Saturday, April 20, 2013

Tháng Tư và những định mệnh



Tác Giả
Đặng Mỹ Hạnh
   Tuổi thơ tôi và nỗi “thống khổ tự thân” cũng bởi cái phiên khúc “dượt biên”, cứ đến Hè là man mác. Quê hương chẳng là chùm khế ngọt, và tự do cũng không là một thuật ngữ xa lạ. Tự do với tôi, chưa được hiểu là một khái niệm hoàn chỉnh mà mới chỉ là ý thức của bản năng, hay như một điều gì cho phép; hệ quả là, điều gì không cho phép nghĩa là không tự do. Dường như con người chỉ cảm nhận giá trị của tự do bởi sự giới hạn, vì chính sự giới hạn ấy sẽ đánh thức những nhận thức của con người.

Tôi vẫn thường thể hiện cái triết lý sống rất nhiệt thành là, where there’s life, there’s hope. Ở đâu có cuộc sống - ở đó có hy vọng. Nhưng “dượt biên” nhiều tập, lắm khi oải quá tôi tự tuyên bố với gia đình, đây là tập cuối! Có lần, dầm dề mãi ở cửa Đại, gần cả tháng trời mà chẳng hề biết được cái ‘dung nhan… cá lớn bây giờ ra sao’. Đi chui bị bể. Mấy tuần ăn ở mất vệ sinh, cặp mắt tôi sưng tấy, đỏ khè. Trở về từ lênh đênh, tôi nhìn đời bằng cặp mắt bồ câu con bay, con đậu.

alt

Gia đình tôi ngày ấy.  Xì (bìa trái), mẹ tôi, anh Hải và tôi


Suy cảm của “kẻ đắm tàu”


Có Hè, tôi đi hai chuyến; đầu Hè bị bể, giữa Hè đi hụt, cuối Hè về chờ nhập học. Một lần Hè, nhỏ em họ có tên trong danh sách người cùng khổ. Tôi và nó ở tuổi cập kê, nó dáng tiểu thư con nhà giàu, đẹp gái, viết chữ bự; tôi tóc thề nữ tính, nhỏ nhắn, chữ không lớn hơn con kiến lửa. Hai đứa chung nhà, học chung lớp, ngồi cùng bàn. Để vượt biên, gia đình cho hai đứa đi học bơi. Nó dạn nước bơi như rái, còn tôi thì cứ luôn căng thẳng giữa hai động từ chìm/nổi.

Mấy ngày trên tàu bị thần sóng vùi dập, hai “tiểu thư” te tua như cái giẻ nhàu. Đêm trên biển, tôi nhớ nhà, khóc quặn người. Thức giấc, tôi nhìn biển. Ám ảnh bởi bí ẩn của đêm lẫn sự man dại phóng túng của sóng. Bóng đêm và biển. Như đe dọa nuốt chửng những số phận…

Con tàu thình lình chao đảo. Bỗng nhốn nháo những tiếng hét kinh hoàng, “Tàu sắp bể..ể...!” Tôi và nó như được ai đó nhấc bổng lên thành tàu. Rồi hai đứa nhảy ùm xuống biển. Tôi hoi hóp, “Uyên ơi cứu tao…”

Giữa cái đêm kinh hoàng ấy. Có lẽ, cái bản năng sinh tồn và vài khóa thực hành bơi lội đã cứu rỗi cái thân xác bọt bèo; nên hai đứa tôi bơi vô tới bờ chỉ te tua tơi tả, tàn tạ thê thảm, thế thôi!

Tàu bị hư máy đánh dạt vô Hàm Tân; may mà cách bờ không xa.

Và đó cũng là lần đâu trong đời, tôi thẩm thấu cái cảm giác đói, lạnh, và khát. Mấy ngày trên biển, cổ họng chỉ rỉ rả vài ngụm nước mưa, nên khi gặp cái suối cạn, tôi và nó hối hả vốc uống, cứ tưởng như cái danh từ “nước” chưa hề có trong từ điển Việt, rồi mệt và thiếp lả trên đất.

