Friday, March 29, 2013

MIỀN NAM VIỆT NAM XƯA VÀ NAY

            

 Hiện nay, người Việt trong nước đang say mê lối sống của người “Hàn quốc” (South Korea). Người gốc Việt ở hải ngoại cũng không khỏi thán phục sự phát triển thần kỳ của Đại Hàn: trong thời gian ngắn 20 năm, dân tộc Triều tiên đã cải biến một Nam Hàn chậm tiến nghèo tài nguyên thành một quốc gia kỹ nghệ phát triển. Nhiều người Việt còn ưu tư đến tiền đồ Tổ quốc và sự sinh tồn của dân tộc Việt nam thường tự hỏi: Tại sao nước Việt Nam vẫn còn là một trong 10 nước nghèo nhứt thế giới sau 33 năm chấm dứt chiến tranh kể từ năm 1975? Mặc dầu Việt Nam là “con cưng” của Hoa Kỳ và đã nhận được vài chục tỷ đô la tiền viện trợ hoặc cho vay, đầu tư từ Liên hiệp quốc (UNDP), các nước phát triển, các định chế tài chánh quốc tế (IMF,WB,ADB), các nhà đầu tư ngoại quốc và ba triệu người gốc Việt tại hải ngoại, GDP của Việt Nam hiện nay chưa tới 53 tỷ Mỹ kim. Căn cứ theo bản Chỉ số Phát triển Thế giới 2007 của Ngân hàng Thế giới, năm 2005, lợi tức đầu người của Việt Nam chỉ là $620 USD thua xa rất nhiều quốc gia Đông Nam Á và Nam Á:
 - Indonesia (150 triệu dân): $1,280 USD, Thái lan: $2,700 USD, Malaysia: gần $5,000 USD, Trung quốc (1 tỷ 300 triệu dân): $1,700 USD, Đại Hàn  và Đài loan:$15,000 USD, Hong Kong: $23,000 USD, Singapore:$25.000 USD.
Mọi người đều đã có một câu giải đáp chính xác: Nguyên nhân chánh đã kềm hảm sự phát triển nước Việt Nam thống nhứt là chế độ cộng sản toàn trị và sự lãnh đạo yếu kém, độc tài và tham nhũng của nhà cầm quyền cộng sản.

Từ ngày bị cưỡng bức thống nhứt, miền Nam Việt Nam đã thay đổi quá nhiều theo chiều hướng xấu. Là một cư dân Sài gòn đã sanh sống dưới ba chế độ thực dân Pháp, Việt Nam Cộng Hòa và cộng sản trước khi vượt biên tị nạn tại Hoa Kỳ, tác giả xin noi theo gương nhà khảo cổ học Vương Hồng Xển viết một cách khách quan về miền Nam Việt Nam xưa và nay để làm tài liệu cho các thế hệ mai sau xét xem chế độ chánh trị nào đã phục vụ tốt dân tộc Việt Nam.
I - ĐỊA LÝ
Căn cứ theo hiệp ước 1874, miền Nam Việt Nam là một thuộc địa của Pháp. Dân gian thường gọi miền đất mới nầy là Nam kỳ lục tỉnh (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).Về mặt hành chánh, dứới thời Pháp thuộc (1874-1945), Nam Kỳ gồm có đô thành (prefecture) Sài gòn-Chợ Lớn và 21 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cap Saint Jacques (Vũng Tàu).
Trong thời gian chấp chánh (1954-1963), Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thay đổi địa danh của một số tỉnh và lập thêm một số tinh mới (Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy, Bình Long, Phước Long, Phước Thành ở miền Đông, Kiến Tường, Kiến Phong ở miền Tây).
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chánh quyền cộng sản đã cố ý xóa bỏ hai địa danh quan trong nhứt của miền Nam: thủ đô Sài gòn của Việt Nam Cộng Hòa bi đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Định đã bị xóa tên trên bản đồ miền Nam Việt Nam mặc dầu Gia Định là một tỉnh lớn nhứt và cố cựu nhứt của Nam kỳ lục tỉnh. Nhà cầm quyền cộng sản đã thay đổi hầu hết địa danh của các tinh miền Nam nhưng vẫn giữ nguyên địa danh của tất cả các tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Phải chăng miền Nam Việt Nam, kẻ chiến bại, đã bị đảng cộng sản xem là một thuộc địa mới của miền Bắc, kẻ chiến thắng? Chánh quyền cộng sản Việt Nam đã không bắt chước nước Nga trong việc xóa bỏ hai địa danh Stalingrad và Leningrad và trở lai tên cũ của thành phố Saint Peterbourg (Petergrad) dưới thời Nga hoàng. Từ khi mang tên mới của Nguyễn văn Ba, người phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Treville đi từ bến Nhà Rồng đến hải cảng Marseille của Pháp năm 1911, đô thành Sài gòn ngày nay không còn xứng đáng được thế giới gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” (Le Perle de l’Orient) về các mặt thiết kế đô thi, mỹ quan, môi trường sống, giao thông, thoát nước v.v…. Sài gòn, một thành phố hoa lệ đã được xây dựng theo kiểu Âu châu ở Viễn Đông, nay còn đâu! Hầu hết các tên đường của đô thành Sài gòn cũng đã bị đổi tên. Các anh hùng dân tộc và nhân vật lịch sử của Việt Nam đã bị xóa tên đường và thay thế bằng tên của các cán bộ cộng sản. Thậm chí, hai trường trung học lớn nhứt ở Sài gòn và miền Nam là trường Petrus Ký và trường Gia Long (dạy nữ sinh) cũng bị áp đặt phải mang tên hai cán bộ cộng sản là vợ chồng Lê Hồng Phong-Nguyễn thị Minh Khai (vợ của Nguyễn Tất Thành tại Moscowa trước khi lấy Lê Hồng Phong).
