng
được, không sao cả ! “
Tự nhiên tôi thấy mắt mình nhòa đi trước tấm
lòng của cậu tài xế trung thành và can đảm, luôn luôn nghĩ đến tôi, và
gia đình vì chúng tôi : một Sĩ Quan cấp Tá , Phó Ủy Viên Chính Phủ Toà
Án Quân Sự Mặt Trận Quân khu I và một binh sĩ luôn sống với nhau như
người trong một gia đình ruột thịt đã nhiều năm, nhiều tháng. Tôi bảo : “
Túc ! Cậu phải nghe tôi, về trông coi, bảo vệ lấy gia đình trong
lúc này ! Tôi tới Bộ Chỉ Hy Pháo Binh bây giờ. Ông Đại Tá Chỉ Huy Trưởng
còn ở đó ! “ Hạ Sĩ Túc, cậu tài xế rời nắm tay tôi rồi đứng nghiêm, giơ tay chào nghiêm chỉnh: Kính chúc Thiếu Tá, Cô, cùng các em ra đi bình an !
Tôi thấy rõ cậu tài xế can đảm và trung thành bật khóc. Chắc chắn là
hắn khóc cho gia đình tôi trong cơn nguy biến, mà tôi bắt hắn phải ở
lại…
Trên đường, một chiếc xe Jeep chạy ngược chiều với tôi, trên có 4
Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến, tuổi còn trẻ nhưng đều đeo lon Cấp Tá, rất
quen thuộc, tôi chạy chậm lại, giơ tay vẫy chào, và hỏi to, “ Có chi lạ không ? “ Mấy Ông bạn cũng giơ tay vẫy. Một anh bạn người Nam la lớn : “ Đù
má nó ! Anh coi : chiến tranh kiểu chi lạ ! Tụi này có bao giờ bỏ chạy
như thế này đâu! Lại mấy thằng mất dậy…đem con bỏ chợ, âm mưu buôn bán
xương máu tụi mình đây thôi !…”
Gia đình Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh
đã vào Sài Gòn ít hôm trước, Ông còn ở lại vì Tướng Trưởng và Bộ Tư Lệnh
Quân Đòan vẫn còn ở Đà Nẵng. Đang ăn cơm tối với nhau thì điện thọai
reo . Sĩ Quan trực chạy vào báo cáo : Thưa Đại Tá ! Có lệnh của Trung
Tướng mời Đại Tá sang ngay Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn ! Ông Đại Tá bắt tay
tôi và mấy Sĩ Quan thuộc quyền của Ông đã tụ tập về đó : “ Chúc Anh Chị, quý vị các cháu và tất cả bình an. “ Ông còn dặn tôi trong lúc vội vã quay đi “ Anh cho Chị và các cháu ngủ tạm trong hầm của tôi, rất tốt ! Nếu thiếu chỗ thì giường của tôi trong phòng kia… “ Sau
này, toi biết là Ông cùng Bộ̣ Tư Lệ̣nh Quân Đoàn sang sân bay
trực thăng Non Nước để̉ ra tàu Hải Quân cuả Mỹ chờ ngoài biển.
Tôi mặc nguyên quân phục tác chiến,
với khẩu súng Colt – 12 bên mình, chỉ bỏ cái mũ sắt 2 lớp ra, rồi ngả
lưng xuống giường thiu thiu ngủ chập chờn… Điện thọai reo, Sĩ Quan trực
chạy sang: Thưa Thiếu Tá, Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn cho hay: 5
chiếc Tầu Hải Quân đã được lệnh lên đường, ra Biển Mỹ Khê, Đà Nẵng
chuyên chở quân đội, gia đình và dân chúng. Tầu sẽ tới nơi vào khuya đêm
nay hay sáng sớm mai…
Tôi đang mơ mơ màng màng trong giấc ngủ nặng nề thì có người đánh thức tôi dậy và nói trong sự vội vàng , ” Thiếu
Tá ! Thiếu Tá ! Mình phải đi ngay, rời khỏi nơi này vì tin tức cho hay
quân cộng sản Bắc Việt đã tới rất gần thành phố, không gặp sự kháng cự
nào cả… “ Tôi đánh thức gia đình, vợ con rồi tất cả lại lên chiếc
xe Jeep với ít đồ đạc gọn nhẹ tùy thân, nhắm hướng Bãi Biển Mỹ Khê phóng