Đoàn người te tua bị giải về Trại Một Phan Thiết. Nhỏ em họ khai gian tuổi được thả về sớm. Tôi bò tót, lỡ khai tuổi thật nên ngậm ngùi ngồi gỡ lịch… mỏng hết hai con trăng. Lúc đi “khai cung” được cán bộ Phan bỏ nhỏ, biết chắc được gia đình lo lót là tôi an tâm “cải tạo”.

Cuối Hè tôi được thả về đời; đoạn tuyệt với cái bằng trung học, rồi lừng khừng bước vô ngưỡng cửa Đại học. Vừa chớm tuổi cập kê, dẫu tình yêu có chín ngon như trái táo, tôi vẫn bị “cấm” không được… xực! Ôi, cái mộng đi Mỹ, chưa thấy tự do, đã thấy “lao tù” từ trong tư tưởng.


Hiền mẫu bất đắc dĩ

Một chuyến “đi chui” khác, đồng khổ cùng tôi là nhỏ em họ khác sống chung nhà. Nó tên Diễm, mài giũa kinh sử đến độ mụn biểu tình kinh niên trên mặt. Diễm đẹp u buồn. Rớt y khoa, bất “mãn… cầu”, nó tơ tưởng đến một tương lai mù phía xa…

Đi chui bằng đường bộ qua Campuchia. Ký ức về cái căn nhà chứa “gà” (người vượt biên) thường trực bốc mùi phân trâu bò, diện tích chỉ gấp đôi cái chuồng xí. Với tôi, sự khủng hoảng bắt đầu bằng cảnh thất lạc nhỏ em ở cái sân ga heo hút nơi xứ Miên mà giờ đây chẳng còn nhớ tên. Mệt, tôi khò thẳng giấc trên cái băng ghế ở ga xe lửa. Lúc thức giấc mới hốt hoảng khi phát giác nhỏ Diễm đã biệt tích nơi mô. Tôi khóc rưng rức rồi tự trách mình chắc ngủ quên nên bị mấy tay “dắt gà” bỏ lại.

Trong cái rủi, có cái… xui khác! Gã dẫn “gà” thình lình xuất hiện sau lưng, làm dựng tóc gáy; và gã thì thào như phả hơi vào cái màng nhĩ tôi, một câu gọn lỏn, “Hốt hết rồi”. “Ai hốt?” Tôi phát hoảng, hỏi lại. Gã đáp tỉnh queo, “Công an hốt”, rồi gã nhìn tôi, ỉ ôi như kỳ nèo giá cả, “cô làm ơn dẫn giùm cái thằng nhỏ này, mẹ nó cũng vừa bị công an hốt lên xe”. Chút định tâm, tôi quan sát thằng nhóc; cảm giác đến một môn đệ tương lai của môn võ cổ truyền Sumo Nhật. Lên tàu lửa, làm bodyguard cho một thằng nhóc sáu tuổi với cái bộ dạng xổ sữa vượt tiêu chuẩn trẻ em; nó cứ như một cục nam châm thu hút mọi cặp mắt săm soi.

Chỉ còn 2 người trong đám “gà” được chủ tổ chức dẫn đi tiếp. Đó là tôi và thằng con trai ngang hông!

Tôi rầu, đi chui kiểu này chẳng khác lạy ông tui ở bụi này. Mỗi ngày, giờ, phút, là tôi rủa… lâm râm cha nội dẫn đường, không dưng “đạo diễn” tôi trong cái vai hiền mẫu bất đắc dĩ. Sumo nhóc tì khủng bố tinh thần tôi bằng cách vòi ăn. Không có ăn là nó khóc. Mấy chỉ vàng lận lưng, dần “Cuốn theo chiều gió” chỉ trong vài tuần lễ. Gia đình tôi khắt khe nề nếp. Còn là con gái tiểu thư, tự dưng phải vào vai gái không chồng mà có con. Hơn 2 tuần chờ đi tiếp. Tôi phải săn sóc, tắm rửa, dỗ dành nó như người ta chăm con ruột.