Đại đa số cư dân của Sài gòn ngày nay là cán bộ cộng sản và thân nhân của họ đến từ miền Trung và miền Bắc chiếm ngụ nhà cửa và khai thác các cơ sở thương mại của tư nhân miền Nam để làm giàu nhanh chóng. Cư dân Sài gòn gốc miền Nam đã bị nhà cầm quyền đuổi đi các vùng “kinh tế mới” hoặc về nguyên quán ở thôn quê để cướp đoạt nhà cửa của họ. Nhiều gia chủ đã trở thành người vô gia cư (homeless), vô nghề nghiệp (jobless) ăn ngủ ngoài lề đường xó chợ. Cảnh khổ của “ngụy dân” miền Nam không bút mực nào tả hết được.
II - KINH TẾ
Miền Nam Việt Nam là một vùng đất phì nhiêu, trù phú. Đồng bằng sông Cữu Long đã cung cấp dồi dào lúa gạo để nuôi sống cả nước Việt Nam và xuất cảng vài triệu tấn gạo mỗi năm. Miền Đông Nam Phần lại rất thích hợp với việc trồng cây cao su, cà phê, cây ăn trái và thành lập các khu kỹ nghệ .
A - Dưới thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa
người miền Nam đã có một đời sống thoải mái và sung túc. Thành thật và hào phóng, họ sống rất lương thiện và giàu lòng giúp đỡ di dân từ Bắc vào Nam.
   Một dẫn chứng cụ thể là trường hợp ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) khi lưu lạc đến xã Phú Kiết, quận Bến Tranh, tỉnh Mỹ Tho đã được một ông Hội đồng ở Sa Đéc rước về nhà nuôi dưỡng đến khi qua đời và được an táng tử tế. Ông Hội đồng tốt bụng nầy là ông nội của ông Lê Quang Uyển, cựu Thống đốc Ngân hàng Quốc gia của Việt Nam Cộng Hòa.
Từ thập niên 1920, nhiều người khá giả đã có khả năng gởi con em sang Pháp du học. Trong nhóm Ngũ Long ở Paris, có hai người miền Nam (Nguyễn An Ninh, Phan văn Trường), hai người miền Trung (Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành) và một người miền Bắc (Nguyễn Thế Truyền). Phần lớn các sinh viên miền Nam du học tại Pháp đã sớm trở thành đảng viên cộng sản đệ tam hoặc đệ tứ quốc tê: Trần văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Dương Bạch Mai, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn văn Tạo v.v.... Chính những trí thức tư sản nầy đã sớm du nhập chủ nghĩa Mác xít vào miền Nam Việt Nam trước khi Hồ Chí Minh, cán bộ cộng sản đệ tam quốc tế, từ Diên An trở về nước năm 1940 vì họ yêu nước và thích công bằng xã hội. Tuy nhiên, họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ trong quảng đại quần chúng miền Nam không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.
Trước năm 1975, dầu giàu hay nghèo, người miền Nam đã không bao giờ bị đói lạnh và cũng không phải ăn cơm độn khoai, bắp như người miền Bắc. Hầu hết các gia đình ở nông thôn đều có vài héc ta (mẩu tây: 10,000m2) ruộng đất để xây nhà ở,canh tác và chăn nuôi. Quyền tư hữu ruộng đất của dân chúng đã được luật pháp công nhận và nhà cầm quyền tôn trọng.
   Trong thập niên 1960, chánh sách Người cày có ruộng của chánh phủ VNCH đã cấp phát cho nông dân không có ruộng đất 3 héc ta đất để canh tác tăng gia sản xuất nông nghiệp. 
  Các chủ điền có nhiều ruộng đất không trực canh đã bị truất hữu nhưng được bồi thường xứng đáng theo giá thị trường. Sau khi thu hoạch mùa màng, nông dân đã được tự do bán nông sản phẩm do sức lao động của họ làm ra. Sở hữu chủ ruộng đất chỉ có nhiệm vụ đóng thuế điền thổ, thuế suất rất nhẹ.Ngoài sắc thuế nầy, họ đã không bị bắt buộc phải đóng góp bất cứ khoản tiền nào khác và cũng không phải đi công sưu. Không có gia đình nào nghèo đói đến mức phải bán con gái đi làm vợ khắp thiên hạ hoặc gởi con đi ngoại quốc làm lao nô hứng chịu các công việc nặng nhọc và nguy hiểm.
B - Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc sống của nhân dân miền Nam đã trở thành khó khăn, lầm than, khốn khổ. Đại bộ phần quần chúng đã bị nhà cầm quyền vô sản hóa bằng nhiều biện pháp thất nhân tâm: đổi tiền hai lần, tịch thâu tài sản, đánh tư sản mại bản và tư sản dân tộc, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa nông nghiệp, quốc doanh hóa tất cả các ngành nghề hoạt động trong xã hội miền Nam, kể cả tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục, từ thiện. Quyền tư hữu ruộng đất đã bị luật pháp xã hội chủ nghĩa phủ nhận
    Tất cả đất đai đều thuộc quyền sở hữu cùa Nhà nước cộng sản và dần dần trở thành tư hữu của các cán bộ, đảng viên cộng sản. Trắng tay, nghèo khổ, mọi người miền Nam đều phải ăn cơm gạo xấu trộn sỏi độn với khoai hoặc bo bo. Lần đầu tiên trong đời, nhiều người miền Nam phải chịu cảnh vô gia cư, thiếu đói và áp bức.
   Trong hoàn cảnh bất hạnh nầy, họ đã phải liều chết vượt biên để trốn chạy khỏi “thiên đường” công sản, tìm con đường sống xứng đáng với phẩm giá con người. Bần cùng, rất nhiều trẻ em các tỉnh trù phú miền Tây đã bị bán đi Campuchia và nhiều nước khác hành nghề mãi dâm, hàng vạn phụ nữ đã bị gả bán như nô lệ cho người ngoại quốc, hàng trăm ngàn thanh niên nam nữ đã phải nộp một số tiền lớn để được gởi ra ngoại quốc làm lao nô cùng khổ. Ở nông thôn, số dân oan khiếu kiện bị cán bộ cộng sản cướp nhà đất ngày càng nhiều nhưng không được tòa án hoặc các cấp thẩm quyền giải quyết thỏa đáng. Ở thành thị, nhân dân lao động sống với nghề xích lô máy, xe ba gác và bán hàng rong đã bị nhà cầm qưyền cộng sản cấm hành nghề nhưng không giải quyết vấn đề công ăn việc làm của họ. Tiếng nói của người nghèo khổ đã không được các “quan chức” cộng sản lắng nghe! Đời sống của hai giai cấp công nhân và nông dân trong “thiên đường” cộng sản ngày càng bi đát. 
  Trong thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ có giai cấp cán bộ đảng cộng sản, gia tộc và các bộ hạ làm áp phe của họ mới giàu có và sống xa hoa phung phí với tài sản to lớn của các nhà tư bản. Giai cấp tư bản mới nầy chỉ chiếm dưới 10% dân số Việt Nam nhưng được hưởng trên 35% lợi tức quốc gia. Tỷ lệ phân phối lợi tức cho giai cấp tư bản đỏ ở Việt Nam cao hơn Trung quốc (34%) và Hoa Kỳ (32%). Sự phân phối lợi tức quốc gia bất công đã gây ra một khoảng cách giữa giàu nghèo, giữa nông thôn và thành thị ngày càng sâu rộng. Giai cấp tư bản đỏ đã trở thành một giai cấp phong kiến, bóc lột, kiêu căng trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
III - CHÁNH TRỊ
A - Dưới thời Pháp thuộc (1874-1945)
Trước năm 1945, Nam kỳ đã được đặt dưới một hệ thống luật pháp tiến bộ của một nước dân chủ Tây Âu. Nhà cầm quyền Pháp gồm các viên chức cao cấp chuyên nghiệp tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chánh (Ecole Nationale d’Administration) hoặc các trường đại học danh tiếng. Các viên chức trung cấp là người bản xứ trúng tuyển trong các kỳ thi nhập các ngạch công chức đã được tổ chức một cách công minh và tự do. Một số người Nam Kỳ tốt nghiệp trường đại học Luật khoa Hà nội hoặc trường Luật và Hành chánh (Ecole de Droit et d’Administration) ở Hà nội đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ trung cao cấp trong nền hành chánh thuộc địa. Nói chung, nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương đều có học vấn cao, tinh thần trọng pháp và liêm chánh. Mặc dầu là thuộc dân Pháp (sujet francais), người dân Nam kỳ đã được hưởng đầy đũ các quyền tự do căn bản của con người do bản Tuyên ngôn quyền con người và quyền công dân (Declaration des droits de l’homme et du citoyen) năm 1789 (đã được bổ túc năm 1793) bảo đảm cho công dân Pháp: an toàn cá nhân, tự do lập đảng, hiệp hội và nghiệp đoàn, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, tư do tham gia cộng vụ, tự do giáo dục, tự do cư trú, di chuyển và xuất ngoại v.v…Căn cứ vào đạo luật 1881 về tự do báo chí, Nguyễn An Ninh đã xuất bản tờ La Cloche Felee (Chuông Rè) để công khai chỉ trích chế độ thực dân Pháp. Bùi Quang Chiêu và Trần văn Ân đã chánh thức thành lập đảng Lập hiến để tranh đấu cải cách chế độ cai trị của Pháp mà không hề bị nhà cầm quyền Pháp trừng phạt. Nói cụ thể, người dân thuộc địa Nam Kỳ đã được hưởng đầy đũ nhân quyền cũng như người Pháp:
-                      An toàn cá nhân: Không ai có thể bị giết chết, bắt giữ, cầm tù, đánh đập nếu không phạm tội hình và bị tòa án truy tố, xét xử căn cứ theo hai bộ luật hình sự canh cải (code penal modifie) và hình sự tố tụng (code de procedure penale). Các hành động giết người, giam giữ, đánh đập bất hợp pháp người bản xứ của nhân viên công lực đã bị tòa án trừng trị nghiêm khắc.