đi, sau khi bắt tay vội vàng vài Ông bạn Sĩ Quan Pháo Binh. Xe chạy
được một quãng khá xa, chừng dăm cây số, bỗng đưá con gái lớn
cuả chúng tôi kêu thất thanh : “ Cái va-li da cuả Mợ đâu rồi ? “
Trong
số đồ đạc mang theo thì cái va-li da đó có chút ít tài sản còn
lại đáng giá hơn mấy cái va-li đã nằm trong xe Jeep để sống, do bà
nhà tôi và đưá con gái lớn ,vốn tính cẩn thận, trông coi cho
chắc ăn. Mọi người trên xe nhận ra là trong lúc vội vàng di
chuyển, chính cái va-li đó đã bị gia đình tôi bỏ lại ở trại
Pháo Binh vưà rồi. Chết thật ! Tôi lái xe quay lại ngay lập
tức, nhưng khó khăn vì người di chuyển quá đông. Chạy trở về
trại Pháo binh, vẫn còn 2 cậu lính gác, tôi đậu xe ngay cưả
phòng vưà rời ban nẫy, chạy như bay vào trong. May quá ! ( cái may đầu tiên
)
Chiếc va-li đã được lôi từ trong căn hầm gia đình tôi ṭam trú
lúc trước, nhưng chưa đem lên xe, vẫn còn nằm trơ một mình sau
cánh cưả lối lên phòng tôi nằm. May mà còn lính gác, nếu không
thì dân chúng quanh đó và bọn cướp phá cơ quan, công sở đã
tràn vào vơ vét tất cả những gì còn ḷại, và cái va-li “quan trọng nhất cuả gia đình tôi “ cũng mất tiêu rồi. Nếu nó bị mất thì không biết sau này gia đình tôi cầm cự ra sao với cuộc sống đổi đời với trăm ngàn khổ cực.
Trời Đất đã cứu gia đình tôi.. Đưá con gái lớn lần này tay
lúc nào cũng để lên cái va-li vưà tìm lại được.Tôi lái xe ra
cổng, anh em binh sĩ vẫn còn canh gác. Tôi nói : “ Anh em về đi, lo chuyện gia đình, doanh trại không còn ai nữa ! “
Trời đất ! Đường xá ban đêm mà lúc
này đông nghẹt những người là người, di chuyển bằng đủ mọi cách. Tất cả
đều hướng về phía Cảng Tiên Sa và bãi biển Mỹ Khê. Tôi lái xe, khẩu
Colt-12 đeo trước ngực, ̣ kiẻu Sĩ Quan Đức, đã lên đạn, khoá
chốt an toàn, khẩu M-16 đã lên đạn sẵn, cũng khóa chốt, để ngay bên
cạnh. Đứa con trai lớn nhất 16 tuổi, có mặt trong xe cũng đã được tôi
chỉ dẫn để sử dụng khẩu tiểu liên hạng nhẹ Carbin M-2 để đề phòng trường
hợp bị bọn bất lương, tấn công, cướp bóc trong khi hỗn lọan. Trông
cảnh người xe xuôi ngược thật là kinh hoàng, trong khi đó quân cộng sản
vẫn pháo kích vào thành phố Đà Nẵng nổ ùynh ! ùynh ! … rải rác đó đây.
Cái xe Jeep của tôi đang chạy bỗng
dưng chết máy, nằm ỳ ngay cạnh đường. Thế là làm sao ! Còn đang lúng
túng thì hai binh sĩ cầm M-16 từ cống trại lính bên kia đường tiến đến
xe tôi dòm ngó, xem có chuyện chi mà lại dừng xe ngang xương trong dòng
người đang chẩy xuôi ra hướng bãi biển. Một binh sĩ chào tôi : Thưa Thiếu Tá ! Sao Thiếu Tá lại ở đây vào lúc này ? – Xe tôi chết máy rồi ! Cậu binh sĩ kia cũng chạy lại rồi la to : Đại Úy Sinh ! Ra mau ! Thiếu Tá Phó Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Mặt Trận đây nè !
Đại Úy Từ Khánh Sinh, Đại Đội Trưởng nhẩy dù, bị thương tại mặt trận,
sau được đưa về đây làm Quản Đốc Quân Lao Đà Nẵng, dưới quyền cuả tôi.
Đại Úy Sinh, quân phục tác chiến chỉnh tề, mũ sắt 2 lớp, giơ tay chào
tôi nghiêm chỉnh như thường lệ.