Tôi cực kỳ “đau khổ”!

Cái “mốc” thời gian ấy, tôi bắt đầu bằng những trang nhật ký đầu đời sặc mùi… sến nương, như thể “đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào…”  Đêm nơi xứ người, tôi nằm nghiền ngẫm cuộc đời; nghiền ngẫm nỗi “thống khổ tự thân”; rồi tự an ủi mình, là nỗi “khổ đau” hiện tại không xuất phát bởi ngôi sao xấu nào đó chiếu mệnh, mà là sự đồng thuận của chính ta để nghịch cảnh xảy đến. Khi Thượng đế đóng sập tất cả các cánh cửa của cuộc đời, và lại quên… đưa lại cái chìa khóa thì hãy tự tin rằng nghịch cảnh sẽ thanh luyện tâm hồn, bản lãnh để ta sẵn sàng đón nhận... những nghịch cảnh kế tiếp!

Đi chui không lọt, may mắn trở về Sài Gòn bình yên, tôi đi tìm giao “trẻ lạc”. Gia đình thằng nhóc ở mặt tiền đường Nguyễn Trãi. Mẹ nó cũng được thả sớm, gặp lại mẹ hiền… (thiệt) mà nó không mừng, mà khóc hét, “Con muốn ở với cô Hạnh”. Tôi đứng trân, rồi ráng ngậm ngùi vỗ về nó, “Thôi Phú ngoan, về với mẹ con rồi mà”.

Ra về, tôi tự dưng muốn khóc. Thấy nhớ nó. Nhớ nó với cái bộ dạng phì nhiêu và cặp mắt trẻ thơ. Nhưng thôi Phú, còn để cô theo sáo sang sông!


Em tôi

Tôi về đến nhà, biết tin Diễm cùng đứa em trai tôi đã “tìm đường cứu nước” chỉ mấy ngày trước đó… Số là Diễm bị công an “tóm” ở cái ga xe lửa -Nam Vang, chỉ “ủ tờ” vài ngày rồi được thả, về được tới nhà trước tôi. Vừa tại gia, lại có tin gọi đi, nó nổi máu anh thư bất tử, khăn gói lên đường cùng đứa em trai tôi.

Em tôi tên Xì. Mẹ tôi kể rằng, cái nickname mẹ tôi đặt cho nó là vì cha tôi lúc là lính mê bài xì dzách. Xì “thù” cái tên cúng cơm, nó chỉ thích được gọi là Hòa. Em tôi tên thật là Đặng Vũ Hòa. Mẹ tôi cưng Xì vì nó là cái khuôn đúc của cha tôi. Thú thật, tôi chưa hề hiểu cái “oai” một thuở oai hùng của cha tôi. Và chỉ khi tôi được đọc một bài thơ của nhà thơ Luân Hoán là chiến hữu thân thiết của cha tôi, gởi tặng ông cách đây một năm, tôi mới hiểu được “anh là ai?”:

“Xuất thân khóa mười chín (19)
Trường võ bị Quốc gia
Chàng thư sinh xứ Huế
Thành anh lính hào hoa
Về binh chủng Biệt Động
Làm Cọp-Ba-Đầu-Rằn
Đụng trận như cơm bữa
Thần chết thành thân quen…”

Cha tôi cấp bậc Đại uý Võ bị Quốc gia, khóa 19. Mẹ tôi, “người yêu của lính” ngày ấy, “si” cha tôi ở cái vẻ hào hoa (có lẽ) nên những gì có liên quan… gần với cha tôi, bà đều rất yêu quý. Xì trở thành “quý tử” của mẹ tôi cũng vì cái nguyên do ấy. Anh em tôi, cứ Hè là xé lẻ “dượt biên”. Tuổi thơ chúng tôi cũng đầy hệ lụy sinh tử.