-                      Tự do cư trú và di chuyển: Người dân có quyền cư trú tại bất cứ nơi nào và di chuyển từ Nam kỳ đến Bắc kỳ, Trung kỳ, Lào, Cao Miên hoặc các nước khác nếu có giấy “thuế thân” hay chứng chỉ lý lịch cá nhân (titre d’identite). Nhà cầm quyền Pháp trước năm 1945 đã không áp dụng chế độ hộ khẩu và chế độ xin phép di chuyển khỏi nơi cư trú như nhà cầm quyền cộng sản sau năm 1945.
-                      Tự do tôn giáo và tín ngưỡng: Tín đồ có quyền tự do thờ phượng và cầu nguyện tại các chùa chiền, am tự, nhà thờ, hội thánh, nhà nguyện, thánh thất hoặc tư gia. Tu sĩ các tôn giáo được tự do truyền đạo, hành đạo, giảng đạo. Thực thi luật tách rời Nhà nước khỏi Tôn giáo (Separation de l’Eglise et de l’Eat) ban hành năm 1905 tai Pháp, nhà cầm quyền thực dân tuyệt đối không can thiệp vào lãnh vực tôn giáo và không bao giờ thành lập các tôn giáo quốc doanh cũng như Ban Tôn giáo ở các cấp để kiểm soát hoạt động của các tôn giáo như nhà cầm quyền cộng sản đã làm sau nầy. Chánh quyền Pháp cũng không hề tịch thu đất đai và tài sản của các tôn giáo.
-                      Tự do tham gia công vụ: Trong thời Pháp thuộc, sự tuyển dụng công chức không căn cứ vào lý lịch, đảng tịch hoặc gia thế. Theo quan niệm của Pháp quốc và các nước Tây Âu, các cơ quan hành chánh, cảnh sát công an, quân đội, tòa án phải phi đảng phái và giữ vai trò trung lập trong bộ máy Nhà nước. Mọi người dân Nam Kỳ đều có quyền được tuyển dụng làm công chức thông qua các kỳ thi tuyển. Ngay cả một số người từ Bắc kỳ, Trung kỳ vào Nam lập nghiệp cũng đã trở thành công chức cao cấp. Ông Đốc phủ sứ Vũ Tiến Huân, cựu Phó Đô trưởng Sài gòn-Chợ lớn, là một trường hợp điển hình.
B - Dưới chế độ Việt Minh (1945-1954)
Thời kỳ thái bình thạnh trị của Nam kỳ đã chấm dứt kể từ ngày một thiểu số cán bộ cộng sản thuộc Đệ tam quốc tế do Trần văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Dương Bạch Mai và Nguyễn văn Trấn lãnh đạo cướp chánh quyền tại Sài gòn vào cuối tháng 8 năm 1945. Cuộc chiến tranh gọi là “giải phóng dân tộc” do Hồ Chí Minh và đảng cộng sản phát động để áp đặt chủ nghĩa cộng sản đã gây ra quá nhiều thảm họa cho nhân dân miền Nam:
- Nhiều nhà hoạt động chánh trị và trí thức yêu nước đào tạo ở ngoại quốc đã bị Việt Minh ám sát, thủ tiêu. Trong số nạn nhân của bọn cộng sản Đệ tam quốc tế có nhiều đảng viên cộng sản Đệ tứ quốc tế.
-Vô số thường dân vô tội đã bị Việt Minh xử tử không cần xét xữ, đánh đập tàn nhẫn hoặc giam giữ vô thời hạn vì bị chụp mũ là Việt gian, gián điệp.
- Trong vùng kiểm soát của Việt Minh ở các thôn làng hẻo lánh, phần lớn nhà cửa của dân chúng, các cơ sở công cộng, đình chùa, chợ búa, trường học đều bị thiêu hủy. Thôn dân bị Việt Minh khủng bố và cưỡng bức đóng góp cho “Cách mạng” tài vật, tiền bạc, lương thực, thuốc men, lao động, nhân lực cho bộ đội, nơi trú ẩn trong nhà cho cán bộ cộng sản.