Chúng tôi bắt tay nhau trong khi tôi nói
: “ Hay nhỉ ! Sao cái xe của tôi lại chết máy ngay ở chỗ này ? Nếu nó chết máy ở chỗ khác thì làm sao đây ? “ Tôi nghĩ thầm trong bụng : Đây là điều may mắn thứ hai cho chúng tôi trong cơn hỗn lọạn kinh hoàng. Anh Sinh kêu mấy binh sĩ ra đẩy cái xe của tôi vào trong sân trại.rồi ra lệnh cho một Thượng Sĩ : “
Lấy cái xe dự trữ cuả mình, lo săng nhớt đầy đủ rồi giúp gia
đình Thiếu Tá chuyển đồ đạc sang, chớ lúc này mà xe cộ lộn
xộn là nguy hiểm lắm. “ Tôi cảm ơn Đại Úy Sinh, bắt tay
viên Thượng Sĩ già rồi vào văn phòng, có vài Sĩ Quan trong đó. Sau
vài phút hỏi han tình hình, tôi hỏi Đại Úy Sinh ”Anh em bị giam giữ còn bao nhiêu người ? “ – Thưa Thiếu Tá: gần 7 trăm ! – Việc
ăn uống của họ tới ngày hôm nay ra sao ? –
Hôm nay thì vẫn còn, nhưng
ngày mai thì chưa biết, gạo mình còn, nhưng liệu nhà thầu cung cấp thức
ăn có còn liên lạc nữa không. Suy nghĩ thật nhanh vài giây rồi tôi quyết
định : “ Quân cộng sản đang tiến vào Đà Nẵng mà không đánh nhau chi
cả. Nhân danh Sĩ Quan cấp chức cao nhất của 2 Tòa : Mặt Trận Vùng I và
Tòa Thường Trực Đà Nẵng, tôi ra lệnh thả hết tất cả quân phạm không phân
biệt Đại hay Tiểu Hình… En temps de guerre ! En cas de force majeure ! ( trong trường hợp chiến tranh ! Trong trường hợp bất khả kháng )
chúng ta có quyền làm bất cứ cách nào để bảo vệ sinh mạng của ngần đó
con người, đã từng là quân nhân như chúng ta.
Họ cũng có thân nhân gia
đình đang đợi chờ họ. Anh Sinh cho thư ký đánh máy biên bản theo lời tôi
đọc “ Lệnh thả hết quân phạm “… Tôi sẽ ký tên với tính
cách người ra lệnh, và tất cả Sĩ Quan có mặt cùng ký tên với tính cách
nhân chứng, hiểu biết quyết định này. Sau này vào Sài Gòn, chúng
ta có giấy tờ trình Nha Quân Pháp và Bộ Quốc Phòng là những
cơ quan mà hai Toà Án chúng tôi trực thuộc. Sáng sớm mai, chúng ta
sẽ thả hết …
*
Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ của
Quân Lao hầu như vẫn còn có mặt đông đủ.tới giờ phút này. Đại Úy Sinh
vốn gốc Sĩ Quan nhẩy dù cho nên làm việc rất đàng hoàng, nghiêm chỉnh.
Bộ phận cấp dưỡng, dọn cơm tối lên cho mấy anh em Sĩ Quan chúng tôi, vừa
ăn, vừa bàn bạc công việc phải làm sáng mai. Một Hạ Sĩ Quan đi xe gắn
máy từ Cảng Tiên Sa trở về, báo cáo : Cảng Tiên Sa rất đông người,
tầu bè di chuyển không đủ, rất khó khăn, địch thỉnh thỏang lại nã vài
trái hỏa tiễn gây chết chóc và thương tích cho bà con… Đại Úy Sinh bảo anh em lo cơm tối cho gia đình tôi và chỗ nghỉ ngơi qua đêm. Tình “ Huynh đệ chi binh
“ những lúc như thế này mới thấy nó cao quý làm sao !
Tất cả đều coi
nhau như ruột thịt một nhà. Thật là phúc đức cho gia đình tôi:
trong suốt những ngày rối loạn, di tản, chúng tôi may mắn vẫn
có chỗ ăn, chỗ ngủ đàng hoàng, không thì khổ cho đám con trẻ
biết mấy, nhất là đưá con gái út mới được ̉6 tháng, nhà tôi
còn phải bồng ẵm trên tay và lo những bình sưã và biết bao
nhiêu thứ cho một đưá bé như thế.