Hơn 20 năm. Tôi vẫn bị ám ảnh khôn nguôi bởi sự mất mát của những thân phận người… Và một dấu hỏi về một định mệnh nghiệt ngã...

Nguyên văn cái text message tôi gởi người anh trai mình,

“- Anh Hải, Do u recall which refugee camp u were at?” Anh còn nhớ anh ở trại tị nạn nào không?”

“- 13 days at sea with 54 peoples. Lived in an island called Natuna in Indo for 27 days and Galang refugee camp for 3 months” 13 ngày trên biển với 54 người. 27 ngày trên đảo Nutuna ở Indo và 3 tháng ở trại Galang”.

 “- What is Xi’s cause of death?”  Xì chết vì nguyên do gì, anh biết không?

 “- I think Xi was murdered.” Anh nghĩ Xì bị giết.

 “- by Whom?” Ai giết?

Tôi cảm giác một sự im lăng đến thắt tim................ Chập lâu… cell phone reng. Anh tôi gọi, giọng đầy xúc động:

“Em có nhớ là hồi đó khi Xì xuống tàu gởi “mật mã” về, nhà mình đã chung một nửa cho chủ tàu. Nhưng chỉ có 3 ngày sau (anh nhấn mạnh), chỉ có 3 ngày thôi mà đã có điện tín đánh về từ Singapore. Vô lý! Không thể chỉ có 3 ngày đã đến được Singapore và đánh điện về liền. Anh tự hiểu điều này, tụi nó (tổ chức vượt biên) đã có sẵn người bên đó (Singapore) để đánh ngay cái bức điện tín giả về VN vì chỉ muốn lấy hết cái nửa còn lại…”

- Anh có chắc đó là nguyên do đó không? Tôi cảm giác nghẹt thở.

“Lúc đó anh và Ba bên này đã gởi hết thư đến tất cả các văn phòng Cao Ủy Tị Nạn (HCR) đều được trả lời là Xì và Diễm đều không có tên trong sách thuyền nhân tị nạn. Xì và Diễm đều đã bị giết trong chuyến đó. Em có nhớ là những người mà gia đình mình biết có thân nhân đi cùng chuyến đều nhận được cái điện tín giả và bao nhiêu năm cũng không hề biết tin tức gì nữa…”

Anh kể, từ Mỹ anh trở về VN thầm lặng tìm kiếm, điều tra nguyên do cái chết của em tôi. Chỉ có tôi và anh biết chuyện, mẹ tôi thì quá đau đớn để chịu đựng. Lúc mất, em tôi chỉ mới 15 tuổi, vừa học xong lớp Chín.

alt

Di ảnh em tôi lúc 15 tuổi.

Ngày ấy, cha tôi gọi điện từ Mỹ về đã “cảnh cáo” mạnh mẽ với cô tôi rằng “Không được cho đứa nào đi nữa. Giấy tờ bảo lãnh gần xong rồi…”

Anh tôi vượt biên năm 1986. Xì đi năm 1987. Hai năm sau, tôi lên đường đi Mỹ theo diện ODP do cha tôi bảo lãnh.

Những ngày, tháng, năm sau đó. Em tôi và Diễm vẫn bặt tin. Bức điện tín gởi từ Singapore… là bức điện báo tử. Anh tôi gọi cái chết của Xì là “Mysterious death” Cái chết bí ẩn!

Ký ức khơi gợi, tôi và anh cùng cảm giác của cơn đau “thắt tim”...

Hơn 20 năm. Vẫn còn là nỗi ám ảnh. Những nỗi chết mang cơn đau, thật dài…

Trên phone, tôi nghẹn giọng:

- Anh Hải, Xì vượt biên bằng đường nào?

- Bà Rịa!

ĐMH
- website:www.hanhphoto.com

No comments:

Post a Comment