- Trong vùng kiểm soát của quân đội Pháp và chánh quyền quốc gia, Việt Minh đã gia tăng các hoạt động khủng bố, ám sát, giết người tại các nơi công cộng, kinh tài mạo hiểm để đánh dấu sự hiện diện của cộng sản, đồng thời phá hoại các trục lộ giao thông, cầu kỳ và cơ sở tiện ích công cộng, tổ chức và xúi dục các cuộc biểu tình, bải khóa, đình công, bải thị để gây bất ổn chánh trị, xáo trộn xã hội miền Nam.
- Chiến tranh du kích và phá hoại đã cản trở sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thu nhập của nông dân, bắt buộc một số đáng kể gia đình phải rời bỏ nông thôn đi về thành thị lánh nạn, làm ăn sanh sống một cách chật vật, chui rúc trong các căn nhà lá chật chội.
- Trong hoàn cảnh chiến tranh, nhân quyền và các quyền tư do căn bản của nhân dân miền Nam đã dần dần bị Việt Minh hủy bỏ, nhứt là tại nông thôn.
Trong chiến tranh Đông Dương (1945-1954), Việt Minh đã đình chỉ thi hành hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ban hành năm 1946 để lợi dụng tình trạng vô luật pháp cai trị nông thôn và rừng núi một cách tùy tiện theo ý chí của hai lãnh đạo cộng sản (Lê Đức Thọ, quê Nam Định, và Lê Duẫn, quê Quảng Trị). Vì cướp chánh quyền bằng bạo lực, Việt Minh là một nhà cầm quyền bất hợp pháp do đảng cộng sản lãnh đạo đã phủ nhận tất cả quyền con người và quyền tự do căn bản của người Nam bộ đã được hưởng dưới thời Pháp thuộc. Mù quáng tuân hành các giáo điều của chủ nghĩa cộng sản do Karl Marx, Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông truyền dạy, Việt Minh đã không từ bỏ bất cứ hành động gian ác và ghê tởm nào. Dân chúng nông thôn Nam bộ rất kinh sợ các hành vi khủng bố, giết người, bắt cóc, thủ tiêu rất dã man của các cán bộ cộng sản. Bầu không khí sợ hãi bao trùm khắp các vùng bưng biền và chiến khu do Việt Minh kiểm soát. Ngoài lo sợ bom đạn, chết chóc và tù đày vô thời hạn, sự khan hiếm lương thực, thuốc men, dịch vụ y tế và giáo dục đã khiến cho dân chúng nông thôn càng thêm cực khổ.
C - Dưới chế độ quốc gia Việt Nam (1946-1954)
Dân chúng miền Nam sống dưới quyền kiểm soát của chánh quyền quốc gia từ năm 1946 đến năm 1954 đã có một cuộc sống thoải mái và tự do.
 Dưới quyền lãnh đạo của một Thủ Hiến (governor) do Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm, Nam phần đã có một nền hành chánh hữu hiệu và lành mạnh, một nền tư pháp chuyên nghiệp và độc lập, một hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh và một quân đội quốc gia với đầy đũ hải, lục, không quân. Chế độ pháp trị của nước Việt Nam thống nhứt (gồm có Nam phần, Trung phần và Bắc phần) đã được xây dựng trên nền tảng hai đạo dụ số 1 và số 2 của Quốc trưởng Bảo Đại ban hành ngày 1-7-1949 để tổ chức nền hành chánh trung ương và địa phương của nước Việt Nam độc lập và thống nhứt. Áp dụng nguyên tắc địa phương phân quyền, Thủ Hiến điều khiển và kiểm soát guồng máy hành chánh địa phương bao gồm đô thành Sài gòn - Chợ lớn, các tỉnh, thị xã, quận và xã ấp ở Nam phần. Các công chức cao cấp đều có nhiều kinh nghiệm và kiến thức cao, hầu hết đều tốt nghiệp các trường đại học trong nước và ngoại quốc. Các công chức trung cấp cũng phải trúng tuyển trong các kỳ thi nhập ngạch công chức đã được tổ chức một cách vô tư, công bằng và minh bạch.
Dưới chế độ Quốc trưởng Bảo Đại, người dân Nam phần đã được luật pháp bảo đảm đầy đũ tất cả quyền con người và quyền tự do của công dân một quốc gia độc lập. Nói cụ thể hơn, mọi người dân đều có các quyền tự do kể sau:
- Quyền an toàn cá nhân: Người dân Nam phần đã được bảo vệ triệt để quyền an toàn cá nhân như dưới thời Pháp thuộc. Quyền an toàn cá nhân là một quyền thiêng liêng nhứt của con người.
- Tự do sở hữu ruộng đất, nhà cửa, tài sản: Quyền tư hữu cũng là một quyền thiêng liêng của con người chớ không phải là một tội phạm. Nhà nước có quyền trưng dụng tài sản của tư nhân để thực hiện các công trình lợi ích chung nhưng phải bồi thường xứng đáng cho sở hữu chủ theo giá thị trường.