Hôm sau, trời còn sớm lắm, nhưng
tất cả chúng tôi đã thức dậy. Tất cả Sĩ Quan chúng tôi cùng binh sĩ
trong trại kéo nhau xuống phía khu vực nhà giam. Tôi ra lệnh : tất cả Hạ
sĩ quan và binh sĩ súng M-16 lên đạn, khóa chốt an toàn, đứng thành 2
hàng. Các Sĩ Quan đứng sau lưng, tôi cho mở cửa nhà giam, rồi dùng loa
phóng thanh cầm tay nói lớn : Nhân danh Sĩ Quan có cấp chức cao nhất
của Tòa án quân sự Mặt Trận Vùng I và Tòa án quân sự Thường Trực Đà
Nẵng hiện có mặt tại đây, tôi ra lệnh thả tất cả anh em ngay lúc này để
trở về lo cho thân nhân gia đình trong tình hình khẩn cấp hiện nay… Nhiều anh em quân phạm còn nhìn nhau có vẻ ngơ ngác vì họ không biết rõ tình hình bên ngòai. Tôi nói tiếp : Anh
em trật tự ra ngòai theo hướng dẫn của 1 Sĩ Quan, xếp hàng 10 người
một, cứ đủ 6 hàng thì ngưng lại, ngồi xuống Khi có lệnh hô của 1 Sĩ
Quan thì 2 hàng đứng dậy, theo tiếng hô thứ hai là cả 20 người chạy ra
khỏi cổng trại, về nhà. Bất cứ ai gây lộn xộn, làm mất trật tự, hay đang
chạy mà quay đầu lại hoặc dừng lại bất cứ vì lý do gì, sẽ bị bắn
gục ngay tại chỗ ! Nghe rõ chưa ? Tất cả anh em đều reo mừng và thi hành lệnh một cách nghiêm chỉnh…
Công việc “ thả tù “ đã
xong, tôi thở phào nhẹ nhõm, họ cũng là người, từng là quân nhân dù có
phạm tội, họ cũng có thân nhân gia đình đang trông đợi trong hoàn cảnh
khó khăn, nguy hiểm này, chỉ sợ có sự rối lọan xẩy ra khi anh em nóng
lòng, sốt ruột rồi làm càn, ai cũng muốn thóat ra khỏi nhà tù càng sớm
càng tốt. May mắn là việc đó đã không xẩy ra.
Ăn sáng
qua loa xong, tôi cho lệnh tập họp tất cả Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan,
Binh Sĩ cuả Quiân Lao. Quân số gần như đông đủ hoàn toàn. Với
giọng nói trộn lẫn sự sót sa trong lòng, dù rằng cuộc đời
cuả tôi đã quen với sót sa, đau khổ, chia lià từ khi 15 tuổi,
phải bỏ trường trung học ở Hải Phòng để lăn mình vào cuộc
kháng chiến chống Pháp, địch bắt hai lần, rồi 23 năm lính chống
cộng sản, từ Binh Nhì, không theo học trường Sĩ Quan nào cả mà lên
Thiếu Tá, với chức vụ Phó Ủy Viên Chính Phủ toà án quân sự mặt trận
Quân khu I ( lãnh thổ trách nhiệm : các tỉnh Quảng Trị, Thưà Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín và 2 thành phố Huế, Đà Nẵng ), tôi nói “ Vận
nước bắt chúng ta phải bỏ cuộc một cách đau lòng. Chúng ta
đã làm hết bổn phận cuả những quân nhân. Bây giờ, không còn
cách nào khác hơm nưã, tôi khuyên anh em nên trở về ngay, lo cho
gia đình trong cơn hỗn loạn. Súng đạn cá nhân, anh em tùy nghi
tìm cách thủ tiêu, ai không làm được thì để vào trong kho súng chắc
chắn kia, Sĩ Quan tiếp liệu khoá kỹ lại, không để lọt vào tay những
kẻ xấu, dùng nó làm hại người dân vô tội trong lúc hỗn loạn
này..Còn các Sĩ Quan, anh em mình tạm chia tay ở đây và mong có
ngày gặp lại. Xin chúc tất cả anh em bình an ! “
Tôi bắt
tay thật chặt từng Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ…Vài binh sĩ
bịn rịn không nỡ rời chúng tôi trong khung cảnh đau đớn như thế
này. Họ vẫn còn đứng nghiêm, giơ tay chào theo quân cách rồi
mới tan hàng, theo nhau từng nhóm một. Mấy đưá con đã lớn cuả
tôi đứng đằng xa, cạnh chiếc xe Jeep, trông thấy cảnh đó̀ cũng
hiểu được nỗi đau lòng cuả lớp người cha, anh , những quân nhân
chúng tôi, cho nên chúng nó cũng nước mắt sụt sùi. Khi ṃoi người
đã tan hàng, ai lo việc nấy, Đại Úy Sinh, chỉ có một mình ở
trại, lên xe cùng gia đình tôi. Anh lái ra phiá bãi biển Mỹ Khê.