- Tự do kinh doanh và cạnh tranh trong tất cả các ngành nghề ngoại trừ lãnh vực quốc phòng. Lãnh vực tư doanh rất rộng lớn. Xí nghiệp quốc doanh bị hạn chế trong phạm vi quốc phòng và an ninh quốc gia.
- Tự do báo chí: sách, báo và phim ảnh của tư nhân xuất bản tràn đầy và phát hành khắp nơi trong nước.Riêng tại Sài gòn đã có cả trăm nhựt báo, tuần báo, bán nguyệt san và nguyệt san do tư nhân xuất bản. Các nhà in và cơ sở phát hành sách, báo, phim ảnh thuộc quyền sở hữu của tư nhân và do tư nhân quản lý. Nam Cường là một nhà phát hành sách báo quen thuộc tại Sài gòn. Các nhựt báo Sài gòn mới, Thần Chung, Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Thời đại mới, Journal d’Extreme Orient v.v…đều do tư nhân xuất bản.
- Tự do tư tưởng và ngôn luận: mọi người đều có quyền hội họp và thảo luận về các vấn đề chánh tri, kinh tế, văn hóa, xã hội; quyền phát biểu ý kiến và trình bày quan điểm cá nhân không hề bị cấm đoán.
- Tự do tôn giáo và tín ngưỡng: mọi người đều được tự do thờ phượng và cầu nguyện theo đức tin; truyền đạo và hành đạo không cần phải xin phép chánh quyền. Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, Đại đạo Tam kỳ phổ độ (Cao Đài), Ấn độ giáo, Hồi giáo, đạo B’Hai v.v.. đã công khai hoạt động như dưới thời Pháp thuộc mà không cần phải xin phép Nhà nước hoặc quốc doanh hóa. Tín hữu nhóm họp tại tư gia để thờ phượng và cầu nguyện chung không bao giờ bị Nhà nước xem là vi phạm luật pháp.
- Tự do lập đảng và lập hội: Nhiều chánh đảng đã thành lập và hoạt động công khai (Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Hòa Hiệp, Đại Việt Quốc dân đảng của Nguyễn Tôn Hoàn và Phan Thông Thảo, Đảng Xã hội của Phan Bá Cầm v.v…); nhiều Tổng Công đoàn (Lao công, Lao động và Lực lượng Thợ thuyền), nghiệp đoàn công nhân, nghiệp đoàn chủ nhân, hiệp hội đã do tư nhân chánh thức thành lập và điều khiển.
- Tự do biểu tình, xuống đường, đình công, lãng công: Người dân có quyền bày tỏ ý kiến công khai qua các cuộc xuống đường, công nhân có quyền tranh đấu bảo vệ quyền lợi của mình bằng các biện pháp biểu tình, đình công, lãng công mà không bị nhân viên công lực đàn áp, đánh đập.
- Tự do khiếu nại và khiếu tố: Nếu cảm thấy quyền con người và quyền tự do căn bản của mình bị xâm phạm, người dân có quyền khiếu nại hoặc khiếu tố. Tòa án hoặc các cơ quan hành chánh có thẩm quyền có nhiệm vụ giải quyết thỏa đáng các khiếu tố hoặc khiếu nại của người dân. Ngoài ra, trong guồng máy hành chánh của Nam phần còn có các cơ quan kiểm soát có thẩm quyền thanh tra và điều tra các khiếu nại của người dân. Báo chí và các cơ quan dân cử (Hội đồng Đô thành Sài gòn-Chợ lớn, Hội đồng thị xã, Hội đồng tỉnh, Hội đồng xã) cũng có quyền điều tra để đưa ra ánh sáng các hành vi sai trái hoặc phạm pháp của cơ quan Nhà nước bị khiếu nại.
Sự no ấm, tự do, độc lập và hạnh phúc của người dân Nam phần là kết quả tốt đẹp của một chiến lược sáng suốt do Cựu Hoàng Bảo Đại áp dụng:
-                      Tranh thủ độc lập và thống nhứt nước nhà một cách ôn hòa bằng đường lối ngoại giao: hiệp ước Elysee đã được ký kết ngày 8 tháng 3 năm 1949 giữa Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Đại công nhận nền độc lập và thống nhứt của nước Việt Nam.
-                      Hướng về phương Tây (West) để phát triển quốc gia về các mặt chánh trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục và xã hội. Từ năm 1948, Quốc trưởng Bảo Đại đã đi theo con đường canh tân nước Nhựt của Minh Trị Thiên hoàng trong hậu bán thế kỷ 19 để thu hồi độc lập, thống nhứt đất nước không tốn một giọt máu của người dân Việt và phát triển quốc gia Việt Nam theo đường hướng Tây phương hóa (westernization) dưới ánh sáng của Tây Âu và Hoa Kỳ.
Trong khi chánh quyền quốc gia của Quốc trưởng Bảo Đại hướng về phương Tây (Tây Âu và Hoa kỳ), Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam lại hướng về phương Đông (Trung quốc và Liên xô), tiến hành chiến tranh ý thức hệ để chiếm đoạt chánh quyền bằng bạo lực cách mạng và bành trướng chủ nghĩa cộng sản dưới chiêu bài “giải phóng dân tộc”. Nhằm mục đích áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên bán đảo Đông Dương, đảng cộng sản Việt Nam đã tình nguyện làm tay sai của Trung quốc “vĩ đại” và Liên xô “vĩ đại” để được viện trợ (có hoàn lại) các phương tiện chiến tranh giết hại đồng bào ruột thịt, tàn phá đất nước, làm khổ dân lành. Hồ Chí Minh và các đồ đệ của y đã không biết một bí ẩn lịch sử: Chậm phát triển hơn Tây Âu trong thế kỷ 19, nước Nga đã có một tranh chấp lâu đời với các nước Tây Âu, ngoại trừ nước Pháp (đã ký một hiệp ước liên minh với Nga năm 1895). Vì vậy, Liên xô đã lợi dụng chủ nghĩa cộng sản của hai người Đức (Karl Marx và Frederic Engels) như một phương tiện để đánh phá Tây Âu từ trong nội bộ của các nước nầy và từ các thuộc địa của các đế quốc Tây Âu ở châu Á và châu Phi. Với ác ý thúc đẩy các nước Tây Âu tàn sát lẫn nhau, Liên xô đã ký kết với Đức quốc xã của Adolf Hitler  hiệp ước bất tương xâm (non aggression treaty) Molotov-Ribbentrop Pact ngày 23 tháng 8 năm 1939 sau khi nước Đức xâm lăng Tiệp khắc và Ba lan, mở màn cuộc thế chiến thứ 2. Không thích thú gì với chủ nghĩa cộng sản, Liên xô sẽ vứt bỏ chủ nghĩa không tưởng nầy vào sọt rác khi đã phát triển khoa học-kỹ thuật ngang bằng hoặc cao hơn Tây Âu.
(Tùng Phong, Chính đề Việt Nam, nhà xuất bản Đồng Nai, Sài gòn, thời đệ nhị Cộng Hòa).
Liên xô đã thật sự làm việc nầy năm 1992. Chính Vladimir Illyich Lenin trước khi qua đời năm 1924 cũng đã tỏ ra khinh miệt những người Tây phương có cảm tình với các mục tiêu của chủ nghĩa mác xít khi y gọi họ là những kẻ “ngu dốt hữu dụng” (useful idiots).
( Gregg Cunningham, Russia as peacekeeper? Absurd. The Orange County Register August 24,
2008)
Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Đỗ Mười và những nhân vật đầu sỏ của đảng cộng sản Việt Nam rất xứng đáng được Lenin đánh giá thấp như vậy.
Cũng như Nga, Trung quốc vẫn còn hận thù các nước trong bác quốc liên quân đã xâu xé nước Tàu trong thế kỷ 19. Mối thù lâu đời nầy đã thúc đẩy Trung quốc lợi dụng chủ nghĩa cộng sản để sai khiến các nước thuộc địa Á Phi trong đó có Việt Nam nổi dậy chống các đế quốc Tây phương. Mặc dầu là kẻ thù của Tây Âu và Hoa Kỳ, Liên xô và Trung quốc vẫn học tập đường lối phát triển của Tây phương. Tuy nhiên, hiện nay, Nga và Trung quốc vẫn còn thua kém Hoa kỳ và Tây Âu về mặt phát triển đất nước. Sau 30 năm đổi mới kinh tế, Trung quốc vẫn còn là một quốc gia đang phát triển với GDP từng đầu người 1,700 USD. Năm 2007, nền kinh tế của nước Nga đứng hạng 11 trên thê giới với GDP 1, 290 tỷ USD nhưng nhỏ nhứt trong các nước G8 mặc dầu Nga rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhứt là dầu hỏa và khí đốt. Thu nhập bình quân đầu người của Nga chỉ bằng phân nửa của Đại Hàn.
(The Orange County Register 08-08-2008, The Globalist Quiz: Answers).