Có mấy chiếc tầu Haỉ Quân từ trong Nam kéo ra thật, nhưng đậu
hơi xa, nước cạn không vào gần được. Trên tầu đông đặc những
người là người và khắp ṃoi chỗ nơi bãi biển, người từ khắp
nơi dồn về sao mà đông thế. Cả lính lẫn dân, kẻ lội nước, kẻ
đi đủ loại ghe thuyền, cố gắng bơi ra ra tới chỗ tâù đậu.. Cầu
thang lên tầu không đủ để đưa số người đông đặc như kiến leo
lên. Người ta phải dùng đến những cái thang dây dùng trong
trường hợp khẩn cấp, nhưng người vẫn chen chúc leo lên, hành lý
mang theo rơi rớt xuống biển mỗi lúc một nhiều, rồi đến lúc
có những người vì chen chúc, xô đẩy, đuối sức cũng rớt xuống
biển đều đều. Những tiếng kêu gào thất thanh càng làm cho cảnh
tượng thêm rùng rợn. Nhiều người trên bờ biển khóc thét lên
làm cho những đưá con nhỏ cuả tôi cũng oà lên khóc theo . Tôi
bảo Đại Úy Sinh “ Mình không thể để cho những đưá trẻ thơ như thế này cũng phải cḥiu cảnh thê thảm đó ! “ Anh Sinh bảo tôi “ Bọn mình tránh ra phiá này, tôi
có thằng đàn em ở trong xóm đằng kia. Nó có chiếc ghe dìm
dưới nước. Nó và bọn mình đi ghe ra phiá ngoài xa, lên chiếc
tầu ở tít ngoài kia mới được. “
Chiếc xe Jeep cài số nhỏ,
ì ạch lăn bánh trên cát, chở đông người chúng tôi tới phiá
cách xa đó một khoảng, gần một xóm nhỏ lơ thơ mấy nóc nhà
tranh, nhà lá. Anh Sinh chạy vut vào trong xóm rồi ra ngay cùng
với một cậu nghiã quân.. Chiếc ghe được lôi ở dưới nước lên,
đủ chở ngần đó con người, tuy có chút nguy hiểm về an toàn.
Đành liều vậy, chớ biết làm sao ! Bà nhà tôi lên tiếng : “ Sống cùng sống, chết cùng chết với nhau ! “ Cậu nghiã quân nói : Thiếu
Tá và Đại Úy thay quần áo dân sự đi vì em biết tụi du kích
và đặc công nằm vùng đang ra công khai hoạt động để kiểm soát
tình hình,phiá sau quân đội đánh chiếm thành phố Đà nẵng và vùng chung
quanh, ngăn chặn đồng bào di tản, tụi nó hung hăng lắm ! Tôi
đã từng có kinh nghiệm khi đi kháng chiến, đứng trong hàng ngũ cuả cộng
sản gần 7 năm, công tác trong các văn phòng cơ quan lãnh đạo vì có chút
chữ nghiã và có người anh ruột đỡ đầu, che chở, cho nên tôi biết rõ
Sách – Lược ( Policy & Strategy ) cuả cộng sản là đánh
chiếm một vùng hay một xứ sở, quốc gia nào thì bắt buộc : quân tác chiến
làm xong nhiệm vụ, lập tức lực lượng bình định ( Pacificatory forces ) phải
kiểm soát an ninh, trật tự, đè bẹp, diệt tan mọi sức kháng cự hay nổi
lên làm loạn sau này…
Chúng tôi chuyển đồ đạc trên xe xuống bãi cát rồi
tôi đưa chùm chìa khóa xe cho một người đàn ông ngòai 50 tuổi dáng hiền
lành, đứng cạnh đó, không rõ ông ta thuộc lọai người gì. Tôi bảo : Nếu chúng tôi xuống ghe đi được thì Bác lấy chiếc xe này, đem về biến cải đi mà sài !
Chúng tôi chuẩn bị bước xuống chiếc ghe của cậu nghĩa quân, đã được tát
sạch nước, nhưng lúng túng vì đông người, có đám con nít, với đồ đạc…
Từ phiá làng xóm gần đó, bọn du kích và quân chủ lực miền ( regional forces
) cuả Tỉnh Đội Quảng Nam – Đà Nẵng đã chia nhau từng toán nhỏ đi lùng
soát, ngăn chặn tại các điạ điểm trọng yếu, mà bãi biển Mỹ Khê, Sơn
Trà, núi Non Nước vv… là những điểm chúng đã chú ý. Mấy tên du kích chiã
súng tiểu liên AK- 47 cuả Liên Sô và cả M-16 cuả quân Việt Nam Cộng Hoà
bỏ lại, quát om xòm : “ Không có đi đâu hết cả ! Quay về ngay, không thì…bắn hết !
“ Chúng nổ vài loạt súng vào chiếc thuyền nhỏ và bắt chúng tôi quay
lại. Thật là buồn lẫn tức giận vì Đại Uý Sinh từng là Đại Đội Trưởng
Nhẩy Dù, còn tôi thì đã từng lăn lộn trong cuộc kháng chiến chống Pháp,
Tây bắt 2 lần, rồi 23 năm trong Quân Đội Cộng Hoà từ Lính hạng bét leo
lên cấp Tá, từng coi bọn du kích này như bọn … chó chết, nhưng lúc này
chúng nó là kẻ thắng trận và đang cầm tiểu liên xung kích trong tay. Tôi
nói nhỏ với Sinh : thôi quay lại !
Tôi nhìn lũ trẻ mặt mũi lo sợ, kinh
hoàng mà lòng đau sót không cách nào nói hết được…. Khi trở lại chiếc xe
thì Bác “ nhà quê “ đang ngồi ở ghế tài xề và cho xe nổ máy. Loay loay
mà chẳng biết làm sao cho chiếc xe nổ máy. Tôi nói với Bác ta : “ Thôi,
cảm ơn Bác, chúng tôi không đi được, cần xe chở nhà tôi và các cháu về
thành phố kẻo trời chiều đã muộn, ở giưã bãi biển mênh mông thế này,
đằng kia người đen như kiến vẫn đang lên tầu và vẫn… đang rơi rụng xuống
biển như sung, như lá bay thế kia, coi bộ không được rồi, nhất là các
cháu nhỏ như thế này « . Bác ta vui vẻ đưa lại chùm chià khoá cho
tôi và bước xuống nhường chỗ cho Đại Uý Sinh và tôi chuyển đồ đạc trở
lại trong xe. Đây lại thêm điều may mắn thứ ba cho chúng tôi. Xong
việc, tôi bảo anh Sinh lên lái xe, tôi ngồi bên cạnh còn nhà tôi và các
cháu ngồi hết ở phiá sau. Đại Uý Sinh ngồi lên cầm tay lái, tôi quay lại
nói với người đàn ông hiền lành, gần như không thấy nói năng gì cả : Cảm ơn Bác nghe ! Cầu chúc Bác bình an
!
Trong khi Đại Uý Sinh cài số nhỏ, lái xe ì ạch lăn trên bãi cát, tìm
lối lên bờ, tôi nói với anh Sinh : May mà tay này hiền lành, thật thà,
mở xe mấy lần máy không nổ, nếu nổ máy, liệu anh ta có biết lái nó đi
đâu không, và chúng tôi cả bọn đang đứng ở giưã bãi biển mênh mông, với
nhiều đe doạ, nguy hiểm, không biết sẽ ra thế nào khi trời đã dần dần
ngả bóng về chiều, trong khi anh Sinh chỉ mở máy một cái là xe nổ máy
tức khắc, xe tốt, để dự trữ cuả đơn vị anh Sinh kia mà, chớ gặp anh
chàng kia là thứ dữ thì thật là khổ sở vất vả cho gia đình tôi với đám
con phần nhiều còn nhỏ, đồ đạc lỉnh kỉnh… Xe đã tìm được lối lên đường,
quay trở lại lối cũ phải qua Quân Lao Đà Nẵng. Trời đất ! Doanh Trại
Quân Lao Đà Nẵng cuả Đại Uý Sinh lúc này đông nghẹt bà con, dân chúng ở
đâu kéo đến tạm trú, chắc bà con cũng định nhắm hướng bãi biển Mỹ Khê,
Tiên Sa, nhưng thấy trời đã sắp tối nên kéo nhau vào đây. Anh Sinh lái
xe vào trong, đậu trước hai căn phòng cưả chắc chắn, khoá bằng những
chiếc khoá đặc biệt cho nên không có ai vào đây. Mấy anh em binh sĩ cuả
anh Sinh, nhà ở liền đó, biết được chúng tôi đã quay trở lại Quân Lao,
liền chạy đến, xem có thể giúp đỡ được gì chăng. Đến lúc này mà anh em
vẫn còn nghĩ đến chúng tôi, thật là tình “ Huynh Đệ Chi Binh “đúng
là bất diệt…
Lúc này theo tin tức thì quân cộng sản đã vào kiểm soát
thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi cũng như bao nhiêu Sĩ Quan, quân nhân từ
Quảng Trị dồn về vùng đất này hầu hết đã bị dồn vào chỗ chết, nhưng biết
làm sao, đành theo vận nước.. Qua một đêm khó khăn, khắc khoải ở Quân
Lao Đà Nẵng, đơn vị cũ cuả Đại Uý Sinh, anh Sinh lo cho chúng tôi là một
chuyện, lo cho gia đình, nhà tôi và lũ con còn nhỏ, cũng như cho chính
anh với tương lai tối tăm trước mặt, thật là kinh khủng. Trời sáng lúc
nào không hay. Tôi bảo Đại Úy Sinh chạy vào ngôi chùa của Quân Lao, (
trong khu vực Quân lao có một ngôi Nhà Thờ và một ngôi Chùa nhỏ dành
cho quân phạm sinh hoạt tâm linh theo giờ giấc quy định ) kiếm một lá cờ Phật Giáo vì lúc này Thầy Thích Trí Quang “ Chuyên viên tôn giáo vận