Tình trạng kinh tế kém phát triển của nước Nga là hậu quả của chế độ cộng sản Liên xô trị vì 73 năm trên quê hương của cách mạng vô sản với biết bao xương máu, nước mắt và trên 20 triệu sinh mạng đã bị nhà độc tài Josef Stalin tàn sát. Ngự trị Liên xô trong ba thập niên với nhiều thủ đoạn sắt máu, Stalin là cấp chỉ huy của Hồ Chí Minh, cán bộ đệ tam quốc tế cộng sản từ năm 1924. Stalin là người nước Georgia, một cựu Cộng hòa độc lập của Liên bang Xô viết ở Đông Âu. Hiện nay, tượng đồng của Stalin vẫn còn tồn tại trong thành phố Gori của Cộng hòa Georgia thân Hoa Kỳ vừa bị quân đội Nga tấn công trong dịp khai mạc Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh
Hận thù của Nga sô và Trung quốc đối với các nước Tây Âu và Hoa Kỳ là nguyên nhân chánh của hai cuộc chiến tranh Việt Nam đã kéo dài từ 1945 đến 1975. Trong cuộc tranh chấp giữa chế độ cộng sản độc tài tàn bạo của Hồ Chí Minh và chế độ quốc gia chánh danh của Cựu Hoàng Bảo Đại, quảng đại quần chúng Nam phần hậu thuẫn chánh quyền Sài gòn vì chánh quyền nầy đã tạo cho họ một cuộc sống thoải mái về cả ba mặt vật chất, tinh thần và tâm linh. Cán binh cộng sản đã phải co cụm lại trong các chiến khu Đ, Hắc Dịch, Dương Minh Châu, Bời Lời ở miền Đông, Đồng Tháp Mười và U Minh ở miền Tây Nam phần. Hầu hết các cơ sở hạ tầng của cộng sản ở nông thôn Nam phần đã bị chánh quyền quốc gia tiêu diệt từ năm 1953 dưới thời Chánh phủ Nguyễn văn Tâm.
Nhưng ở Bắc phần, với viện trợ hùng hậu về phương tiện chiến tranh và binh lực của Trung quốc và Nga sô, bộ đội Võ Nguyên Giáp đã chiến thắng quân trú phòng Pháp-Việt tại Điện biên phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 nhờ có sự tham chiến trực tiếp của quân đội giải phóng Trung quốc. Nếu không có sự giúp đỡ của tướng Vị Quốc Thanh và nhiều đơn vị pháo binh Trung quốc thì chưa chắc Đại tướng Việt Nam cộng sản Võ Nguyên Giáp đã có thể chiến thắng Thiếu tướng Pháp De Castries tại trận Điện biên phủ. Ảnh hưởng lớn lao của Trung cộng trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ nhứt đã được hai nhân vật lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam vạch rõ như sau:
  - Trong thời gian lưu vong tại Trung quốc, Hoàng văn Hoan, cựu ủy viên bộ Chánh trị và Đại sứ lâu năm của cộng sản Việt Nam tại Bắc kinh, đã công bố hồi ký tiết lộ rằng từ năm 1950 đến năm 1954, Bắc kinh đã gởi qua Bắc Việt rất nhiều cố vấn để chỉ huy bộ đội và chánh quyền Việt Minh.
(Hoàng văn Hoan, Một giọt nước trong một đại dương, Kỷ niệm cách mạng, Paris, 1989).
  - Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã gián tiếp công nhận năm 1964 sự đóng góp của Trung quốc: “Kể từ năm 1950, sau chiến thắng của Tàu (cộng), bộ đội và nhân dân ta đã có thể học được nhiều bài học quý báu từ Quân đội giải phóng Trung quốc. Chúng ta đã có thể tự giáo dục chúng ta nhờ tư tưởng chiến tranh của Mao Trạch Đông. Đó là yếu tố chánh đã quyết định sự trưởng thành của quân đội ta và góp phần vàơ các chiến thắng liên tiếp của chúng ta.”
(Nhật báo Nhân dân ngày 7 tháng 5 năm 1964, Các nhà cách mạng Đông Dương)
(Stephane Courtois, Le Livre noir du communisme, page 505, Robert Laffont,1997).
Trong khi Trung quốc công khai tham chiến tại Điện biên phủ, Hoa kỳ, nước lãnh đạo thế giới tự do sau thế chiến 2, đã rất dè dặt trong việc trong việc can dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Vì Thủ tướng Anh năm 1954 là Winston Churchill không đồng ý can thiệp quân sự vào chiến trận Điện biên phủ, e ngai có thể tái diễn chiến tranh tại Triều Tiên vừa chấm dứt năm 1953, Hoa Kỳ đã đình chỉ thi hành kế hoạch can thiệp quân sự (operationVautour) do Đô đốc  Arthur Radford, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu hổn hợp của quân đội Mỹ, thiết lập.Theo kế hoạch nầy, Hoa kỳ dự định sẽ sử dụng một số lớn phi cơ Mỹ tại Philippines và trên các hàng không mẫu hạm tại Thái bình dương oanh tạc phá hủy các ổ trọng pháo của Trung cộng bố trí xung quanh khu lồng chảo Điện biên phủ.
(David Lan Pham, International Political-Cultural Influences on Vietnam in the 20th Century, Xlibris Corporation, USA, 2003)
Sự dè dặt của Anh-Mỹ trong cuộc chiến tranh nóng ở Đông Dương đã vô tình giúp cho đảng cộng sản Việt nam đạị thắng tại Điện biên phủ, thống trị miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 để làm bàn đạp cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, thống nhứt đất nước dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975. 
 Đó là một định mạng éo le Thượng đế đã an bài cho đất nước và dân tộc Việt nam!
PHẠM ĐÌNH HƯNG                                                      
Westminster, ngày 05-09-2008

No comments:

Post a Comment