“ cuả Cộng Sản Việt Nam từ 1946, từ hồi tôi còn đang trong hàng ngũ
kháng chiến với ông, là nhân vật quyền hành lớn lao, người dân miền Nam
ai cũng phải biết lúc này vì ông lãnh đạo “ thành phần thứ ba “ ngoài
hai lực lượng khác cao hơn : cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng
Miền Nam, đứng đầu là Chủ Tịch Nguyễn Hữu Thọ, rồi đến Thủ Tướng Huỳnh
Tấn Phát, nhưng thực ra tất cả đều đặt dưới sự lãnh đạo cuả Bộ Chính Trị
Trung Ương cộng sản Hà Nội. Nhân vật Thích Trí Quang kêu gọi : Các Bác
Sĩ trở về bệnh viện cuả mình làm việc vì số thương vong quân đội, dân
chúng quá nhiều, kêu gọi quân nhân cuả nam Việt Nam đem súng đạn đến nạp
tại sân chuà trong thành phố, thị trấn, và ra trình diện Uỷ Ban Quân
Quản khi có lệnh…
Bà con nói : Sân Chuà Tỉnh Hội Đà Nẵng ở đường Ông Ích
Khiêm là một cái núi chất đầy súng đạn, nhiều nhất là súng M-16 trang
bị cho các lực lượng võ trang chính quy cuả Nam Việt Nam, còn vứt rải
rác khắp hang cùng, ngõ hẻm thì không kễ. Tất cả chúng tôi lại chất đồ
đạc lên xe trở vào thành phố Đà Nẵng, là vùng đất chết lúc này, nhưng
biết làm khác được ! Xe ra khỏi cổng trại với chiếc lá cờ phật Giáo to
tổ chảng bay phất phới. Xe chạy sắp tới ngã ba rẽ vào thành phố Đà Nẵng
và đi Huế thì mấy chú bộ đội chủ lực cuả Tỉnh Đội Quảng Nam ( tôi đoán
thế ) mũ tai bèo, súng AK-47 từ bên cạnh đường nhẩy ra chặn xe lại và
yêu cầu Anh Sinh và tôi buớc xuống khỏi xe. Thấy mấy tên bộ đội non
choẹt, nếu trước đó ít lâu thì cứ một chiến binh lính Dù cuả anh Sinh là
dư sức “ sơi tái “ một lúc cả 3 tên bộ đội ‘ bé choắt “ này trong 30
giây đồng hồ, tôi chơi nước liếu hét to : “ các anh trông lá cờ
trước mũi xe kia ! Lệnh cuả Ban Quân Quản Đà Nẵng và Thầy Thích Trí
Quang sai chúng tôi liên lạc khẩn cấp với Chuà Tỉnh Hội Đà Nẵng xin xe
cộ ra bãi biển Tiên Sa chở bà con, đồng bào bị thương nằm la liệt ngoài
đó, chậm không đưa về bệnh viện là chết hết ! “ Mấy chú bộ đội ngơ ngáo nhìn nhau rồi khoát tay : “ Thôi đi mau lên ! “. Chạy vào phiá thành phố rồi, tôi mới bảo Đại Uý Sinh : Moa
không hét toáng lên như vậy là chúng nó bắt hai anh em mình xuống ngồi
tập trung với đám người ở bãi cỏ rồi, lúc đó nhà tôi và lũ trẻ này sẽ ra
sao ! Kinh khủng quá !
Xe chạy vào trung tâm thành phố
thì bọn tôi thấy cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt Trận Giải Phóng miền Nam đã
đầy ngập thành phố, khắp chốn hang cùng ngõ hẻm. Mà thật ! Một nhóm các
em học sinh, trong đó có cả học sinh cuả tôi mấy hôm trước, đã bị luà ra
đầy đường phố, mỗi nhóm có kèm hai, ba tay súng đặc công chỉ huy, làm
công tác tuyên truyền, kêu gọi bà con trở về…thành phố đã được giải
phóng ! Hai em học sinh chạy lại bên tôi nói : Thưa Thầy ! Thầy đưa Cô
và các em về nhà, và có cần đi đâu trong thành phố nưã thì Thầy cứ việc
đi thoải mái. Xong việc, xin Thầy giao xe lại cho chúng em vì lúc này
Thầy cũng biết rồi, thành phố cần quản lý và sử dụng tất cả mọi thứ xe
cộ, nhất là cuả quân đội cũ. Tôi bảo một em biết lái xe, nhẩy lên ngồi
phiá sau, chật chội, anh Sinh lái đến một gia đình quen biết ở gần đó
rồi giao tay lái lại cho tôi.
Sau cái bắt tay từ giã sót sa, nhưng đầy tình “ chiến hữu
“, chúng tôi vẫy tay chào nhau khi tôi lái xe thẳng đến Toà Án Quân Sự
Mặt Trận Quân Khu I. Tôi rút chià khoá xe, nắm trong tay, rồi nhẩy
xuống, chạy ào vào văn phòng cũ cuả tôi. Trời đất ! Một cảnh hoang tàn,
hỗn độn diễn ra ngay trước mắt tôi : Bao nhiêu hồ sơ, giấy tờ cuả văn
phòng, cộng thêm cái đống sách 501 cuốn cuả tôi sưu tầm, góp nhặt cả 2
chục năm nay nằm lung tung, bưà bãi, ngổn ngang như một đống rác. Đã xót
sa cho vận nước, tôi càng thêm xót sa cho cái cảnh này. Chán quá, tôi
quay ra xe quên cả lượm lại mấy cuốn Tự Điển Việt , Pháp, Mỹ, Anh dầy
cộm…là những thứ cộng sản có thấy tôi giữ, tôi cũng chẳng ngại ngần chì…
Nhẩy lên xe, tôi đưa cả gia đình về
nhà cậu tài xế cách đó không xa. Tôi vưà đậu xe trước cưả nhà cậu tài xế
và bước xuống thì cả hai vợ chồng Hạ Sĩ Túc từ trong nhà chạy nhào ra
ôm lấy tôi, khóc oà lên mà chẳng nói chi cả. Một lúc sau, vợ chồng hắn
mới buông tôi ra mà hỏi : “ Làm sao bây giờ đây hả Thiếu Tá ? “ Tôi vỗ vai hai vợ chồng cậu tài xế trung thành, đầy tình nghiã mà nói : “ Rồi sẽ tính !
“, chúc anh chị và các cháu bình an, may mắn, tôi phải đi ngay, cho nhà
tôi và các cháu nghỉ ngơi kẻo mệt mỏi quá rồi. Tôi lái xe đến nhà người
cháu họ ở ngay mặt đường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng ở tạm cho được an toàn
trong lúc thành phố đang còn hỗn độn như thế này.
Tôi chạy sang nhà ông
anh họ ở gần đó, hỏi chià khoá vì tôi đoán thế nào đưá cháu cũng giao
chià khoá nhà cho Chú nó là anh họ cuả tôi. trước khi kéo nhau chạy vào
Sài Gòn từ sớm vì Mẹ và anh chị em cuả nó đều ở sài Gòn. Gặp anh chị
tôi, mọi người nhìn nhau sao mà buồn thảm trong cái cảnh này, không nói
ra nhưng ai cũng hiểu : Tôi là Sĩ Quan cấp chức khá cao, đi tù mút muà
là cái chắc, còn gia đình anh chị tôi có tiếng là giầu có, buôn bán
thành công cả thành phố này ai mà không biết, coi như “ Tư Sản “ hạng
nặng rồi . Mở được khoá cưả vào nhà, đưa gia đình, đem đồ đạc vào trong
xong, tôi trở ra trao chià khoá xe cho em học sinh đã lớn, hình như đã
học lớp 12, chừng 18 tuổi, rành chuyện lái xe và nói : đây chià khoá xe,
Thầy giao lại cho em đem về cho cơ quan có trách nhiệm ! Em nhìn tôi
rồi hơi cúi đầu : chào Thầy, em đi ! Chúc Thầy Cô và các em mọi điều may
mắn…
Tôi quay vào trong nhà, ngồi xuống cái Sô-pha nghỉ ngơi cho bớt
căng thẳng đầu óc và cho lại sức, sẵn sàng chờ đón một tương lai đen tối
mà tôi đã biết trước, trong khi ngoài đường phố, xe bắc loa thông tin,
xe chở công an, bộ đội đi lại phô trương lực lượng chiến thắng, ngả ba,
ngã tư đường phố chỗ nào cũng có vài chú bộ đội, ngơ ngáo, mũ tai bèo
xách AK-47 đi lại, còn bọn cộng sản nặm vùng, đặc công, cùng bọn “ cách mạng giải phóng theo đuôi mới được 2 ngày “
buộc mảnh vải đỏ ở cánh tay chạy loăng quăng khắp chốn, cứ như ngày
hội, trong khi các cưả nhà hai bên đường phố, bà con đóng kín mít, thỉnh
thoảng có người hé mở nhìn ra ngoài coi xem “ cách mạng “ đang “ giải phóng
“ làm ăn như thế nào…tương lai rồi đi về đâu. Có điều chắc chắn là sẽ
tối tăm, mù mịt cũng như nhiều vụ bắt bớ, tịch thu tài sản, cướp bóc vơ
vét trắng trợn và nhiều hình thức chết chóc sẽ xẩy ra…
San Diego- California
Phan Đức Minh
No comments:
Post a Comment